Viêm gan B | |
---|---|
Virus viêm gan B trên ảnh hiển vi điện tử | |
Chuyên khoa | Khoa tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm |
Triệu chứng | Không có, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu đậm, đau bụng[1] |
Biến chứng | Xơ gan, ung thư gan[2] |
Khởi phát | Một đến sáu tháng sau nhiễm virus[1] |
Thời gian | Ngắn hoặc lâu dài[3] |
Nguyên nhân | Virus viêm gan B lây qua một số dịch cơ thể[1] |
Yếu tố nguy cơ | Tiêm chích, quan hệ tình dục, thẩm tách, sống cùng người nhiễm[1][4] |
Chẩn đoán | Xét nghiệm máu[1] |
Phòng ngừa | Vắc-xin viêm gan B[1] |
Điều trị | Thuốc kháng virus (tenofovir, interferon), ghép gan[1] |
Số người mắc | >391 triệu (2017)[5] |
Số người chết | 65.400 trực tiếp (2015), >750.000 (tổng)[1][6] |
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra.[1][7] Đây là một dạng viêm gan do virus[8] có thể gây tình trạng nhiễm virus cấp tính hoặc mạn tính.[1] Nhiều người không thấy triệu chứng vào thời gian đầu.[1] Trong nhiễm cấp tính, dấu hiệu bệnh tật có thể nhanh chóng xuất hiện gồm nôn mửa, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu đậm, đau bụng.[1] Thường những triệu chứng này kéo dài vài tuần và nhiễm virus ban đầu hiếm khi gây tử vong.[1][9] Triệu chứng nhìn chung khởi phát 30 đến 180 ngày sau nhiễm.[1] 90% người bị nhiễm virus vào khoảng lúc sinh mắc bệnh mạn tính, trong khi tỷ lệ này với người bị nhiễm sau năm tuổi là chưa đến 10%.[4] Hầu hết trường hợp mạn tính không có biểu hiện gì nhưng xơ gan và ung thư gan là nguy cơ về sau.[2] Xơ gan và ung thư gan xảy ra ở khoảng 25% ca bệnh mạn tính.[1]
Tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể chứa virus là phương thức lây.[1] Ở những nơi mà bệnh phổ biến, con đường lây chủ yếu là từ mẹ sang con vào khoảng lúc sinh hoặc tiếp xúc với máu của người khác trong thời thơ ấu.[1] Ở những nơi mà bệnh hiếm gặp, tiêm chích và giao hợp là hai con đường chính.[1] Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm làm trong lĩnh vực y tế, truyền máu, thẩm tách, sống cùng người nhiễm, sống chung với nhiều người, đi đến các quốc gia có tỷ lệ bệnh cao.[1][4] Xăm và châm cứu từng dẫn tới một số lượng đáng kể ca bệnh hồi thập niên 1980 nhưng điều này đã giảm thiểu nhờ khâu khử trùng cải thiện.[10] Virus viêm gan B không thể lây qua hành động nắm tay, dùng chung dụng cụ ăn uống, hôn, ôm, ho, hắt hơi, hay cho con bú.[4] Tình trạng có thể được chẩn đoán 30 đến 60 ngày sau phơi nhiễm.[1] Xét nghiệm máu tìm thành phần virus hoặc kháng thể chống virus thường giúp xác nhận chẩn đoán.[1] HBV là một trong năm loại virus gây viêm gan chính: A, B, C, D, và E.[11]
Căn bệnh phòng ngừa được bằng vắc-xin từ năm 1982.[1][12] Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nếu có thể thì nên chủng ngừa trong vòng 24 giờ sau sinh.[1] Về sau cần thêm hai hay ba liều để đạt hiệu quả đầy đủ.[1] Văc-xin có tác dụng 95%[1] và nằm trong các chương trình quốc gia của khoảng 180 nước trên thế giới tính đến năm 2006.[13] Những khuyến cáo khác là luôn xét nghiệm máu sàng lọc viêm gan B trước khi truyền máu và sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục.[1] Đối với nhiễm virus ban đầu, xử lý thế nào còn tùy vào triệu chứng.[1] Các thuốc kháng virus như tenofovir hay interferon tốt cho người bệnh mạn tính nhưng đắt đỏ.[1] Ghép gan đôi khi được áp dụng để chữa xơ gan.[1]
Có tới khoảng một phần ba dân số thế giới bị nhiễm virus viêm gan B tại một thời điểm trong cuộc đời.[1] Ít nhất 391 triệu người, tương ứng 5% dân số thế giới, bị nhiễm HBV mạn tính vào năm 2017.[5] Cùng năm số ca nhiễm HBV cấp tính là 145 triệu.[5] Mỗi năm có hơn 750.000 người tử vong vì viêm gan B,[1] trong đó khoảng 300.000 là do ung thư gan hệ quả.[14] Căn bệnh phổ biến nhất ở Tây Thái Bình Dương (6,2%) và châu Phi (6,1%),[11] trong khi tỷ lệ ở châu Âu và châu Mỹ lần lượt là 1,6 và 0,7%.[1] Tên gọi ban đầu của bệnh là "viêm gan huyết thanh".[15]
Dấu hiệu và triệu chứng
Nhiễm virus viêm gan B cấp tính có liên hệ với viêm gan do virus cấp tính, tình trạng mà ban đầu biểu hiện ốm yếu toàn thân, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, đau nhức cơ thể, sốt nhẹ, nước tiểu đậm và theo sau là vàng da. Ở đa số người, cơn bệnh kéo dài vài tuần rồi dần dần thuyên giảm. Một số người có thể mắc một dạng bệnh gan nghiêm trọng hơn là suy gan tối cấp và khả năng dẫn tới tử vong. Mặt khác nhiễm virus có thể không gây bất kỳ triệu chứng nào và không được nhận biết.[16]
Tham khảo
- ↑ a b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z aa ab ac ad ae af "Hepatitis B Fact sheet N°204", who.int, tháng 7 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 9 tháng 11 năm 2014, truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2014
- ↑ a b Chang MH (tháng 6 năm 2007), "Hepatitis B virus infection", Semin Fetal Neonatal Med, 12 (3): 160–167, doi:10.1016/j.siny.2007.01.013, PMID 17336170
- ↑ GBD 2015 Disease and Injury Incidence and Prevalence, Collaborators. (ngày 8 tháng 10 năm 2016), "Global, regional, and national incidence, prevalence, and years lived with disability for 310 diseases and injuries, 1990-2015: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2015.", Lancet, 388 (10053): 1545–1602, doi:10.1016/S0140-6736(16)31678-6, PMC 5055577, PMID 27733282
- ↑ a b c d Hepatitis B FAQs for the Public – Transmission, U.S. Centers for Disease Control and Prevention (CDC), lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 11 tháng 12 năm 2011, truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2011
- ↑ a b c GBD 2017 Disease and Injury Incidence and Prevalence, Collaborators. (ngày 10 tháng 11 năm 2018), "Global, regional, and national incidence, prevalence, and years lived with disability for 354 diseases and injuries for 195 countries and territories, 1990-2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017.", Lancet, 392 (10159): 1789–1858, doi:10.1016/S0140-6736(18)32279-7, PMC 6227754, PMID 30496104
- ↑ GBD 2015 Mortality and Causes of Death, Collaborators. (ngày 8 tháng 10 năm 2016), "Global, regional, and national life expectancy, all-cause mortality, and cause-specific mortality for 249 causes of death, 1980-2015: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2015.", Lancet, 388 (10053): 1459–1544, doi:10.1016/S0140-6736(16)31012-1, PMC 5388903, PMID 27733281
- ↑ Logan, Carolynn M.; Rice, M. Katherine (1987), Logan's Medical and Scientific Abbreviations, J. B. Lippincott and Company, tr. 232, ISBN 0-397-54589-4 Bỏ qua tham số chưa biết
|name-list-style=
(trợ giúp) - ↑ "Hepatitis MedlinePlus", U.S. National Library of Medicine, truy cập ngày 19 tháng 6 năm 2020
- ↑ Rubin, Raphael; Strayer, David S. (2008), Rubin's Pathology : clinicopathologic foundations of medicine (lxb. 5th), Philadelphia: Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins, tr. 638, ISBN 9780781795166 Bỏ qua tham số chưa biết
|name-list-style=
(trợ giúp) - ↑ Thomas HC (2013), Viral Hepatitis (lxb. 4th), Hoboken: Wiley, tr. 83, ISBN 9781118637302
- ↑ a b Global hepatitis report 2017 (PDF), WHO, 2017, ISBN 978-92-4-156545-5
- ↑ Pungpapong S, Kim WR, Poterucha JJ (2007), "Natural History of Hepatitis B Virus Infection: an Update for Clinicians", Mayo Clinic Proceedings, 82 (8): 967–975, doi:10.4065/82.8.967, PMID 17673066
- ↑ Williams R (2006), "Global challenges in liver disease", Hepatology, 44 (3): 521–526, doi:10.1002/hep.21347, PMID 16941687, S2CID 23924901
- ↑ GBD 2013 Mortality and Causes of Death, Collaborators (ngày 17 tháng 12 năm 2014), "Global, regional, and national age-sex specific all-cause and cause-specific mortality for 240 causes of death, 1990–2013: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2013.", Lancet, 385 (9963): 117–71, doi:10.1016/S0140-6736(14)61682-2, PMC 4340604, PMID 25530442
- ↑ Barker LF, Shulman NR, Murray R, Hirschman RJ, Ratner F, Diefenbach WC, Geller HM (1996), "Transmission of serum hepatitis. 1970", Journal of the American Medical Association, 276 (10): 841–844, doi:10.1001/jama.276.10.841, PMID 8769597
- ↑ Terrault N, Roche B, Samuel D (tháng 7 năm 2005), "Management of the hepatitis B virus in the liver transplantation setting: a European and an American perspective", Liver Transplant., 11 (7): 716–32, doi:10.1002/lt.20492, PMID 15973718, S2CID 19746065