Viêm gan C | |
---|---|
Ảnh hiển vi điện tử virus viêm gan C từ tế bào nuôi (vạch = 50 nanomet) | |
Chuyên khoa | Bệnh truyền nhiễm, khoa tiêu hóa |
Triệu chứng | Thường là không có |
Biến chứng | Xơ gan mất bù, ung thư biểu mô tế bào gan |
Thời gian | Lâu dài (80–85%) |
Nguyên nhân | Virus viêm gan C |
Chẩn đoán | Xét nghiệm máu tìm kháng thể hoặc RNA virus |
Phòng ngừa | Sàng lọc máu, khử trùng dụng cụ tiêm chích |
Điều trị | Thuốc kháng virus |
Số người mắc | 1,5 triệu ca mới/năm; 58 triệu (mạn tính) (2019) |
Số người chết | 290.000 (2019) |
Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến gan do virus viêm gan C (HCV) gây ra.[1][2] Ở giai đoạn cấp tính ban đầu, người bệnh thường không có triệu chứng.[3] Triệu chứng nếu có thì không đặc biệt, ngoại trừ số ít biểu hiện vàng da, nước tiểu đậm, chán ăn, khó chịu vùng bụng.[4] Có một tỷ lệ bệnh nhân tự đào thải được virus, trong khi số khác tình trạng nhiễm virus lại trở thành mạn tính.[3][4] Viêm gan C mạn tính có 10–20% nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan sau khoảng 20–30 năm.[5][4] Các yếu tố đẩy nhanh diễn tiến của bệnh gồm tuổi cao, là nam giới, béo phì, lạm dụng đồ uống có cồn, đồng nhiễm HIV, ức chế miễn dịch.[5]
Viêm gan C lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc với máu nhiễm virus, nhất là những hành vi như truyền máu hay tiêm chích không an toàn.[5][1] Trong đó tiêu biểu là việc không sàng lọc chặt chẽ máu và các sản phẩm máu hiến trong y tế, dùng chung hay tái sử dụng kim tiêm.[5][6] Rủi ro lây từ mẹ sang con là khoảng 6% và sẽ tăng lên 11% nếu người mẹ đồng thời nhiễm HIV.[7] HIV và HCV có chung đường lây nên tình trạng nhiễm cả hai virus là phổ biến, ước tính 20–30% bệnh nhân HIV đồng thời nhiễm HCV.[8] Viêm gan C ít khi lây qua đường tình dục, mặc dù vậy nguy cơ này là đáng kể ở nhóm đồng tính nam dương tính HIV với chiều hướng gia tăng đã quan sát từ năm 2000.[9][10]
Viêm gan C có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sàng lọc nguồn cung máu, thực hành tiêm chích an toàn, cung cấp dịch vụ giảm thiểu tác hại cho các nhóm nguy cơ cao.[11] Chẩn đoán dựa vào phát hiện kháng thể chống virus và các xét nghiệm khuếch đại nucleic acid để tìm RNA virus.[6] RNA HCV có thể được phát hiện sớm trong vòng 2 tuần sau nhiễm còn kháng thể thì sau đó vài ngày đến vài tuần, dù vậy kháng thể có thể hình thành muộn hoặc không ở người bị suy giảm miễn dịch.[6] Căn bệnh được điều trị bằng thuốc kháng virus trực tiếp (DAA) với nhiều loại thuốc sẵn có cùng nhiều cách kết hợp thành các phác đồ đa dạng.[12][2] Hiệu quả điều trị là cao song chi phí cũng đáng kể.[12][2] Tính đến năm 2021 vẫn chưa có vắc-xin ngừa HCV và mục tiêu của WHO đến năm 2030 loại trừ căn bệnh sẽ khó đạt được nếu không có vắc-xin.[13]
Trong năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính trên thế giới có 58 triệu người mắc viêm gan C mạn tính cùng 1,5 triệu ca mắc mới.[14] Số người tử vong vì căn bệnh là khoảng 290.000, chủ yếu từ các biến chứng xơ gan và carcinoma tế bào gan.[14] Gánh nặng bệnh đã giảm so với năm 2015 và WHO đề ra chiến lược xóa bỏ viêm gan do virus khỏi danh sách các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng đến năm 2030.[5][6][15] Mặc dù bệnh có thể chữa khỏi nhưng tỷ lệ số người nhiễm được chẩn đoán và điều trị là thấp.[5] Căn bệnh ban đầu được gọi là "viêm gan không A, không B" cho đến khi tác nhân là virus viêm gan C được khám phá vào năm 1989.[16]
Tham khảo[sửa]
- ↑ a b Alhetheel, Abdulkarim Fahad (ngày 20 tháng 1 năm 2022), "Impact of Hepatitis C Virus Infection of Peripheral Blood Mononuclear Cells on the Immune System", Frontiers in Virology, 1, doi:10.3389/fviro.2021.810231, S2CID 246054931
- ↑ a b c Rabaan, Ali A.; Al-Ahmed, Shamsah H.; Bazzi, Ali M.; Alfouzan, Wadha A.; Alsuliman, Shahab A.; Aldrazi, Fatimah A.; Haque, Shafiul (tháng 5 năm 2020), "Overview of hepatitis C infection, molecular biology, and new treatment", Journal of Infection and Public Health, 13 (5): 773–783, doi:10.1016/j.jiph.2019.11.015, PMID 31870632, S2CID 209462120
- ↑ a b Santantonio, Teresa; Wiegand, Johannes; Tilman Gerlach, J. (tháng 10 năm 2008), "Acute hepatitis C: Current status and remaining challenges", Journal of Hepatology, 49 (4): 625–633, doi:10.1016/j.jhep.2008.07.005, PMID 18706735, S2CID 23704795
- ↑ a b c Westbrook, Rachel H.; Dusheiko, Geoffrey (tháng 11 năm 2014), "Natural history of hepatitis C", Journal of Hepatology, 61 (1): S58–S68, doi:10.1016/j.jhep.2014.07.012, PMID 25443346, S2CID 206125237
- ↑ a b c d e f Spearman, C Wendy; Dusheiko, Geoffrey M; Hellard, Margaret; Sonderup, Mark (tháng 10 năm 2019), "Hepatitis C", The Lancet, 394 (10207): 1451–1466, doi:10.1016/S0140-6736(19)32320-7, PMID 31631857, S2CID 204760994
- ↑ a b c d Webster, Daniel P; Klenerman, Paul; Dusheiko, Geoffrey M (tháng 3 năm 2015), "Hepatitis C", The Lancet, 385 (9973): 1124–1135, doi:10.1016/S0140-6736(14)62401-6, PMC 4878852, PMID 25687730, S2CID 34705025
- ↑ Benova, Lenka; Mohamoud, Yousra A.; Calvert, Clara; Abu-Raddad, Laith J. (ngày 13 tháng 6 năm 2014), "Vertical Transmission of Hepatitis C Virus: Systematic Review and Meta-analysis", Clinical Infectious Diseases, 59 (6): 765–773, doi:10.1093/cid/ciu447, PMC 4144266, PMID 24928290, S2CID 9700724
- ↑ Hernandez, Maria D.; Sherman, Kenneth E. (tháng 11 năm 2011), "HIV/hepatitis C coinfection natural history and disease progression", Current Opinion in HIV and AIDS, 6 (6): 478–482, doi:10.1097/COH.0b013e32834bd365, PMC 3293393, PMID 22001892, S2CID 22791814
- ↑ Jordan, Ashly E; Perlman, David C; Neurer, Joshua; Smith, Daniel J; Des Jarlais, Don C; Hagan, Holly (ngày 10 tháng 7 năm 2016), "Prevalence of hepatitis C virus infection among HIV+ men who have sex with men: a systematic review and meta-analysis", International Journal of STD & AIDS, 28 (2): 145–159, doi:10.1177/0956462416630910, PMC 4965334, PMID 26826159, S2CID 20500813
- ↑ Nijmeijer, Bernadien M; Koopsen, Jelle; Schinkel, Janke; Prins, Maria; Geijtenbeek, Teunis BH (tháng 8 năm 2019), "Sexually transmitted hepatitis C virus infections: current trends, and recent advances in understanding the spread in men who have sex with men", Journal of the International AIDS Society, 22 (S6), doi:10.1002/jia2.25348, PMC 6715947, PMID 31468692, S2CID 201674382
- ↑ Lanini, S.; Easterbrook, P.J.; Zumla, A.; Ippolito, G. (tháng 10 năm 2016), "Hepatitis C: global epidemiology and strategies for control", Clinical Microbiology and Infection, 22 (10): 833–838, doi:10.1016/j.cmi.2016.07.035, PMID 27521803, S2CID 3708506
- ↑ a b Kish, Troy; Aziz, Andrew; Sorio, Monica (tháng 5 năm 2017), "Hepatitis C in a New Era: A Review of Current Therapies", P&T, 42 (5): 316–329, PMC 5398625, PMID 28479841, S2CID 28331723
- ↑ Editorial Office (tháng 4 năm 2021), "The hunt for a vaccine for hepatitis C virus continues", The Lancet Gastroenterology & Hepatology, 6 (4): 253, doi:10.1016/S2468-1253(21)00073-X, PMC 7952124, PMID 33714362, S2CID 232200187
- ↑ a b "Hepatitis C", who.int, World Health Organization, ngày 27 tháng 7 năm 2021, truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2022
- ↑ Roudot-Thoraval, Françoise (tháng 5 năm 2021), "Epidemiology of hepatitis C virus infection", Clinics and Research in Hepatology and Gastroenterology, 45 (3): 101596, doi:10.1016/j.clinre.2020.101596, PMID 33610022, S2CID 231979974
- ↑ Hu, Wei; Zhang, Chao; Shi, Ji-Jing; Zhang, Ji-Yuan; Wang, Fu-Sheng (tháng 12 năm 2020), "Hepatitis C: milestones from discovery to clinical cure", Military Medical Research, 7 (1), doi:10.1186/s40779-020-00288-y, PMC 7706235, PMID 33261650, S2CID 227235657