Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Đau bụng

Đau bụng là cảm giác đau ở vùng bụng, được giới hạn phía trên là mặt dưới của lồng ngực và phía dưới là nếp gấp bẹn. Đau bụng là sự phản ánh tình trạng tổn thương bệnh lý của một cơ quan nào đó trong ổ bụng, nhưng cũng có thể chỉ là do tình trạng rối loạn chức năng của các cơ quan đó, hoặc bệnh lý từ một cơ quan khác ngoài ổ bụng.

Mô tả[sửa]

Đau bụng là một triệu chứng phổ biến ở người lớn cũng như ở trẻ em, là một trong 10 lý do phổ biến nhất khiến người dân đi khám, và là nguyên nhân chiếm 5-10% số trường hợp đến khám cấp cứu.

Đau bụng có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, cho nên chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bụng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Để chẩn đoán đúng cần đòi hỏi phải khai thác kỹ đặc điểm triệu chứng, tiền sử, khám xét lâm sàng cẩn thận và thường cần các xét nghiệm cận lâm sàng quan trọng. Đau bụng thường được chia ra 2 nhóm là đau bụng cấp và đau bụng mạn tính.

Đau bụng cấp là tình trạng đau bụng diễn ra chỉ trong vòng vài giờ hoặc trong vài ngày, thường do các nguyên nhân thực thể của các cơ quan trong ổ bụng gây ra, đòi hỏi cần khám xét và xử lý tích cực sớm để giảm triệu chứng cho người bệnh hoặc dự phòng các biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đau bụng mạn tính là tình trạng đau bụng kéo dài, âm ỉ liên tục hoặc tái diễn từng đợt trong nhiều tuần nhiều tháng, do các bệnh lý thực thể hoặc các rối loạn chức năng của các cơ quan trong ổ bụng.

Tính chất, đặc điểm của đau bụng gồm nhiều loại khác nhau:

  • Đau bụng khu trú là cơn đau chỉ giới hạn ở một phần của bụng, thường liên quan đến bệnh lý thực thể của các cơ quan trong ổ bụng tương ứng với vị trí đối chiếu.
  • Đau bụng lan tỏa là cơn đau xuất hiện ở ít nhất một nửa bụng. Nó có thể xảy ra với nhiều bệnh và tình trạng khác nhau và thường tự khỏi mà không cần điều trị.
  • Đau bụng kiểu co thắt do liên quan đến sự tăng co thắt các cơ trơn của các cơ quan trong ổ bụng (cơ trơn ống tiêu hóa, cơ trơn mạch máu, cơ trơn của các cơ quan tiết niệu sinh dục…)
  • Đau bụng mãn tính hoặc đau bụng tái diễn, thường là đau bụng cơ năng, được định nghĩa là những cơn đau bụng xảy ra ít nhất mỗi tháng một lần trong ít nhất ba tháng. “Cơ năng” có nghĩa là cơn đau là có thật, nhưng không phải do tổn thương bệnh lý của các cơ quan hoặc tình trạng bất thường khác gây ra. Nó có thể liên quan đến chế độ ăn uống, căng thẳng, các vấn đề tâm lý hoặc cảm xúc, hoặc hệ thần kinh chưa trưởng thành hoặc tăng độ nhạy cảm.
  • Đau bụng có kèm theo các triệu chứng khác liên quan đến các bệnh lý của các cơ quan trong ổ bụng hoặc các cơ quan khác ngoài ổ bụng. Ví dụ nôn, buồn nôn, rối loạn trung tiện đại tiện thường có liên quan đến bệnh lý ống tiêu hóa, đau bụng có sốt thường liên quan đến bệnh lý viêm, nhiễm trùng. Đau bụng kèm theo rối loạn các chức năng tuần hoàn hô hấp đôi khi lại là do nguyên nhân các bệnh lý các cơ quan trong lồng ngực như nhồi máu cơ tim chẳng hạn. Đau bụng kèm các triệu chứng thần kinh tâm thần có thể do căn nguyên tâm lý hoặc một số bệnh lý thần kinh đặc hiệu. Cần khai thác tất cả các triệu chứng kèm theo ngoài đau bụng để có thể có được một bảng lâm sàng đầy đủ phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân[sửa]

Có rất nhiều loại nguyên nhân khác nhau gây đau bụng, bao gồm cả nguyên nhân thực thể và nguyên nhân cơ năng; nguyên nhân bệnh lý của các cơ quan trong ổ bụng nhưng cũng thể là do bệnh lý của các cơ quan khác ngoài ổ bụng. Một số nhóm nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Đau bụng do các căn nguyên viêm, nhiễm trùng: viêm dạ dày ruột, viêm đường mật, viêm đường tiết niệu, viêm tụy, viêm ruột thừa, áp xe trong ổ bụng…

Đau bụng liên quan đến tắc nghẽn các đường ống như tắc ruột, tắc mật, tắc nghẽn niệu quản…

Đau bụng cơ năng: do rối loạn co thắt của đường tiêu hóa, đường tiết niệu sinh dục; rối loạn cảm nhận thần kinh thực vật, rối loạn trục điều hòa não ruột.

Đau bụng liên quan đến yếu tố chấn thương: chấn thương gan, chấn thương lách, tụy, thận, mạc treo, ống tiêu hóa…

Đau bụng do bệnh lý khối u/ ung thư: nang, khối u, ung thư ở các cơ quan trong ổ bụng tạo khối chèn ép gây đau.

Đau bụng do căn nguyên ngoài ổ bụng: như động kinh thể bụng, nhồi máu cơ tim, rối loạn tâm thần kinh…

Chẩn đoán[sửa]

Thăm khám[sửa]

Cần hỏi thông tin về đặc điểm của triệu chứng như khởi phát, tính chất đau, vị trí, lan xuyên, các triệu chứng kèm theo. Khai thác kỹ tiền sử của bản thân bệnh nhân và gia đình có thể hữu ích để định hướng đến chẩn đoán tìm nguyên nhân. Các thông tin cơ bản về cơn đau bụng bao gồm:

  • Vị trí đau, hướng lan: xác định chính xác vị trí đau giúp định hướng tới nguyên nhân và thu hẹp chẩn đoán phân biệt. Ví dụ: cơn đau liên quan đến gan và đường mật mật thường ở vùng hạ sườn phải, đôi lúc sẽ lan ra sau lưng và lên vai phải. Hướng lan cũng rất quan trọng: cơn đau do viêm tuỵ lan ra sau lưng, trong khi cơn đau quặn thận lan xuống bẹn sinh dục.
  • Khởi phát: tính chất khởi phát thường đặc trưng trong một số bệnh cảnh. Ví dụ: đau đột ngột, dữ dội ngay từ đầu thường gặp trong thủng tạng rỗng, đau từ từ tăng dần có thể gặp trong viêm ruột thừa cấp.
  • Tính chất đau: đau có thể cồn cào nóng rát hoặc đau chói, đau quặn. Ví dụ loét dạ dày thường đau cồn cào, nóng rất, đau âm ỉ liên tục.
  • Cường độ đau: mức độ đau thường tương ứng mới mức độ nghiêm trọng của bệnh, đặc biệt khi đau dữ dội ngay từ đầu. Ví dụ: cơn đau quặn mật hoặc quặn thận thường đột ngột, dữ dội; trong khi cơn đau của viêm dạ dày ruột thường ít dữ dội hơn.
  • Yếu tố ảnh hưởng đến đau: xác định các yếu tố này giúp làm hẹp chuẩn đoán phân biệt. Cơn đau ở viêm mạch mạc treo mạn tính thường khởi phát sau ăn khoảng một giờ, trong khi đau ở loét hành tá tràng thường giảm sau khi ăn và đau trở lại sau bữa ăn 7-8 giờ. Đau ở viêm tuỵ cấp thường giảm đau khi co người, đau ở viêm phúc mạc thường đỡ khi bệnh nhân nằm yên bất động.

Các triệu chứng kèm theo:

  • Các triệu chứng tiêu hoá: buồn nôn, nôn, đại tiện phân lỏng, đại tiện phân máu, thay đổi tính chất phân, sốt, nhiễm khuẩn huyết…. Bệnh nhân có đau ở một phần tư trên bên phải ổ bụng thường liên quan đến bệnh lý gan mật, khi khám lâm sàng nên chú ý đến màu sắc da, củng mạc mắt, màu sắc của nước tiểu. Đối với những bệnh nhân đau bụng mạn tính, cần phải hỏi kỹ các đặc điểm khi đại tiện. Ví dụ trong bệnh ruột viêm (IBD) bệnh nhân thường đau bụng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, đại tiện phân lỏng kéo dài, có thể đi ngoài phân lẫn máu.
  • Các triệu chứng ở bộ phân sinh dục: ví dụ như đa kinh rong kinh do bệnh lý ác tính ở tử cung, khí hư trong viêm phần phụ …. Đây đều có thể là các nguyên nhân gây đau bụng do bệnh lý đường sinh dục.
  • Các triệu chứng ở tim phổi: các triệu chứng như ho, khó thở, thở nhanh nông có thể gợi ý tới bệnh lý tim phổi. Trong một số trường hợp bệnh lý tim mạch có biểu hiện đau ở bụng như nhồi máu cơ tim thất phải, bệnh nhân có thể cảm giác đau tức liên tục vùng thượng vị khiến bác sĩ khám bệnh có thể nhầm với viêm dạ dày.

Tiền sử:

  • Tiền sử bệnh lý: Bệnh lý nền, phẫu thuật trước đó đều có thể gợi ý tới nguyên nhân đau bụng hiện tại. Ví dụ các phẫu thuật ổ bụng có thể là nguyên nhân gây tắc ruột do dính. Hoặc trên nền bệnh nhân có bệnh tim mạch cần phải chuẩn đoán loại trừ khi bệnh nhân có đau bụng vùng thượng vị.
  • Tiền sử dùng thuốc: một số thuốc điều trị có thể ảnh hưởng tới đường tiêu hoá dẫn tới triệu chứng đau bụng. Ví dụ: bệnh nhân điều trị dài ngày NSAIDs có nguy cơ cao có viêm loét dạ dày, tá tràng. Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, vào viện vì đau bụng và đi ngoài phân lỏng cần nghĩ tới viêm ruột do Clostridioides difficile.
  • Tiền sử ngiện rượu có thể có các bệnh lý về gan mật như suy gan, bệnh dạ dày tăng áp cửa.
  • Tiền sử gia đình: một số bệnh lý có yếu tố gia đình. Ví dụ như bệnh lý IBD, một số ung thư đường tiêu hoá.
  • Bất kỳ yếu tố nào khác như chấn thương, đi du lịch gần đây hoặc uống nước không được xử lý

Khám thực thể[sửa]

  • Nhìn: đánh giá toàn trạng bệnh nhân, màu sắc da niêm mạc, hình dáng ổ bụng, các dấu hiệu đặc biệt. Ví dụ: vết bầm tím trên da bụng ở bệnh nhân viêm tuỵ cấp là dấu hiệu chỉ điểm viêm tuỵ cấp nặng. Vẻ mặt nhiễm trùng chứng tỏ có bệnh lý viêm nhiễm…
  • Sờ: thăm khám kĩ càng theo nguyên tắc sờ từ vùng lành đến vùng bệnh, từ vùng không đau đến vùng đau, khám hết các phần của bụng. Khư trú chính xác vị trí đau và xác định các dấu hiệu bụng ngoại khoa như cảm ứng phúc mạc, phản ứng thành bụng, từ đó định hướng đoán sơ bộ.
  • Gõ: khi thăm khám các tạng và đánh giá chung toàn ổ bụng. Ví dụ khi bụng chướng hơi tiếng gõ sẽ vang. Tràn dịch ổ bụng sẽ gõ đục ở vùng có dịch, mức dịch là ranh giời giữa vùng gõ vang và vùng gõ đục.
  • Nghe: thao tác nghe khi thăm khám bụng thường ít có giá trị. Tuy nhiên trong một số bệnh lý như tắc ruột, nghe nhu động ruột rất có giá trị trong việc phân định tắc ruột cơ năng hay tắc ruột cơ học.

Cận lâm sàng[sửa]

Đa số các trường hợp đau bụng không cần xét nghiệm. Tuy nhiên đối với đau bụng cấp cần phải làm xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân và chẩn đoán loại trừ các trường hợp đau bụng ngoại khoa. Tuỳ từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, khi có định hướng từ khám lâm sàng thì sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết. Chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, chụp CLVT, MRI ổ bụng. Siêu âm tim, xquang tim phổi nếu nghi ngờ căn nguyên bệnh lý tim mạch hô hấp. Các thăm dò khác như nội soi rất có giá trị trong chẩn đoán nguyên nhân các bệnh lý từ đường ống tiêu hóa.

Điều trị[sửa]

Điều trị đau bụng tùy thuộc vào nguyên nhân. Đối với các nguyên nhân bệnh lý thực thể cần điều trị đặc hiệu như phẫu thuật hoặc phác đồ thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên đối với các trường hợp đau bụng cơ năng thì thường không cần điều trị, có thể tự khỏi hoặc khi thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt. Quan trọng nhất để quản lý đau bụng vẫn là cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân để tránh bỏ sót các bệnh lý nguy hiểm tiềm tàng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc sức khỏe lâu dài của người bệnh. Không nên điều trị giảm triệu chứng hoặc điều trị bao vây khi chưa loại trừ hết được các nguyên nhân thực thể nguy hiểm.Vai trò của các bác sỹ chuyên khoa là vô cùng cần thiết.

Phẫu thuật[sửa]

Áp dụng cho một trường hợp có tổn thương thực thể các cơ quan trong ổ bụng như chấn thương vỡ tạng, tắc ruột, thủng tạng rỗng, viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, viêm túi mật cấp…và các trường hợp bệnh lý ung thư. Việc chỉ định phẫu thuật phải do bác sỹ chuyên khoa quyết định và căn cứ trên mỗi tình huống cụ thể, căn cứ vào các hướng dẫn thực hành lâm sàng chuyên khoa cũng như cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ rủi ro cho người bệnh. Tránh hai nguy cơ: bỏ sót và chỉ định quá mức.

Thuốc[sửa]

Các loại thuốc giảm co thắt cơ trơn rất thông dụng và có tác dụng giảm đau cho các trường hợp đau có liên quan đến co thắt cơ trơn đường ống tiêu hóa, mạch máu hoặc đường tiết niệu sinh dục.

Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) và các thuốc giảm đau opiad đôi khi cần sử dụng để làm giảm triệu chứng cho người bệnh. Nhất là trong các trường hợp đau sau phẫu thuật, do ung thư, đau bụng kinh hoặc cơn đau quặn thận. Tuy nhiên cần lưu ý các thuốc NSAIDs có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm tình trạng đau bụng trầm trọng hơn, thậm chí có thể gây các biến chứng loét, thủng ống tiêu hóa.

Các thuốc giảm tiết acid và trung hòa dịch vị có hiệu quả đối với các chứng đau bụng liên quan đến viêm loét dạ dày tá tràng, thực quản.

Kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.

Corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc sinh học được chỉ định trong các trường hợp bệnh lý liên quan miễn dịch.

Các phương pháp can thiệp tối thiểu[sửa]

Các biện pháp can thiệp tối thiểu sẽ giúp làm giảm triệu chứng hoặc giải quyết được nhiều nguyên nhân gây đau bụng. Vai trò của các biện pháp can thiệp tối thiểu ngày càng quan trọng và hữu ích. Ví dụ nội soi mật tụy ngược dòng lấy sỏi, giun ống mật chủ, nội soi tán sỏi tiết niệu, đặt stent qua chỗ hẹp lòng ống tiêu hóa, tiêm hoặc cắt bỏ tại chỗ cơ quan bị bệnh dưới hướng dẫn của các phương pháp chẩn đoán hình ảnh, dẫn lưu ổ áp xe…

Các phương pháp khác[sửa]

Các trường hợp đau bụng mạn tính cơ năng có thể được lợi ích từ các liệu pháp tâm lý, thay đổi dinh dưỡng và sinh hoạt.

  • Các chế độ ăn đặc hiệu
  • Thay đổi công việc, tập thể dục, sinh hoạt, ngủ nghỉ
  • Tâm lý liệu pháp
  • Các thuốc thần kinh, an thần

Tiên lượng[sửa]

Tiên lượng của đau bụng phụ thuộc vào nguyên nhân gây triệu chứng. Các trường hợp đau bụng cấp do nguyên nhân bệnh lý viêm nhiễm thực thể thường tiên lượng tốt nếu được chẩn đoán và xử trí sớm. Đau bụng do căn nguyên bệnh lý ác tính phụ thuộc vào giai đoạn và kết quả điều trị. Các trường hợp đau bụng cơ năng thường hay tái diễn lặp lại nhiều lần nhưng ít ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe.

Phòng ngừa[sửa]

Nhiều loại nguyên nhân gây đau bụng có thể phòng ngừa được bằng điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt ngủ nghỉ và việc thăm khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và xử trí nguyên nhân.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Danny O. Jacobs, William Silen, Abdominal pain- Harrison`s Internal Medicine, 19th Edition.
  2. Nguyễn Phú Kháng, Nội khoa cơ sở, Nhà xuất bản quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.
  3. Terri Core, Karen Hayes, Acute abdominal pain- Nursing 2008 Critical Care, Vol.3, N3; 30-39, www.nursing2008criticalcare.com.
  4. Mary B Fishman, Mark D Aronson, Mariam R Chacko (2021), Chronic abdominal pain in children and adolescents: Approach to the evaluation, UptoDate.
  5. Norton J. Greenberger, Chapter 1: Acute Abdominal Pain: Basic Principles & Current Challenges, Current Diagnosis and Treatment on Gastroenterology, Hepatology & Endoscopy 3rd Edition, Lange.
  6. Robert M Penner, Mary B Fishman (2021), Causes of abdominal pain in adults, Uptodate.
  7. Mark I Neuman (2021), Causes of acute abdominal pain in children and adolescents, Uptodate.