Đức Quốc xã hay phát xít Đức[chú ý 1] là những tên tiếng Việt thường dùng để chỉ nước Đức thời kỳ 1933–1945. Cai trị đất nước này khi ấy là chế độ độc tài của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã (NSDAP). Dưới sự thống trị của Hitler, Đức đã nhanh chóng chuyển đổi thành một quốc gia toàn trị nơi mà chính quyền kiểm soát gần như mọi mặt của đời sống. Tên gọi chính thức của quốc gia này là Deutsches Reich (Đế chế Đức) từ 1933 đến 1943 và Großdeutsches Reich (Đế chế Đại Đức) từ 1943 đến 1945. Các tên gọi thông dụng khác (trong tiếng Đức) là Drittes Reich (Đệ tam Đế chế hay Đế chế thứ Ba), Zeit des Nationalsozialismus (Thời kỳ Chủ nghĩa quốc gia xã hội, viết tắt là NS-Zeit), hay Tausendjähriges Reich (Đế chế Ngàn Năm) theo cách gọi của Hitler và những người quốc xã. Đức Quốc xã chấm dứt tồn tại vào tháng 5 năm 1945 sau khi bại trận trước phe Đồng minh, sự kiện đánh dấu hồi kết cho chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Âu.
Vào ngày 30 tháng 1 năm 1933 Hitler được Tổng thống Cộng hòa Weimar Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức. Sau đó Đảng Quốc xã bắt đầu loại trừ mọi địch thủ chính trị và củng cố quyền lực của mình. Hindenburg qua đời ngày 2 tháng 8 năm 1934 và Hitler đã trở thành nhà độc tài của nước Đức bằng việc sáp nhập chức vụ và quyền hạn của Thủ tướng và Tổng thống vào với nhau. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân tổ chức trên toàn quốc ngày 19 tháng 8 năm 1934 đã xác nhận Hitler là Führer (lãnh tụ, quốc trưởng) duy nhất của nước Đức. Tất cả quyền lực đều tập trung vào tay Hitler, và lời nói của ông ta xếp trên mọi luật lệ. Chính phủ không phải là cơ quan hợp tác, phối hợp, mà là một tập hợp các bè phái đấu tranh vì quyền lực và sự tín nhiệm của Hitler. Vào đỉnh điểm của Đại Suy thoái, những người quốc xã đã khôi phục nền kinh tế ổn định và chấm dứt nạn thất nghiệp hàng loạt bằng vận dụng kinh tế hỗn hợp và chi tiêu mạnh cho quân sự. Chính phủ bội chi để tiến hành một chương trình tái vũ trang bí mật quy mô và những dự án công trình công cộng trên diện rộng, trong đó có Autobahnen (cao tốc). Sự hồi phục của nền kinh tế giúp chế độ ngày càng chiếm được cảm tình của nhân dân.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thuyết ưu sinh quốc xã, và đặc biệt chủ nghĩa bài Do Thái, là những nét đặc trưng trong ý thức hệ của chế độ. Các dân tộc Giéc-manh được xem là chủng tộc thượng đẳng, nhánh thuần khiết nhất của chủng tộc Aryan. Quốc xã bắt đầu biểu hiện rõ hành vi phân biệt đối xử và bức hại người Do Thái sau khi lên nắm quyền. Các trại tập trung đầu tiên được xây dựng vào tháng 3 năm 1933. Người Do Thái, người tự do, xã hội, cộng sản, và những đối tượng không mong muốn khác bị bắt giam, đày ải, hoặc sát hại. Công dân hay Giáo hội Cơ đốc chống đối phép tắc của Hitler bị đàn áp và nhiều lãnh đạo đã bị bắt. Giáo dục chú trọng vào sinh học chủng tộc, chính sách dân số, và rèn luyện thể lực để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nữ giới bị tước đoạt cơ hội học tập và sự nghiệp. Hoạt động giải trí và du lịch được tổ chức thông qua chương trình Kraft durch Freude (Sức mạnh đến từ Niềm vui), và Thế vận hội Mùa hè 1936 đã giới thiệu Đế chế thứ Ba ra với thế giới. Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels đã lợi dụng phim ảnh, các cuộc mít tinh lớn, và tài hùng biện của Hitler một cách hiệu quả để khống chế dư luận. Chính quyền kiểm soát biểu hiện nghệ thuật, thúc đẩy các hình thức nghệ thuật cụ thể và ngăn chặn hoặc không khuyến khích các hình thức khác.
Chế độ quốc xã chi phối các nước láng giềng bằng hành động đe dọa quân sự trong những năm trước chiến tranh. Đức Quốc xã ngày càng đòi hỏi hung hăng về lãnh thổ và đe dọa chiến tranh nếu yêu sách này không được đáp ứng. Lần lượt vào các năm 1938 và 1939 Đức đã xâm chiếm Áo rồi Tiệp Khắc. Quốc gia này ký với Liên Xô một hiệp ước không xâm phạm rồi xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, mở màn chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Âu. Đến đầu năm 1941 Đức đã kiểm soát hầu khắp châu Âu. Các Reichskommissariat tiếp quản những lãnh thổ chiếm đoạt và một chính quyền Đức được thành lập tại phần còn lại của Ba Lan. Đức bóc lột nguyên liệu thô và lao động của cả lãnh thổ chiếm đóng lẫn quốc gia đồng minh.
Chế độ trở nên khét tiếng với hành vi giết người hàng loạt và diệt chủng. Kể từ năm 1939 hàng trăm ngàn công dân Đức khiếm khuyết về thể trạng và trí tuệ đã bị sát hại trong những bệnh viện và nhà thương điên. Những toán quân tử thần Einsatzgruppen theo chân quân đội Đức đến những lãnh thổ chiếm đóng và giết hại hàng triệu người Do Thái cùng những nạn nhân khác. Sau năm 1941 có thêm hàng triệu người bị bắt, ép làm việc đến chết, hoặc giết trong những trại tập trung và trại hành quyết. Vụ diệt chủng này được gọi là Holocaust.
Mặc dù cuộc xâm lược Liên Xô của Đức năm 1941 giành thắng lợi ban đầu nhưng sự trỗi dậy của Liên Xô và việc Hoa Kỳ tham chiếm đã khiến Wehrmacht (lực lượng vũ trang Đức) đánh mất thế chủ động trên Mặt trận phía Đông vào năm 1943 rồi bị đẩy lui về biên giới trước năm 1939 vào cuối năm 1944. Những cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào nước Đức leo thang trong năm 1944 và phe Trục đã phải thoái lui ở Đông và Nam Âu. Tiếp sau cuộc xâm lược Pháp của Đồng minh là việc Đức Quốc xã bị Liên Xô đánh bại từ phía đông và các nước Đồng minh khác từ phía tây dẫn đến kết cục đầu hàng vào tháng 5 năm 1945. Trong những tháng cuối cùng, Hitler do không chấp nhận thất bại đã khiến cơ sở hạ tầng của Đức bị phá hủy nặng nề và làm tăng con số thương vong liên quan đến cuộc chiến. Phe Đồng minh chiến thắng đã đề xướng chính sách phi quốc xã hóa và đưa nhiều lãnh đạo còn sống của chế độ này ra xét xử tội ác chiến tranh tại tòa án Nuremberg.
Bối cảnh
Nước Đức trong những năm từ 1919 đến 1933 được biết đến là Cộng hòa Weimar, một nền cộng hòa với hệ thống bán tổng thống. Cộng hòa Weimar đối mặt nhiều vấn đề như là siêu lạm phát, chủ nghĩa cực đoan chính trị (bao gồm bạo lực từ các nhóm bán quân sự cánh tả và hữu), mối quan hệ nhập nhằng với phe Đồng minh chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ Nhất, và một loạt nỗ lực xây dựng chính phủ liên hiệp thất bại của các đảng phái chính trị chia rẽ.[1] Sau thế chiến thứ Nhất nền kinh tế Đức suy thoái trầm trọng một phần do khoản chiến phí bồi thường theo hòa ước Versailles quy định. Chính phủ in tiền để thanh toán các khoản và trả nợ chiến tranh nhưng kết cục là siêu lạm phát khiến giá hàng tiêu dùng tăng cao, kinh tế hỗn loạn, và bạo loạn lương thực.[2] Khi chính phủ không thể trả nợ vào tháng 1 năm 1923, binh lính Pháp đã chiếm các khu công nghiệp của Đức dọc vùng Ruhr kéo theo bất ổn dân sự lan rộng.[3]
Tham khảo
Chú giải
- ↑ Tên gọi thường gặp nhưng không chính xác do hệ tư tưởng gắn liền với quốc gia này là chủ nghĩa quốc xã chứ không phải chủ nghĩa phát xít. Đây là hai khái niệm phân biệt.
Trích dẫn
- ↑ Childers 2017, tr. 22–23, 35, 48, 124–130, 152, 168–169, 203–204, 225–226.
- ↑ Evans 2003, tr. 103–108.
- ↑ Evans 2003, tr. 186–187.