Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Adolf Hitler
Adolf Hitler(1889 - 1945)
Năm 1934, Hitler trở thành người đứng đầu nước Đức với danh nghĩa Führer und Reichskanzler (Lãnh tụ và Thủ tướng Quốc gia)

Adolf Hitler (1889 - 1945) là chính trị gia, Thủ tướng nước Đức từ năm 1933, Nhà độc tài, Thủ tướng Đế chế thứ Ba của Đức, kiêm nguyên thủ quốc gia từ năm 1934 đến năm 1945.

Adolf Hitler sinh ngày 20.4.1889 ở thị trấn Braunau am Inn (Áo)-một thị trấn nhỏ gần biên giới Áo-Đức, trong một gia đình có bố là nhân viên hải quan Áo cấp thấp. Việc sinh ra ở một thị trấn biên giới có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời chính trị và hệ tư tưởng của Adolf Hitler sau này. Nỗi ám ảnh địa chính trị với tham vọng xóa bỏ các đường biên giới quốc gia đã được Hitler thừa nhận trong cuốn sách Cuộc tranh đấu của tôi (Mein Kampf). Cũng tương tự, nỗi ám ảnh về hoàn cảnh gia đình, về chính trị và bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa quốc gia cực đoan ngay từ khi còn rất trẻ đã khiến Hitler luôn coi thường lao động và muốn trở thành một chính trị gia nổi tiếng.

Năm 17 tuổi, Adolf Hitler tới thủ đô Viena (Áo) với dự định theo học tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Viena. Tuy nhiên, sau hai năm liên tiếp thi trượt và được nhận xét là không có triển vọng trở thành họa sĩ, cùng với sự ra đi của người mẹ-người cung cấp tài chính cho Adolf Hitler theo đuổi ước mơ tại Viena, Adolf Hitler đã phải trải qua những năm tháng tự mưu sinh bằng những công việc lao động chân tay, rồi sau đó là làm công việc sao chép tranh. Những năm tháng này đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Adolf Hitler, bởi để quên đi thực tại khốn khó và những công việc lao động không hề ưa thích, Adolf Hitler rèn luyện được một thói quen đọc sách, đã đọc rất nhiều sách và nghiền ngẫm những ý tưởng về một bức tranh toàn thế giới trong tương lai. Adolf Hitler đã hình thành cho mình một hệ tư tưởng về việc xây dựng lại sức mạnh của đế chế chỉ có thể dựa vào một dân tộc chủ chốt-dân tộc Đức. Những dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Slav, Séc và Do Thái đều bị Adolf Hitler coi là hạ đẳng và dân tộc Đức có quyền cai trị họ với bàn tay sắt. Adolf Hitler sau này đã áp dụng hoàn toàn những hệ tư tưởng và các phương pháp nêu trên trong con đường tạo dựng quyền lực cho mình, gây dựng Đảng Quốc Xã, thiết lập Đế chế thứ Ba của Đức và gây nên cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai.

Năm 1913, Adolf Hitler rời Wien tới sống ở Đức và gia nhập quân đội Đức khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất bùng nổ năm 1914 và hai lần được tặng thưởng huy chương Chữ thập sắt vì những đóng góp trong quân đội. Thảm kịch mà nước Đức phải đối mặt sau bại trận và các điều khoản khắc nghiệt của Hòa ước Versailles đã tác động mạnh mẽ tới người dân Đức chính là cơ hội để Adolf Hitler khai thác cho ý đồ chính trị của mình. Năm 1919, Adolf Hitler gia nhập Đảng Lao động Đức. Năm 1921, với biệt tài hùng biện lôi kéo quần chúng, khả năng tổ chức và tuyên truyền, Adolf Hitler đã trở thành lãnh tụ của đảng và đổi tên đảng thành Đảng Lao động Quốc gia xã hội chủ nghĩa Đức (gọi tắt là Đảng Quốc xã). Chính Adolf Hitler đã nghiên cứu và thiết kế lá cờ “chữ thập ngoặc” với ba màu đỏ, trắng và đen của màu cờ đế chế Đức.

Năm 1923, nước Đức lâm vào khủng hoảng trầm trọng, người dân mất lòng tin vào chính phủ cộng hòa Đức. Adolf Hitler đã lợi dụng thời điểm đó để tiến hành một âm mưu chính trị lật đổ chính phủ. Sự kiện “Bạo loạn nhà hàng bia” diễn ra vào tối ngày 8.11.1923 tại Munchen dưới sự lãnh đạo của Adolf Hitler bị thất bại. Adolf Hitler bị bắt và bị xét xử 5 năm tù giam song được ra tù trước thời hạn. Ở trong tù, Hitler đã viết cuốn Cuộc tranh đấu của tôi (Mein Kampf) với hai tập và 782 trang và trở thành cuốn sách bán chạy thứ hai trong giai đoạn Đức Quốc xã, chỉ sau Kinh thánh. Năm 1940, sáu triệu bản của cuốn sách đã được bán trên toàn nước Đức. Cuộc tranh đấu của tôi (Mein Kampf) thể hiện tư tưởng cốt lõi của Adolf Hitler về việc thay đổi thế giới bằng vũ lực và khôi phục lại một nước Đức đế chế. Nền tảng của Đế chế thứ Ba và Trật tự Mới tàn bạo mà Adolf Hitler áp đặt lên châu Âu trong những năm chiến tranh được diễn tả rõ ràng trong cuốn sách.

Ngày 30.1.1933, Adolf Hitler được bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức. và bắt đầu con đường củng cố quyền lực của mình bằng cách sử dụng Đảng Quốc Xã, loại bỏ các đối thủ chính trị và tập trung quyền lực duy nhất vào một đảng. Ngày 2.8.1934, Tổng thống Hindenburg qua đời, Adolf Hitler chính thức xóa bỏ chức vụ Tổng thống và mọi quyền hạn của chức vụ này nhập vào chức vụ Thủ tướng, trở thành người đứng đầu tối cao của cả nhà nước lẫn chính phủ, là lãnh tụ và thủ tướng và là Tư lệnh Tối cao của các lực lượng vũ trang.

Từ năm 1933 đến năm 1945, Adolf Hitler đã lãnh đạo chính quyền phát xít thực hiện các chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế nhanh chóng và xây dựng nền kinh tế quân sự để làm cơ sở cho một chính sách ngoại giao phát động chiến tranh; thực hiện chính sách “Bài Do Thái”; từng bước phá vỡ trật tự thế giới cũ và phát động chiến tranh thế giới Hai để mở rộng “không gian sinh tồn” của nước Đức, xây dựng một Trật tự Mới do nước Đức thống trị.

Tháng 4.1945 Chiến tranh thế giới Hai bước vào giai đoạn kết thúc với sự bại trận của phe phát xít. Hồng quân Liên Xô tràn qua biên giới nước Đức và kéo quân vào thủ đô Berlin. 3h30 phút chiều ngày 30.4.1945 Adolf Hitler tự sát cùng vợ để tránh rơi vào tay của Hồng quân Liên Xô.

Adolf Hitler là người đã lập nên Đế chế thứ Ba của Đức-chế độ chỉ tồn tại trong vòng 12 năm bốn tháng, song trong khoảng thời gian đó đã gây cho toàn thế giới bạo lực dữ dội hơn bất kỳ thời kỳ nào trước đó. Dưới sự lãnh đạo độc tài của Adolf Hitler, đế chế này đã mở rộng lãnh thổ của nước Đức trên khắp châu Âu, trải dài từ Đại Tây Dương đến sông Volga, từ Biển Bắc xuống đến Địa Trung Hải. Song chính đế chế này cũng đưa người dân Đức và nước Đức rơi vào tình cảnh bị tàn phá nghiêm trọng và bị cô lập ở giai đoạn cuối cuộc chiến. Adolf Hitler đã lãnh đạo Đế chế thứ Ba biến một nước Đức có nền văn minh rực rỡ hàng đầu châu Âu trở thành một quốc gia tàn nhẫn với làn sóng diệt chủng vượt qua mức của mọi chế độ hà khắc nhất trong lịch sử. Hơn sáu triệu người Do Thái bị tàn sát và hàng chục nghìn trại tập trung dựng lên ở khắp châu Âu cùng với những cực hình đã để lại bài học đắt giá nhất cho lịch sử nhân loại.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Moshe Zimmermann, Wilhelm Marr: The Patriarch of Anti-Semitism (Wilhelm Marr: Giáo chủ của học thuyết Bài Do Thái), Oxford University, 1987 2. Antill, Peter, Berlin 1945: End of the Thousand Year Reich (Berlin 1945: Sự kết thức 1000 năm Đế chế), Oxford: New York: Osprey, 2005 3. William L.Shirer, Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2007. 4. Mamta Sharma Ghuge, Adolf Hitler. A Biography (Adolf Hitler. Tiểu sử), B Jain Publishers Pvt Ltd; UK ed. Edition, 2012 5. Rachel Dinning, Your guide to Adolf Hitler: key facts about the Nazi dictator (Adolf Hitler: những điểm chính về nhà độc tài phát xít), https://www.historyextra.com/period/second-world-war/adolf-hitler-fuhrer-facts-guide-rise-nazi-dictator-biography-pictures/