Tòa án Nuremberg (còn gọi là tòa án Nuyrămbec) là Tòa án Quân sự Quốc tế nhằm xét xử 24 nhân vật đầu sỏ của chính phủ Đức Quốc xã có liên quan tới các tội ác chiến tranh, đặc biệt là thảm sát người Do Thái ở Đức và châu Âu, diễn ra từ ngày 20 tháng 11 năm 1945 đến 1 tháng 10 năm 1946, tại cung điện Công Lý ở thành phố Nuremberg, Đức. Đây là phiên tòa đầu tiên và nổi tiếng trong chuỗi các phiên tòa ở Nuremberg do lực lượng Đồng minh tổ chức. Sở dĩ Nuremberg được lựa chọn tổ chức phiên tòa bởi đây chính là địa điểm thành lập của Đảng Quốc Xã, đồng thời cũng chính là nơi chính quyền phát xít đã thông qua Đạo luật Nuremberg năm 1935 cho phép tàn sát người Do Thái.
Tòa án Nuremberg là phiên tòa đầu tiên trong lịch sử được thành lập nhằm xét xử tội phạm chiến tranh. Tham gia xét xử là đại diện của bốn cường quốc thắng trận: Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp. Đây cũng là phiên tòa lớn nhất trong lịch sử xét trên nhiều phương diện. Về quy mô phiên tòa, có tới 403 phiên, 116 nhân chứng và 42 tập biên bản được ghi chép trong quá trình xét xử. Về nội dung xét xử, trên thực tế, Tòa án tiến hành cáo buộc 21 nhân vật quan trọng nhất của Đức Quốc xã (ba lãnh đạo cấp cao nhất của Đức Quốc xã là Hitler, Goebbels và Himmler đã tự sát) với các tội danh: âm mưu phát động chiến tranh, tội ác chống lại hòa bình, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.
Phiên tòa phán quyết 12 bị cáo phải nhận án tử hình bằng hình thức treo cổ, ba bị cáo được tha bổng và hai bị cáo không phán quyết do tự tử trước phiên tòa hoặc không đủ sức khỏe để xét xử. Những bị cáo còn lại nhận hình phạt chung thân, hoặc tù từ 10 đến 20 năm.
Bên cạnh ý nghĩa lịch sử, Tòa án Nuremberg còn có ý nghĩa to lớn trên phương diện luật pháp quốc tế. Nó đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, tội ác chống lại hòa bình, chống nhân loại được ghi nhận một cách chính thức vào văn bản luật quốc tế. Đây được coi là bước tiến bộ trong lịch sử phát triển của luật pháp nói riêng và nhân loại nói chung.
Ngày 11.12.1946, những phán quyết của Tòa án Nuyremberg được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua. Tháng 11.1947, một Ủy ban Luật quốc tế được Liên Hiệp Quốc thành lập. Cũng từ tòa án này đưa tới yêu cầu về việc thành lập một Tòa án quốc tế thường trực và đưa đến sự ra đời của Tòa án Hình sự quốc tế, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2002.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Didier Lazard, «Le procès de Nuremberg, récit d'un témoin», Paris, Éditions de la Nouvelle Presse, 1947.
- Gerhard E. Gründler et Arnim vonManikowsky, dans «Nuremberg, la justice des vainqueurs», traduit de l’allemand, Paris, Laffont, 1969.
- Dennis L. Bark, David R. Gress, Histoire de l’Allemagne depuis 1945, Paris, Laffont, 1992.
- Annette Wieviorka, Le Procès de Nuremberg, Éditions Liana Levi, Paris, 2006.
- Accord concernant la poursuite et le châtiment des grands criminels de guerre des Puissances européennes de l’Axe et statut du tribunal international militaire, Londres, 8 août 1945, nguồn : https://ihl-databases.icrc.org/applic/ihl/dih.nsf/INTRO/350, Recueil des traités des Nations unies, Vol. 82, p. 281-301.