Đế chế Đức (1933–1943) Deutsches Reich Đế chế Đại Đức (1943–1945) Großdeutsches Reich | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
1933–1945 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Quốc ca: Das Lied der Deutschen ("Bài ca của người Đức") Horst-Wessel-Lied [↓ 1] ("Bài ca Horst Wessel") | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Diện tích lãnh thổ lớn nhất mà Đức kiểm soát trong chiến tranh thế giới thứ Hai (cuối năm 1942)
| |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thủ đô và thành phố lớn nhất | Berlin | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Ngôn ngữ phổ biến | Tiếng Đức | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tôn giáo |
| ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tên dân cư | Người Đức | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Chính quyền | Chế độ độc tài, độc đảng, toàn trị | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Nguyên thủ quốc gia | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• 1933–1934 | Paul von Hindenburg[↓ 3] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• 1934–1945 | Adolf Hitler[↓ 4] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• 1945 | Karl Dönitz[↓ 3] | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thủ tướng | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• 1933–1945 | Adolf Hitler | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• 1945 | Joseph Goebbels | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• 1945 | L. G. S. von Krosigk | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Cơ quan lập pháp | Reichstag | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• Hội đồng bang | Reichsrat (đến năm 1934) | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Thời đại lịch sử | Giữa hai thế chiến • Thế chiến II | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
30 tháng 1 năm 1933 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
23 tháng 3 năm 1933 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
12 tháng 3 năm 1938 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
1 tháng 9 năm 1939 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
30 tháng 4 năm 1945 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
• Đầu hàng | 8 tháng 5 năm 1945 | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
23 tháng 5 năm 1945 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Diện tích | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
1939[↓ 5] | 633.786 km2 (244.706 dặm vuông Anh) | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
1940[2][↓ 2] | 823.505 km2 (317.957 dặm vuông Anh) | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Dân số | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
79.375.281 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
109.518.183 | |||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
Tiền tệ | Reichsmark (ℛℳ) | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
|
Đức Quốc xã hay Phát xít Đức[↓ 6] là những tên tiếng Việt thường dùng để chỉ nước Đức thời kỳ 1933–1945. Cai trị đất nước này khi ấy là chế độ độc tài của Adolf Hitler và Đảng Quốc xã (NSDAP). Dưới sự thống trị của Hitler, Đức đã nhanh chóng chuyển đổi thành một quốc gia toàn trị nơi mà chính quyền kiểm soát gần như mọi mặt của đời sống. Tên gọi chính thức của quốc gia này là Đế chế Đức (Deutsches Reich) từ 1933 đến 1943 và Đế chế Đại Đức (Großdeutsches Reich) từ 1943 đến 1945. Các tên gọi thông dụng khác (trong tiếng Đức) là Drittes Reich (Đệ Tam Đế chế hay Đế chế thứ Ba), Zeit des Nationalsozialismus (Thời kỳ Chủ nghĩa quốc gia xã hội, viết tắt là NS-Zeit), hay Tausendjähriges Reich (Đế chế Ngàn Năm) theo cách gọi của Hitler và những người quốc xã. Đức Quốc xã chấm dứt tồn tại vào tháng 5 năm 1945 sau khi bại trận trước phe Đồng minh, sự kiện đánh dấu hồi kết cho chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Âu.
Vào ngày 30 tháng 1 năm 1933 Hitler được Tổng thống Cộng hòa Weimar Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức. Sau đó Đảng Quốc xã bắt đầu loại trừ mọi địch thủ chính trị và củng cố quyền lực của mình. Hindenburg qua đời ngày 2 tháng 8 năm 1934 và Hitler đã trở thành nhà độc tài của nước Đức bằng việc sáp nhập chức vụ và quyền hạn của Thủ tướng và Tổng thống vào với nhau. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân tổ chức trên toàn quốc ngày 19 tháng 8 năm 1934 đã xác nhận Hitler là Führer [↓ 7] duy nhất của nước Đức. Tất cả quyền lực đều tập trung vào tay Hitler, và lời nói của ông ta xếp trên mọi luật lệ. Chính phủ không phải là cơ quan hợp tác, phối hợp, mà là một tập hợp các bè phái đấu tranh vì quyền lực và sự tín nhiệm của Hitler. Vào đỉnh điểm của Đại Suy thoái, những người quốc xã đã khôi phục nền kinh tế ổn định và chấm dứt nạn thất nghiệp hàng loạt bằng vận dụng kinh tế hỗn hợp và chi tiêu mạnh cho quân sự. Chính phủ bội chi để tiến hành một chương trình tái vũ trang bí mật quy mô và những dự án công trình công cộng trên diện rộng, trong đó có Autobahnen (cao tốc). Sự hồi phục của nền kinh tế giúp chế độ ngày càng chiếm được cảm tình của nhân dân.
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thuyết ưu sinh quốc xã, và đặc biệt chủ nghĩa bài Do Thái, là những nét đặc trưng trong ý thức hệ của chế độ. Các dân tộc Giéc-manh được xem là chủng tộc thượng đẳng, nhánh thuần khiết nhất của chủng tộc Aryan. Quốc xã bắt đầu biểu hiện rõ hành vi phân biệt đối xử và bức hại người Do Thái sau khi lên nắm quyền. Các trại tập trung đầu tiên được xây dựng vào tháng 3 năm 1933. Người Do Thái, người tự do, xã hội, cộng sản, và những đối tượng không mong muốn khác bị bắt giam, đày ải, hoặc sát hại. Công dân hay Giáo hội Cơ đốc chống đối phép tắc của Hitler bị đàn áp và nhiều lãnh đạo đã bị bắt. Giáo dục chú trọng vào sinh học chủng tộc, chính sách dân số, và rèn luyện thể lực để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nữ giới bị tước đoạt cơ hội học tập và sự nghiệp. Hoạt động giải trí và du lịch được tổ chức thông qua chương trình Kraft durch Freude (Sức mạnh đến từ Niềm vui), và Thế vận hội Mùa hè 1936 đã giới thiệu Đế chế thứ Ba ra với thế giới. Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels đã lợi dụng phim ảnh, các cuộc mít tinh lớn, và tài hùng biện của Hitler một cách hiệu quả để khống chế dư luận. Chính quyền kiểm soát biểu hiện nghệ thuật, thúc đẩy các hình thức nghệ thuật cụ thể và ngăn chặn hoặc không khuyến khích các hình thức khác.
Chế độ quốc xã chi phối các nước láng giềng bằng hành động đe dọa quân sự trong những năm trước chiến tranh. Đức Quốc xã ngày càng đòi hỏi hung hăng về lãnh thổ và đe dọa chiến tranh nếu yêu sách này không được đáp ứng. Lần lượt vào các năm 1938 và 1939 Đức đã xâm chiếm Áo rồi Tiệp Khắc. Quốc gia này ký với Liên Xô một hiệp ước không xâm phạm rồi xâm lược Ba Lan vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, mở màn chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Âu. Đến đầu năm 1941 Đức đã kiểm soát hầu khắp châu Âu. Các Reichskommissariat tiếp quản những lãnh thổ chiếm đoạt và một chính quyền Đức được thành lập tại phần còn lại của Ba Lan. Đức bóc lột nguyên liệu thô và lao động của cả lãnh thổ chiếm đóng lẫn quốc gia đồng minh.
Chế độ trở nên khét tiếng với hành vi giết người hàng loạt và diệt chủng. Kể từ năm 1939 hàng trăm ngàn công dân Đức khiếm khuyết về thể trạng và trí tuệ đã bị sát hại trong những bệnh viện và nhà thương điên. Những toán quân tử thần Einsatzgruppe theo chân quân đội Đức đến những lãnh thổ chiếm đóng và giết hại hàng triệu người Do Thái cùng những nạn nhân khác. Sau năm 1941 có thêm hàng triệu người bị bắt, ép làm việc đến chết, hoặc giết trong những trại tập trung và trại hành quyết. Vụ diệt chủng này được gọi là Holocaust.
Mặc dù cuộc xâm lược Liên Xô của Đức năm 1941 giành thắng lợi ban đầu nhưng sự trỗi dậy của Liên Xô và việc Hoa Kỳ tham chiếm đã khiến Wehrmacht (lực lượng vũ trang Đức) đánh mất thế chủ động trên Mặt trận phía Đông vào năm 1943 rồi bị đẩy lui về biên giới trước năm 1939 vào cuối năm 1944. Những cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào nước Đức leo thang trong năm 1944 và phe Trục đã phải thoái lui ở Đông và Nam Âu. Tiếp sau cuộc xâm lược Pháp của Đồng minh là việc Đức Quốc xã bị Liên Xô đánh bại từ phía đông và các nước Đồng minh khác từ phía tây dẫn đến kết cục đầu hàng vào tháng 5 năm 1945. Trong những tháng cuối cùng, Hitler do không chấp nhận thất bại đã khiến cơ sở hạ tầng của Đức bị phá hủy nặng nề và làm tăng con số thương vong liên quan đến cuộc chiến. Phe Đồng minh chiến thắng đã đề xướng chính sách phi quốc xã hóa và đưa nhiều lãnh đạo còn sống của chế độ này ra xét xử tội ác chiến tranh tại tòa án Nuremberg.
Bối cảnh
Nước Đức trong những năm từ 1919 đến 1933 được biết đến là Cộng hòa Weimar, một nền cộng hòa với hệ thống bán tổng thống. Cộng hòa Weimar đối mặt nhiều vấn đề như siêu lạm phát, chủ nghĩa cực đoan chính trị (bao gồm bạo lực từ các nhóm bán quân sự cánh tả và hữu), mối quan hệ nhập nhằng với phe Đồng minh chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ Nhất, và một loạt nỗ lực xây dựng chính phủ liên hiệp thất bại của các đảng phái chính trị chia rẽ.[4] Sau thế chiến thứ Nhất nền kinh tế Đức suy thoái trầm trọng một phần do khoản chiến phí bồi thường theo hòa ước Versailles quy định. Chính phủ in tiền để thanh toán các khoản và trả nợ chiến tranh nhưng kết cục là siêu lạm phát khiến giá hàng tiêu dùng tăng cao, kinh tế hỗn loạn, và bạo loạn lương thực.[5] Khi chính phủ không thể trả nợ vào tháng 1 năm 1923, binh lính Pháp đã chiếm các khu công nghiệp của Đức dọc vùng Ruhr kéo theo bất ổn dân sự lan rộng.[6]
Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiterpartei) hay thường gọi là Đảng Quốc xã ra đời năm 1920. Đây là đảng thay tên kế tục của Đảng Công nhân Đức thành lập một năm trước đó và là một trong vài đảng chính trị cực hữu hoạt động ở Đức khi ấy.[7] Cương lĩnh của đảng này bao gồm đánh đổ Cộng hòa Weimar, bác bỏ những điều khoản của hòa ước Versailles, bài Do Thái triệt để, và bài Bolshevik.[8] Họ hứa hẹn một chính quyền trung ương mạnh mẽ, mở rộng Lebensraum (không gian sống) cho nhân dân Đức, xây dựng một cộng đồng dân tộc căn cứ vào chủng tộc, và thanh lọc chủng tộc thông qua hành động đàn áp người Do Thái, đối tượng sẽ bị tước bỏ quyền và tư cách công dân.[9] Những người quốc xã đề xuất khôi phục quốc gia và văn hóa dựa trên phong trào Völkisch.[10] Đảng Quốc xã và đặc biệt tổ chức bán quân sự của nó là Sturmabteilung (SA, Biệt đội Bão táp hay Quân áo nâu) sử dụng bạo lực thể chất để thúc đẩy vị thế chính trị, phá hoại hội nghị và tấn công thành viên của những tổ chức đối địch cùng người Do Thái trên đường phố.[11] Các nhóm vũ trang cực hữu như vậy phổ biến ở Bayern và được chính quyền bang thiên hướng cực hữu của Gustav Ritter von Kahr dung dưỡng.[12]
Sự kiện thị trường chứng khoán ở Mỹ sụp đổ vào ngày 24 tháng 10 năm 1929 có tác động thảm khốc đến nước Đức.[13] Hàng triệu người mất việc làm và một vài ngân hàng lớn phải đóng cửa. Hitler cùng những người quốc xã đã sẵn sàng lợi dụng tình hình để thu hút sự ủng hộ về cho đảng. Họ cam kết củng cố nền kinh tế và tạo việc làm.[14] Nhiều cử tri chọn Đảng Quốc xã vì cho rằng họ có khả năng tái lập trật tự, dập tắt bất ổn dân sự, và cải thiện thanh thế của Đức trên trường quốc tế. Sau cuộc bầu cử liên bang năm 1932, Quốc xã đã là đảng lớn nhất trong Reichstag (nghị viện), nắm 230 ghế với 37,4 phần trăm phiếu phổ thông.[15]
Lịch sử
Quốc xã lên nắm quyền
Mặc dù những người quốc xã giành nhiều phiếu phổ thông nhất trong hai cuộc tổng tuyển cử nghị viện năm 1932 nhưng họ không đạt được đa số. Bởi vậy Hitler đã cầm đầu một chính phủ liên hiệp tồn tại ngắn ngủi với Đảng Quốc gia Nhân dân Đức.[16] Dưới áp lực từ các chính trị gia, nhà tư bản công nghiệp, và cộng đồng doanh nghiệp, Tổng thống Paul von Hindenburg đã bổ nhiệm Hitler làm Thủ tướng Đức vào ngày 30 tháng 1 năm 1933. Sự kiện này được gọi là Machtergreifung ("giành quyền").[17]
Vào đêm ngày 27 tháng 2 năm 1933 tòa nhà Reichstag bị cháy. Marinus van der Lubbe, một người cộng sản Hà Lan, bị kết tội gây ra vụ cháy. Hitler tuyên bố vụ việc này đã khai màn cho một cuộc nổi dậy của cộng sản. Nghị định Hỏa hoạn Reichstag ban hành ngày 28 tháng 2 năm 1933 thủ tiêu mọi quyền tự do dân sự trong đó có quyền hội họp và tự do báo chí. Nghị định này còn cho phép cảnh sát giam người vô thời hạn mà không cần lời buộc tội. Dư luận ủng hộ biện pháp nhờ một chiến dịch tuyên truyền theo kèm. SA tiến hành áp bức hung bạo những người cộng sản trên toàn quốc và 4.000 đảng viên của Đảng Cộng sản nước Đức đã bị bắt.[18]
Tháng 3 năm 1933 Luật Trao quyền, một sự sửa đổi của Hiến pháp Weimar, được Reichstag thông qua với 444 phiếu thuận và 94 phiếu chống.[19] Sửa đổi này cho phép Hitler và nội các của mình thông qua các luật, kể cả luật vi phạm hiến pháp, mà không cần sự chấp thuận của tổng thống hay nghị viện.[20] Khi dự luật đòi hỏi hai phần ba ý kiến tán thành để được thông qua, những người quốc xã đã dùng chiến thuật hăm dọa và điều khoản của Nghị định Hỏa hoạn Reichstag để ngăn không cho một số đại biểu của Đảng Dân chủ Xã hội tham gia, trong khi phe cộng sản đã bị cấm từ trước.[21][22] Vào ngày 10 tháng 5 chính phủ tịch thu tài sản của những người dân chủ xã hội và họ bị cấm từ ngày 22 tháng 6.[23] Trong ngày 21 tháng 6 SA đột kích văn phòng của Đảng Quốc gia Nhân dân Đức, đối tác liên minh cũ của họ. Đảng này giải thể vào ngày 29 tháng 6 và các đảng chính trị lớn còn lại cũng theo bước. Vào ngày 14 tháng 7 năm 1933 Đức đã biến thành nước độc đảng với một sắc lệnh thông qua quy định Đảng Quốc xã là đảng hợp pháp duy nhất. Hành vi sáng lập đảng mới là phạm pháp và tất cả các đảng chính trị còn lại chưa giải thể đều bị cấm.[24] Luật Trao quyền sau đó sẽ là cơ sở hợp pháp cho chế độ độc tài mà những người quốc xã tạo dựng.[25] Các cuộc bầu cử tiếp theo vào tháng 11 năm 1933, tháng 3 năm 1936, và tháng 4 năm 1938 bị quốc xã thao túng khi chỉ có những thành viên đảng này cùng số lượng nhỏ người không đảng phái đi bầu.[26]
Truyền bá chính sách
Nội các Hitler lợi dụng điều khoản của Nghị định Hỏa hoạn Reichstag và về sau là Luật Trao quyền để khởi xướng quá trình Gleichschaltung (phối hợp), đưa mọi mặt của đời sống vào vòng kiểm soát của đảng.[27] Các bang không do liên minh quốc xã cầm đầu hoặc chính quyền quốc xã đắc cử quản lý buộc phải chấp nhận việc bổ nhiệm ủy viên để tuân theo đường lối của chính quyền trung ương. Những ủy viên này có quyền bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm chính quyền địa phương, nghị viện bang, quan chức, và thẩm phán. Theo cách này Đức trên thực tế đã biến thành một quốc gia đơn nhất khi mọi chính quyền bang đều bị chính quyền trung ương của những người quốc xã quản trị.[28][29] Các nghị viện bang và Reichsrat (thượng viện liên bang) bị dẹp bỏ vào tháng 1 năm 1934.[30] Mọi quyền hạn của bang đều được chuyển giao cho chính quyền trung ương.[29]
Tất cả tổ chức dân sự bao gồm tập thể nông nghiệp, tổ chức tình nguyện, câu lạc bộ thể thao, đều bị thay thế lãnh đạo bằng những đảng viên hoặc cảm tình viên quốc xã.[31] Chính quyền tuyên bố ngày 1 tháng 5 năm 1933 là "ngày lao động toàn quốc" và mời nhiều đại biểu công đoàn đến Berlin dự lễ kỷ niệm. Một ngày sau quân xung kích SA phá hoại các văn phòng nghiệp đoàn trên khắp đất nước. Tất cả công đoàn bị buộc giải thể còn lãnh đạo thì bị bắt.[32] Luật Khôi phục Ngành dân chính Chuyên nghiệp thông qua tháng 4 đã sa thải mọi giáo viên, giáo sư, thẩm phán, quan chức chính phủ là người Do Thái hoặc bị nghi ngờ lòng thành với đảng.[33] Như vậy tổ chức phi chính trị duy nhất không bị quốc xã kiểm soát là giáo hội.[34]
Chế độ quốc xã xóa bỏ những biểu tượng của Cộng hòa Weimar như lá cờ ba màu đen, đỏ, vàng và phê chuẩn làm lại biểu tượng. Lá cờ đế quốc ba màu đen, trắng, đỏ cũ được khôi phục làm một trong hai quốc kỳ chính thức bên cạnh cờ chữ vạn của Đảng Quốc xã. Tuy nhiên kể từ năm 1935 chỉ còn lá cờ chữ vạn là quốc kỳ duy nhất. Bài hát của đảng "Horst-Wessel-Lied" đã trở thành quốc ca thứ hai của Đức.[35]
Tình hình kinh tế Đức vẫn rất tồi tệ khi có sáu triệu người thất nghiệp và cán cân thương mại thâm hụt nặng nề.[36] Nhờ bội chi, các dự án công trình công cộng được thực hiện từ năm 1934 và chỉ tính riêng đến hết năm đó đã tạo ra 1,7 triệu việc làm mới.[36] Mức lương trung bình bắt đầu tăng lên.[37]
Củng cố quyền lực
Giới lãnh đạo SA tiếp tục gây áp lực nhằm đòi hỏi thêm quyền lực chính trị và quân sự. Hitler đối phó bằng việc sử dụng Schutzstaffel (SS) và Gestapo để thanh trừng toàn bộ ban lãnh đạo SA.[38] Hitler nhắm đến tham mưu trưởng Ernst Röhm và những thủ lĩnh SA khác. Họ cùng một số kẻ thù chính trị của Hitler (như Gregor Strasser và cựu thủ tướng Kurt von Schleicher) bị bắt rồi bắn chết. Có khoảng 200 người đã bị giết từ ngày 30 tháng 6 đến 2 tháng 7 năm 1934 trong sự kiện mà nay được biết đến là Đêm của những con dao dài.[39]
Vào ngày 2 tháng 8 năm 1934 Hindenburg qua đời. Trước đó một ngày nội các đã ban hành "Luật Liên quan đến Chức vụ Nhà nước Cao nhất của Đế chế", phát biểu rằng vào lúc mà Hindenburg qua đời chức tổng thống sẽ bị bãi bỏ và quyền hành của nó sẽ được sáp nhập với quyền hành của thủ tướng.[40] Nhờ đó Hitler đã trở thành người đứng đầu nhà nước cũng như chính phủ và chính thức được chỉ định là Führer und Reichskanzler (Lãnh tụ và Thủ tướng, về sau bỏ đi Reichskanzler).[41] Đức giờ là một quốc gia toàn trị với Hitler đứng đầu.[42] Trong vai nguyên thủ quốc gia, Hitler trở thành Tư lệnh Tối cao của lực lượng vũ trang. Luật mới sửa đổi lời tuyên thệ trung thành của quân nhân, theo đó quân nhân xác nhận trung thành với cá nhân Hitler thay vì với chức danh tư lệnh tối cao hay quốc gia.[43] Vào ngày 19 tháng 8 việc sáp nhập hai chức vụ được phê chuẩn bởi tỉ lệ 90% cử tri đồng ý trong một cuộc trưng cầu.[44]
Đa số người Đức được xoa dịu rằng xung đột và bạo lực đường phố thời Weimar đã chấm dứt. Giờ trong đầu họ chỉ còn toàn lời lẽ dẫn dụ của Bộ trưởng Bộ Giác ngộ Quần chúng và Tuyên truyền Joseph Goebbels, người hứa hẹn hòa bình và sung túc cho tất cả trong một đất nước thống nhất, phi Mác-xít, không còn bị ràng buộc bởi hòa ước Versailles.[45] Đảng Quốc xã thu thập và hợp pháp hóa quyền lực thông qua những hoạt động cách mạng ban đầu, kế đến là vận dụng cơ chế hợp pháp, lợi dụng quyền lực cảnh sát, rồi tiếp quản các tổ chức bang và liên bang.[46][47] Trại tập trung lớn đầu tiên đi vào hoạt động là Dachau vào năm 1933, ban đầu dành cho tù nhân chính trị.[48] Đến hết năm đó đã có thêm hàng trăm trại với quy mô và chức năng khác nhau được lập nên.[49]
Kể từ tháng 4 năm 1933, rất nhiều biện pháp nhằm xác định địa vị và quyền hạn của người Do Thái được khởi động.[50] Những biện pháp này lên đến đỉnh điểm là sự ra đời của các đạo luật Nuremberg 1935 tước đoạt các quyền cơ bản.[51] Quốc xã sẽ lấy đi của người Do Thái của cải, quyền kết hôn với người ngoài Do Thái, và quyền lao động trong nhiều lĩnh vực như luật, y tế, hay giáo dục. Cuối cùng quốc xã tuyên bố không mong muốn người Do Thái còn là công dân Đức và tồn tại trong xã hội Đức.[52]
Xây dựng quân đội
Vào thời kỳ đầu của chế độ, nước Đức không có đồng minh còn quân đội thì suy yếu trầm trọng bởi hòa ước Versailles. Pháp, Ba Lan, Ý, và Liên Xô đều có những lý do riêng để phản đối Hitler lên cầm quyền. Ba Lan đề nghị với Pháp phối hợp tấn công phủ đầu Đức vào tháng 3 năm 1933. Phát xít Ý phản đối việc Đức đòi Balkan và Áo, những địa bàn mà Benito Mussolini cho là thuộc phạm vi ảnh hưởng của Ý.[53]
Ngay từ tháng 2 năm 1933 Hitler đã thông báo phải khởi động tái vũ trang nhưng ban đầu thực hiện bí mật vì làm vậy là vi phạm hòa ước Versailles. Vào ngày 17 tháng 5 năm 1933, trong bài phát biểu trước Reichstag, Hitler đã mô tả khái quát khát khao về hòa bình thế giới và chấp nhận đề nghị giải trừ quân bị của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt nếu những quốc gia châu Âu khác cũng tuân thủ.[54] Khi các cường quốc châu Âu không chấp nhận đề nghị này, Hitler đã đưa nước Đức rút khỏi Hội nghị Giải trừ quân bị Thế giới và Hội Quốc Liên trong tháng 10, tuyên bố những điều khoản giải trừ là không công bằng nếu chúng chỉ áp dụng cho nước Đức.[55] Trong một cuộc trưng cầu ý dân tổ chức tháng 11 có tới 95% cử tri ủng hộ hành động rút lui này.[56]
Vào năm 1934 Hitler bảo với các tướng lĩnh của mình rằng chiến tranh ở phía đông nên bắt đầu vào năm 1942.[57] Saarland, địa bàn được Hội Quốc Liên giám sát trong 15 năm kể từ khi chiến tranh thế giới thứ Nhất kết thúc, được bầu sáp nhập vào Đức trong tháng 1 năm 1935.[58] Tháng 3 năm 1935, Hitler thông báo thành lập không quân và quân số Reichswehr sẽ tăng lên 550.000.[59] Anh đồng ý cho Đức xây dựng một hạm đội hải quân với việc ký kết Hiệp định Hải quân Anh-Đức vào ngày 18 tháng 6 năm 1935.[60]
Khi cuộc xâm lược Ethiopia của Ý chỉ vấp phải sự phản đối nhẹ nhàng của chính phủ Anh và Pháp, Hitler đã lấy Hiệp ước Tương trợ Pháp-Liên Xô làm cái cớ để ra lệnh cho 3.000 lính hành quân vào khu phi quân sự ở Rheinland, hành động vi phạm hòa ước Versailles.[61] Vì lãnh thổ này thuộc Đức nên chính phủ Anh và Pháp cảm thấy ép tuân thủ hiệp ước là không đáng để đổi lấy nguy cơ chiến tranh.[62] Trong cuộc bầu cử độc đảng tổ chức ngày 29 tháng 3, quốc xã giành 98,9 phần trăm tỉ lệ ủng hộ.[62] Vào năm 1936 Hitler ký Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản với Nhật Bản và một hiệp ước không xâm phạm với Mussolini, người đã sớm đề cập đến "Trục Rome-Berlin".[63]
Hitler đã gửi những sự trợ giúp về quân sự cho lực lượng dân tộc chủ nghĩa của Francisco Franco trong Nội chiến Tây Ban Nha bắt đầu tháng 7 năm 1936. Máy bay của Quân đoàn Condor đã phá hủy thành phố Guernica trong năm 1937.[64] Hai năm sau phe dân tộc chủ nghĩa giành phần thắng và trở thành đồng minh phi chính thức của Đức Quốc xã.[65]
Áo và Tiệp Khắc
Tháng 2 năm 1938, Hitler nhấn mạnh với Thủ tướng Áo Kurt Schuschnigg về sự cần thiết của việc đảm bảo biên giới nước Đức. Schuschnigg dự tính một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của Áo vào ngày 13 tháng 3 nhưng trước đó hai ngày Hitler đã gửi tối hậu thư yêu cầu Schuschnigg chuyển giao toàn bộ quyền lực cho Đảng Quốc xã Áo hoặc đối diện nguy cơ bị xâm lược. Một ngày sau binh lính Đức hành quân vào Áo và được dân chúng nơi đây chào đón nhiệt tình.[66]
Cộng hòa Tiệp Khắc là địa bàn sinh sống của một bộ phận đáng kể người Đức thiểu số, tập trung chủ yếu ở Sudetenland. Dưới áp lực từ các nhóm ly khai trong Đảng Đức Sudeten, chính phủ Tiệp Khắc đã ban những sự nhượng bộ về kinh tế cho vùng này.[67] Hitler quyết định không chỉ sáp nhập Sudetenland vào Đế chế mà còn là xóa sổ cả đất nước Tiệp Khắc.[68] Quốc xã tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ cho một cuộc xâm lược.[69] Các tướng lĩnh quân đội hàng đầu phản đối kế hoạch do nước Đức chưa sẵn sàng cho chiến tranh.[70]
Tình trạng khủng hoảng khiến Anh, Tiệp Khắc, và Pháp (đồng minh của Tiệp Khắc) có những hành động chuẩn bị. Để ngăn chặn chiến tranh, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã sắp xếp một loạt hội nghị và thành quả là việc hiệp ước Munich được ký kết vào ngày 29 tháng 9 năm 1938. Chính phủ Tiệp Khắc bị ép phải để cho Đức thôn tính Sudetenland. Khi đặt chân về đến Luân Đôn, Chamberlain được chào đón trong không khí hân hoan và nói hiệp ước đã mang lại "hòa bình cho thời đại chúng ta".[71] Trong khi đó Ba Lan chiếm một dải đất hẹp gần Cieszyn vào ngày 2 tháng 10 và như một hệ quả của hiệp ước Munich, Hungary đã yêu cầu và nhận được 12.000 km2 lãnh thổ dọc biên giới phía bắc của họ trong Nghị quyết Viên lần thứ Nhất ngày 2 tháng 11.[72] Sau những phiên đàm phán với Tổng thống Emil Hácha thì vào ngày 15 tháng 3 năm 1939 Hitler đã chiếm nốt nửa phần Séc của Tiệp Khắc rồi lập ra Vùng bảo hộ Bohemia và Moravia, trước đó một ngày là sự ra đời của Cộng hòa Slovak ở nửa còn lại.[73] Cũng trong ngày 15 tháng 3 Hungary chiếm đóng và thôn tính Karpatska Ukraina, địa bàn mới tuyên bố nhưng chưa được công nhận, cùng một miếng đất tranh chấp với Slovakia.[74][75]
Đức Quốc xã chiếm đoạt của Áo và Séc nguồn dự trữ ngoại hối, các kho lưu trữ nguyên liệu thô như kim loại và thành phẩm như vũ khí và máy bay, những thứ này được vận chuyển về Đức. Tập đoàn công nghiệp Reichswerke Hermann Göring tiếp quản các cơ sở sản xuất than và thép ở cả hai quốc gia.[76]
Ba Lan
Tháng 1 năm 1934, Đức ký một hiệp ước không xâm lược với Ba Lan.[77] Đến tháng 3 năm 1939 Hitler yêu cầu trả lại Thành phố Tự do Danzig và Hành lang Ba Lan, một dải đất chia cắt Đông Phổ với phần còn lại của nước Đức. Anh thông báo sẽ giúp đỡ Ba Lan nếu nước này bị tấn công. Hitler tin rằng Anh sẽ không thực sự hành động và ra lệnh chuẩn bị cho một cuộc xâm lược diễn ra vào tháng 9 năm 1939.[78] Vào ngày 23 tháng 5, Hitler mô tả với các tướng lĩnh kế hoạch tổng quát không chỉ chiếm Hành lang Ba Lan mà còn bành trướng đáng kể lãnh thổ Đức về phía đông lấn sang Ba Lan. Ông dự kiến lần này mình sẽ vấp phải vũ lực.[79]
Đức tái xác nhận mối liên minh với Ý và ký những hiệp ước không xâm lược với Đan Mạch, Estonia, Latvia, đồng thời chính thức hóa quan hệ thương mại với Romania, Na Uy, và Thụy Điển.[80] Bộ trưởng Ngoại giao Joachim von Ribbentrop dàn xếp đàm phán một hiệp ước không xâm lược với Liên Xô mang tên hiệp ước Molotov–Ribbentrop ký vào tháng 8 năm 1939.[81] Hiệp ước này còn chứa những điều khoản bí mật phân chia Ba Lan và các nước Baltic thành những phạm vi ảnh hưởng của Đức và Liên Xô.[82]
Thế chiến thứ Hai
Chính sách đối ngoại
Chính sách đối ngoại thời chiến của Đức bao gồm việc tạo dựng các chính phủ đồng minh chịu sự quản lý trực tiếp hay gián tiếp từ Berlin. Họ dự kiến thu thập binh sĩ từ các đồng minh như Ý, Hungary cùng lao động và nguồn cung từ đồng minh như Pháp Vichy.[83] Hungary ký Hiệp ước Tam cường vào ngày 27 tháng 9 năm 1940, là quốc gia thứ tư gia nhập phe Trục. Bulgaria ký hiệp ước này vào ngày 17 tháng 11. Đức thực hiện những nỗ lực nhằm đảm bảo vấn đề dầu mỏ như đàm phán nguồn cung từ đồng minh mới của họ là Romania, nước ký hiệp ước Tam cường ngày 27 tháng 11, bên cạnh Cộng hòa Slovak.[84][85][86] Đến cuối năm 1942 trên mặt trận phía Đông có 24 sư đoàn của Romania, 10 của Ý và 10 của Hungary.[87] Đức đích thân quản lý toàn diện Pháp vào năm 1942, Ý năm 1943, và Hungary năm 1944. Mặc dù là một đồng minh hùng mạnh nhưng quan hệ giữa Nhật Bản và Đức không thân mật, ít có sự phối hợp hay hợp tác. Ví dụ, Đức đã từ chối chia sẻ công thức tổng hợp dầu mỏ từ than đá cho đến cuối cuộc chiến.[88]
Chiến tranh bùng nổ
Đức xâm lược Ba Lan và chiếm Thành phố Tự do Danzig vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, khơi mào chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Âu.[89] Anh, Pháp tôn trọng nghĩa vụ của họ và tuyên chiến với Đức hai ngày sau.[90] Ba Lan nhanh chóng thất thủ khi Liên Xô tấn công từ phía đông vào ngày 17 tháng 9.[91] Vào ngày 21 tháng 9 Reinhard Heydrich, thủ lĩnh Sicherheitspolizei (SiPo, Cảnh sát Trị an) và Sicherheitsdienst (SD, Sở An ninh), ra lệnh bố ráp và dồn người Do Thái Ba Lan vào những thành phố lớn có hệ thống đường ray đảm bảo với ý định ban đầu là trục xuất họ xa hơn về phía đông hoặc có thể là tới Madagascar.[92] Vận dụng những danh sách được chuẩn bị từ trước, đến hết năm 1939 quốc xã đã sát hại khoảng 65.000 trí thức, quý tộc, giáo sĩ, giáo viên Ba Lan trong một nỗ lực nhằm tiêu diệt bản sắc quốc gia này.[93][94] Lực lượng Liên Xô tiến vào Phần Lan trong chiến tranh mùa Đông trong khi lực lượng Đức có những hoạt động trên biển. Song ngoài ra ít còn hoạt động nào khác cho tới tháng 5 nên giai đoạn này được gọi là "chiến tranh kỳ quặc".[95]
Từ khi chiến tranh bắt đầu, Anh đã phong tỏa hàng hóa vận chuyển tới Đức, ảnh hưởng đến kinh tế nước này. Đức phụ thuộc nhiều vào nguồn cung dầu mỏ, than đá, ngũ cốc từ bên ngoài.[96] Cấm vận và phong tỏa đã khiến lượng hàng nhập khẩu vào Đức sụt giảm 80 phần trăm.[97] Để bảo vệ những chuyến hàng quặng sắt từ Thụy Điển tới Đức, Hitler đã ra lệnh xâm lược Đan Mạch và Na Uy, bắt đầu từ ngày 9 tháng 4. Đan Mạch thất thủ trong chưa đầy một ngày còn hầu hết Na Uy nhận kết cục tương tự lúc tháng 4 qua đi.[98][99] Đến đầu tháng 6 Đức đã chiếm đóng toàn bộ Na Uy.[100]
Chinh phạt châu Âu
Bỏ ngoài tai lời khuyên của nhiều tướng lĩnh cấp cao, Hitler đã ra lệnh tấn công Pháp và Vùng đất Thấp trong tháng 5 năm 1940.[101][102] Đức Quốc xã nhanh chóng chinh phạt Luxembourg và Hà Lan, áp đảo Đồng minh ở Bỉ, ép nhiều binh sĩ Anh và Pháp di tản ở Dunkirk.[103] Pháp cũng thất thủ và đầu hàng vào ngày 22 tháng 6.[104] Chiến thắng ở Pháp đã nâng cao đáng kể danh tiếng của Hitler và làm dậy lên cơn sốt chiến tranh ở Đức.[105]
Các hãng công nghiệp ở Hà Lan, Pháp, Bỉ bị buộc phải chuyển sang sản xuất vật liệu chiến tranh cho Đức, hành động vi phạm những điều khoản của Công ước Hague.[106]
Đức Quốc xã đã chiếm đoạt của Pháp hàng ngàn đầu máy và toa xe lửa, kho dự trữ vũ khí, và nguyên liệu thô như đồng, thiếc, dầu, niken.[107] Pháp, Bỉ, Na Uy phải gánh vác phí tổn chiếm đóng.[108] Những rào cản thương mại dẫn tới hành vi tích trữ, chợ đen, và tương lai không rõ ràng.[109] Nguồn cung lương thực là bấp bênh còn sản lượng thì sụt giảm ở hầu khắp châu Âu.[110] Nhiều quốc gia bị chiếm đóng đã trải qua nạn đói.[110]
Hitler đề nghị hòa bình với Thủ tướng mới của Anh là Winston Churchill nhưng bị từ chối vào tháng 7 năm 1940. Tháng 6 năm đó Đại Đô đốc Erich Raeder khuyên bảo Hitler rằng để xâm lược Anh thành công thì điều kiện tiên quyết là phải giành ưu thế trên không. Bởi vậy Hitler ra lệnh tiến hành một loạt cuộc không kích nhằm vào các trạm rađa, căn cứ của Không quân Hoàng gia (RAF) và ném bom các thành phố Anh vào ban đêm trong đó có Luân Đôn, Plymouth, và Coventry. Luftwaffe đã không thể đánh bại RAF trong trận chiến nước Anh và đến hết tháng 10 Hitler nhận ra ưu thế trên không sẽ không đạt được. Ông hoãn vĩnh viễn cuộc xâm lược, một kế hoạch mà các tư lệnh quân đội Đức chưa bao giờ thực sự nghiêm túc.[111][112] Một số nhà sử học như Andrew Gordon tin rằng lý do chính khiến kế hoạch xâm lược đổ bể là sự ưu việt của Hải quân Hoàng gia Anh chứ không phải những hoạt động của Không quân.[113]
Tháng 2 năm 1941, Afrika Korps (Quân đoàn Phi châu) của Đức tới Libya để giúp đỡ lực lượng Ý trong chiến dịch Bắc Phi.[114] Vào ngày 6 tháng 4 Đức xâm lược Nam Tư và Hy Lạp.[115][116] Các nước Đức, Hungary, Ý, và Bulgaria chia nhau toàn bộ Nam Tư và một phần Hy Lạp sau đó.[117][118]
Xâm lược Liên Xô
Vào ngày 22 tháng 6 năm 1941, Hitler xé bỏ hiệp ước Molotov–Ribbentrop và đem 3,8 triệu quân tấn công Liên Xô.[119] Bên cạnh mục đích giành lấy Lebensraum (không gian sống) như Hitler tuyên bố, cuộc tấn công quy mô lớn này, mật danh chiến dịch Barbarossa, còn có ý định tiêu diệt Liên Xô và chiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc chiến sau này với các cường quốc phương Tây.[120] Phản ứng của người dân Đức là bất ngờ và bối rối bởi số đông lo lắng liệu chiến tranh bao giờ mới kết thúc hay hoài nghi về khả năng chiến thắng của Đức khi phải tham chiến trên hai mặt trận.[121]
Đức Quốc xã đã chiếm được một lãnh thổ rộng lớn bao gồm các nước Baltic, Belarus, và miền tây Ukraina. Sau trận Smolensk tháng 9 năm 1941, Hitler đã chỉ thị Cụm tập đoàn quân Trung tâm ngừng tiến quân tới Moskva và điều bộ phận Panzer của nó đến hỗ trợ vây hãm Leningrad và Kyev.[122] Sự trì hoãn này đã trao cơ hội cho Hồng quân huy động lực lượng dự bị mới. Cuộc tấn công Moskva được khôi phục vào tháng 10 năm 1941 đã có kết cục thảm họa trong tháng 12.[123] Vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Hawaii. Bốn ngày sau, Đức tuyên chiến với Mỹ.[124]
Tại những lãnh thổ Liên Xô và Ba Lan chinh phạt, lương thực là khan hiếm do kẻ địch rút lui đã đốt cháy mùa màng ở một số nơi và đa phần những gì còn lại thì được vận chuyển về chính quốc.[125] Khẩu phần ở Đức bị cắt giảm trong năm 1942. Trong vai trò Toàn quyền Kế hoạch Bốn Năm, Hermann Göring yêu cầu tăng số chuyến hàng ngũ cốc từ Pháp và cá từ Na Uy. Vụ mùa năm 1942 là thành công và nguồn cung lương thực vẫn đủ đáp ứng ở Tây Âu.[126]
Bước ngoặt và sụp đổ
Nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu dầu mỏ từ bên ngoài.[127] Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, Đức đã phát động Fall Blau vào tháng 6 năm 1942, một cuộc tấn công nhắm đến những mỏ dầu ở Kavkaz.[128] Hồng quân Liên Xô mở cuộc phản công vào ngày 19 tháng 11 và bốn ngày sau đã bao vây, giam hãm lực lượng phe Trục trong Stalingrad.[129] Göring cam đoan với Hitler rằng Tập đoàn quân số 6 có thể được tiếp tế bằng không vận nhưng điều này hóa ra không khả thi.[130] Hitler không cho phép rút lui và hậu quả là 200.000 binh sĩ Đức và Romania thiệt mạng, 91.000 binh sĩ đầu hàng trong thành phố vào ngày 31 tháng 1 năm 1943 và chỉ có 6.000 trong số này sống sót quay trở lại Đức sau chiến tranh.[131]
Những thất bại liên tiếp sau Stalingrad đã làm sụt giảm nghiêm trọng nhuệ khí cũng như danh tiếng của Đảng Quốc xã.[132] Quân đội Liên Xô tiếp tục tiến về phía tây sau chiến thắng trong trận Kursk diễn ra vào mùa hè năm 1943. Đến hết năm 1943, Đức Quốc xã đã đánh mất hầu hết lãnh thổ phía đông từng chiếm được.[133] Ở Ai Cập, quân đoàn Phi châu của Thống chế Erwin Rommel bị lực lượng Anh dưới quyền Thống chế Bernard Montgomery đánh bại trong tháng 10 năm 1942.[134] Tháng 7 năm 1943 Đồng minh đổ bộ Sicily rồi hai tháng sau là Ý.[135] Trong khi đó, các phi đội máy bay ném bom xuất phát từ Anh bắt đầu tấn công nước Đức. Các đợt tấn công không ít lần cố tình nhằm vào dân thường nhằm đập tan nhuệ khí của kẻ thù.[136] Sản lượng máy bay của Đức không thể bù đắp kịp số mất mát và thiếu đi sự yểm trợ của không quân, hoạt động ném bom của Đồng minh càng có sức tàn phá ác liệt. Với việc nhắm đến những nhà máy và cơ sở lọc dầu thì đến cuối năm 1944 Đồng minh đã khiến bộ máy chiến tranh của Đức Quốc xã trở nên tê liệt.[137]
Vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, quân Anh, Mỹ, và Canada thiết lập một mặt trận ở Pháp bằng cuộc đổ bộ ở Normandy.[138] Hơn một tháng sau Hitler thoát chết trong một vụ ám sát vào ngày 20 tháng 7.[139] Hitler ra lệnh trả thù tàn khốc và kết quả là 7.000 người bị bắt cùng hơn 4.900 người bị xử tử.[140] Chiến dịch Ardennes diễn ra từ 16 tháng 12 năm 1944 đến 25 tháng 1 năm 1945 là cuộc tấn công lớn cuối cùng của Đức ở mặt trận phía Tây.[141] Hồng quân Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đức trong ngày 27 tháng 1.[141] Việc Hitler không chấp nhận thất bại và nhất quyết đòi chiến đấu đến người cuối cùng đã dẫn đến những tổn thất về người và của không đáng có trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến.[142] Thông qua Bộ trưởng Tư pháp Otto Georg Thierack, Hitler ra lệnh bất kỳ ai không sẵn sàng chiến đấu đều sẽ bị đưa ra tòa án quân sự và hàng ngàn người đã nhận án tử hình.[143] Ở nhiều nơi, người dân đầu hàng quân Đồng minh đang đến bất chấp lời hô hào tiếp tục chiến đấu của lãnh đạo địa phương. Hitler ban sắc lệnh tiêu thổ phá hủy các nhà máy, cây cầu, con đường nhưng Bộ trưởng Vũ trang Albert Speer đã ngăn không cho mệnh lệnh này được thi hành trọn vẹn.[142]
Trong trận Berlin diễn ra từ ngày 16 tháng 4 đến 2 tháng 5 năm 1945, Hitler cùng ban tham mưu sống trong Führerbunker dưới mặt đất.[144] Hitler và vợ là Eva Braun tự sát vào ngày 30 tháng 4 trong tình cảnh Hồng quân Liên Xô đã tiệm cận Phủ Thủ tướng.[145] Đô đốc Karl Dönitz kế nhiệm Hitler chức tổng thống còn Goebbels kế nhiệm chức thủ tướng.[146] Goebbels cùng vợ Magda tự sát vào ngày 1 tháng 5 sau khi hạ độc sáu đứa con của mình.[147] Sang ngày 2 tháng 5 tướng Helmuth Weidling đầu hàng vô điều kiện tướng Vasily Chuikov.[148] Trong khoảng ngày 4 đến ngày 8 tháng 5 hầu hết binh lính vũ trang còn lại của Đức cũng đầu hàng vô điều kiện. Văn kiện đầu hàng của Đức được ký vào ngày 8 tháng 5, đặt dấu chấm hết cho chế độ quốc xã và chiến tranh thế giới thứ Hai ở châu Âu.[149]
Sự ủng hộ của người dân dành cho Hitler gần như tan biến khi chiến tranh gần kết thúc.[150] Tỷ lệ tự sát ở Đức gia tăng, nhất là ở những nơi Hồng quân đang tiến đến. Đối với binh sĩ và cán bộ đảng thì tự sát thường được xem là hành động vẻ vang và quả cảm hơn đầu hàng. Những lời lẽ tuyên truyền và tường thuật trực tiếp về hành xử man rợ của quân Liên Xô đang đến khiến dân chúng ở mặt trận phía Đông hoảng loạn, đặc biệt là phụ nữ do lo sợ bị hãm hiếp.[151] Hơn một ngàn trong tổng số 16.000 cư dân Demmin đã tự sát vào khoảng ngày 1 tháng 5 khi Tập đoàn quân 65 của Phương diện quân Belorussia 2 xông vào một nhà máy chưng cất rồi tràn qua thị trấn. Những địa điểm khác có số người tự sát cao gồm Neubrandenburg (600), Stolp (1.000),[152] và Berlin với ít nhất 7.057 người tự sát trong năm 1945.[153]
Thương vong của Đức
Ước tính tổng số người Đức thiệt mạng vì chiến tranh rơi vào tầm 5,5 đến 6,9 triệu.[154] Theo nghiên cứu của nhà sử học người Đức Rüdiger Overmans thì số quân nhân Đức tử trận và mất tích là 5.3 triệu, bao gồm 900.000 lính nhập ngũ từ bên ngoài biên giới nước Đức năm 1937.[155] Vào năm 2014 Richard Overy ước tính khoảng 353.000 dân thường đã bỏ mạng bởi những cuộc không kích của Đồng minh.[156] Quốc xã đã bức hại 300.000 người Đức (bao gồm người Do Thái) vì những lý do tôn giáo, chủng tộc, chính trị[157] và 200.000 người trong chương trình an tử.[158] Các tòa án chính trị gọi là Sondergericht đã tuyên án tử hình khoảng 12.000 thành viên của phong trào kháng chiến, trong khi các tòa dân sự tuyên án 40.000 người Đức khác.[159]
Chính trị
Ý thức hệ
Quốc xã là một đảng chính trị cực hữu nổi lên trong thời kỳ kinh tế, xã hội biến động sau chiến tranh thế giới thứ Nhất.[160] Trước Đại Suy thoái năm 1929, đây vẫn là một đảng nhỏ và bên lề, giành 2,6% phiếu liên bang vào năm 1928.[161] Tuy nhiên chỉ hai năm sau đảng này đã giành 18,3% phiếu liên bang, trở thành đảng chính trị lớn thứ hai trong nghị viện.[162] Trong thời gian ở tù sau vụ Đảo chính nhà hàng bia thất bại năm 1923, Hitler đã viết Mein Kampf, cuốn sách trình bày kế hoạch chuyển đổi xã hội Đức thành một xã hội căn cứ theo chủng tộc.[163] Ý thức hệ quốc xã quy tụ những yếu tố của chủ nghĩa bài Do Thái, thanh lọc chủng tộc, và thuyết ưu sinh, kết hợp chúng với chủ nghĩa toàn Đức và chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ với mục tiêu giành thêm Lebensraum (không gian sinh tồn) cho người Đức.[164] Chế độ nỗ lực giành lấy lãnh thổ mới bằng hành động tấn công Ba Lan và Liên Xô rồi dự định trục xuất hoặc giết hại người Do Thái và Slav sống ở đó, những đối tượng bị cho là hạ đẳng so với chủng tộc thượng đẳng Aryan và nằm trong âm mưu Do Thái-Bolshevik.[165][166] Những người quốc xã tin rằng chỉ người Đức mới có thể đánh bại thế lực Bolshevik và cứu nhân loại thoát khỏi ách thống trị của dân Do Thái.[167] Còn những nhóm người mà quốc xã cho là không đáng sống gồm người khuyết tật về thể chất và trí tuệ, người Digan, người đồng tính, tín hữu Nhân chứng Jehovah, và người không phù hợp với xã hội.[168][169]
Chịu ảnh hưởng của phong trào Völkisch, chế độ chống lại chủ nghĩa hiện đại văn hóa và ủng hộ phát triển quân sự sâu rộng đánh đổi lấy khía cạnh tri thức.[10][170] Tính sáng tạo và nghệ thuật bị dập tắt trừ khi chúng có thể phục vụ cho tuyên truyền.[171] Đảng Quốc xã sử dụng những biểu tượng như Blutfahne (Cờ máu) và lễ nghi như những kỳ đại hội đảng để cổ vũ tình đoàn kết và củng cố uy tín của chế độ.[172]
Chính quyền
Hitler cai trị nước Đức một cách độc đoán bằng việc xác nhận Führerprinzip (nguyên tắc của lãnh đạo) kêu gọi toàn thể cấp dưới tuyệt đối vâng lời. Ông xem kết cấu chính quyền như một kim tự tháp với bản thân mình, người lãnh đạo không thể sai lầm, đứng trên đỉnh. Chức vụ trong đảng không xác định qua bầu cử mà do người cấp cao hơn quyết định.[173] Đảng Quốc xã vận dụng tuyên truyền để xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh Hitler.[174] Các nhà sử học như Kershaw nhấn mạnh kỹ năng hùng biện của Hitler có tác động đến tâm lý.[175] Roger Gill phát biểu: "những bài diễn thuyết cảm động của ông ta đã chiếm lấy trái tim và tâm trí của rất nhiều người Đức: ông ta gần như thôi miên thính giả của mình".[176]
Mặc dù các quan chức hàng đầu nghe theo chính sách của Hitler và báo cáo lên ông nhưng họ có quyền tự chủ đáng kể.[177] Hitler mong đợi họ "làm việc hướng về lãnh tụ" để chủ động xúc tiến chính sách và hành động tuân theo mục tiêu của đảng và mong muốn của Hitler mà không cần ông tham gia ra quyết định hàng ngày.[178] Chính phủ là một tập hợp các bè phái vô tổ chức do giới tinh hoa đảng cầm đầu, nhóm đấu tranh để giành giật quyền lực và sự tín nhiệm của Hitler.[179] Kiểu cách lãnh đạo của Hitler là ban những mệnh lệnh mâu thuẫn xuống cấp dưới, không phân định rạch ròi nhiệm vụ và trách nhiệm giữa người này và người kia.[180] Bằng cách này ông cổ vũ sự ngờ vực, cạnh tranh, đấu đá giữa thuộc hạ để củng cố và nâng tầm tối đa quyền lực của mình.[181]
Những sắc lệnh Reichsstatthalter liên tiếp trong khoảng 1933 đến 1935 đã bãi bỏ Länder (bang cấu thành) của nước Đức và thay thế chúng bằng đơn vị hành chính mới là Gaue do Gauleiter cai quản.[182] Thay đổi này chưa bao giờ được thực thi trọn vẹn khi mà Länder vẫn được dùng làm đơn vị hành chính cho một số phòng ban chính phủ như giáo dục. Điều này dẫn đến một mớ hỗn độn trách nhiệm và quyền hạn chồng chéo quan liêu, nét đặc thù trong phong cách hành chính của chế độ quốc xã.[183]
Công chức Do Thái mất việc làm vào năm 1933 trừ những người từng thực thi nghĩa vụ quân sự trong chiến tranh thế giới thứ Nhất. Các đảng viên hoặc người ủng hộ đảng được bổ nhiệm thay thế vị trí của họ.[184] Luật Chính quyền Địa phương 1935 đã hủy bỏ các cuộc bầu cử địa phương và thị trưởng do Bộ trưởng Nội vụ tiến cử như một phần của quá trình Gleichschaltung.[185]
Luật pháp
Tháng 8 năm 1934, công chức và quân nhân bị yêu cầu tuyên thệ phục tùng Hitler vô điều kiện. Phép tắc này trở thành nền tảng của Führerprinzip, khái niệm rằng lời nói của Hitler xếp trên mọi luật lệ hiện hành.[186] Mọi hành động đã được Hitler phê chuẩn, kể cả giết người, thì đều là hợp pháp.[187] Tất cả pháp chế do bộ trưởng nội các đề xuất đều phải qua phê duyệt của văn phòng phó lãnh tụ Rudolf Hess, người còn có quyền bác bỏ những sự bổ nhiệm công chức hàng đầu.[188]
Hầu hết những bộ luật phù hợp và hệ thống tư pháp của Cộng hòa Weimar được giữ lại để đối phó với tội phạm phi chính trị.[189] Các tòa tuyên và thi hành nhiều án tử hình hơn trước khi quốc xã lên nắm quyền.[189] Người nào bị kết phạm ba tội trở lên, dù là tội nhỏ, có thể bị xem là có thói quen phạm tội và giam vô thời hạn.[190] Gái mại dâm và kẻ móc túi bị phán xét là tội phạm vốn dĩ và mối đe dọa đến cộng đồng. Hàng ngàn người đã bị bắt và bỏ tù vô thời hạn mà không qua xét xử.[191]
Một loại tòa án mới là Volksgerichtshof (Tòa án Nhân dân) được thành lập vào năm 1924 để đối phó với tội phạm chính trị.[192] Tòa này đã tuyên hơn 5.000 án tử hình cho đến khi giải thể vào năm 1945.[193] Các tội mà có thể nhận án tử bao gồm theo cộng sản, in tờ rơi xúi giục nổi loạn, hay đem Hitler và những lãnh đạo đảng khác ra làm trò cười.[194] Gestapo đảm trách công tác trị an để thi hành ý thức hệ quốc xã với việc truy lùng, bắt giam tội phạm chính trị, người Do Thái, và đối tượng không mong muốn khác [195] Tù nhân chính trị mới được thả thường bị Gestapo bắt lại ngay lập tức và giam trong một trại tập trung.[196]
Quốc xã lợi dụng tuyên truyền để truyền bá quan niệm Rassenschande (ô uế chủng tộc), qua đó biện minh cho sự cần thiết của luật về chủng tộc.[197] Vào tháng 9 năm 1935 các đạo luật Nuremberg được ban hành mà ban đầu cấm quan hệ tình cảm và kết hôn giữa người Aryan và Do Thái, về sau mở rộng đối tượng bao gồm "người Digan, da đen hay con ngoài giá thú của họ".[198] Luật này còn cấm thuê phụ nữ Đức dưới 45 tuổi vào làm người giúp việc trong các gia đình Do Thái.[199] Đạo luật Công dân phát biểu rằng chỉ "người Đức hoặc dòng dõi liên quan" mới là công dân,[200] do vậy người Do Thái và người ngoài Aryan khác đã bị tước đoạt tư cách công dân Đức. Luật này còn cho phép những người quốc xã bác bỏ tư cách công dân của bất kỳ ai không ủng hộ chế độ nhiệt thành.[200] Một sắc lệnh bổ sung ban hành tháng 11 định nghĩa người Do Thái là bất kỳ người nào có ba ông bà là người Do Thái, hoặc hai ông bà và theo đức tin Do Thái.[201]
Quân sự và bán quân sự
Wehrmacht
Lực lượng vũ trang thống nhất của Đức từ 1935 đến 1945 được gọi là Wehrmacht (lực lượng vệ quốc), bao gồm Heer (lục quân), Kriegsmarine (hải quân), và Luftwaffe (không quân). Kể từ ngày 2 tháng 8 năm 1934, các thành viên của lực lượng vũ trang bị yêu cầu tuyên thệ phục tùng cá nhân Hitler vô điều kiện. Trái với lời thề trước đó đòi hỏi trung thành với hiến pháp và cơ sở hợp pháp của quốc gia, lời thề mới ép buộc quân nhân vâng lời Hitler kể cả khi họ có nhận lệnh làm gì đó phi pháp.[202] Hitler chỉ thị quân đội phải phớt lờ hay thậm chí hỗ trợ hậu cần cho Einsatzgruppen, những toán quân tử thần di động là thủ phạm sát hại hàng triệu người ở Đông Âu, trong tình huống có thể.[203] Binh sĩ Wehrmacht cũng trực tiếp can dự vào Holocaust với hành vi bắn chết dân thường hay tiến hành diệt chủng dưới vỏ bọc hoạt động chống kháng quân.[204] Theo chỉ dẫn của đảng, người Do Thái là kẻ xúi bẩy kháng chiến do đó cần phải bị tiêu diệt.[205] Vào ngày 8 tháng 7 năm 1941, Heydrich thông báo toàn thể người Do Thái ở những lãnh thổ chinh phạt phía đông đều được xem là kháng quân và ra lệnh bắn bỏ mọi nam giới Do Thái tuổi từ 15 đến 45.[206] Đến tháng 8 phạm vi đối tượng mở rộng ra toàn bộ dân Do Thái.[207]
Bất chấp những nỗ lực chuẩn bị về quân sự, nền kinh tế sẽ không thể duy trì một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài. Một chiến lược được phát triển dựa trên chiến thuật Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng) có đặc điểm vận dụng các đòn tấn công phối hợp nhanh chóng và tránh những điểm mạnh của đối phương. Trình tự tiến hành lần lượt là pháo kích, không kích, xe tăng tấn công và cuối cùng là bộ binh xông lên để nắm chắc lãnh thổ đã chiếm.[208] Chiến thắng liên tiếp đến với quốc xã tới giữa năm 1940 nhưng việc không thể đánh bại Anh là bước ngoặt lớn đầu tiên của cuộc chiến. Hành động tấn công Liên Xô và thất bại quyết định tại Stalingrad đã buộc quân đội Đức phải thoái lui rồi cuối cùng là bại trận.[209] Tổng số binh sĩ phục vụ trong Wehrmacht từ năm 1935 đến 1945 là khoảng 18,2 triệu, trong đó 5,3 triệu người đã tử trận.[155]
SA và SS
Sturmabteilung (SA, Biệt đội Bão táp, hay Quân áo nâu) thành lập năm 1921 là tổ chức bán quân sự đầu tiên của Đảng Quốc xã. Nhiệm vụ ban đầu của họ là bảo vệ các lãnh đạo đảng tại những kỳ họp và đại hội.[210] Họ còn tham gia những trận chiến đường phố đối đầu lực lượng của các đảng chính trị địch thủ và hành động bạo lực chống người Do Thái hoặc đối tượng khác.[211] Dưới sự lãnh đạo của Ernst Röhm thì đến năm 1934 quân số SA đã tăng đến hơn nửa triệu, tính cả quân dự bị là 4,5 triệu, vào lúc mà quân đội chính quy vẫn bị giới hạn ở con số 100.000 người bởi hòa ước Versailles.[212]
Röhm mong muốn làm tư lệnh quân đội và sáp nhập quân đội với SA vào làm một.[213] Hindenburg và Bộ trưởng Quốc phòng Werner von Blomberg đe dọa áp đặt thiết quân luật nếu SA không giảm thiểu những hành vi đáng lo ngại.[214] Vì xem SA như một mối đe dọa, Hitler đã ra lệnh trừ khử giới lãnh đạo SA trong đó có Rohm. Sau cuộc thanh trừng năm 1934 thì SA không còn là thế lực đáng gờm.[39]
Từ một đơn vị vệ sĩ nhỏ đặt dưới sự bảo trợ của SA, Schutzstaffel (SS, Đội cận vệ) đã phát triển thành một trong những tổ chức lớn và hùng mạnh bậc nhất ở Đức Quốc xã.[215] SS do Reichsführer-SS Heinrich Himmler lãnh đạo từ năm 1929 đã có quân số hơn 250.000 tính đến năm 1938.[216] Himmler ban đầu hình dung SS là một đội vệ sĩ ưu tú, hàng phòng vệ cuối cùng của Hiler.[217] Nhánh quân sự của SS là Waffen-SS đã trở thành lục quân thứ hai. Waffen-SS lệ thuộc vào quân đội chính quy về khoản trang thiết bị, vũ khí hạng nặng và đa số đơn vị do Bộ Tư lệnh Tối cao các Lực lượng Vũ trang (OKW) quản lý về phương diện chiến thuật.[218][219] Đến hết năm 1942 những yêu cầu về chủng tộc và quy trình chọn lựa thành viên nghiêm ngặt đã không còn được tuân thủ như lúc đầu. Sang năm 1943 Waffen-SS không còn được xem là lực lượng chiến đấu ưu tú khi mà tuyển mộ chỉ nhắm mục tiêu gia tăng quân số.[220]
Các đơn vị SS đã phạm nhiều tội ác chiến tranh chống lại dân thường và tù binh.[221] Kể từ năm 1935 SS tập trung bức hại người Do Thái, dồn ép họ vào trong những khu Do Thái (ghetto) và trại tập trung.[222] Sau khi chiến tranh thế giới thứ Hai bùng phát các đơn vị Einsatzgruppe đã theo chân quân đội đến Ba Lan và Liên Xô, sát hại hơn hai triệu người, trong đó 1,3 triệu là Do Thái, trong giai đoạn 1941 đến 1945.[223] Một phần ba thành viên Einsatzgruppe được tuyển mộ từ hàng ngũ Waffen-SS.[224][225] SS-Totenkopfverbände (đơn vị đầu lâu) điều hành các trại tập trung và trại hành quyết, nơi có hàng triệu người bị giết hại.[226][227] Số nhân viên Waffen-SS phục vụ trong các trại lên cao nhất khoảng 60.000.[228]
Vào năm 1931 Himmler thành lập cơ quan tình báo SS trở nên được biết đến là Sicherheitsdienst (SD, Sở An ninh) và giao cho đại diện của mình là Heydrich quản lý.[229] Tổ chức này có nhiệm vụ truy lùng, bắt giữ những người cộng sản và kẻ thù chính trị khác.[230][231] Himmler thiết lập sự khởi đầu của một nền kinh tế song song do Văn phòng Chỉ đạo Hành chính và Kinh tế SS bảo trợ. Công ty cổ phần mẹ này sở hữu các tập đoàn nhà đất, nhà máy, và các nhà xuất bản.[232][233]
Kinh tế
Nền kinh tế quốc gia
Vấn đề kinh tế cấp bách nhất mà những người quốc xã phải đối mặt ban đầu là tỷ lệ thất nghiệp 30% trên toàn quốc.[234] Tháng 5 năm 1933, nhà kinh tế học đồng thời là Chủ tịch Reichsbank và Bộ trưởng Kinh tế Hjalmar Schacht đã sáng lập một kế hoạch xử lý thâm hụt tài chính. Các dự án vốn được thanh toán bằng việc phát hành lệnh phiếu gọi là Mefo. Reichsbank in tiền khi phiếu được xuất trình để thanh toán. Hitler và đội ngũ kinh tế kỳ vọng hoạt động mở rộng lãnh thổ sắp tới sẽ mang lại những biện pháp giúp trả món nợ quốc gia đang tăng vọt.[235] Nhờ năng lực quản trị của Schacht, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh hơn bất kỳ nước nào khác trong Đại Suy thoái.[234] Kinh tế hồi phục nhưng không đều với việc số giờ làm giảm và hàng thiết yếu lúc đủ lúc thiếu, xua tan ảo tưởng về chế độ ngay từ năm 1934.[236]
Tháng 10 năm 1933 chính quyền sung công Xưởng Máy bay Junkers. Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Hàng không Hermann Göring, sản lượng máy bay tăng vọt tương tự như những nhà máy khác. Từ một lực lượng lao động 3.200 người sản xuất 100 máy bay mỗi năm vào năm 1932 thì chưa đến 10 năm sau ngành công nghiệp đã tăng trưởng lên 25.000 công nhân làm ra hơn 10.000 máy bay tân tiến mỗi năm.[237]
Một bộ máy quan liêu phức tạp được lập nên để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thô và thành phẩm với ý định loại bỏ sự cạnh tranh từ nước ngoài trong thị trường nội địa và cải thiện cán cân thanh toán quốc gia. Chính phủ khuyến khích phát triển những phương pháp tổng hợp thay thế cho các loại vật liệu như dầu mỏ và vải dệt.[238] Vào năm 1933 khi nguồn cung thừa thãi và giá xăng dầu thấp, chính phủ đã đề nghị thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với IG Farben, bảo đảm cho họ 5 phần trăm vốn đầu tư vào nhà máy dầu tổng hợp của họ tại Leuna. Nhà nước sẽ thu hồi bất kỳ khoản lợi nhuận nào vượt quá con số này. Đến năm 1936 Farben hối hận với thỏa thuận do lợi nhuận dư đang được sinh ra.[239] Trong một nỗ lực khác nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu thời chiến, Đức đã hăm dọa buộc Romania ký một hiệp định thương mại vào tháng 3 năm 1939.[240]
Các dự án công trình công cộng lớn được cấp vốn nhờ bội chi bao gồm việc thi công hệ thống Autobahnen và tài trợ cho các chương trình về nhà ở và cải thiện nông nghiệp do chế độ cũ khởi xướng.[241] Để kích thích ngành công nghiệp xây dựng, chính phủ đề nghị tín dụng đến các doanh nghiệp tư nhân và trợ cấp cho việc mua và sửa chữa nhà ở.[242] Trong hoàn cảnh người vợ không gia nhập lực lượng lao động, những cặp đôi trẻ dòng dõi Aryan có ý định kết hôn có thể tiếp cận khoản vay lên tới 1.000 Reichsmark và số nợ phải trả sẽ giảm 25 phần trăm tương ứng mỗi đứa con sinh ra.[243] Đến năm 1937 phụ nữ đã có thể tìm việc làm bên ngoài do thiếu hụt lao động có tay nghề.[244]
Hình dung về viễn cảnh xe hơi trở nên phổ quát, Hitler đã sắp xếp để nhà thiết kế Ferdinand Porsche phác thảo kế hoạch cho KdF-wagen, ý định biến nó thành loại xe mà bất kỳ ai cũng có cơ hội sở hữu. Một nguyên mẫu của xe này đã được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế ở Berlin vào ngày 17 tháng 2 năm 1939. Do chiến tranh thế giới thứ Hai bùng phát nên nhà máy đã chuyển sang sản xuất phương tiện quân sự. Không có chiếc nào được bán ra cho đến sau chiến tranh, lúc mà nó được đổi tên thành Volkswagen (xe của nhân dân).[245]
Số người thất nghiệp đã giảm từ sáu triệu khi quốc xã lên cầm quyền năm 1933 xuống dưới một triệu năm 1937.[246] Điều này một phần do việc loại phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động.[247] Tiền lương thực tế giảm 25 phần trăm trong khoảng 1933 và 1938.[234] Sau khi công đoàn giải tán vào tháng 5 năm 1933, chính quyền đã chiếm đoạt ngân quỹ và bắt giữ lãnh đạo của họ,[248] kể cả người nỗ lực hợp tác với quốc xã.[32] Một tổ chức mới là Mặt trận Lao động Đức được thành lập và đặt dưới sự quản trị của công chức Robert Ley.[248] Số giờ làm việc trung bình một tuần tăng từ 43 giờ năm 1933 lên 47 giờ năm 1939.[249]
Đến đầu năm 1934 thì trọng tâm được chuyển sang tái vũ trang. Trong năm 1935 phí tổn quân sự đã chiếm đến 73 phần trăm chi tiêu hàng hóa và dịch vụ của chính phủ.[250] Vào ngày 18 tháng 10 năm 1936 Hitler bổ nhiệm Göring làm Toàn quyền Kế hoạch Bốn Năm với mục tiêu tăng tốc tái vũ trang.[251] Bên cạnh kêu gọi đẩy nhanh tiến độ thi công các nhà máy như thép hay cao su tổng hợp, Göring còn khởi động kiểm soát giá cả và tiền lương cũng như hạn chế phát hành cổ tức.[234] Chính phủ chi tiêu mạnh tay cho tái vũ trang bất chấp thâm hụt gia tăng.[252] Các kế hoạch phát triển đồ sộ không quân và hải quân mà được hé lộ vào cuối năm 1938 đã không thể thực hiện do nước Đức thiếu nguồn tài chính, nguyên liệu để xây dựng những đơn vị mong muốn và thiếu nhiên liệu để duy trì vận hành chúng.[253] Trước năm 1935 Reichswehr bị hạn chế quân số ở ngưỡng 100.000 bởi những điều khoản của hòa ước Versailles. Sau đó khi nghĩa vụ quân sự bắt buộc được đề ra thì lực lượng này có 750.000 lính tại ngũ cùng một triệu lính dự bị tại thời điểm bắt đầu chiến tranh thế giới thứ Hai.[254] Số người thất nghiệp tiếp tục giảm xuống 301.800 vào tháng 1 năm 1939 rồi đến tháng 9 năm đó chỉ còn 77.500.[255]
Kinh tế thời chiến và lao động khổ sai
Loại hình kinh tế chiến tranh của Đức Quốc xã là kinh tế hỗn hợp, kết hợp thị trường tự do với kế hoạch tập trung. Nhà sử học Richard Overy mô tả nó như ở đâu đó giữa kinh tế chỉ huy của Liên Xô và hệ thống tư bản chủ nghĩa của Hoa Kỳ.[256]
Vào năm 1942, Hitler bổ nhiệm Albert Speer làm Bộ trưởng Vũ trang thay thế người tiền nhiệm Fritz Todt mới qua đời.[257] Chế độ phân phối hàng tiêu dùng thời chiến khiến người dân tiết kiệm hơn còn các khoản quỹ được chính phủ vay để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh.[258] Tính đến năm 1944, chiến tranh đang làm hao tốn 75 phần trăm tổng sản phẩm nội địa của Đức so với 60 phần trăm của Liên Xô và 55 phần trăm của Anh.[259] Speer cải thiện sản lượng bằng tập trung hóa công tác lập kế hoạch và quản lý, giảm sản xuất hàng tiêu dùng, sử dụng nô lệ và lao động khổ sai.[260][261] Nền kinh tế thời chiến rốt cục lệ thuộc chủ yếu vào việc thuê lao động nô lệ quy mô lớn. Đức nhập khẩu và nô dịch hóa khoảng 12 triệu người từ 20 nước châu Âu để làm việc trong nhà máy và trên nông trường, với khoảng 75 phần trăm là từ Đông Âu.[262] Nhiều lao động đã thiệt mạng trong những cuộc không kích của Đồng minh bởi họ ít được bảo vệ. Điều kiện sống nghèo nàn dẫn đến tỷ lệ cao bệnh tật, thương tật, tử vong, cùng hành vi phá hoại và phạm tội.[263] Kinh tế thời chiến còn phụ thuộc vào cướp bóc quy mô lớn, ban đầu là nhà nước chiếm đoạt tài sản của người Do Thái rồi về sau là bóc lột tài nguyên của những lãnh thổ chiếm đóng.[264]
Công nhân nước ngoài đến Đức được phân thành bốn nhóm: công nhân khách trú, tù binh, công nhân dân thường, và công nhân miền Đông. Có những quy định khác nhau dành cho mỗi nhóm. Quốc xã cấm quan hệ tình cảm giữa người Đức và công nhân nước ngoài.[265][266]
Đến năm 1944 có hơn nửa triệu phụ nữ đóng vai quân bổ sung trong lực lượng vũ trang Đức.[267] Số phụ nữ được thuê làm công ăn lương chỉ tăng 271.000 (1,8 phần trăm) giai đoạn 1939 đến 1944.[268] Khi sản lượng hàng tiêu dùng bị cắt giảm, phụ nữ rời bỏ những ngành công nghiệp này để gia nhập nền kinh tế chiến tranh. Họ còn đảm nhận những công việc của nam giới trước kia, nhất là trên nông trường và trong những cửa hàng gia đình.[269]
Những đợt ném bom chiến lược của Đồng minh nhằm vào các nhà máy tinh chế xăng và dầu tổng hợp, hệ thống vận tải đặc biệt là các bãi đường sắt và kênh đào, gây thiệt hại rất nặng nề.[270] Tới tháng 9 năm 1944 ngành công nghiệp vũ trang bắt đầu suy sụp. Hai tháng sau, sản lượng than đá không còn đạt mục tiêu khiến việc sản xuất vũ khí mới không thể thực hiện.[271] Overy lập luận rằng hoạt động ném bom đã kéo căng nền kinh tế chiến tranh buộc nước Đức phải điều động một phần tư nhân lực và công nghiệp cho công tác phòng không, điều rất có thể đã giúp rút ngắn cuộc chiến.[272]
Khai thác tài chính các lãnh thổ chinh phạt
Trong tiến trình chiến tranh, quốc xã đã có hành vi cướp bóc đáng kể từ các nước châu Âu chiếm đóng. Nhà sử học và phóng viên chiến trường William L. Shirer viết: "Tổng số của cải mà quốc xã cướp đi sẽ không bao giờ được biết, nó xem ra vượt quá năng lực tính toán chính xác của con người."[273] Quốc xã thường hay áp đặt khoản phí chiếm đóng lớn, chiếm đoạt vàng dự trữ và cổ phần nước ngoài khác từ ngân hàng nhà nước của những nước chiếm đóng. Tính đến hết chiến tranh, phí tổn chiếm đóng mà quốc xã tính là 60 tỷ Reichsmark, chỉ riêng Pháp đã phải trả 31,5 tỷ. Ngân hàng Pháp bị ép cung cấp 4,5 tỷ Reichsmark dưới dạng tín dụng, trong khi Pháp Vichy bị đòi thêm 500.000 Reichsmark dưới dạng thù lao và phí linh tinh khác. Các quốc gia khác cũng bị bóc lột tương tự. Sau chiến tranh, Cục Khảo sát Ném bom Chiến lược Hoa Kỳ kết luận Đức Quốc xã đã thu về 104 tỷ Reichsmark phí chiếm đóng và của cải vận chuyển từ các nước châu Âu, bao gồm hai phần ba tổng sản phẩm nội địa của Bỉ và Hà Lan.[273]
Những thứ bị cướp đi bao gồm các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân và công cộng, đồ tạo tác, kim loại quý, sách, và tài sản cá nhân. Hitler và Göring quan tâm đến những kho tàng nghệ thuật cướp được từ các nước châu Âu.[274] Hitler có kế hoạch lấy những tác phẩm nghệ thuật đánh cắp để lấp đầy gian phòng của Führermuseum (Bảo tàng Lãnh tụ),[275] còn Göring thì để phục vụ sở thích sưu tầm cá nhân. Trong vòng sáu tháng sau cuộc xâm lược Ba Lan, Göring đã lấy đi hầu hết tác phẩm nghệ thuật của nước này và cuối cùng giá trị bộ sưu tập lên đến hơn 50 triệu Reichsmark.[274] Vào năm 1940, Đội đặc nhiệm Reichsleiter Rosenberg được thành lập để đánh cắp vật phẩm văn hóa và nghệ thuật từ những bộ sưu tập, thư viện, bảo tàng tư nhân và công cộng trên khắp châu Âu. Pháp là nước bị mất mát nhiều nhất. Khoảng 26.000 toa tàu chứa kho tàng nghệ thuật, đồ nội thất, cùng vật phẩm khác đã được vận chuyển từ Pháp về Đức.[276] Đến tháng 1 năm 1941, Rosenberg ước tính giá trị số hàng cưỡng đoạt từ Pháp là hơn một tỷ Reichsmark.[277] Bên cạnh đó, binh sĩ cũng lấy cắp hoặc mua những thứ mà đang trở nên khó kiếm ở Đức như sản vật hoặc hàng may mặc để gửi về nhà.[278]
Hàng hóa và nguyên liệu thô cũng bị lấy đi. Trong thời kỳ chiến tranh, quốc xã đã chiếm đoạt 80 phần trăm sản lượng dầu mỏ, 74 phần trăm sản lượng thép, và 9.000.000 tấn ngũ cốc bao gồm 75% yến mạch của Pháp. Giá trị số hàng này ước đạt 184,5 tỷ franc. Ở Ba Lan, quốc xã cướp bóc nguyên liệu thô khi mà cuộc xâm lược còn chưa kết thúc.[279]
Liên Xô là nạn nhân tiếp theo sau chiến dịch Barbarossa. Chỉ trong năm 1943 9.000.000 tấn ngũ cốc, 2.000.000 tấn rơm, 3.000.000 tấn khoai tây, và 662.000 tấn thịt đã được vận chuyển về Đức. Quốc xã lấy đi khoảng 12 triệu con lợn và 13 triệu con cừu trong thời gian chiếm đóng. Ước tính trị giá số hàng cướp đoạt là 4 tỷ Reichsmark. Con số này khá thấp so với những nước châu Âu khác có thể phần nào do chiến tranh tàn phá trên mặt trận phía Đông.[280]
Chính sách chủng tộc và thuyết ưu sinh
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái
Phân biệt chủng tộc và bài Do Thái là những giáo lý cơ bản của chế độ quốc xã. Chính sách chủng tộc của Đức Quốc xã dựa trên niềm tin của họ về sự tồn tại của một chủng tộc thượng đẳng ưu việt. Những người quốc xã công nhận tình trạng xung đột giữa chủng tộc thượng đẳng Aryan và những chủng tộc hạ đẳng, nhất là Do Thái, thành phần họ xem là lai tạp đã thâm nhập xã hội và đàn áp cũng như bóc lột chủng tộc Aryan.[281]
Người Do Thái
Quốc xã có hành động phân biệt đối xử chống người Do Thái ngay sau khi lên nắm quyền. Sau một loạt cuộc tấn công các giáo đường và cửa hàng Do Thái kéo dài một tháng do thành viên SA tiến hành thì đến ngày 1 tháng 4 năm 1933 Hitler ra lệnh tẩy chay các cửa hàng Do Thái trên toàn quốc.[282] Luật Khôi phục Ngành Dân chính Chuyên nghiệp thông qua ngày 7 tháng 4 đã buộc mọi công chức không là người Aryan từ bỏ nghề luật và công vụ.[283] Các đạo luật tương tự đã sớm tước quyền hành nghề của nhiều người Do Thái khác. Vào ngày 11 tháng 4 một sắc lệnh được ban bố nêu rằng bất kỳ ai có một cha mẹ hay ông bà là người Do Thái thì không được xem là người Aryan.[284] Các thành viên của Liên đoàn Sinh viên Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa đã lọc khỏi thư viện những cuốn sách không có tính Đức và hoạt động đốt sách diễn ra trên cả nước vào ngày 10 tháng 5 như một phần cuộc vận động nhằm loại bỏ ảnh hưởng Do Thái ra khỏi đời sống văn hóa.[285]
Chế độ sử dụng bạo lực và áp lực kinh tế để khuyến khích người Do Thái tự nguyện rời đất nước.[286] Các doanh nghiệp Do Thái bị cấm quảng cáo, không được phép tiếp cận thị trường hay những hợp đồng chính phủ. Công dân Do Thái bị sách nhiễu và bạo hành thể chất.[287] Nhiều thị trấn đã treo biển cấm người Do Thái đi vào.[288]
Vào tháng 11 năm 1938 một thanh niên người Do Thái yêu cầu được phỏng vấn đại sứ Đức ở Paris. Người này đã gặp và bắn chết thư ký tòa công sứ để phản đối cái cách gia đình mình bị đối xử ở Đức. Vụ việc đã trao cho những người quốc xã cái cớ đế kích động bạo loạn chống người Do Thái vào ngày 9 tháng 11 năm 1938. Các thành viên SA đập phá hoặc thiêu hủy những giáo đường và cơ ngơi của người Do Thái trên khắp nước Đức. Ít nhất 91 người Do Thái Đức bị giết trong cuộc bạo động mà sau này được gọi là Kristallnacht (Đêm thủy tinh vỡ).[289][290] Trong những tháng tiếp theo quốc xã áp đặt thêm những hạn chế lên người Do Thái, họ bị cấm kinh doanh hay làm việc trong những cửa hàng bán lẻ, lái xe, đến rạp phim hay thư viện, sở hữu vũ khí và học sinh Do Thái bị đuổi khỏi trường học. Cộng đồng Do Thái bị phạt một tỷ mark vì thiệt hại gây bởi Kristallnacht và mọi khoản thanh toán bảo hiểm sẽ bị tịch thu.[291] Đến năm 1939 khoảng 250.000 trong số 437.000 người Do Thái Đức đã di cư đến Hoa Kỳ, Argentina, Anh, Palestine, hay nước khác.[292][293] Nhiều người chọn ở lại châu Âu lục địa. Người di cư đến Palestine được phép mang theo tài sản dưới điều khoản của hiệp định Haavara nhưng người đến nước khác phải để lại gần như toàn bộ tài sản và chúng sẽ bị chính quyền chiếm đoạt.[293]
Người Digan
Cũng như người Do Thái, người Digan là đối tượng bị áp bức từ những ngày đầu của chế độ. Họ không được phép kết hôn với người dòng dõi Đức, bị đưa đến các trại tập trung từ năm 1935 và nhiều người đã bị giết.[168][169] Sau cuộc xâm lược Ba Lan, quốc xã đã trục xuất 2.500 người Digan và Sinti đến Tổng đốc phủ Ba Lan rồi giam trong những trại lao động. Những người sống sót có thể đã bị sát hại trong các trại hành quyết như Bełżec, Sobibor, hay Treblinka. Cuối năm 1941 có thêm 5.000 người Sinti và Lalleri Áo bị đưa đến Ghetto Łódź, ước tính một nửa trong số đó đã thiệt mạng. Số người còn sống sẽ di chuyển đến trại hành quyết Chelmno vào đầu năm 1942.[294]
Quốc xã dự định trục xuất toàn bộ người Digan ra khỏi nước Đức và giam họ trong Zigeunerlager (trại Gypsy). Himmler ra lệnh thực hiện điều này vào tháng 12 năm 1942 với một số ngoại lệ. Có khoảng 23.000 người Digan bị đưa đến trại tập trung Auschwitz, 20.000 trong đó bỏ mạng.[295] Ở ngoài nước Đức, người Digan thường được sử dụng làm lao động khổ sai, dù vậy cũng có không ít người bị giết. SS, lục quân Đức, và Einsatzgruppen đã sát hại 30.000 người Digan ở các nước Baltic và Liên Xô. Con số này lần lượt là 1.000 đến 12.000 ở Serbia chiếm đóng và gần 25.000 ở Nhà nước Croatia Độc lập. Cho tới khi chiến tranh kết thúc, ước tính tổng số người Digan thiệt mạng vào khoảng 220.000, tương ứng 25% dân số Digan ở châu Âu.[294]
Người sắc tộc Ba Lan
Quốc xã xem người Ba Lan là phi Aryan hạ đẳng và đã sát hại 2,7 triệu người sắc tộc Ba Lan trong thời kỳ chiếm đóng Ba Lan.[296] Dân thường Ba Lan là đối tượng bị đưa đi làm lao động khổ sai trong ngành công nghiệp Đức, giam hãm, trục xuất hàng loạt để dọn đường cho người Đức đến định cư, và tàn sát. Giới chức Đức tham gia vào nỗ lực hủy diệt văn hóa và bản sắc dân tộc Ba Lan một cách có hệ thống. Trong chiến dịch AB-Aktion, nhiều giảng viên đại học và người thuộc giới trí thức Ba Lan đã bị bắt, đưa đến những trại tập trung, hoặc xử tử. Ước tính trong chiến tranh, Ba Lan mất đi 39 đến 45 phần trăm bác sĩ và nha sĩ, 26 đến 57 phần trăm luật sư, 15 đến 30 phần trăm giáo viên, 30 đến 40 phần trăm nhà khoa học và giảng viên đại học, và 18 đến 28 phần trăm giáo sĩ.[297]
Nạn nhân khác
Aktion T4 là chương trình tàn sát có hệ thống người tàn tật về thể chất, trí tuệ và bệnh nhân trong những bệnh viện tâm thần diễn ra chủ yếu từ năm 1939 đến 1941 nhưng vẫn tiếp tục đến khi chiến tranh kết thúc. Ban đầu nạn nhân bị Einsatzgruppen hoặc đơn vị khác bắn chết, đến đầu năm 1940 thì xe và phòng hơi ngạt cấp carbon monoxide được sử dụng.[298][299] Dưới Luật Phòng chống Con đẻ mắc Bệnh Di truyền ban hành ngày 14 tháng 7 năm 1933, hơn 400.000 người đã bị triệt sản bắt buộc.[300] Hơn nửa số này bị xem là khiếm khuyết trí tuệ, bao gồm không chỉ người đạt điểm số thấp trong những bài kiểm tra trí thông minh mà còn cả người lệch lạc khỏi những tiêu chuẩn mong đợi về hành vi liên quan đến tình dục, tính tiết kiệm, tính sạch sẽ. Số đông nạn nhân thuộc những nhóm thua thiệt như gái mại dâm, người nghèo, người vô gia cư, và tội phạm.[301] Những đối tượng bị khủng bố và sát hại khác gồm có tín hữu Nhân chứng Jehovah, người đồng tính, người không phù hợp với xã hội, thành viên phe chính trị và tôn giáo đối lập.[169][302]
Kế hoạch phương Đông tổng thể
Cuộc chiến của Đức ở phía đông bắt nguồn từ quan điểm đã có từ lâu của Hitler rằng người Do Thái là kẻ thù lớn của dân tộc Đức và Lebensraum (không gian sinh tồn) là thứ cần giành được. Hitler dồn sự chú ý vào Đông Âu, hướng đến chinh phạt Ba Lan và Liên Xô.[165][166] Sau khi Đức chiếm đóng Ba Lan vào năm 1939, toàn bộ người Do Thái ở Tổng đốc phủ Ba Lan bị giam trong các ghetto còn người đủ sức khỏe bị bắt đi lao động.[303] Vào năm 1941 Hitler quyết định tận diệt dân tộc Ba Lan, trong vòng 15 đến 20 năm diệt sạch người sắc tộc Ba Lan ở Tổng đốc phủ và tái định cư bằng người Đức.[304] Khoảng 3,8 đến 4 triệu người Ba Lan vẫn được giữ làm một phần của lực lượng lao động nô lệ 14 triệu người mà quốc xã dự định tạo ra từ công dân các nước chinh phạt.[305][166][306]
Generalplan Ost (Kế hoạch Tổng quát cho phía Đông) kêu gọi trục xuất số dân ở Liên Xô và Đông Âu chiếm đóng đến Siberia để dùng làm lao động nô lệ hoặc sát hại.[307] Để xác định đối tượng tiêu diệt, Himmler tạo ra Volksliste, hệ thống phân loại những người được xem là có dòng dõi Đức.[308] Himmler ra lệnh trục xuất người dòng dõi Đức không chấp nhận bị xếp vào nhóm người Đức sắc tộc đến các trại tập trung hoặc cho đi lao động khổ sai và bắt con của họ đi.[309][310] Kế hoạch còn bao gồm bắt cóc những đứa trẻ mang đặc điểm Aryan-Bắc Âu, đối tượng được xem như có dòng máu Đức.[311] Mục tiêu là tiến hành Generalplan Ost hậu chinh phạt Liên Xô nhưng khi không làm được điều này Hitler đã tính đến những phương án khác.[307][312] Một đề xuất là trục xuất hàng loạt người Do Thái đến Ba Lan, Palestine, hoặc Madagascar.[303]
Bên cạnh diệt trừ dân Do Thái, quốc xã còn dự tính làm giảm dân số của những lãnh thổ chinh phạt xuống 30 triệu người bằng biện pháp bỏ đói trong một kế hoạch gọi là Hungerplan. Lương thực sẽ được chuyển hướng đến quân đội và người dân Đức. Các thành phố bị san bằng và đất đai dành cho rừng hoặc người Đức tái định cư.[313] Hai kế hoạch Hungerplan và Generalplan Ost kết hợp sẽ khiến 80 triệu người dân Liên Xô chết đói.[314] Thực tế chúng chỉ hoàn thành một phần khiến ước tính 19,3 triệu dân thường và tù binh ở Liên Xô hay nơi khác ở châu Âu thiệt mạng.[315] Chiến tranh thế giới thứ Hai đã cướp đi của Liên Xô 27 triệu sinh mạng, chưa đến 9 triệu trong đó chết trên chiến trường.[316] Một phần tư dân số Liên Xô đã chết hoặc bị thương.[317]
Holocaust và Giải pháp cuối cùng
Vào khoảng thời gian cuộc tấn công Moskva thất bại tháng 12 năm 1941, Hitler đã quyết định lập tức diệt trừ dân Do Thái châu Âu.[318] Trong lúc hoạt động tàn sát dân thường Do Thái đang diễn ra ở những lãnh thổ Ba Lan và Liên Xô chiếm đóng, các kế hoạch nhằm xóa sổ hoàn toàn dân Do Thái châu Âu (11 triệu người) được chính thức hóa tại hội nghị Wannsee vào ngày 20 tháng 1 năm 1942. Một số sẽ phải làm việc đến chết còn số khác sẽ bị giết trong quá trình thực thi Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái.[319] Ban đầu là những tổ bắn Einsatzgruppen giết nạn nhân, kế đến là sử dụng phòng hơi ngạt cố định hoặc xe hơi ngạt nhưng những phương pháp này tỏ ra không phù hợp cho một chiến dịch quy mô như vậy.[320][321] Đến năm 1942 các trại hành quyết có phòng hơi ngạt được xây tại Auschwitz, Chełmno, Sobibor, Treblinka, và nơi khác.[322] Ước tính tổng số người Do Thái bị giết hại là 5,5 đến 6 triệu,[227] trong đó có 1 triệu trẻ em.[323]
Phe Đồng minh tiếp nhận thông tin về cuộc tàn sát từ chính phủ Ba Lan lưu vong và giới chức Ba Lan ở Warszawa, chủ yếu căn cứ vào tin tình báo của Nhà nước Ba Lan bí mật.[324][325] Công dân Đức biết những gì đang xảy ra khi binh sĩ quay về từ những lãnh thổ chiếm đóng tường thuật những điều họ thấy và làm.[326] Nhà sử học Richard J. Evans phát biểu rằng đa số người dân Đức phản đối cuộc diệt chủng.[327]
Ngược đãi tù binh Liên Xô
Đức Quốc xã đã bắt 5,75 triệu tù binh Liên Xô, nhiều hơn số tù binh mà họ bắt từ tất cả các nước Đồng minh khác cộng lại. Trong số đó quốc xã đã sát hại ước tính 3,3 triệu người,[328] 2,8 triệu bị giết trong khoảng tháng 6 năm 1941 đến tháng 1 năm 1942.[329] Nhiều tù binh bị bỏ đói đến chết hoặc đặt vào tình cảnh buộc phải ăn thịt đồng loại trong lúc bị giam ở những khu bãi ngoài trời tại Auschwitz và nơi khác.[330]
Từ năm 1942 trở đi, tù binh Liên Xô được xem là nguồn lao động khổ sai và được đối xử tốt hơn vì họ có thể làm việc.[331] Tính đến tháng 12 năm 1944 có 750.000 tù binh Liên Xô đang làm việc trong những nhà máy vũ trang, hầm mỏ và nông trường.[332]
Xã hội
Giáo dục
Các đạo luật bài Do Thái thông qua năm 1933 đã khai trừ mọi giáo viên, giảng viên, và viên chức Do Thái ra khỏi hệ thống giáo dục. Hầu hết giáo viên bị yêu cầu gia nhập Liên đoàn Giáo viên Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistische Lehrerbund) còn giảng viên đại học phải gia nhập Liên đoàn Giảng viên Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa (Nationalsozialistischer Deutscher Dozentenbund).[333][334] Giáo viên phải tuyên thệ trung thành và tuân lệnh Hitler, những ai không biểu hiện đi theo lý tưởng của đảng đến mức độ đủ thường bị học sinh hoặc đồng nghiệp tố giác rồi sa thải.[335][336] Việc thiếu nguồn tài chính để trả lương đã khiến nhiều giáo viên bỏ nghề. Số học sinh trung bình trong lớp đã tăng từ 37 năm 1927 lên 43 năm 1938 do thiếu giáo viên.[337]
Bộ trưởng Nội vụ Wilhelm Frick, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Bernhard Rust cùng những cơ quan khác thường hay đưa ra những chỉ thị mâu thuẫn liên quan đến nội dung bài học và sách giáo khoa được chấp nhận sử dụng trong các trường tiểu học và trung học.[338] Những cuốn sách mà chế độ xem là không thể chấp nhận bị loại khỏi thư viện trường học.[339] Kể từ tháng 1 năm 1943 công tác truyền bá tư tưởng quốc xã là bắt buộc.[339] Học sinh được chọn làm đảng viên ưu tú tương lai tiếp nhận giáo dục tiểu học tại Trường Adolf Hitler và trung học tại Viện Giáo dục Chính trị Quốc gia. Người nắm quân hàm cấp cao trong tương lai được truyền giảng kỹ lưỡng tại NS-Ordensburgen.[340]
Giáo dục tiểu học và trung học chú trọng sinh học chủng tộc, chính sách dân số, văn hóa, địa lý, và thể dục thể thao.[341] Chương trình giảng dạy ở hầu hết lĩnh vực bao gồm sinh học, địa lý, hay thậm chí số học bị thay đổi để hướng trọng tâm vào chủng tộc.[342] Giáo dục quân sự là thành phần trung tâm của giáo dục thể chất còn bộ môn vật lý thì hướng đến những đề tài có tính ứng dụng quân sự như đạn đạo và khí động học.[343][344] Học sinh bị yêu cầu xem tất cả các phim do bộ phận học đường của Bộ Giác ngộ Quần chúng và Tuyên truyền chuẩn bị.[339]
Ở cấp độ đại học, công tác bổ nhiệm các chức vụ hàng đầu là đề tài tranh đấu quyền lực giữa bộ giáo dục, hội đồng đại học, và Liên đoàn Sinh viên Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa.[345] Mặc cho áp lực từ liên đoàn và các bộ chính phủ khác nhau, đa số giảng viên đại học không thay đổi bài giảng hay giáo trình trong thời quốc xã.[346] Điều này đặc biệt rõ nét đối với các trường đại học nằm ở địa bàn mà Công giáo phổ biến.[347] Số sinh viên nhập học giảm từ 104.000 năm 1931 xuống 41.000 năm 1939 nhưng tình cảnh ở các trường y lại trái ngược do bác sĩ Do Thái bị buộc thôi việc nên sinh viên tốt nghiệp ngành này có triển vọng công việc tốt.[348] Từ năm 1934 sinh viên đại học phải tham dự những khóa huấn luyện quân sự thường xuyên và dài ngày do SA tổ chức.[349] Sinh viên năm nhất còn phải phục vụ sáu tháng trong một trại lao động cho Sở Lao động và với sinh viên năm hai thời gian này dài hơn 10 tuần.[350]
Vai trò của phụ nữ và gia đình
Chính sách xã hội của quốc xã xem phụ nữ là nền móng. Quốc xã phản đối phong trào nữ quyền, tuyên bố nó là sáng tạo của giới trí thức Do Thái và thay vào đó ủng hộ một xã hội phụ quyền nơi mà phụ nữ Đức công nhận "thế giới là chồng, con, ngôi nhà, và gia đình" của mình.[247] Các nhóm nữ quyền bị dẹp bỏ hoặc sáp nhập vào Liên đoàn Phụ nữ Quốc gia Xã hội chủ nghĩa, tổ chức phối hợp những hội nhóm trên khắp đất nước nhằm xúc tiến những hoạt động liên quan đến gia đình và bà mẹ. Các khóa học nuôi dạy trẻ, may vá, nấu ăn được mời chào. Những nhà hoạt động nữ quyền nổi bật như Anita Augspurg, Lida Gustava Heymann, Helene Stöcker cảm thấy buộc phải sống lưu vong.[351] Liên đoàn xuất bản NS-Frauen-Warte, tạp chí phụ nữ duy nhất được chấp nhận ở Đức Quốc xã.[352] Mặc dù chứa đựng một vài khía cạnh tuyên truyền nhưng đây chủ yếu vẫn là một tạp chí phụ nữ thông thường.[353]
Chế độ khuyến khích phụ nữ rời lực lượng lao động, tuyên truyền thúc đẩy việc tạo ra những đại gia đình từ những phụ nữ phù hợp về chủng tộc. Phụ nữ sinh bốn con được trao giải thưởng đồng gọi là Ehrenkreuz der Deutschen Mutter (Chữ thập Danh dự của Người mẹ Đức), sinh sáu con được trao giải bạc, tám con trở lên là giải vàng.[351] Các gia đình đông con được trợ cấp để giải quyết những chi phí. Mặc dù các biện pháp đã làm tăng tỷ lệ sinh nhưng số gia đình có bốn con trở lên giảm 5 phần trăm trong khoảng 1935 đến 1940.[354] Chính sách loại phụ nữ ra khỏi lực lượng lao động không có tác dụng mong muốn là nhường việc cho nam vì có những công việc như nội trợ, thêu thùa, hay trong ngành công nghiệp đồ uống và thực phẩm vốn chủ yếu dành cho nữ và không hấp dẫn nam giới.[355] Triết lý của quốc xã ngăn cấm thuê số lượng lớn phụ nữ vào làm trong các nhà máy đạn dược vào thời kỳ trước chiến tranh nên lao động nước ngoài được dùng thay thế. Sau khi chiến tranh bắt đầu lao động nô lệ được sử dụng rộng rãi.[356] Tháng 1 năm 1943 Hitler ký một sắc lệnh yêu cầu tất cả phụ nữ tuổi dưới 50 trình diện để giao việc, giúp sức cho nỗ lực chiến tranh.[357] Sau đó phụ nữ ồ ạt gia nhập ngành công nghiệp, nông nghiệp và đến tháng 9 năm 1944 có 14,9 triệu phụ nữ đang làm việc trong các nhà máy sản xuất đạn dược.[358]
Các nhà lãnh đạo quốc xã tán thành quan niệm công việc dựa trên lý thuyết và lý trí không phù hợp với bản chất của phụ nữ, do đó không khuyến khích phụ nữ theo học cấp bậc cao hơn.[359] Một đạo luật thông qua vào tháng 4 năm 1933 đã hạn chế số nữ giới tại bậc đại học xuống mức bằng 10 phần trăm số nam giới.[360] Vì lẽ đó số nữ giới gia nhập các trường trung học đã giảm từ 437.000 năm 1926 xuống 205.000 năm 1937 còn sau trung học giảm từ 128.000 năm 1933 xuống 51.000 năm 1938. Tuy nhiên vào thời chiến do nam giới phải gia nhập lực lượng vũ trang nên đến năm 1944 một nửa số kết nạp vào hệ thống hậu trung học là nữ.[361]
Chế độ kỳ vọng phụ nữ trở nên mạnh mẽ, khỏe đẹp và năng động.[362] Quốc xã xem nữ tá điền cường tráng làm việc trên mảnh đất và sinh ra những đứa con khỏe mạnh là lý tưởng, đồng thời ca ngợi những phụ nữ lực lưỡng và rám nắng do làm việc ngoài trời.[363] Các tổ chức được thành lập để truyền thụ những giá trị quốc xã. Từ ngày 25 tháng 3 năm 1939 mọi trẻ em trên 10 tuổi bị bắt kết nạp Đoàn Thanh niên Hitler.[364] Trong Đoàn Thanh niên Hitler có Jungmädelbund (Liên đoàn Thiếu nữ) dành cho nữ giới tuổi 10 đến 14 và Bund Deutscher Mädel (BDM, Liên đoàn Thanh nữ Đức) dành cho nữ giới tuổi 14 đến 18. Liên đoàn Thanh nữ Đức chú trọng vào giáo dục thể chất với các hoạt động như chạy, nhảy xa, nhào lộn, đi bộ trên dây, diễu hành, và bơi lội.[365]
Chế độ quốc xã xúc tiến một bộ luật hạnh kiểm phóng khoáng liên quan đến vấn đề giới tính và ủng hộ phụ nữ sinh con ngoài giá thú.[366] Vào thời chiến tình trạng lang chạ gia tăng với việc binh sĩ chưa lập gia đình thường thân mật với vài phụ nữ một lúc. Vợ của binh sĩ thường xuyên dính dáng đến những mối quan hệ ngoài hôn nhân. Lao động nước ngoài đôi khi lợi dụng tình dục như mặt hàng để đối lấy việc làm tốt hơn.[367] Các sách nhỏ chỉ thị phụ nữ Đức tránh quan hệ tình cảm với công nhân nước ngoài vì điều này gây nguy hại cho giống nòi.[368]
Himmler mong muốn xã hội mới của chế độ quốc xã đón nhận những đứa trẻ sinh ngoài giá thú, nhất là trẻ có cha là thành viên SS, đối tượng đã được kiểm tra kỹ lưỡng về tính thuần khiết chủng tộc và Hitler tán thành điều này.[369] Himmler hy vọng mỗi gia đình SS sẽ có từ bốn đến sáu đứa con.[369] Hiệp hội Lebensborn (Cội nguồn Sự sống) do Himmler sáng lập năm 1935 đã xây nên một loạt nhà hộ sinh cấp cho những bà mẹ đơn thân trong thời kỳ mang thai.[370] Cả cha và mẹ đều phải trải qua cuộc kiểm tra về chủng tộc trước khi được chấp nhận.[370] Các gia đình SS thường nhận nuôi những đứa trẻ sinh ra.[370] Nhà ở cũng được xây sẵn cho vợ của đảng viên và thành viên SS, đối tượng nhanh chóng chiếm lĩnh hơn một nửa vị trí.[371]
Chế độ quốc xã thực thi nghiêm ngặt những đạo luật cấm phá thai hiện hành ngoại trừ vì lý do y tế. Số trường hợp phá thai hàng năm đã giảm từ 35.000 vào đầu thập niên 1930 xuống dưới 2.000 vào cuối thập niên, dù vậy trong năm 1935 một đạo luật được thông qua cho phép phá thai vì lý do ưu sinh.[372]
Y tế
Đức Quốc xã có phong trào chống thuốc lá mạnh do nghiên cứu tiên phong của Franz H. Müller vào năm 1939 đã chứng minh quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá và ung thư phổi.[373] Bộ Y tế thực hiện những biện pháp nhằm cố gắng hạn chế việc hút thuốc bao gồm giáo dục và tuyên truyền.[374] Hành vi hút thuốc bị cấm ở nhiều nơi làm việc, trên tàu hỏa, và đối với quân nhân đang làm nhiệm vụ.[375] Các cơ quan chính phủ cũng hành động để kiểm soát những chất gây ung thư như amiăng và thuốc trừ sâu.[376] Chính quyền tiến hành làm sạch nguồn nước, loại bỏ chì và thủy ngân ra khỏi sản phẩm tiêu dùng, và thúc giục phụ nữ đi tầm soát ung thư vú định kỳ.[377]
Các chương trình bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của chính phủ sẵn sàng cho người dân tiếp cận nhưng kể từ năm 1933 loại ra người Do Thái. Cũng trong năm đó bác sĩ Do Thái bị cấm điều trị cho bệnh nhân nhận gói bảo hiểm của chính phủ. Đến năm 1937 bác sĩ Do Thái chỉ còn được phép chữa cho bệnh nhân Do Thái và sang năm 1938 họ bị tước hoàn toàn quyền hành nghề y.[378]
Các thí nghiệm y khoa mà không ít là giả khoa học được thực hiện trên tù nhân trại tập trung bắt đầu từ năm 1941.[379] Bác sĩ khét tiếng nhất về thí nghiệm y khoa là SS-Hauptsturmführer Josef Mengele làm việc tại Auschwitz.[380] Nhiều nạn nhân của Mengele đã tử vong hoặc cố tình bị giết.[381] Các hãng dược phẩm mua lại tù nhân trại tập trung để phục vụ thử nghiệm thuốc và những thí nghiệm khác.[382]
Chủ nghĩa môi trường
Xã hội Đức Quốc xã có những yếu tố ủng hộ quyền động vật và nhiều người yêu thích vườn thú hay động vật hoang dã.[383] Chính quyền đã thực hiện một số biện pháp nhằm bảo vệ môi trường và động vật. Vào năm 1933 những người quốc xã ban hành một đạo luật bảo vệ động vật nghiêm ngặt quy định loài được phép dùng trong nghiên cứu y tế.[384] Luật này không được thực thi nghiêm chỉnh và bất chấp lệnh cấm giải phẫu sinh thể, Bộ Nội vụ vẫn sẵn sàng cấp giấy phép cho các thí nghiệm trên động vật.[385]
Bộ Lâm nghiệp của Göring triển khai những quy định yêu cầu nhân viên quản lý rừng trồng các loại cây để đảm bảo sinh cảnh phù hợp cho động vật hoang dã.[386] Vào năm 1935 chế độ ban hành Luật Bảo vệ Thiên nhiên nhằm gìn giữ cảnh quan thiên nhiên trước tình trạng phát triển kinh tế quá mức. Luật này cho phép sung công đất tư để tạo ra những khu bảo tồn thiên nhiên và hỗ trợ kế hoạch dài hạn.[387] Chính quyền có một số hành động qua loa nhằm hạn chế ô nhiễm không khí nhưng vấn đề này không còn được chú tâm kể từ khi chiến tranh bắt đầu.[388]
Áp bức giáo hội
Vào lúc quốc xã lên nắm quyền năm 1933 có khoảng 67 phần trăm dân số Đức theo đạo Tin Lành, 33 phần trăm theo Công giáo La Mã, còn Do Thái giáo chiếm chưa đến 1 phần trăm.[389][390] Theo cuộc điều tra dân số năm 1939 thì 54 phần trăm người dân tự nhận mình theo đạo Tin Lành, 40 phần trăm Công giáo La Mã, 3,5 phần trăm Gottgläubig (tin vào Chúa, một phong trào tôn giáo quốc xã) và 1,5 phần trăm phi tôn giáo.[1]
Dưới quá trình Gleichschaltung, Hitler nỗ lực tạo ra một Giáo hội Tin Lành Đế chế thống nhất từ 28 giáo hội Tin Lành địa phương hiện tại[391] với mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ các giáo hội ở Đức.[392] Ludwig Müller, một người thân quốc xã, được cử làm Giám mục Đế chế và Cơ đốc hữu Đức, một nhóm áp lực thân quốc xã, nắm quyền quản lý giáo hội mới.[393] Họ chống lại Cựu Ước do nó có nguồn gốc Do Thái và yêu cầu khai trừ người Do Thái cải đạo ra khỏi giáo hội của họ.[394] Mục sư Martin Niemöller phản ứng bằng việc thành lập Giáo hội Xưng tội mà từ đó một số giáo sĩ chống đối lại chế độ.[395] Vào năm 1935 hội nghị Giáo hội Xưng tội phản đối chính sách tôn giáo của quốc xã và 700 mục sư của họ đã bị bắt.[396] Müller từ chức và Hitler bổ nhiệm Hanns Kerrl làm Bộ trưởng Giáo hội để tiếp tục nỗ lực kiểm soát đạo Tin Lành.[397] Trong năm 1936 một đặc sứ của Giáo hội Xưng tội phản đối Hitler vì hành vi đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền[396] và thêm hàng trăm mục sư khác đã bị bắt.[397] Giáo hội tiếp tục kháng cự và đến đầu năm 1937 Hitler từ bỏ hy vọng thống nhất các giáo hội Tin Lành.[396] Niemöller bị bắt vào ngày 1 tháng 7 năm 1937 và dành phần lớn thời gian ở trại tập trung Sachsenhausen và Dachau trong 7 năm tiếp theo.[398] Chính quyền đóng cửa các trường đại học thần học, bắt giữ mục sư và nhà thần học của các giáo phái Tin Lành khác.[396]
Giáo hội Công giáo là nạn nhân khác bị quốc xã áp bức.[400] Hitler nhanh chóng tiến tới diệt trừ Công giáo chính trị, lùng bắt cán bộ của Đảng Nhân dân Bayern và Đảng Trung dung thân Công giáo. Cũng như mọi đảng phái chính trị ngoài quốc xã khác, hai đảng này chấm dứt tồn tại từ tháng 7.[401] Vào năm 1933 chế độ ký với Vatican hiệp ước Reichskonkordat (Giáo ước Đế chế) trong tình cảnh giáo hội ở Đức vẫn đang bị sách nhiễu.[300] Hiệp ước yêu cầu chế độ tôn trọng tính độc lập của các tổ chức Công giáo và cấm giáo sĩ can dự vào chính trị.[402] Hitler thường không đếm xỉa đến Giáo ước, ra lệnh đóng cửa tất cả những cơ sở Công giáo không hoàn toàn tập trung vào tôn giáo.[403] Giáo sĩ, nữ tu, lãnh đạo giáo dân là mục tiêu và hàng ngàn người đã bị bắt trong những năm tiếp theo thường vì cáo buộc buôn lậu tiền hoặc phạm hành vi trái đạo đức.[404] Quốc xã cũng nhắm đến một số lãnh đạo Công giáo trong sự kiện Đêm của những con dao dài năm 1934.[405][406][407] Số đông hội thanh niên Công giáo không chịu giải thể và thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Hitler Baldur von Schirach khuyến khích đoàn viên của mình tấn công những thiếu niên Công giáo trên đường phố.[408] Các chiến dịch tuyên truyền tuyên bố giáo hội tham nhũng, hội họp công cộng bị hạn chế và xuất bản phẩm công giáo bị kiểm duyệt. Chính quyền yêu cầu trường học Công giáo bớt giảng đạo và gỡ bỏ hình tượng thánh giá khỏi các tòa nhà quốc gia.[409]
Giáo hoàng Pio XI đã lén gửi thông tri "Mit brennender Sorge" (Với niềm quan tâm cháy bỏng) đến Đức cho ngày Chủ nhật thụ hình năm 1937 và nó được đọc lên trên mọi bục giảng, tố giác sự thù địch có hệ thống của chế độ nhằm vào giáo hội.[404][410] Goebbels đáp trả bằng hành động đàn áp thẳng tay và tuyên truyền bài Công giáo. Số lượng học sinh gia nhập các trường giáo phái giảm mạnh và đến năm 1939 mọi trường học kiểu này đều bị giải tán hoặc chuyển đổi thành cơ sở công cộng.[411] Vào ngày 22 tháng 3 năm 1942 giới giám mục Đức viết bức thư gửi con chiên về "Cuộc đấu tranh chống Cơ đốc giáo và Giáo hội".[412] Có khoảng 30 phần trăm tư tế Công giáo bị cảnh sát trừng trị trong thời quốc xã.[413][414] Một mạng lưới an ninh rộng lớn do thám hoạt động của giáo sĩ và tư tế hỗ trợ chính quyền thường xuyên phát giác, bắt giữ hay đưa các đối tượng đến trại tập trung, nhiều trong số đó được đưa đến khu dành riêng cho giáo sĩ tại Dachau.[415] Ở lãnh thổ Ba Lan thôn tính vào năm 1939, quốc xã đã xúi bẩy một cuộc đàn áp bạo lực và dẹp bỏ có hệ thống Giáo hội Công giáo.[416][417]
Alfred Rosenberg, người đứng đầu Văn phòng Đối ngoại của Đảng Quốc xã và phụ trách văn hóa, giáo dục, xem Công giáo thuộc nhóm những kẻ thù hàng đầu của chế độ. Ông dự tính "thủ tiêu những đức tin Cơ đốc ngoại quốc xâm nhập nước Đức", thay thế Kinh Thánh, Thánh Giá bằng Mein Kampf và chữ vạn ở mọi nhà thờ, thánh đường, và nhà nguyện. Các giáo phái Cơ đốc khác cũng bị nhắm đến khi mà vào năm 1941 Chánh Văn phòng Đảng Quốc xã Martin Bormann công khai tuyên bố "Chủ nghĩa quốc gia xã hội và Cơ đốc giáo không thể dung hòa."[392] Shirer viết rằng giới lãnh đạo đảng thù địch Cơ đốc giáo sâu sắc tới mức "dự định tiêu diệt Cơ đốc giáo ở Đức nếu có thể và thay thế bằng ngoại giáo mới của những người quốc xã cực đoan."[392]
Phản kháng chế độ
Mặc dù không tồn tại phong trào kháng chiến thống nhất đối địch chế độ quốc xã nhưng đã có những hành động thách thức như phá hoại, làm việc trì trệ, cùng nỗ lực lật đổ chính quyền hoặc ám sát Hitler.[418] Hai đảng bị cấm là Cộng sản và Dân chủ Xã hội đã sáng lập những mạng lưới kháng chiến trong giữa thập niên 1930. Họ ít khi làm được gì khá hơn là kích động bất ổn và khơi mào những cuộc đình công ngắn ngủi sớm bị dập tắt.[419] Carl Friedrich Goerdeler là người ban đầu ủng hộ Hitler nhưng đã thay đổi suy nghĩ vào năm 1936 và sau này tham gia vào âm mưu 20 tháng 7.[420][421] Nhóm gián điệp Dàn nhạc Đỏ cung cấp cho Đồng minh thông tin về tội ác chiến tranh của quốc xã, hỗ trợ những đường dây đào tẩu khỏi nước Đức, và phân phát tời rơi. Gestapo đã phát hiện ra ổ nhóm này, kết cục là hơn 50 thành viên bị xét xử và hành hình vào năm 1942.[422] Cuối năm đó các nhóm kháng chiến Cộng sản và Dân chủ Xã hội khôi phục hoạt động nhưng chẳng thể làm gì hơn ngoài việc phân phát tờ rơi. Hai phe quan sát thấy họ là những đảng đối địch tiềm năng ở nước Đức thời hậu chiến và phần lớn thời gian không cùng nhau phối hợp hành động.[423] Vào năm 1942–43 có đội kháng chiến Hoa hồng Trắng hoạt động tích cực song không ít thành viên đã bị bắt hoặc xử tử, lần bắt giữ cuối cùng diễn ra vào năm 1944.[424] Một nhóm khác là Vòng tròn Kreisau có một vài mối liên hệ với những quân nhân âm mưu nhưng cũng không có kết cục tốt đẹp sau vụ âm mưu 20 tháng 7 thất bại.[425]
Trong khi những nỗ lực của người dân có tác động đến dư luận thì quân đội là tổ chức duy nhất có đủ khả năng lật đổ chính quyền.[426][427] Vào năm 1938 các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội đã nung nấu một kế hoạch lớn. Họ tin rằng ý đồ xâm lược Tiệp Khắc của Hitler sẽ dẫn đến việc Anh tuyên chiến và Đức sẽ thua. Kế hoạch là lật đổ hoặc có thể là ám sát Hitler. Ludwig Beck, Walther von Brauchitsch, Franz Halder, Wilhelm Canaris, Erwin von Witzleben tham gia vào một âm mưu do Hans Oster và Helmuth Groscurth bày ra. Cuộc đảo chính đã lên kế hoạch bị hoãn sau sự kiện ký kết Hiệp ước Munich vào tháng 9 năm 1938.[428] Nhiều người trong số này tiếp tục dính dáng đến một âm mưu đảo chính khác dự kiến tiến hành trong năm 1940 nhưng một lần nữa họ thay đổi ý định và chùn bước, một phần vì thanh thế lên cao của chế độ sau những thắng lợi vẻ vang ban đầu.[429][430] Đến năm 1943 ý đồ ám sát Hitler quay trở lại khi Henning von Tresckow nhập hội với Oster bày mưu đánh bom máy bay của Hitler. Từ đó đến vụ việc ngày 20 tháng 7 năm 1944 có thêm một vài nỗ lực không đáng kể khác. Viễn cảnh bại trận đang ngày một rõ ít nhất là một phần động cơ của vụ âm mưu 20 tháng 7 thất bại.[431][432] Âm mưu này nằm trong Điệp vụ Valkyrie với kịch bản là Claus von Stauffenberg đặt một quả bom trong phòng hội thảo tại Hang Sói ở Rastenburg. Sau khi thoát chết trong gang tấc, Hitler đã ra lệnh trả thù tàn khốc và hậu quả là hơn 4.900 người bị hành quyết.[433]
Văn hóa
Chế độ xúc tiến quan niệm Volksgemeinschaft, một cộng đồng sắc tộc Đức quy mô toàn quốc. Mục tiêu là xây dựng một xã hội phi giai cấp có nền tảng sự thuần khiết chủng tộc và tư tưởng sẵn sàng cho chiến tranh, chinh phạt và một cuộc đấu chống chủ nghĩa Marx.[434][435] Vào năm 1933 Mặt trận Lao động Đức thành lập tổ chức Kraft durch Freude (KdF, Sức mạnh đến từ Niềm vui). Bên cạnh tiếp quản hàng chục ngàn hội nhóm giải trí tư nhân, KdF còn tổ chức những hoạt động giải trí và kỳ nghỉ đông người như đi chơi biển, điểm đến du lịch, và những buổi hòa nhạc.[436][437]
Reichskulturkammer (Phòng Văn hóa Đế chế) được thành lập vào tháng 9 năm 1933 trực thuộc Bộ Tuyên truyền. Các phòng ban phụ được tạo ra để kiểm soát những khía cạnh của đời sống văn hóa như phim ảnh, phát thanh, báo chí, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu và văn học. Cá nhân hoạt động trong mỗi lĩnh vực bị yêu cầu gia nhập tổ chức tương ứng. Người Do Thái và người có quan điểm chính trị không đáng tin không được làm nghệ thuật và nhiều người đã di cư. Sách và bản thảo phải qua khâu xét duyệt của Bộ Tuyên truyền trước khi xuất bản. Tiêu chuẩn xuống cấp do chế độ chỉ có ý lợi dụng những sản phẩm văn hóa làm phương tiện tuyên truyền.[438]
Truyền thanh trở nên phổ biến ở Đức trong thập niên 30 và đến năm 1939 có tới hơn 70 phần trăm hộ gia đình sở hữu một chiếc máy thu, nhiều hơn mọi quốc gia khác. Tháng 7 năm 1933 quốc xã khai trừ người phái tả và đối tượng không mong muốn khác ra khỏi đội ngũ nhân viên trạm phát thanh.[439] Tuyên truyền và diễn văn là nội dung được phát điển hình ngay sau khi quốc xã lên cầm quyền nhưng thời gian trôi qua Goebbels nhấn mạnh cho âm nhạc xuất hiện nhiều hơn để thính giả không chuyển sang những đài giải trí nước ngoài.[440]
Kiểm duyệt
Tham khảo
Chú giải
- ↑ Vào ngày 12 tháng 7 năm 1933, Bộ trưởng Nội vụ Wilhelm Frick ra lệnh phát Horst-Wessel-Lied ngay sau quốc ca hiện hành Das Lied der Deutschen, thường gọi là Deutschland Über Alles.Tümmler 2010, tr. 63 .
- ↑ a b bao gồm Vùng bảo hộ Bohemia và Moravia và Tổng đốc phủ Ba Lan
- ↑ a b là Tổng thống
- ↑ là Führer
- ↑ Vào năm 1939, diện tích của Đức trước khi tiếp quản hai địa bàn mà nước này từng quản lý trước hòa ước Versailles là Alsace-Lorraine, Danzig và Hành lang Ba Lan là 633.786 km2. Xem Statistisches Jahrbuch 2006 .
- ↑ Tên gọi không chính xác do hệ tư tưởng gắn liền với quốc gia này không phải chủ nghĩa phát xít mà là chủ nghĩa quốc xã. Đây là hai khái niệm phân biệt.
- ↑ Lãnh đạo, lãnh tụ, quốc trưởng
Trích dẫn
- ↑ a b Ericksen & Heschel 1999, tr. 10.
- ↑ Soldaten-Atlas 1941, tr. 8.
- ↑ 1939 Census.
- ↑ Childers 2017, tr. 22–23, 35, 48, 124–130, 152, 168–169, 203–204, 225–226.
- ↑ Evans 2003, tr. 103–108.
- ↑ Evans 2003, tr. 186–187.
- ↑ Evans 2003, tr. 170–171.
- ↑ Goldhagen 1996, tr. 85.
- ↑ Evans 2003, tr. 179–180.
- ↑ a b Kershaw 2008, tr. 81.
- ↑ Evans 2003, tr. 180–181.
- ↑ Evans 2003, tr. 181, 189.
- ↑ Childers 2017, tr. 103.
- ↑ Shirer 1960, tr. 136–137.
- ↑ Goldhagen 1996, tr. 87.
- ↑ Evans 2003, tr. 293, 302.
- ↑ Shirer 1960, tr. 183–184.
- ↑ Evans 2003, tr. 329–334.
- ↑ Evans 2003, tr. 354.
- ↑ Evans 2003, tr. 351.
- ↑ Shirer 1960, tr. 196.
- ↑ Evans 2003, tr. 336.
- ↑ Evans 2003, tr. 358–359.
- ↑ Shirer 1960, tr. 201.
- ↑ Shirer 1960, tr. 199.
- ↑ Evans 2005, tr. 109, 637.
- ↑ McNab 2009, tr. 14.
- ↑ Bracher 1970, tr. 281–87.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 200.
- ↑ Evans 2005, tr. 109.
- ↑ Koonz 2003, tr. 73.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 202.
- ↑ Shirer 1960, tr. 268.
- ↑ Evans 2005, tr. 14.
- ↑ Cuomo 1995, tr. 231.
- ↑ a b McNab 2009, tr. 54.
- ↑ McNab 2009, tr. 56.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 309–314.
- ↑ a b Kershaw 2008, tr. 306–313.
- ↑ Overy 2005, tr. 63.
- ↑ Evans 2005, tr. 44.
- ↑ Shirer 1960, tr. 226–227.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 317.
- ↑ Shirer 1960, tr. 230.
- ↑ Kershaw 2001, tr. 50–59.
- ↑ Hildebrand 1984, tr. 20–21.
- ↑ Childers 2017, tr. 248.
- ↑ Evans 2003, tr. 344.
- ↑ Evans 2008, map, p. 366.
- ↑ Walk 1996, tr. 1–128.
- ↑ Friedländer 2009, tr. 44–53.
- ↑ Childers 2017, tr. 351–356.
- ↑ Shirer 1960, tr. 209.
- ↑ Shirer 1960, tr. 209–210.
- ↑ Evans 2005, tr. 618.
- ↑ Shirer 1960, tr. 210–212.
- ↑ Evans 2005, tr. 338–339.
- ↑ Evans 2005, tr. 623.
- ↑ Kitchen 2006, tr. 271.
- ↑ Evans 2005, tr. 629.
- ↑ Evans 2005, tr. 633.
- ↑ a b Evans 2005, tr. 632–637.
- ↑ Evans 2005, tr. 641.
- ↑ Shirer 1960, tr. 297.
- ↑ Steiner 2011, tr. 181–251.
- ↑ Evans 2005, tr. 646–652.
- ↑ Evans 2005, tr. 667.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 417.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 419.
- ↑ Evans 2005, tr. 668–669.
- ↑ Evans 2005, tr. 671–674.
- ↑ Evans 2005, tr. 679–680.
- ↑ Evans 2005, tr. 682–683.
- ↑ Kirschbaum 1995, tr. 190.
- ↑ Evans 2005, tr. 687.
- ↑ Mazower 2008, tr. 264–265.
- ↑ Weinberg 2010, tr. 60.
- ↑ Evans 2005, tr. 689–690.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 486.
- ↑ Evans 2005, tr. 691.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 496.
- ↑ Snyder 2010, tr. 116.
- ↑ Mazower 2008, chapter 9.
- ↑ Evans 2008, tr. 151.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 584.
- ↑ Shirer 1960, tr. 803.
- ↑ Weinberg 2005, tr. 414.
- ↑ Martin 2005, tr. 279–80.
- ↑ Evans 2005, tr. 699–701.
- ↑ Beevor 2012, tr. 22, 27–28.
- ↑ Beevor 2012, tr. 32.
- ↑ Longerich 2010, tr. 148–149.
- ↑ Longerich 2010, tr. 144.
- ↑ Evans 2008, tr. 15.
- ↑ Beevor 2012, tr. 40.
- ↑ Mazower 2008, tr. 260.
- ↑ Tooze 2006, tr. 332.
- ↑ Beevor 2012, tr. 73–76.
- ↑ Evans 2005, tr. 120.
- ↑ Shirer 1960, tr. 709.
- ↑ Beevor 2012, tr. 70–71, 79.
- ↑ Shirer 1960, tr. 715–719.
- ↑ Shirer 1960, tr. 731–738.
- ↑ Shirer 1960, tr. 696–730.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 562.
- ↑ Mazower 2008, tr. 265.
- ↑ Evans 2008, tr. 333–334.
- ↑ Mazower 2008, tr. 271.
- ↑ Mazower 2008, tr. 272, 279.
- ↑ a b Mazower 2008, tr. 262.
- ↑ Shirer 1960, tr. 753, 774–782.
- ↑ Kershaw 2000b, tr. 301–303, 309–310.
- ↑ Harding 2006.
- ↑ Evans 2008, tr. 149.
- ↑ Evans 2008, tr. 153.
- ↑ Shirer 1960, tr. 815–816.
- ↑ Tomasevich 1975, tr. 52–53.
- ↑ Richter 1998, tr. 616.
- ↑ Clark 2012, tr. 73.
- ↑ Evans 2008, tr. 160–161.
- ↑ Evans 2008, tr. 189–190.
- ↑ Stolfi 1982, tr. 32–34, 36–38.
- ↑ Stolfi 1982, tr. 45–46.
- ↑ Shirer 1960, tr. 900–901.
- ↑ Evans 2008, tr. 43.
- ↑ Mazower 2008, tr. 284–287.
- ↑ Mazower 2008, tr. 290.
- ↑ Glantz 1995, tr. 108–110.
- ↑ Melvin 2010, tr. 282, 285.
- ↑ Evans 2008, tr. 413, 416–417.
- ↑ Evans 2008, tr. 419–420.
- ↑ Kershaw 2011, tr. 208.
- ↑ Shirer 1960, tr. 1007.
- ↑ Evans 2008, tr. 467.
- ↑ Evans 2008, tr. 471.
- ↑ Evans 2008, tr. 438–441.
- ↑ Evans 2008, tr. 461.
- ↑ Beevor 2012, tr. 576–578.
- ↑ Beevor 2012, tr. 604–605.
- ↑ Shirer 1960, tr. 1072.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 1090–1097.
- ↑ a b Kershaw 2008, tr. 910–912.
- ↑ Kershaw 2011, tr. 224–225.
- ↑ Shirer 1960, tr. 1108.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 954–955.
- ↑ Shirer 1960, tr. 1126.
- ↑ Beevor 2002, tr. 381.
- ↑ Beevor 2002, tr. 386.
- ↑ Beevor 2002, tr. 400–403.
- ↑ Evans 2008, tr. 714.
- ↑ Kershaw 2011, tr. 355–357.
- ↑ Lakotta 2005, tr. 218–221.
- ↑ Goeschel 2009, tr. 165.
- ↑ Hubert 1998, tr. 272.
- ↑ a b Overmans 2000, tr. Bd. 46.
- ↑ Overy 2014, tr. 306–307.
- ↑ Germany Reports 1961, tr. 62.
- ↑ Bundesarchiv, "Euthanasie" im Nationalsozialismus.
- ↑ Hoffmann 1996, tr. xiii.
- ↑ Spielvogel 2016, tr. 1.
- ↑ Evans 2005, tr. 6–9.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 204.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 146–147.
- ↑ Evans 2008, tr. 7.
- ↑ a b Bendersky 2007, tr. 161.
- ↑ a b c Gellately 1996, tr. 270–274.
- ↑ Bytwerk 1998.
- ↑ a b Longerich 2010, tr. 49.
- ↑ a b c Evans 2008, tr. 759.
- ↑ Evans 2005, tr. 7, 443.
- ↑ Evans 2005, tr. 210–211.
- ↑ Evans 2005, tr. 121–122.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 170, 172, 181.
- ↑ Evans 2005, tr. 400.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 105–106.
- ↑ Gill 2006, tr. 259.
- ↑ Kershaw 2001, tr. 253.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 320–321.
- ↑ McElligott, Kirk & Kershaw 2003, tr. 6.
- ↑ Speer 1971, tr. 281.
- ↑ Manvell & Fraenkel 2007, tr. 29.
- ↑ Evans 2005, tr. 48–49.
- ↑ Freeman 1995, tr. 6.
- ↑ Evans 2005, tr. 14–15, 49.
- ↑ Evans 2005, tr. 49.
- ↑ Evans 2005, tr. 43–44.
- ↑ Evans 2005, tr. 45.
- ↑ Evans 2005, tr. 46.
- ↑ a b Evans 2005, tr. 75.
- ↑ Evans 2005, tr. 76.
- ↑ Evans 2005, tr. 79–80.
- ↑ Evans 2005, tr. 68, 70.
- ↑ Evans 2008, tr. 514.
- ↑ Evans 2005, tr. 72.
- ↑ Weale 2012, tr. 154.
- ↑ Evans 2005, tr. 73.
- ↑ Evans 2005, tr. 539, 551.
- ↑ Gellately 2001, tr. 216.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 346.
- ↑ a b Evans 2005, tr. 544.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 347.
- ↑ Evans 2005, tr. 43–45.
- ↑ Longerich 2010, tr. 146.
- ↑ Longerich 2010, tr. 242–247.
- ↑ Kershaw 2000b, tr. 467.
- ↑ Longerich 2010, tr. 198.
- ↑ Longerich 2010, tr. 207.
- ↑ Constable 1988, tr. 139, 154.
- ↑ Evans 2008, tr. 760–761.
- ↑ Weale 2012, tr. 15–16.
- ↑ Weale 2012, tr. 70, 166.
- ↑ Weale 2012, tr. 88.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 306.
- ↑ Tooze 2006, tr. 67.
- ↑ Weale 2012, tr. 1, 26–29.
- ↑ Longerich 2012, tr. 113, 255.
- ↑ Longerich 2012, tr. 122–123.
- ↑ Stein 2002, tr. 18, 23, 287.
- ↑ Weale 2012, tr. 195.
- ↑ Wegner 1990, tr. 307, 313, 325, 327–331.
- ↑ Stein 2002, tr. 75–76, 276–280.
- ↑ Longerich 2012, tr. 215.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 518–519.
- ↑ Bartrop & Jacobs 2014, tr. 1424.
- ↑ Rhodes 2002, tr. 257.
- ↑ Weale 2012, tr. 116.
- ↑ a b Evans 2008, tr. 318.
- ↑ Wiederschein 2015.
- ↑ Longerich 2012, tr. 125.
- ↑ Longerich 2012, tr. 212–213.
- ↑ Weale 2012, tr. 411.
- ↑ Sereny 1996, tr. 323, 329.
- ↑ Evans 2008, tr. 343.
- ↑ a b c d DeLong 1997.
- ↑ Evans 2005, tr. 345.
- ↑ Tooze 2006, tr. 97.
- ↑ Tooze 2006, tr. 125–127.
- ↑ Tooze 2006, tr. 131.
- ↑ Tooze 2006, tr. 106, 117–118.
- ↑ Tooze 2006, tr. 308–309.
- ↑ Evans 2005, tr. 322–326, 329.
- ↑ Evans 2005, tr. 320.
- ↑ Evans 2005, tr. 330–331.
- ↑ Evans 2005, tr. 166.
- ↑ Evans 2005, tr. 327–328, 338.
- ↑ Evans 2005, tr. 328, 333.
- ↑ a b Evans 2005, tr. 331.
- ↑ a b Kershaw 2008, tr. 289.
- ↑ McNab 2009, tr. 54, 71.
- ↑ Tooze 2006, tr. 61–62.
- ↑ Evans 2005, tr. 357–360.
- ↑ Evans 2005, tr. 360.
- ↑ Tooze 2006, tr. 294.
- ↑ Evans 2005, tr. 141–142.
- ↑ McNab 2009, tr. 59.
- ↑ Overy 2006, tr. 252.
- ↑ Speer 1971, tr. 263–264.
- ↑ Tooze 2006, tr. 354–356.
- ↑ Evans 2008, tr. 333.
- ↑ Speer 1971, tr. 337.
- ↑ Fest 1999, tr. 142–44, 146–50.
- ↑ Beyer & Schneider.
- ↑ Panayi 2005, tr. 490, 495.
- ↑ Hamblet 2008, tr. 267–268.
- ↑ Nazi forced labour 1942.
- ↑ Special treatment 1942.
- ↑ USHMM, Women in the Third Reich.
- ↑ Evans 2008, tr. 361.
- ↑ Evans 2008, tr. 358–359.
- ↑ Davis 1995.
- ↑ Speer 1971, tr. 524–527.
- ↑ Overy 2006, tr. 128–130.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 943.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 945.
- ↑ Spotts 2002, tr. 377–378.
- ↑ Manvell 2011, tr. 283–285.
- ↑ Shirer 1960, tr. 946.
- ↑ Evans 2008, tr. 334.
- ↑ Shirer 1960, tr. 944.
- ↑ Shirer 1960, tr. 943–944.
- ↑ Longerich 2010, tr. 30–32.
- ↑ Shirer 1960, tr. 203.
- ↑ Majer 2003, tr. 92.
- ↑ Majer 2003, tr. 60.
- ↑ Longerich 2010, tr. 38–39.
- ↑ Longerich 2010, tr. 67–69.
- ↑ Longerich 2010, tr. 41.
- ↑ Shirer 1960, tr. 233.
- ↑ Kitchen 2006, tr. 273.
- ↑ Longerich 2010, tr. 112–113.
- ↑ Longerich 2010, tr. 117.
- ↑ Longerich 2010, tr. 127.
- ↑ a b Evans 2005, tr. 555–558.
- ↑ a b USHMM, Genocide of European Roma.
- ↑ Rees 2005, tr. 248.
- ↑ Materski & Szarota 2009, tr. 9.
- ↑ Wrobel 1999.
- ↑ Longerich 2010, tr. 138–141.
- ↑ Evans 2008, tr. 75–76.
- ↑ a b Kershaw 2008, tr. 295.
- ↑ Longerich 2010, tr. 47–48.
- ↑ Niewyk & Nicosia 2000, tr. 45.
- ↑ a b Kershaw 2000a, tr. 111.
- ↑ Berghahn 1999, tr. 32.
- ↑ Powszechna PWN 2004, tr. 267.
- ↑ Heinemann et al. 2006.
- ↑ a b Snyder 2010, tr. 416.
- ↑ Overy 2005, tr. 544.
- ↑ Nicholas 2006, tr. 247.
- ↑ Lukas 2001, tr. 113.
- ↑ Sereny 1999.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 683.
- ↑ Snyder 2010, tr. 162–163, 416.
- ↑ Dorland 2009, tr. 6.
- ↑ Rummel 1994, table, p. 112.
- ↑ Hosking 2006, tr. 242.
- ↑ Smith 1994, tr. 204.
- ↑ Longerich, Chapter 17 2003.
- ↑ Longerich 2012, tr. 555–556.
- ↑ Evans 2008, tr. 256–257.
- ↑ Browning 2005, tr. 188–190.
- ↑ Longerich 2010, tr. 279–280.
- ↑ USHMM, Children during the Holocaust.
- ↑ Fleming 2014, tr. 31–32, 35–36.
- ↑ Evans 2008, tr. 559–560.
- ↑ Evans 2008, tr. 555–556, 560.
- ↑ Evans 2008, tr. 560–561.
- ↑ Shirer 1960, tr. 952.
- ↑ Goldhagen 1996, tr. 290.
- ↑ Evans 2008, tr. 295–296.
- ↑ Shirer 1960, tr. 954.
- ↑ Shirer 1960, tr. 951, 954.
- ↑ Nakosteen 1965, tr. 386.
- ↑ Pine 2011, tr. 14–15, 27.
- ↑ Shirer 1960, tr. 249.
- ↑ Evans 2005, tr. 270.
- ↑ Evans 2005, tr. 269.
- ↑ Evans 2005, tr. 263–264, 270.
- ↑ a b c Evans 2005, tr. 264.
- ↑ Shirer 1960, tr. 255.
- ↑ Pine 2011, tr. 13–40.
- ↑ Evans 2005, tr. 263–265.
- ↑ Farago 1972, tr. 65.
- ↑ Evans 2005, tr. 265.
- ↑ Evans 2005, tr. 292.
- ↑ Evans 2005, tr. 302–303.
- ↑ Evans 2005, tr. 305.
- ↑ Evans 2005, tr. 295–297.
- ↑ Evans 2005, tr. 293.
- ↑ Evans 2005, tr. 299.
- ↑ a b Evans 2005, tr. 516–517.
- ↑ Heidelberg University Library.
- ↑ Rupp 1978, tr. 45.
- ↑ Evans 2005, tr. 518–519.
- ↑ Evans 2005, tr. 332–333.
- ↑ Evans 2005, tr. 369.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 749.
- ↑ McNab 2009, tr. 164.
- ↑ Stephenson 2001, tr. 70.
- ↑ Evans 2005, tr. 297.
- ↑ Pauley 2003, tr. 119–137.
- ↑ Overy 2005, tr. 248.
- ↑ Rupp 1978, tr. 45–46.
- ↑ Evans 2005, tr. 272.
- ↑ Grunberger 1971, tr. 278.
- ↑ Biddiscombe 2001, tr. 612, 633.
- ↑ Biddiscombe 2001, tr. 612.
- ↑ Rupp 1978, tr. 124–125.
- ↑ a b Longerich 2012, tr. 370.
- ↑ a b c Longerich 2012, tr. 371.
- ↑ Evans 2005, tr. 521.
- ↑ Evans 2005, tr. 515.
- ↑ Proctor 1999, tr. 196.
- ↑ Proctor 1999, tr. 198.
- ↑ Proctor 1999, tr. 203.
- ↑ Evans 2005, tr. 319.
- ↑ Proctor 1999, tr. 40.
- ↑ Busse & Riesberg 2004, tr. 20.
- ↑ Evans 2008, tr. 611.
- ↑ Evans 2008, tr. 608.
- ↑ Evans 2008, tr. 609–661.
- ↑ Evans 2008, tr. 612.
- ↑ DeGregori 2002, tr. 153.
- ↑ Hanauske-Abel 1996, tr. 10.
- ↑ Uekötter 2006, tr. 56.
- ↑ Closmann 2005, tr. 30–32.
- ↑ Closmann 2005, tr. 18, 30.
- ↑ Uekötter 2005, tr. 113, 118.
- ↑ Evans 2005, tr. 222.
- ↑ USHMM, The German Churches and the Nazi State.
- ↑ Shirer 1960, tr. 237.
- ↑ a b c Shirer 1960, tr. 240.
- ↑ Shirer 1960, tr. 234–238.
- ↑ Evans 2005, tr. 220–230.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 295–297.
- ↑ a b c d Berben 1975, tr. 140.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 238–239.
- ↑ Shirer 1960, tr. 239.
- ↑ Berben 1975, tr. 276–277.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 332.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 290.
- ↑ Evans 2005, tr. 234–235.
- ↑ Gill 1994, tr. 57.
- ↑ a b Shirer 1960, tr. 234–235.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 315.
- ↑ Lewis 2000, tr. 45.
- ↑ Conway 2001, tr. 92.
- ↑ Evans 2005, tr. 226, 237.
- ↑ Evans 2005, tr. 239–240.
- ↑ Evans 2005, tr. 241–243.
- ↑ Evans 2005, tr. 245–246.
- ↑ Fest 1996, tr. 377.
- ↑ Evans 2005, tr. 244.
- ↑ USHMM, Dachau.
- ↑ Berben 1975, tr. 141–142.
- ↑ Libionka, The Catholic Church in Poland.
- ↑ Davies 2003, tr. 86, 92.
- ↑ Klemperer 1992, tr. 4–5.
- ↑ Cox 2009, tr. 33–36.
- ↑ Shirer 1960, tr. 372.
- ↑ Hoffmann 1988, tr. 2.
- ↑ Evans 2008, tr. 626–627.
- ↑ Evans 2008, tr. 625–626.
- ↑ Evans 2008, tr. 626–269.
- ↑ Evans 2008, tr. 634, 643.
- ↑ Gill 1994, tr. 2.
- ↑ Evans 2008, tr. 630.
- ↑ Evans 2005, tr. 669–671.
- ↑ Shirer 1960, tr. 659.
- ↑ Evans 2008, tr. 631.
- ↑ Evans 2008, tr. 635.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 816–818.
- ↑ Shirer 1960, tr. 1048–1072.
- ↑ Grunberger 1971, tr. 18.
- ↑ Kershaw 2008, tr. 182, 203, 272.
- ↑ Evans 2005, tr. 465–467.
- ↑ Shirer 1960, tr. 265.
- ↑ Shirer 1960, tr. 241–242.
- ↑ Evans 2005, tr. 133–135.
- ↑ Evans 2005, tr. 136.
- ↑ Evans 2005, tr. 16.