Dưới đây là các câu trả lời cho những câu hỏi mà nhiều người có thể sẽ thắc mắc khi làm quen với Bách khoa Toàn thư Việt Nam.
So sánh với các bách khoa toàn thư khác[sửa]
Hỏi: Dự án này có gì khác biệt với một số dự án xây dựng bách khoa toàn thư đang có?
Đáp: Bảng sau so sánh các điểm khác biệt với Wikipedia và Bách khoa Toàn thư Việt Nam bản in giấy.
Đặc điểm | Bách khoa Toàn thư Việt Nam | Wikipedia | Bách khoa Toàn thư Việt Nam in giấy |
---|---|---|---|
Mọi người đều tự do sử dụng và đóng góp | Có, với giấy phép sử dụng tương thích với Wikipedia. Bất cứ ai khi không đăng nhập đều có thể sửa đổi, bổ sung trực tiếp các mục từ hoặc góp ý, thảo luận về các mục từ - tuy nhiên các sửa đổi này cần được xem xét bởi những thành viên khác trước khi hiển thị công khai. Để sửa đổi hiển thị ngay lập tức, có thể đăng ký và tham gia như thành viên, sử dụng cổng đăng nhập của Bưu điện Việt Nam . Những người Việt ở nước ngoài không có điều kiện sử dụng cổng cũng có thể được cấp tài khoản để tham gia đóng góp. | Có, với giấy phép sử dụng mở, và bất cứ ai cũng đóng góp nội dung được. | Phiên bản in giấy có thể không miễn phí. Người dùng khó có thể tham gia biên soạn được nhanh chóng. |
Được chấp nhận sử dụng chính thống trong giáo dục Việt Nam | Có, với cơ chế bình duyệt nội dung và tiêu chuẩn chất lượng chặt chẽ. | Không. Bản thân Wikipedia từ chối trách nhiệm và không đảm bảo sự chính xác của thông tin, không có hệ thống bình duyệt chính thức. | Có, với hệ thống bình duyệt chuyên nghiệp. |
Tác giả | Bất cứ ai đã tham gia đóng góp. Thông tin tác giả của một mục từ được thể hiện ở trang thảo luận của mục từ và lịch sử của mục từ. | Bất cứ ai đã tham gia đóng góp. Thông tin tác giả của một mục từ được thể hiện ở lịch sử của mục từ. | Các tác giả thuộc Đề án Biên soạn Bách khoa Toàn thư Việt Nam, và một số tác giả tiêu biểu được lựa chọn từ đóng góp của cộng đồng nếu có. Thông tin tác giả của mục từ được in ngay trong mục từ. |
Trình bày | Có thể có thêm tập tin đa phương tiện như video, âm thanh, ... Có liên kết chuyển chú đến các mục từ liên quan, người đọc nhấn vào là chuyển mục từ. Phông chữ, cỡ chữ người đọc có thể tùy biến theo sở thích. Trong kế hoạch có chức năng đọc ra âm thanh toàn bộ nội dung mục từ, hỗ trợ người khiếm thị hoặc người đang lái xe. | Có thể có thêm tập tin đa phương tiện như video, âm thanh, ... Có liên kết chuyển chú đến các mục từ liên quan, người đọc nhấn vào là chuyển mục từ. Phông chữ, cỡ chữ người đọc có thể tùy biến theo sở thích. | Chỉ có văn bản và hình ảnh. Nội dung không có liên kết nhấn vào được. Phông chữ, cỡ chữ được quy chuẩn không thay đổi. |
Ngăn chặn phá hoại | Ngoài cơ chế bình duyệt nội dung chặt chẽ dành cho cộng đồng lớn những người đóng góp, việc sử dụng cổng đăng nhập của Bưu điện Việt Nam cũng hạn chế tình trạng tài khoản con rối. | Dựa trên đồng thuận cộng đồng và một số biện pháp kỹ thuật để hạn chế thời gian tồn tại của phá hoại. | Không có phá hoại từ cộng đồng. Có cơ chế bình duyệt chuyên nghiệp và chọn lọc chuyên gia biên soạn. |
Tại sao xây dựng[sửa]
Hỏi: Tại sao không đơn giản là viết bài ở Wikipedia (rồi nếu cần thì sao chép vào đây)?
Đáp: Vì là mục từ được sử dụng chính thức trong giáo dục ở Việt Nam, tiêu chuẩn mục từ có thể khác biệt với Wikipedia:
- Quy chuẩn chính tả tiếng Việt
- Quy chuẩn thuật ngữ (ví dụ danh pháp hóa học)
- Quy định về nguồn kiểm chứng uy tín được chấp nhận để xác minh nội dung mục từ
Nếu một mục từ ở Wikipedia đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn của Bách khoa Toàn thư Việt Nam, nó có thể được chuyển vào Bách khoa Toàn thư Việt Nam. Tuy nhiên có xác suất cao là nội dung nhiều mục từ ở Wikipedia không đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Ngược lại, nói chung, các mục từ được xây dựng tại Bách khoa Toàn thư Việt Nam có thể được chuyển vào Wikipedia. Điều này có nghĩa là việc xây dựng nội dung Bách khoa Toàn thư Việt Nam cũng là đóng góp luôn cho Wikipedia. Các thành viên hoạt động tại Bách khoa Toàn thư Việt Nam tránh được việc mất công sức dành cho đối phó với vấn nạn tài khoản con rối, và được dẫn hướng một cách thuận tiện theo quy trình bình duyệt để tập trung cho chất lượng cao của mục từ.
Tuy nhiên, không phải mục từ nào cũng có thể đóng góp ở Bách khoa Toàn thư Việt Nam. Các nội dung thiếu nguồn kiểm chứng uy tín theo tiêu chuẩn của Bách khoa Toàn thư Việt Nam, nhưng vẫn có nguồn thông tin đáp ứng yêu cầu của Wikipedia, thì chỉ có thể được tạo ra tại Wikipedia.
Sử dụng ngân sách[sửa]
Hỏi: Dự án này có sử dụng ngân sách của nhà nước Việt Nam không?
Đáp: Không. Dự án Bách khoa Toàn thư Việt Nam vận hành tại bktt.vn cùng với tất cả các dự án được khởi động bởi Đề án Tri thức Việt số hóa đều không sử dụng bất cứ nguồn ngân sách nào. Chi phí vận hành đến từ đóng góp tình nguyện bởi các cá nhân và tổ chức.
Dự án Bách khoa Toàn thư Việt Nam vận hành tại bktt.vn có phối hợp hoạt động với các cơ quan nhà nước, những nơi có thể sử dụng ngân sách nhà nước, ví dụ như với Đề án Soạn thảo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, cũng như phối hợp hoạt động với các tổ chức khác không sử dụng ngân sách của nhà nước.