BKTT:Chính tả tiếng Việt

Quy tắc chính tả tiếng Việt tại Bách khoa toàn thư Việt Nam tuân theo những quy định về chữ viết chuẩn áp dụng thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam.

Thứ tự bảng chữ cái[sửa]

Thứ nhất, bảng chữ cái tiếng Việt gồm có 33 chữ (Trong đó có 3 chữ cái J, W, Z vay mượn tiếng nước ngoài):

A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, W, X, Y, Z

Thứ hai, thứ tự các con chữ như sau:

A, Ă, Â, B, C, D, Đ, E, Ê, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, Ư, V, W, X, Y, Z

Quy định viết hoa[sửa]

Tên người[sửa]

  • Quy định về cách viết hoa tên người: viết hoa tất cả các chữ cái đầu của các âm tiết. Tên người thường dùng (họ, đệm, tên). Ví dụ:
    • Nguyễn Du, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai

Tên địa lý[sửa]

  • Tên địa lý thông thường: viết hoa tất cả chữ cái đầu của các âm tiết, viết chính tả theo cách gọi thông thường đối với một số trường hợp đặc biệt như:
    • Đắk Lắk, Bắc Kạn
  • Tên địa lý được hình thành bằng cách kết hợp giữa danh từ chỉ hướng và tên địa lý. Ví dụ:
    • Tả Thanh Oai
  • Tên địa lý chỉ vùng miền, khu vực được hình thành bằng các từ chỉ hướng kết hợp với từ chỉ hướng hoặc một danh từ chung. Ví dụ:
    • Đàng Trong, Đàng Ngoài, Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Đông Đông Bắc.
  • Tên địa lý là đơn vị hành chính được hình thành bằng cách kết hợp một danh từ chung (cầu, sông, núi, v.v.) với danh từ riêng mà khi đứng một mình không có nghĩa. Ví dụ:
    • Núi Ngự, Hồ Gươm, Vàm Cỏ, Biển Đông, Sông Hương, Sông Hồng, Sông Mã, Sông Chảy, Sông Cầu, Sông Đáy, Sông Đà,...

Tên tổ chức[sửa]

  • Quy định về viết hoa tên tổ chức: viết hoa các chữ cái đầu của các thành tố tạo nên tên tổ chức. Ví dụ:
    • Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam , Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn
  • Quy định về viết hoa tên tờ báo, tạp chí: viết hoa chữ cái đầu của các bộ phận tạo thành tên tờ báo, tạp chí. Ví dụ:
    • báo Nhân dân, báo Tiền phong, báo Phụ nữ, báo Thanh niên, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư

Sự kiện lịch sử[sửa]

  • Quy định về viết hoa sự kiện lịch sử, thời kỳ phong kiến, thời kỳ lịch sử: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất, viết hoa mốc thời gian, tên riêng. Ví dụ:
    • Cách mạng tháng Tám, Cách mạng tháng Mười Nga, Cách mạng tư sản Anh, Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, Phong trào Cần vương, Phong trào Đông kinh nghĩa thục, Phong trào Thơ mới, Phong trào Thơ cách mạng, Thời kỳ Phục hưng.
  • Tên các kỳ thi thời phong kiến: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Chức vụ, chức danh[sửa]

  • Quy định về viết hoa chức vụ: viết hoa chữ cái đầu của các bộ phận tạo thành chức vụ. Ví dụ:
    • Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ
  • Tên học vị, học hàm: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất đối với học hàm, học vị sau. Ví dụ:
    • Phó Giáo sư, Giáo sư, Tiến sĩ.
  • Tên các danh hiệu được phong: viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, v.v.
  • Tên các chức quan: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • Tể tướng, Thái sư, Thái úy, Thượng thư, Chánh tổng, Hào trưởng, Lạc tướng, Tư đồ.
  • Tước vị, học vị thời phong kiến: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • Hoàng tử, Công chúa, Thái tử, Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, Hoàng phi, Quý phi, Bá tước, Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.

Quy định khác[sửa]

  • Tên các tác phẩm: in nghiêng và viết hoa chữ cái đầu của tác phẩm, trường hợp có gắn với tên riêng, tên địa danh, v.v. viết hoa theo các quy định của các trường hợp đó. Ví dụ:
    • Dư địa chí
  • Tên luật: viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết đầu. Ví dụ:
    • Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
  • Tên các niên đại, các ngành, các lớp động vật: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • đại Cổ sinh, họ Kim Giao, bộ Thân giáp, kỷ Đệ tứ.
  • Các tên riêng trong thiên văn học chỉ các thiên thể: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • Mặt trời, Mặt trăng, Sao mộc, Sao hỏa, Sao kim, Ngân hà, Trái đất.
  • Tên các ngành học, cấp học, bậc học, môn học: viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất. Ví dụ:
    • ngành Giáo dục, ngành Luật học, ngành Xã hội học, bậc Tiểu học, bậc Trung học cơ sở, bậc Trung học phổ thông, bậc Đại học, bậc Sau đại học,cấp Trung học cơ sở, cấp Trung học phổ thông
  • Các huân chương, huy chương, huy hiệu: viết hoa chữ các đầu của âm tiết thứ nhất của các bộ phận cấu thành và viết hoa các từ ghi thứ hạng. Ví dụ:
    • Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba
  • Tên năm âm lịch: viết hoa tất cả các chữ cái đầu của các âm tiết. Ví dụ:
    • năm Canh Thìn, năm Quý Mão, năm Quý Tỵ, năm Đinh Mùi, năm Giáp Ngọ, năm Mậu Tý, năm Giáp Dần.
  • Tên các tôn giáo: viết hoa tất cả các chữ cái đầu của các âm tiết. Nếu để từ giáo sau những cụm từ chỉ tôn giáo thì không viết hoa. Ví dụ:
    • Thiên Chúa giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Bà La Môn, Phật giáo, Cơ Đốc giáo.
  • Tiết ngày trong năm: viết hoa chữ cái của âm tiết đầu tiên. Ví dụ:
    • Lập xuân, Nguyên đán, Đại hàn, Trung thu, Nguyên tiêu, Hàn thực, Đoan ngọ.
  • Các từ chỉ đơn vị hành chính kết hợp với tên địa lý. Ví dụ:
    • tỉnh Thanh Hóa, quận Thanh Xuân, phường Phạm Đình Hổ, huyện Nam Trực, xã Nam Vân,…
  • Các từ chỉ hướng không viết hoa. Ví dụ:
    • nhà hướng đông nam, ngôi trường hướng tây bắc.

Quy định về dấu[sửa]

Dấu ngoặc đơn, ngoặc kép: viết liền không cách sau dấu ngoặc đơn, ngoặc kép, viết hoa như quy định viết hoa đã thông qua.

Ký hiệu chuyển chú[sửa]

Ký hiệu chuyển chú:

  • x.: xem
  • xt.: xem thêm
  • cg.: cũng gọi
  • tk.: tên khác
  • vd.: ví dụ

Ký hiệu v.v.[sửa]

Dùng ký hiệu “, v.v.” tương tự dấu “...”

Quy định về thanh điệu[sửa]

Trật tự sắp xếp các dấu thanh trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam: quy định trật tự bảng chữ cái và trật tự các thanh tiếng Việt giúp cho việc sắp xếp từ điển, bách khoa thư, tên người, tên địa danh, v.v. Thứ tự sắp xếp là công cụ hỗ trợ cho việc tìm kiếm, tra cứu thông tin và lưu giữ thông tin. Khi sắp xếp các mục từ trong bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam theo nguyên tắc: Sắp xếp trật tự chữ cái trước, thanh điệu sau.

Ví dụ:

  • Khi sắp xếp các từ: hành pháp, lập pháp, hạnh phúc, hiệp định. Thứ tự sắp xếp theo thứ tự chữ cái trước, sau đó theo trật tự dấu thanh: hành pháp, hạnh phúc...

Trật tự sắp xếp các thanh trong Bách khoa toàn thư Việt Nam áp dụng thống nhất:

  1. không
  2. huyền
  3. hỏi
  4. ngã
  5. sắc
  6. nặng

Quy định về số[sửa]

Các số thông thường

  • Các số chỉ số lượng: không viết số, viết chữ. Ví dụ:
    • mười năm sau (không viết 10 năm sau), bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước (không viết 4000 năm dựng nước và giữ nước), Ba nước Đông Dương (không viết 3 nước Đông Dương).
  • Đối với các số chỉ thứ tự: viết chữ không viết số. Ví dụ:
    • Chiến tranh thế giới lần thứ Nhất, Chiến tranh thế giới lần thứ Hai

Các số chỉ lượng

  • Các số chỉ lượng viết thường ngăn cách các nhóm ba số bằng dấu chấm. Ví dụ:
    • 1.375.234; 234.345.987

Viết ngày, tháng, năm

  • Ngày trong tuần: viết chữ thường, không viết số. Ví dụ:
    • thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật.
  • Các tháng trong năm: viết thường, tháng kèm theo số. Trường hợp đặc biệt tháng âm lịch viết bằng chữ. Ví dụ:
    • tháng 1, tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8, tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12, tháng giêng, tháng chạp.
  • Năm: viết thường năm và chữ số. Ví dụ:
    • năm 1960, năm 1980, năm 1959, năm 1992, năm 2001, năm 2013.
  • Ngày tháng năm: Viết số liền; ngăn cách giữa ngày, tháng, năm là dấu chấm. Trường hợp chỉ có tháng và năm viết tháng chấm và năm. Ví dụ:
    • 15.9.1965, 23.7.1973, 19.10.1998;
    • tháng 2.1945, tháng 10.1992.

Quy định chung về dùng “i” hay “y”[sửa]

Khi tiến hành biên soạn bộ Bách khoa toàn thư Việt Nam, việc sử dụng “i” hay “y” cần được quy định thống nhất và chi tiết như sau:

  1. sử dụng “y” trong các trường hợp: uy, quy.
  2. dùng “y” dài khi đứng một mình. Ví dụ:
    • ý kiến, xiêm y
    • sao y.
  3. sử dụng “i” hay “y” sau các phụ âm
    • sử dụng i sau h: hi, hì, hỉ, hĩ, hí
    • sử dụng y sau k: ky, kỳ, kỷ, kỹ, ký, kỵ
    • sử dụng i và y sau l: li, lì, lý, lị
    • sử dụng i và y sau m: mi, mì, mỉ, mỹ, mí, mị
    • sử dụng i sau s: si, sỉ, sĩ
    • sử dụng i sau t: ti, tì, tỉ, tĩ, tí, tị.
  4. những trường hợp sử dụng “i”. Ví dụ:
    • ì ạch, ỉ eo, í a í ới,...

Quy định sử dụng “y” trong các trường hợp đặc biệt. Ví dụ:

  • Sử dụng “y” chỉ họ, đệm, tên người:
    • Lý Bí, Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt
    • Lý Thánh Tông, Lý Thái Tông, Lý Thái Tổ.
    • Nguyễn Dy Niên
    • Triệu Đức Vỵ.
  • Sử dụng y đối với các trường hợp
    • công ty, Ty (cấp Sở trước đây), năm can chi: Quý Tỵ, Giáp Tý,...

Trình bày tài liệu tham khảo[sửa]

  • Tài liệu tham khảo để ở cuối mục từ
  • Đánh số thứ tự Tài liệu tham khảo từ 1 đến hết
  • Một tài liệu tham khảo gồm các thông tin, giữa các thông tin là dấu phẩy và thứ tự các thông tin như sau:
    • Tác giả: in đứng
    • Tên sách (tác phẩm, từ điển, bài báo, v.v.): in nghiêng
    • Nhà xuất bản: in đứng, Nxb. (tên nhà xuất bản)
    • Nơi xuất bản
    • Năm xuất bản
  • Số thứ tự trang văn bản trích: viết tắt tr.: số trang.