Mục từ này cần được bình duyệt
Chủ nghĩa quốc xã
Phiên bản vào lúc 22:17, ngày 1 tháng 3 năm 2022 của Marrella (Thảo luận | đóng góp)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)
Đảng kỳ của Đảng Quốc xã, giống nhưng không giống hệt quốc kỳ của Đức Quốc xã (1933–1945) khi chữ vạn ở đó hơi lệch tâm

Chủ nghĩa quốc gia xã hội (tiếng Đức: Nationalsozialismus), thường gọi tắt là chủ nghĩa quốc xã, là hệ tư tưởng và hành động thực tiễn liên kết với Adolf HitlerĐảng Quốc xã. Vào thời kỳ Hitler vươn lên giành quyền lực ở Đức thập niên 1930, nó hay được gọi là chủ nghĩa Hitler. Thuật ngữ liên quan chủ nghĩa tân quốc xã đề cập đến những nhóm cực hữu có chung lý tưởng ra đời sau khi chế độ quốc xã sụp đổ vào năm 1945.

Chủ nghĩa quốc xã là một hình thái của chủ nghĩa phát xít,[1] thể hiện khinh thị dân chủ tự dohệ thống nghị viện, đồng thời kết nạp chủ nghĩa bài Do Thái ác liệt, chủ nghĩa chống cộng sản, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học, và thuyết ưu sinh[2] vào tín điều của nó. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nó đến từ chủ nghĩa toàn Đức và phong trào Völkisch vốn là đặc điểm nổi trội của chủ nghĩa dân tộc Đức kể từ cuối thế kỷ 19.[3] Chủ nghĩa quốc xã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các nhóm bán quân sự Freikorps nổi lên sau thất bại của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất mà từ đó dẫn tới sự sùng bái bạo lực. Chủ nghĩa quốc xã ủng hộ thuyết Darwin xã hội, xác định người Đức thuộc chủng tộc thượng đẳng Aryan hay Bắc Âu.[4] Chủ nghĩa quốc xã nhắm đến xóa bỏ chia rẽ xã hội và tạo ra một xã hội thuần nhất Đức căn cứ vào sự thuần khiết chủng tộc, thứ tượng trưng cho một cộng đồng nhân dân (Volksgemeinschaft). Những người quốc xã muốn thống nhất mọi người Đức sống trên lãnh thổ Đức lịch sử, giành thêm đất đai để bành trướng dưới học thuyết Lebensraum và loại bỏ đối tượng họ cho là ngoài cộng đồng hay chủng tộc thấp kém.

Thuật ngữ chủ nghĩa quốc gia xã hội nổi lên trong nỗ lực tái định nghĩa chủ nghĩa xã hội theo hướng dân tộc (quốc gia) chủ nghĩa như một sự thay thế cho cả chủ nghĩa xã hội quốc tế Marx và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Chủ nghĩa quốc xã bài bác khái niệm xung đột giai cấp và bình đẳng chung của chủ nghĩa Marx, phản đối chủ nghĩa quốc tế thế giới, tìm cách thuyết phục tất cả bộ phận của xã hội Đức mới hạ thấp lợi ích cá nhân để hướng tới lợi ích chung, chấp nhận lợi ích chính trị là ưu tiên chính của tổ chức kinh tế, điều hướng đến dung hòa với cái nhìn tổng quan của chủ nghĩa tập thể hay chủ nghĩa cộng đồng chứ không phải chủ nghĩa xã hội kinh tế. Tiền thân của Đảng Quốc xã là Đảng Công nhân Đức bài Do Thái và dân tộc chủ nghĩa toàn Đức thành lập ngày 5 tháng 1 năm 1919. Đến đầu thập niên 1920 đảng này được đổi tên thành Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa nhằm thu hút người lao động khỏi các đảng cánh tả như Dân chủ Xã hội (SPD), Cộng sản (KPD) và Adolf Hitler đảm nhiệm quản lý tổ chức. Cương lĩnh 25 điểm được thông qua vào năm 1920 kêu gọi một Đại Đức quốc thống nhất sẽ tước bỏ quyền công dân của Do Thái và người gốc Do Thái, ủng hộ cải cách đất đai và quốc hữu hóa một số ngành công nghiệp. Trong cuốn Mein Kampf xuất bản năm 1925–1926, Hitler đã phác họa tư tưởng chống cộng sản và Do Thái tại cốt lõi triết lý chính trị của mình cùng sự khinh thị nền dân chủ đại nghị và niềm tin vào quyền lợi bành trướng lãnh thổ của nước Đức.

Đảng Quốc xã giành nhiều phiếu phổ thông nhất trong hai cuộc tổng tuyển cử Reichstag năm 1932, giúp họ trở thành đảng lớn nhất trong cơ quan lập pháp đến lúc ấy song vẫn chưa đạt đa số tuyệt đối. Vì không có đảng nào muốn hoặc có thể tạo dựng một chính phủ liên hiệp nên vào năm 1933 Hitler đã được Tổng thống Paul von Hindenburg bổ nhiệm làm Thủ tướng Đức nhờ sự ủng hộ và thông đồng của những nhà dân tộc chủ nghĩa bảo thủ truyền thống, những người tin rằng họ có thể kiểm soát Hitler và đảng của ông. Qua việc sử dụng các sắc lệnh tổng thống khẩn cấp bởi Hindenburg và một sự thay đổi trong hiến pháp Weimar cho phép nội các cai trị bằng sắc lệnh trực tiếp, bỏ qua cả Hindenburg và Reichstag, những người quốc xã đã sớm thành lập một nhà nước độc đảng.

Sturmabteilung (SA) và Schutzstaffel (SS) có chức năng như những tổ chức bán quân sự của Đảng Quốc xã. Hitler đã sử dụng SS để thanh trừng những bè phái cấp tiến về kinh tế và xã hội của đảng trong vụ Nacht der langen Messer (Đêm của những con dao dài) giữa năm 1934, trong đó có giới lãnh đạo SA. Sau khi Tổng thống Hindenburg qua đời, quyền lực chính trị được tập trung vào tay Hitler và ông đã trở thành người đứng đầu nhà nước cũng như chính phủ với danh hiệu Führer (lãnh đạo, lãnh tụ). Từ đó trở đi, Hitler thực sự là một nhà độc tài của Đức Quốc xã hay còn được gọi là "Đế chế thứ Ba" (Drittes Reich), nơi mà người Do Thái, địch thủ chính trị và những yếu tố không mong muốn khác bị đào thải, giam giữ hay thủ tiêu. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, chế độ Hitler đã sát hại hàng triệu người, bao gồm hai phần ba số dân Do Thái châu Âu, trong một cuộc diệt chủng được gọi là Holocaust. Sau thất bại của Đức Quốc xã trong thế chiến II và việc khám phá ra quy mô đầy đủ của Holocaust, ý thức hệ quốc xã trở nên bị thù địch phổ quát. Nó bị nhiều người xem là xấu xa và phi đạo đức, chỉ trừ một vài nhóm phân biệt chủng tộc bên lề mà thường được gọi là những người quốc xã mới tự mô tả mình là đi theo chủ nghĩa quốc gia xã hội.

Chống cộng sản[sửa]

Áp phích tuyên truyền bài Do Thái, bài cộng sản ở Đức Quốc xã (dòng chữ bên dưới: chủ nghĩa Bolshevik là của Do Thái)

Những người quốc xã cáo buộc chủ nghĩa cộng sản nguy hại cho sự giàu mạnh của quốc gia vì ý định xóa bỏ tư hữu, ủng hộ mâu thuẫn giai cấp, sự hung hăng chống lại tầng lớp trung lưu, sự thù địch với doanh nghiệp nhỏ, và tư tưởng vô thần của nó. Chủ nghĩa quốc xã bài bác chủ nghĩa xã hội căn cứ vào đấu tranh giai cấp và chủ nghĩa quân bình kinh tế mà thay vào đó ủng hộ một nền kinh tế phân tầng với các tầng lớp xã hội trên cơ sở tài năng và đức hạnh, giữ lại tư hữu và tạo lập tình đoàn kết dân tộc, thứ vượt trên khác biệt giai cấp. Sử gia Ian Kershaw và Joachim Fest biện luận rằng ở Đức hậu Chiến tranh thế giới thứ Nhất, quốc xã là một trong nhiều đảng chính trị phát xít và dân tộc chủ nghĩa tranh đấu cho vị thế lãnh đạo trào lưu chống cộng sản.

Trong Mein Kampf, Hitler đã nói lên khao khát "đấu tranh với nguyên lý Marxist rằng mọi người đều bình đẳng." Hitler tin rằng "ý niệm bình đẳng là tội lỗi chống tự nhiên." Chủ nghĩa quốc xã ủng hộ "sự bất bình đẳng dĩ nhiên của con người", trong đó có bất bình đẳng giữa các chủng tộc và trong mỗi chủng tộc. Nhà nước quốc xã nhắm đến việc nâng đỡ các cá nhân có tài năng và trí tuệ đặc biệt để họ có thể trị vì quần chúng. Ý thức hệ quốc xã dựa trên phát triển giới ưu tú và Führerprinzip (nguyên tắc lãnh đạo), lập luận rằng thiểu số tinh hoa phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đa số và thiểu số tinh hoa phải tự tổ chức theo "thứ bậc năng lực" với một lãnh đạo là Führer đứng cao nhất. Führerprinzip chỉ định mỗi thành viên trong hệ thống thứ bậc có bổn phận tuyệt đối vâng lời người cấp trên và nắm quyền hành tuyệt đối với người cấp dưới.

Vào thập niên 1920, Hitler hối thúc các bè phái quốc xã khác nhau đoàn kết chống chủ nghĩa Do Thái Bolshevik. Hitler khẳng định "ba thói xấu" của "chủ nghĩa Do Thái Marx" là dân chủ, chủ nghĩa hòa bìnhchủ nghĩa quốc tế. Trào lưu cộng sản, công đoàn, Đảng Dân chủ Xã hội, và báo chí cánh tả đều được xem là bị người Do Thái kiểm soát và một phần của "âm mưu Do Thái quốc tế" nhằm làm suy yếu nước Đức bằng việc thúc đẩy chia rẽ nội bộ thông qua đấu tranh giai cấp. Những người quốc xã tin người Do Thái đã xúi giục cách mạng Bolshevik ở Nga, rằng phe cộng sản đã đâm nước Đức sau lưng và là thủ phạm khiến Đức thua cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Họ còn biện luận rằng những xu hướng văn hóa hiện đại của thập niên 1920 (như nhạc jazz và nghệ thuật lập thể) là hình tượng của "chủ nghĩa văn hóa Bolshevik" và một phần của cuộc tấn công chính trị nhằm làm suy thoái tinh thần nhân dân Đức. Joseph Goebbels xuất bản một sách nhỏ có tựa Der Nazi-Sozi nêu vắn tắt những điểm khác biệt giữa chủ nghĩa quốc gia xã hội và chủ nghĩa Marx. Vào năm 1930, Hitler nói: "Cái từ 'xã hội chủ nghĩa' chúng ta dùng không liên quan gì đến chủ nghĩa xã hội Marx. Chủ nghĩa Marx bài sở hữu, chủ nghĩa xã hội thực sự thì không".

Đảng Cộng sản nước Đức (KPD) là đảng cộng sản lớn nhất thế giới bên ngoài Liên Xô cho đến khi bị quốc xã đập tan vào năm 1933. Trong thập niên 1920 và đầu 1930, hai phe cộng sản và quốc xã thường đụng độ trực tiếp trong những vụ bạo lực đường phố, bên quốc xã là các tổ chức bán quân sự đối đầu RFB (Mặt trận Đỏ) và Antifa (Hành động chống phát-xít) của cộng sản. Sau khi Đại Suy thoái khởi phát, cả cộng sản lẫn quốc xã đều có tỷ lệ phiếu bầu tăng. Tuy nhiên, trong khi những người quốc xã đang muốn thành lập liên minh với các đảng cánh hữu khác thì những người cộng sản lại từ chối tạo lập liên minh với Đảng Dân chủ Xã hội Đức, đảng cánh tả lớn nhất. Sau khi quốc xã lên nắm quyền, họ nhanh chóng cấm đảng cộng sản với cái cớ rằng đảng này đang chuẩn bị làm cách mạng và là thủ phạm gây ra vụ hỏa hoạn Reichstag. Bốn ngàn đảng viên KPD bị bắt trong tháng 2 năm 1933 và đến hết năm đó 130.000 người cộng sản đã bị đưa đi các trại tập trung.

Chống tư bản[sửa]

Những người quốc xã biện luận rằng chủ nghĩa tư bản thị trường tự do làm tổn hại quốc gia do tài chính quốc tế và sự thống trị kinh tế toàn cầu của doanh nghiệp lớn không trung thực, cái họ cho là sản phẩm của ảnh hưởng Do Thái. Áp phích tuyên truyền quốc xã ở những địa bàn giai cấp công nhân nhấn mạnh bài trừ chủ nghĩa tư bản, ví dụ như một tấm trình bày: "Chủ nghĩa dân tộc không bảo tồn một hệ thống công nghiệp thối nát. Tôi có thể yêu nước Đức và ghét chủ nghĩa tư bản".

Hitler bày tỏ khinh thị chủ nghĩa tư bản cả công khai lẫn riêng tư, phê phán một giai cấp thu lợi tức ký sinh làm thất thoát của quốc gia. Ông phản đối chủ nghĩa tư bản thị trường tự do vì "không thể tin nó đặt lợi ích quốc gia lên trên nhất" và ao ước một nền kinh tế quản lý tài nguyên "theo cách phù hợp với nhiều mục tiêu quốc gia của chế độ" như xây dựng quân đội, đường sá và công trình cho thành phố, cùng một nền kinh tế tự túc. Hitler còn không tin tưởng chủ nghĩa tư bản vì thói đề cao cá nhân của nó và chuộng một nền kinh tế nhà nước điều khiển, duy trì cạnh tranh và tư hữu nhưng đặt chúng thấp hơn lợi ích của nhân dân.

Hitler nói với một lãnh đạo đảng vào năm 1934: "hệ thống kinh tế của thời đại chúng ta là sáng tạo của bọn Do Thái". Hitler bảo với Benito Mussolini rằng chủ nghĩa tư bản "không còn phát triển thêm được nữa". Hitler cũng nói rằng giới tư sản kinh doanh "chẳng biết gì ngoài lợi ích. 'Tổ quốc' chỉ là một từ với chúng". Ông chán ghét giới thượng lưu tư sản chi phối nước Đức thời Cộng hòa Weimar và mô tả họ là "đám phế thải hèn nhát".

Trong Mein Kampf, Hitler ủng hộ chủ nghĩa trọng thương, cho rằng tài nguyên kinh tế của các lãnh thổ phải bị chiếm đoạt bằng vũ lực vì ông tin chính sách Lebensraum sẽ mang lại cho nước Đức những lãnh thổ có giá trị về mặt kinh tế như vậy. Hitler lập luận cách duy nhất để duy trì an ninh kinh tế là trực tiếp kiểm soát tài nguyên chứ không trở nên bị ép lệ thuộc vào thương mại toàn cầu. Ông khẳng định chiến tranh để chiếm những tài nguyên này là biện pháp duy nhất để vượt qua hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa vốn tồn tại những khuyết điểm.

Joseph Goebbels, người sau này trở thành Bộ trưởng Tuyên truyền của Đức Quốc xã, phản đối mạnh mẽ cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa cộng sản, xem đó như "hai đại trụ của chủ nghĩa duy vật" là "một phần của âm mưu Do Thái quốc tế muốn thống trị thế giới". Tuy nhiên, Goebbels viết trong nhật ký năm 1925 rằng nếu buộc phải chọn một trong hai thì "trong phân tích cuối cùng, chịu đựng chủ nghĩa Bolshevik sẽ tốt cho chúng ta hơn là sống muôn kiếp nô lệ dưới chủ nghĩa tư bản". Goebbels còn liên hệ tư tưởng bài Do Thái với bài tư bản của mình, phát biểu trong sách nhỏ năm 1929 rằng "chúng ta thấy trong lũ Hebrew hiện thân của chủ nghĩa tư bản, của việc sử dụng sai hàng hóa quốc gia".

Chủ nghĩa toàn trị[sửa]

Đại hội Đảng Quốc xã ở Nuremberg, 1936

Dưới chủ nghĩa quốc xã nhấn mạnh đến quốc gia, chủ nghĩa cá nhân bị bài xích và tầm quan trọng được đặt vào người Đức thuộc về dân tộc Đức và cộng đồng nhân dân (Volksgemeinschaft). Hitler tuyên bố "mọi hoạt động và nhu cầu của mỗi cá nhân sẽ được quy định bởi tập thể do đảng đại diện" và "không còn vương quốc tự do mà ở đó mỗi cá nhân thuộc về chính mình". Himmler bào chữa việc thành lập một nhà nước cảnh sát hà khắc, nơi lực lượng an ninh có thể tùy tiện thực thi quyền lực, bằng lời khẳng định an ninh quốc gia và trật tự cần được ưu tiên hơn nhu cầu cá nhân.

Theo triết gia và nhà lý luận chính trị nổi tiếng Hannah Arendt, sức hấp dẫn của chủ nghĩa quốc xã trong vai một ý thức hệ toàn trị nằm ở ý niệm giúp đỡ xã hội hóa giải bất đồng nhận thức là hệ quả từ sự ly gián bi kịch của Chiến tranh thế giới thứ Nhất, nỗi đau vật chất, kinh tế do Đại Suy thoái, và lập lại trật tự khỏi bất ổn cách mạng xảy ra khắp xung quanh. Thay vì kiểu đa số như ở những quốc gia nghị viện hay dân chủ, chủ nghĩa quốc xã là một hệ thống toàn trị ban hành những giải pháp triệt để cho những vấn đề lịch sử mà nước Đức đối mặt, thu hút sự ủng hộ bằng cách phi hợp pháp hóa chính quyền Weimar cũ và đề ra một con đường sinh học-chính trị dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn, tương lai tự do thoát khỏi sự bấp bênh của quá khứ. Hitler và giới tinh hoa đảng vạch một hướng cụ thể cho nhóm quần chúng bất mãn và vận dụng tuyên truyền khôn khéo để biến họ thành người ủng hộ tư tưởng, lợi dụng họ để đưa chủ nghĩa quốc xã vào cuộc sống.

Tham khảo[sửa]

Trích dẫn[sửa]

  1. Kershaw 2004, tr. 239, 241.
  2. Bachrach 2004, tr. 417–420.
  3. Baranowski et al. 2018, tr. 47.
  4. Weikart 2013, tr. 537, 551–552; Baranowski et al. 2018, tr. 217.

Tạp chí[sửa]

  • Kershaw, Ian (tháng 4 năm 2004), "Hitler and the Uniqueness of Nazism", Journal of Contemporary History, 39 (2): 239–254, doi:10.1177/0022009404042130, JSTOR 3180723, S2CID 143315617
  • Weikart, Richard (2013), "The Role of Darwinism in Nazi Racial Thought", German Studies Review, 36 (3): 537–556, doi:10.1353/gsr.2013.0106, JSTOR 43555141, S2CID 144655202
  • Bachrach, Susan (ngày 29 tháng 7 năm 2004), "In the Name of Public Health — Nazi Racial Hygiene", New England Journal of Medicine, 351 (5): 417–420, doi:10.1056/NEJMp048136, PMID 15282346, S2CID 20483904

Sách[sửa]