Mục từ này cần được bình duyệt
Chủ nghĩa trọng thương

Là học thuyết kinh tế thống trị ở các nước châu Âu từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVIII, khi hệ thống các quốc gia-dân tộc hiện đại bắt đầu hình thành ở khu vực này, trong quá trình chuyển từ nền kinh tế tự nhiên sang nền kinh tế hàng hóa. Về bản chất, đây là thời kỳ tích lũy nguyên thủy tư bản, là thời kỳ Tây Âu chuẩn bị những tiền đề hình thành trên thực tế nền sản xuất TBCN giai đoạn tự do cạnh tranh. Có thể xem CNTT là tư tưởng kinh tế đầu tiên của giai cấp tư sản trong giai đoạn chế độ phong kiến đang tan rã. Một điểm đáng chú ý là mặc dù tư tưởng trọng thương đã xuất hiện từ thế kỷ XV, nhưng phải đến cuối thế kỷ XVIII thì thuật ngữ “CNTT” (mercantilism) mới lần đầu tiên được đề cập tới trong tác phẩm kinh điển “Sự giàu có của các quốc gia” (1776) của Adam Smith (1723-1790).

CNTT vừa có những nét chung khu vực, vừa có những đặc điểm riêng biệt (CNTT trọng kim (métalliste như Tây Ban Nha), CNTT kỹ nghệ (industrialist như Pháp), CNTT thương nghiệp (commercialiste như Anh, Hà Lan), CNTT tín dụng (fiduciaire).

- Về mặt lịch sử: CNTT ra đời là hệ quả tất yếu của bối cảnh kinh tế - xã hội mới và phần lớn những nhà kinh tế thời đó là những nhà duy thương (mercantilists); vào giai đoạn tích luỹ nguyên thuỷ của chủ nghĩa tư bản ngày càng tăng, tức là tước đoạt bằng bạo lực và tích luỹ tiền tệ ngoài phạm vi các nước Tây Âu, bằng cách cướp bóc và trao đổi không ngang giá với các nước thuộc địa thông qua con đường ngoại thương.

- Về mặt kinh tế: nền sản xuất hàng hóa của các nước Tây Âu trong giai đoạn này phát triển mạnh, thương nghiệp chiếm ưu thế trong nền kinh tế và có vị trí đặc biệt quan trọng, được coi là nguồn gốc của của cải. Cần thiết phải có lý thuyết kinh tế chính trị chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động thương nghiệp. Theo đó, CNTT hình thành - mang đậm dấu ấn của thời kỳ tích lũy nguyên thủy, thời kỳ bình minh của chủ nghĩa tư bản.

- Về mặt chính trị: vào thời điểm giai cấp tư sản mới ra đời, đang phát triển mạnh và là giai cấp tiên tiến có cơ sở kinh tế tương đối mạnh nhưng chưa nắm được chính quyền, chính quyền do giai cấp quý tộc nắm giữ. CNTT hình thành với mục đích chống lại chủ nghĩa phong kiến, đề cao tư tưởng tư sản, chống lại tư tưởng đen tối của thời kỳ trung cổ, chủ nghĩa duy vật chống lại những thuyết giáo duy tâm của nhà thờ…

- Về phương diện khoa học tự nhiên: Điều đáng chú ý nhất trong giai đoạn này là xuất hiện những phát kiến lớn về mặt địa lý, như: Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ (năm 1492); Vasco da Gama tìm ra đường biển thông sang Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản (năm 1498)… mở ra khả năng phát triển thương mại và làm giàu nhanh chóng của các nước phương Tây.

Một số giai đoạn phát triển chủ yếu:

- Giai đoạn hình thành (từ giữa thế kỷ thứ XV đến giữa thế kỷ thứ XVI): Đại biểu xuất sắc là William Starfford (1554-1612), Thomas Gresham (1519-1579) và Gasparo Scaruffi (1519-1584), với lý thuyết cân đối tiền tệ, chủ trương tăng sở hữu tiền tệ (vàng, bạc) có ở trong nước như một dạng của cải. Theo đó, các nhà trọng thương hướng việc xây dựng một cán cân tiền tệ nhập siêu và khuyến nghị một loạt chính sách như: hạn chế tối đa nhập khẩu hàng hoá không cần thiết ở nước ngoài, lập hàng rào thuế quan để bảo vệ hàng hoá trong nước, giảm lợi tức cho vay để kích thích sản xuất và nhập khẩu, buộc thương nhân nước ngoài đến buôn bán phải sử dụng số tiền mà họ có để mua hết hàng hoá mang về nước họ… Đây chính là giai đoạn tích luỹ tiền tệ của chủ nghĩa tư bản, với khuynh hướng chung là biện pháp hành chính, nghĩa là có sự can thiệp của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.

- Giai đoạn sau phát triển mạnh mẽ (từ cuối thế kỷ thứ XVI đến giữa thế kỷ thứ XVIII). Đại biểu xuất sắc là: Thomas Mun (1571-1641); Antonio Serra (1568-) và Antoine de Montchrétien (1576-1621)… với luận thuyết cân đối thương mại chủ động (cấm xuất nguyên vật liệu, cho xuất khẩu tiền). CNTT còn được gọi là chủ nghĩa thặng dư thương mại. Họ không chú trọng đến “cân đối tiền tệ” là chính, mà chú trọng “cân đối thương nghiệp” là chính. Vì vậy, các chính sách kinh tế được khuyến nghị hướng tới việc điều tiết lưu thông hàng hóa, ví dụ như chính sách bảo hộ mậu dịch được áp dụng theo hướng đánh thuế cao vào những hàng hóa mà trong nước có khả năng sản xuất, ngược lại đánh thuế thấp đối với hàng hoá nguyên vật liệu phục vụ công nghiệp xuất khẩu; tiền tệ được tự do lưu thông, việc tích lũy tiền bị lên án; nội thương được phát triển không hạn chế,…

Nhìn chung, chính sách kinh tế của các nhà trọng thương giai đoạn này so với giai đoạn trước đã có sự biến đổi rõ rệt. Vai trò lưu thông tiền tệ và phát triển sản xuất được quan tâm đặc biệt, các chính sách mang đậm bản chất của chiến lược phát triển nền kinh tế hướng vào xuất khẩu. Với mục đích tích luỹ tiền tệ cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản, biện pháp quản lý thay đổi, chuyển từ biện pháp hành chính là chủ yếu sang biện pháp kinh tế là chủ yếu.

- Giai đoạn tan rã (từ cuối thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XVIII): Sự tan rã của CNTT là một tất yếu bởi nhiều lý do khác nhau, như: (i) Song song với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thời kỳ tích luỹ nguyên thuỷ của chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang thời kỳ phát triển sản xuất tư bản chủ nghĩa, nguồn gốc của cải được đánh giá lại không phải từ lưu thông mà từ sản xuất mà có. Chỉ có sản xuất mới đem lại sự giàu có thực sự, vì vậy, lợi ích của giai cấp tư sản đã chuyển sang cả lĩnh vực sản xuất; (ii) Các chính sách theo quan điểm trọng thương đã hạn chế tự do kinh doanh, mâu thuẫn với đông đảo tầng lớp tư bản công nghiệp trong giai cấp tư sản, trong nông nghiệp, nội thương; (iii) Về phương diện lý luận đòi hỏi phải phân tích, nghiên cứu sâu sắc sự vận động của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa như: bản chất các phạm trù kinh tế (hàng hoá, giá trị, tiền tệ, tư bản, lợi nhuận,…), nội dung và vai trò của các quy luật kinh tế (quy luật giá trị, cạnh tranh, cung cầu,…). CNTT không giải quyết được các vấn đề kinh tế đặt ra.

Tư tưởng kinh tế chính:

Một là, quan niệm về của cải: Các nhà trọng thương đánh giá cao vai trò của tiền tệ, coi tiền tệ (vàng bạc) là tiêu chuẩn cơ bản của của cải và phương thức làm tăng của cải chính là làm tăng lượng tiền tệ. Của cải, tiền tệ được các nhà trọng thương xem xét dưới góc độ của quốc gia, dân tộc (họ quan tâm đến sự giàu có của cả quốc gia chứ không đơn thuần dưới góc độ mỗi cá nhân). Theo họ, một xã hội giàu có là có được nhiều tiền, sự giàu có tích luỹ được dưới hình thái tiền tệ là sự giàu có muôn đời vĩnh viễn; quốc gia càng nhiều tiền thì càng giàu, hàng hoá chỉ là phương tiện làm tăng khối lượng tiền tệ.

Hai là, quan niệm về thương mại: CNTT đánh giá cao vai trò của thương mại, đặc biệt là ngoại thương. Họ cho rằng, chỉ có thương mại mới là nguồn gốc tạo ra của cải và khả năng tăng trưởng của một nền kinh tế chỉ có thể có được thông qua hoạt động thương mại; trong đó, ngoại thương đóng vai trò sinh tử đối với phát triển kinh tế quốc gia. CNTT cho rằng nội thương như hệ thống ống dẫn và ngoại thương là máy bơm. Muốn tăng của cải, phải có ngoại thương nhập dẫn của cải thông qua hệ thống ống dẫn nội thương.

Xuất phát từ đây, các nhà trọng thương đã chú trọng vào khai thác thương mại quốc tế như một công cụ để gia tăng của cải dân tộc. Họ hướng tới xây dựng cán cân thương mại (quốc tế) thuận lợi, trong đó xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu. Trong quan điểm của ngoại thương, tính dân tộc thể hiện rất rõ. Các đại biểu của CNTT đều đòi hỏi nhà nước phải có các biện pháp nhằm bảo vệ thị trường nội địa tránh sự xâm nhập, cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài; chủ trương tìm mọi cách để bảo vệ vàng bạc, của cải của nước mình không chảy ra nước ngoài.

Ba là, CNTT đề cao vai trò của nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước để phát triển kinh tế vì tích luỹ tiền tệ chỉ thực hiện được nhờ sự giúp đỡ của nhà nước. Họ đòi hỏi nhà nước phải tham gia tích cực vào đời sống kinh tế để thu hút tiền tệ càng nhiều càng tốt, và hạn chế tiền tệ ra khỏi nước. CNTT không quan tâm đến việc cải thiện cuộc sống của con người hay thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong hệ thống thế giới. Mục tiêu hàng đầu của cách tiếp cận này là tối đa hóa an ninh quốc gia và quyền lực, đồng thời xem hoạt động kinh tế như là một phương tiện để đạt được mục đích.

Nhằm tăng cường quyền lực và nâng cao sức mạnh quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, các quốc gia theo CNTT thường theo đuổi hai chính sách chủ chốt, đó là:

Thứ nhất, định hướng nền kinh tế trong nước để tạo ra thặng dư thương mại. Nói cách khác, mục tiêu là tăng cường xuất khẩu trong khi hạn chế nhập khẩu. Điều này dẫn tới các chính sách mang tính chất bảo hộ nền kinh tế trong nước chủ yếu thông qua hàng rào thuế quan. Khoản thặng dư thương mại thu được có thể giúp các quốc gia này nâng cao sức mạnh bằng cách xây dựng quân đội, mua sắm vũ khí…, qua đó củng cố an ninh quốc gia và nâng cao vị thế quốc tế.

Thứ hai, định hướng các ngành công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị thặng dư cao từ những nguyên liệu thô được nhập khẩu với giá rẻ. Vì vậy, các nước theo chính sách trọng thương thường có xu hướng không khuyến khích sản xuất nông nghiệp mà quan tâm hơn đến sản xuất công nghiệp, áp đặt thuế cao đối với những hàng hóa được nhập khẩu, và cung cấp những khoản trợ cấp cho các ngành công nghiệp trong nước. Các nước này cũng thường theo đuổi những chính sách làm lợi cho quốc gia mình nhưng lại gây hại cho quốc gia khác. Vì vậy, có thể nói các quốc gia theo CNTT, nhìn chung là những quốc gia có mức độ can thiệp sâu vào nền kinh tế.

Nhận xét:

CNTT là sản phẩm tất yếu của giai đoạn tích luỹ nguyên thuỷ và chuyển dần từ kinh tế hàng hoá giản đơn sang kinh tế thị trường. Sự ra đời của CNTT cũng là khởi đầu quá trình mở rộng thuộc địa của người châu Âu - đây không phải là hệ quả ngẫu nhiên. Nếu như ở thế kỷ XVII, mối quan hệ giữa chính quốc và thuộc địa được đặt ra thì phải đến thế kỷ XVIII, với sự phát triển của tư tưởng kinh tế tự do, vấn đề này mới phải xem xét lại, đặt ra bức thiết hơn cho các nhà tư tưởng Tây Âu. Theo đó, dẫn đến các hình thức khai thác thuộc địa khác nhau, tư tưởng kinh tế chuyển sang dạng thức mới, tiến gần hơn với bản chất của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XVIII-XIX.

Về phương diện lý luận: CNTT là trào lưu tư tưởng xuất hiện và chi phối tiến trình phát triển kinh tế ở hầu khắp các quốc gia Tây Âu trong một giai đoạn lịch sử khá dài. Với phương pháp tiếp cận riêng, mang tính chất kinh nghiệm, CNTT đã phản ánh và trực tiếp thúc đẩy tiến trình tích lũy nguyên thủy tư bản, đẩy nhanh sự hình thành của chủ nghĩa tư bản, của nền kinh tế hàng hóa Tây Âu. Từ đây, các nhà trọng thương đã chỉ ra sức mạnh điều tiết kinh tế của nhà nước. Tuy chỉ dừng lại ở chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng giá trị cốt lõi của các chính sách kinh tế mà các nhà trọng thương chỉ ra vẫn là nền tảng của các chính sách kinh tế đương đại, nhất là các chiến lược và chính sách nhằm sản xuất hàng thay thế nhập khẩu và sản xuất hàng xuất khẩu.

Các nhà trọng thương đã tự tìm kiếm và xác định đối tượng nghiên cứu khi đưa ra quan điểm của cải và phương thức làm gia tăng của cải, xa rời những giáo điều kinh viện của phong kiến và nhà thờ, hướng tới đời sống thực tiễn và chủ nghĩa duy vật. Có thể nói, CNTT là hệ tư tưởng kinh tế sơ khai của chủ nghĩa tư bản, là hệ tư tưởng kinh tế đầu tiên của giai cấp tư sản. Nói cách khác, CNTT đã ghi dấu ấn của mình với tư cách là nghiên cứu đầu tiên về mặt lý luận phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong giai đoạn khởi thảo, là khởi xướng trực tiếp trong khoa học kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. David Begg, Kinh tế học vĩ mô, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2008.

2. Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2010.

3. Những vấn đề cơ bản của các lý thuyết kinh tế, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2010.

4. Holger Rogall, Kinh tế học bền vững, Nxb Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, 2011.

5. Paul A Samuelson-Wiliam D. Nordhalls, Kinh tế học, Sách tham khảo, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2011.

6. The Great Soviet Encyclopedia (1979), Советская Энциклопедия, 3rd Edition, 1970-1979.