Mục từ này cần được bình duyệt
Ung thư tụy
Phiên bản vào lúc 20:53, ngày 18 tháng 6 năm 2021 của Marrella (Thảo luận | đóng góp)

Ung thư tụy phát sinh khi các tế bào ở tụy, một cơ quan phía sau dạ dày, bắt đầu nhân lên vượt tầm kiểm soát và tạo thành khối u. Các tế bào ung thư này có khả năng xâm lấn những bộ phận khác của cơ thể.[1] Cho đến nay con người đã biết đến một số loại ung thư tụy.[2]

Trong đó, ung thư biểu mô tuyến tụy là loại phổ biến nhất, chiếm đến 90% số ca[3] và thuật ngữ "ung thư tụy" đôi khi được dùng chỉ để nói đến loại này.[2] Ung thư biểu mô tuyến khởi phát trong phần tụy mà tạo ra enzyme tiêu hóa.[2] Một vài loại ung thư khác mà tựu chung đại diện cho đa số ca ung thư biểu mô phi tuyến cũng có thể phát sinh từ những tế bào này.[2] Khoảng 1–2% trường hợp ung thư tụy là u thần kinh nội tiết khởi nguồn từ các tế bào tụy sản sinh hormone.[2] Những loại này nhìn chung không nguy hiểm bằng ung thư biểu mô tuyến tụy.[2]

Dấu hiệu và triệu chứng của dạng ung thư tụy phổ biến nhất có thể là vàng da, đau bụng hoặc đau lưng, sụt cân không rõ nguyên nhân, phân nhạt màu, nước tiểu đậm, và chán ăn.[4] Thông thường, không có triệu chứng nào biểu hiện vào giai đoạn sớm của bệnh và những triệu chứng đặc trưng đủ để gợi đến ung thư tụy thường chỉ thấy khi bệnh đã bước vào giai đoạn muộn.[4][5] Bởi vậy tại thời điểm chẩn đoán, ung thư tụy thường đã di căn sang những bộ phận khác của cơ thể.[2][6]

Ung thư tụy hiếm khi xảy ra với người dưới 40 tuổi và hơn nửa số ca ung thư biểu mô tuyến tụy là ở người trên 70 tuổi.[5] Yếu tố nguy cơ gồm hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, và một số tình trạng di truyền hiếm gặp.[5] Khoảng 25% ca liên quan đến hút thuốc lá[7] và 5–10% liên quan đến gen thừa hưởng.[5] Ung thư tụy thường được chẩn đoán bằng cách kết hợp các kỹ thuật tạo ảnh y khoa như siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu, khám nghiệm các mẫu mô (sinh thiết).[7][8] Căn bệnh được chia thành những giai đoạn, từ sớm (giai đoạn I) đến muộn (giai đoạn IV).[6] Tầm soát dân số nói chung không tỏ ra hiệu quả.[9]

Người không hút thuốc, người duy trì cân nặng phù hợp và hạn chế ăn thịt chế biến hay thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.[10] Với người hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh giảm xuống nếu ngừng hút và giảm đến ngang với người bình thường sau 20 năm bỏ thuốc.[2] Phương pháp điều trị ung thư tụy là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ, hoặc kết hợp các cách này.[4] Chữa thế nào tùy thuộc một phần vào giai đoạn ung thư.[4] Chỉ có phẫu thuật mới đem đến cơ hội chữa khỏi ung thư biểu mô tuyến tụy[6] và cách này còn có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống nếu không bàn đến việc chữa khỏi.[4][6] Các thuốc giảm đau và cải thiện tiêu hóa đôi khi cần đến.[6] Chăm sóc giảm nhẹ sớm được khuyến cáo kể cả cho người điều trị hướng đến mục tiêu khỏi bệnh.[11]

Tham khảo

  1. What is Cancer? Defining Cancer, National Cancer Institute, National Institutes of Health, ngày 7 tháng 3 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 25 tháng 6 năm 2014, truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2014
  2. a b c d e f g h World Cancer Report, World Health Organization, 2014, Chapter 5.7, ISBN 978-92-832-0429-9
  3. Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Pishvaian2017
  4. a b c d e "Pancreatic Cancer Treatment (PDQ®) Patient Version", National Cancer Institute, National Institutes of Health, ngày 17 tháng 4 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 5 tháng 7 năm 2014, truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2014
  5. a b c d Ryan DP, Hong TS, Bardeesy N (tháng 9 năm 2014), "Pancreatic adenocarcinoma", The New England Journal of Medicine, 371 (11): 1039–49, doi:10.1056/NEJMra1404198, PMID 25207767
  6. a b c d e Bond-Smith G, Banga N, Hammond TM, Imber CJ (tháng 5 năm 2012), "Pancreatic adenocarcinoma", BMJ, 344 (may16 1): e2476, doi:10.1136/bmj.e2476, PMID 22592847, S2CID 206894869
  7. a b Wolfgang CL, Herman JM, Laheru DA, Klein AP, Erdek MA, Fishman EK, Hruban RH (tháng 9 năm 2013), "Recent progress in pancreatic cancer", CA: A Cancer Journal for Clinicians, 63 (5): 318–48, doi:10.3322/caac.21190, PMC 3769458, PMID 23856911
  8. Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Lancet
  9. "Draft Recommendation Statement: Pancreatic Cancer: Screening – US Preventive Services Task Force", www.uspreventiveservicestaskforce.org, truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2019
  10. "Can pancreatic cancer be prevented?", American Cancer Society, ngày 11 tháng 6 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 13 tháng 11 năm 2014, truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2014
  11. Bardou M, Le Ray I (tháng 12 năm 2013), "Treatment of pancreatic cancer: A narrative review of cost-effectiveness studies", Best Practice & Research. Clinical Gastroenterology, 27 (6): 881–92, doi:10.1016/j.bpg.2013.09.006, PMID 24182608