Diện tích | 14.200.000 km2 |
---|---|
Dân số | 1.000 đến 5.000 (theo mùa) |
Mật độ dân số | < 0,01 người/km2 |
Internet TLD | .aq |
Thành phố lớn nhất | Các trạm nghiên cứu |
Mã UN M49 | 010 – Châu Nam Cực001 – Thế giới |
Châu Nam Cực (còn hay được gọi là Nam Cực[1]) là lục địa nằm xa về phía nam nhất trên Trái Đất, chứa Cực Nam địa lý và nằm trong Vùng Nam Cực của Nam Bán cầu, gần như hoàn toàn ở phía nam Vòng Nam Cực và được Nam Đại Dương bao quanh. Châu Nam Cực có diện tích 14.000.000 km2, là lục địa lớn thứ năm trên Trái Đất, gần gấp đôi Úc. Khoảng 98% châu Nam Cực bị bao phủ bởi một lớp băng có bề dày trung bình 1,9 km. Băng trải rộng ra khắp mọi phía, xa nhất lên phía bắc tới Bán đảo Nam Cực.
Xét trung bình, Châu Nam Cực là lục địa lạnh nhất, khô nhất, nhiều gió nhất, và cao nhất trong số tất cả các lục địa. Châu Nam Cực chủ yếu là một hoang mạc địa cực với lượng giáng thủy hàng năm chỉ 200 mm ở dọc bờ biển và ít hơn nhiều trong nội lục. Nơi đây từng ghi nhận mức nhiệt −89,2 °C (−128,6 °F), trong khi nhiệt độ trung bình quý ba (giai đoạn lạnh nhất trong năm) là −63 °C (−81 °F). Hàng năm có khoảng 1.000 đến 5.000 người cư trú tại các trạm nghiên cứu nằm rải rác trên khắp lục địa. Sinh vật bản địa nơi đây bao gồm nhiều loại tảo, vi khuẩn, nấm, thực vật, nguyên sinh vật, một số loài mạt, giun tròn, cánh cụt, chân vây, và gấu nước. Thảm thực vật hiện diện là đài nguyên.
Châu Nam Cực là vùng đất cuối cùng trên Trái Đất được con người khai phá và định cư. Mãi tới năm 1820 lục địa này mới được quan sát lần đầu bởi đoàn thám hiểm người Nga của Fabian Gottlieb von Bellingshausen và Mikhail Lazarev trên hai con tàu Vostok và Mirny, những người đã trông thấy thềm băng Fimbul. Mặc dù vậy, do môi trường khắc nghiệt, thiếu nguồn tài nguyên dễ tiếp cận và tính biệt lập, châu Nam Cực vẫn bị bỏ mặc trong phần còn lại của thế kỷ 19. Cuộc đổ bộ được xác nhận đầu tiên do một nhóm người Na Uy thực hiện vào năm 1895.
Châu Nam Cực trên thực tế là một nơi công quản do các bên tham gia Hệ thống Hiệp ước châu Nam Cực có vị thế cố vấn quản lý. Hiệp ước châu Nam Cực được 12 nước ký kết vào năm 1959, tính đến nay đã có thêm 42 nước thành viên. Hiệp ước ngăn cấm các hoạt động quân sự, khai thác khoáng sản, thử hạt nhân và thải bỏ chất thải hạt nhân; ủng hộ nghiên cứu khoa học và bảo vệ khu sinh thái của lục địa. Các thí nghiệm đang được thực hiện bởi hơn 4.000 nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia.
Địa lý
Châu Nam Cực tọa lạc bất cân xứng quanh Cực Nam và chủ yếu ở phía nam Vòng Nam Cực, là lục địa xa về phương nam nhất và được bao quanh bởi Nam Đại Dương hoặc theo định nghĩa khác là phần nam Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, hay phần nam Thế Giới Dương. Ở châu Nam Cực có một số sông và hồ, sông dài nhất là Onyx còn Vostok là một trong những hồ dưới băng lớn nhất thế giới. Châu Nam Cực có diện tích hơn 14 triệu km2,[2] là lục địa lớn thứ năm, gấp khoảng 1,3 lần châu Âu. Bờ biển dài 17.968 km,[2] chủ yếu là những dạng băng.
Dạng | Tỉ lệ |
---|---|
Thềm băng | 44% |
Tường băng | 38% |
Dòng chảy băng | 13% |
Đá | 5% |
Tổng | 100% |
Dãy Transantarctic gần nối liền hai chỗ thắt giữa Biển Ross và Biển Weddell chia châu Nam Cực thành hai phần. Phần phía tây biển Weddell và phía đông biển Ross là Tây châu Nam Cực và phần còn lại là Đông châu Nam Cực.
Khoảng 98% diện tích châu Nam Cực bị phiến băng châu Nam Cực, một lớp băng dày trung bình ít nhất 1,6 km, che phủ. 90% lượng băng của thế giới, tương ứng 70% lượng nước ngọt, là ở châu Nam Cực. Nếu toàn bộ số băng này tan chảy thì mực nước biển sẽ dâng thêm khoảng 60 m.[4] Giáng thủy là rất thấp ở đa phần nội lục, chỉ 20 mm một năm. Ở một số vùng "băng xanh" giáng thủy nhỏ hơn thăng hoa nên cân bằng khối lượng là âm. Tại những thung lũng khô, hiệu ứng tương tự xảy ra trên nền đá tạo nên cảnh quan cằn cỗi.[5]
Tây châu Nam Cực bị một phiến băng bao phủ. Vì có xác suất nhỏ sụp đổ nên phiến băng này thu hút sự quan tâm gần đây. Nếu phiến băng tan vỡ, mực nước biển sẽ dâng thêm vài mét trong một thời gian địa chất tương đối ngắn, có lẽ cỡ vài thế kỷ. Một số dòng chảy băng, thứ chiếm khoảng 10% dung tích phiến băng, chảy tới một trong nhiều thềm băng của châu Nam Cực.
Đông châu Nam Cực nằm về bên Ấn Độ Dương và bao gồm các vùng đất Coats, Queen Maud, Enderby, Mac. Robertson, Wilkes, và Victoria. Đa phần Đông châu Nam Cực thuộc Đông Bán Cầu và bị một phiến băng che phủ.
Vinson thuộc dãy Ellsworth là núi cao nhất châu Nam Cực với độ cao 4.892 m. Châu Nam Cực có nhiều núi ở cả lục địa và các đảo xung quanh. Erebus trên đảo Ross là núi lửa còn hoạt động nằm xa về phía nam nhất của thế giới. Một núi lửa khác trên đảo Deception nổi tiếng vì lần phun trào lớn vào năm 1970. Các vụ phun trào nhỏ xảy ra thường xuyên và dòng dung nham được quan sát trong những năm gần đây. Những núi ngủ yên có tiềm năng thức dậy.[6] Vào năm 2004 các nhà nghiên cứu người Mỹ và Canada phát hiện một núi lửa dưới nước có khả năng hoạt động ở Bán đảo Nam Cực.[7]
Châu Nam Cực có hơn 70 hồ nằm dưới phiến băng lục địa, lớn nhất là hồ Vostok bên dưới Trạm Vostok của Nga được khám phá vào năm 1996. Hồ này được tin đã cô lập trong 500.000 đến một triệu năm nhưng khảo sát gần đây gợi ý thi thoảng có những dòng chảy lớn từ hồ này sang hồ khác.[8]
Các lõi băng được khoan tới khoảng 400 m trên mực nước cho thấy một số bằng chứng về sự sống vi sinh trong hồ Vostok. Bề mặt đóng băng của hồ có những điểm tương đồng với vệ tinh Europa của Sao Mộc. Việc khám phá ra sự sống trong hồ Vostok sẽ củng cố luận cứ có sự sống trên Europa.[9][10] Vào ngày 7 tháng 2 năm 2008 một đội NASA khởi động nhiệm vụ đến hồ Untersee tìm kiếm sinh vật ái cực trong nước có tính kiềm cao. Nếu được phát hiện, những sinh vật kiên cường này có thể ủng hộ thêm lý lẽ về sự sống ngoài Trái Đất ở những môi trường cực lạnh và giàu metan.[11]
Ảnh hưởng của ấm lên toàn cầu
Châu Nam Cực đã và đang ấm lên ở một số nơi, đặc biệt tại Bán đảo Nam Cực. Nghiên cứu công bố năm 2009 của Eric Steig lần đầu tiên lưu ý xu hướng nhiệt độ bề mặt trung bình toàn lục địa tăng nhẹ khoảng >0,05 °C (0,09 °F) một thập kỷ từ 1957 đến 2006 và Tây châu Nam Cực đã ấm lên hơn 0,1 °C (0,2 °F) một thập kỷ trong 50 năm qua, mạnh nhất vào mùa đông và mùa xuân. Vấn đề này được bù đắp phần nào bởi việc Đông châu Nam Cực lạnh đi vào mùa thu.[12] Có bằng chứng từ một nghiên cứu chỉ ra rằng châu Nam Cực đang ấm lên là hệ quả của việc con người phát thải cacbon dioxide vào không khí,[13] tuy nhiên điều này chưa rõ ràng.[14] Tây châu Nam Cực mặc dù ấm lên nhiều nhưng không khiến băng tan đáng kể trên bề mặt và không trực tiếp tác động đến sự đóng góp của khối băng vùng này tới mực nước biển. Thay vào đó tình trạng sông băng chảy ra nhiều lên gần đây được tin là do dòng nước ấm thâm nhập từ đại dương sâu, ngay ngoài thềm lục địa.[15][16] Sự góp phần làm gia tăng mực nước biển của bán đảo Nam Cực nhiều khả năng là hệ quả trực tiếp của việc bầu khí quyển nơi đây ấm lên nhiều hơn nhiều.[17]
Vào năm 2002 thềm băng Larsen-B của bán đảo Nam Cực đổ sụp.[18] Từ ngày 28 tháng 2 đến 8 tháng 3 năm 2008 khoảng 570 km2 băng của thềm băng Wilkins ở phần tây nam bán đảo đổ sụp, đặt 15.000 km2 (5.800 dặm2) còn lại vào tình thế rủi ro. Thềm băng được giữ lại bởi một dải băng rất mảnh[19][20] trước khi dải băng này biến mất vào ngày 5 tháng 4 năm 2009.[21][22] Theo NASA, sự tan băng bề mặt vùng Nam Cực có quy mô lớn nhất trong vòng 30 năm qua xảy ra vào năm 2005 khi một khu vực băng có kích cỡ ngang California tan chảy trong một thời gian ngắn trước khi đóng băng trở lại, điều này có thể là hệ quả của việc nhiệt độ tăng cao tới 5 °C (41 °F).[23]
Một nghiên cứu công bố trên Nature Geoscience năm 2013 (trực tuyến tháng 12 năm 2012) nhận định trung tâm Tây châu Nam Cực là một trong những vùng ấm lên nhanh nhất trên Trái Đất. Các nhà nghiên cứu đưa ra dữ liệu nhiệt độ hoàn chỉnh từ trạm Byrd ở châu Nam Cực và khẳng định nó "cho thấy sự gia tăng tuyến tính trong mức nhiệt thường niên giai đoạn 1958-2010 ở ngưỡng 2,4±1,2 °C".[24]
Tháng 2 năm 2020 châu Nam Cực ghi nhận nhiệt độ cao nhất 18,3 °C, cao hơn gần một độ so với kỷ lục trước đó là 17,5 °C vào tháng 3 năm 2015.[25]
Suy giảm ozone
Ở phía trên châu Nam Cực tồn tại "lỗ hổng ozone", một vùng mật độ ozone thấp rộng lớn bao trùm gần như cả lục địa và lớn nhất vào tháng 9 năm 2006, khi ấy nó duy trì đến cuối tháng 12, lâu nhất từng ghi nhận.[26] Lỗ hổng ozone được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1985 và có xu hướng mở rộng trong những năm quan sát.[27] Hoạt động phát thải các chất chlorofluorocarbon hay CFC vào khí quyển được cho là nguyên nhân, chúng phân hủy ozone thành những loại khí khác.[28]
Một số nghiên cứu khoa học đề xuất rằng sự suy giảm ozone có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc khống chế biến đổi khí hậu ở châu Nam Cực (và một vùng Nam Bán cầu rộng hơn).[27] Ozone hấp thụ lượng lớn bức xạ tử ngoại ở tầng bình lưu. Sự sụt giảm ozone phía trên châu Nam Cực có thể làm tầng bình lưu nơi đây lạnh đi khoảng 6°C, điều này có tác động làm tăng cường độ gió tây thổi quanh lục địa (xoáy cực) và do đó ngăn khí lạnh gần cực nam thổi ra phía ngoài. Hệ quả là khối băng lục địa của Đông châu Nam Cực được giữ ở mức nhiệt thấp hơn và nhiệt độ ở những vùng ngoại vi của châu Nam Cực, đặc biệt là Bán đảo Nam Cực, cao hơn thúc đẩy băng tan nhanh.[27] Các mô hình cũng đề xuất rằng hiệu ứng suy giảm ozone/tăng cường xoáy cực còn là nguyên nhân làm tăng băng biển gần lục địa trong thời gian gần đây.[29]
Vào năm 2019 lỗ hổng ozone có kích cỡ bé nhất trong 30 năm do tầng bình lưu trên Cực Nam ấm lên làm suy yếu xoáy cực.[30]
Chú giải
Notes
Tham khảo
- ↑ Tên gọi này hay được dùng để nói đến lục địa châu Nam Cực nhưng không chính xác về ngữ nghĩa và gây nhầm lẫn do Nam Cực đồng nghĩa với Cực Nam địa lý, không phải lục địa.
- ↑ a b Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênCIAfactbook-People
- ↑ Drewry, D.J., bt. (1983), Antarctica: Glaciological and Geophysical Folio, Scott Polar Research Institute, University of Cambridge, ISBN 978-0-901021-04-5
- ↑ How Stuff Works: polar ice caps, howstuffworks.com, ngày 21 tháng 9 năm 2000, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 4 tháng 2 năm 2006, truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2006
- ↑ Fountain, Andrew G.; Nylen, Thomas H.; Monaghan, Andrew; Basagic, Hassan J.; Bromwich, David (ngày 7 tháng 5 năm 2009), "Snow in the McMurdo Dry Valleys, Antarctica", International Journal of Climatology, Royal Meteorological Society, 30 (5): 633–642, doi:10.1002/joc.1933, truy cập ngày 12 tháng 10 năm 2020 – qua Wiley Online Library
- ↑ British Antarctic Survey, Volcanoes, Natural Environment Research Council, lưu trữ từ nguyên tác ngày 11 tháng 7 năm 2007, truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2006
- ↑ Scientists Discover Undersea Volcano Off Antarctica, United States National Science Foundation, truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2006
- ↑ Briggs, Helen (ngày 19 tháng 4 năm 2006), Secret rivers found in Antarctic, BBC News, truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2009
- ↑ Lake Vostok, United States National Science Foundation, truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2006
- ↑ Abe, Shige; Bortman, Henry (ngày 13 tháng 4 năm 2001), Focus on Europa, NASA, lưu trữ từ nguyên tác ngày 19 tháng 10 năm 2014, truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2012
- ↑ "Extremophile Hunt Begins", Science News, NASA, lưu trữ từ nguyên tác ngày 23 tháng 3 năm 2010, truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2011
- ↑ Steig, E.J.; Schneider, D.P.; Rutherford, S.D.; Mann, M.E.; Comiso, J.C.; Shindell, D.T. (2009), "Warming of the Antarctic ice-sheet surface since the 1957 International Geophysical Year", Nature, 457 (7228): 459–462, Bibcode:2009Natur.457..459S, doi:10.1038/nature07669, PMID 19158794, S2CID 4410477
- ↑ Gillett, N. P.; Stone, D.I.A.; Stott, P.A.; Nozawa, T.; Karpechko, A.Y.; Hegerl, G.C.; Wehner, M.F.; Jones, P.D. (2008), "Attribution of polar warming to human influence", Nature Geoscience, 1 (11): 750, Bibcode:2008NatGe...1..750G, doi:10.1038/ngeo338
- ↑ Steig, E.J.; Ding, Q.; White, J.W.C.; Küttel, M.; Rupper, S.B.; Neumann, T.A.; Neff, P.D.; Gallant, A.J.E.; Mayewski, P.A.; Taylor, K.C.; Hoffmann, G.; Dixon, D.A.; Schoenemann, S.W.; Markle, B.R.; Fudge, T.J.; Schneider, D.P.; Schauer, A.J.; Teel, R.P.; Vaughn, B.H.; Burgener, L.; Williams, J.; Korotkikh, E. (2013), "Recent climate and ice-sheet changes in West Antarctica compared with the past 2,000 years", Nature Geoscience, 6 (5): 372, Bibcode:2013NatGe...6..372S, doi:10.1038/ngeo1778, hdl:2060/20150001452
- ↑ Payne, A.J.; Vieli, A.; Shepherd, A.P.; Wingham, D.J.; Rignot, E. (2004), "Recent dramatic thinning of largest West Antarctic ice stream triggered by oceans", Geophysical Research Letters, 31 (23): L23401, Bibcode:2004GeoRL..3123401P, CiteSeerX 10.1.1.1001.6901, doi:10.1029/2004GL021284
- ↑ Thoma, M.; Jenkins, A.; Holland, D.; Jacobs, S. (2008), "Modelling Circumpolar Deep Water intrusions on the Amundsen Sea continental shelf, Antarctica" (PDF), Geophysical Research Letters, 35 (18): L18602, Bibcode:2008GeoRL..3518602T, doi:10.1029/2008GL034939
- ↑ Pritchard, H.; D.G. Vaughan (2007), "Widespread acceleration of tidewater glaciers on the Antarctic Peninsula" (PDF), Journal of Geophysical Research, 112, Bibcode:2007JGRF..11203S29P, doi:10.1029/2006JF000597 Bỏ qua tham số chưa biết
|name-list-style=
(trợ giúp) - ↑ Glasser, Neil (ngày 10 tháng 2 năm 2008), "Antarctic Ice Shelf Collapse Blamed on More Than Climate Change", ScienceDaily
- ↑ "Huge Antarctic ice chunk collapses", CNN.com, Cable News Network, ngày 25 tháng 3 năm 2008, lưu trữ từ nguyên tác ngày 29 tháng 3 năm 2008, truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2008
- ↑ "Massive ice shelf on verge of breakup", CNN.com, Cable News Network, ngày 25 tháng 3 năm 2008, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 29 tháng 3 năm 2008, truy cập ngày 26 tháng 3 năm 2008
- ↑ "Ice Bridge Holding Antarctic Shelf in Place Shatters", The New York Times, Reuters, ngày 5 tháng 4 năm 2009, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 16 tháng 4 năm 2009, truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2009
- ↑ "Ice bridge ruptures in Antarctic", BBC News, British Broadcasting Corporation, ngày 5 tháng 4 năm 2009, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 6 tháng 4 năm 2009, truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2009
- ↑ "Big area of Antarctica melted in 2005", CNN.com, Cable News Network, Reuters, ngày 16 tháng 5 năm 2007, lưu trữ từ nguyên tác ngày 18 tháng 5 năm 2007, truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2007
- ↑ Bromwich, David H.; Nicolas, Julien P.; Monaghan, Andrew J.; Lazzara, Matthew A.; Keller, Linda M.; Weidner, George A.; Wilson, Aaron B. (2013), "Central West Antarctica among the most rapidly warming regions on Earth", Nature Geoscience, 6 (2): 139–145, Bibcode:2013NatGe...6..139B, CiteSeerX 10.1.1.394.1974, doi:10.1038/ngeo1671
- ↑ "Antarctica appears to have broken a heat record", m.phys.org, truy cập ngày 9 tháng 2 năm 2020
- ↑ British Antarctic Survey, Meteorology and Ozone Monitoring Unit, Antarctic Ozone, Natural Environment Research Council, truy cập ngày 5 tháng 5 năm 2009
- ↑ a b c Schiermeier, Quirin (ngày 12 tháng 8 năm 2009), "Atmospheric science: Fixing the sky", Nature, 460 (7257): 792–795, doi:10.1038/460792a, PMID 19675624
- ↑ National Aeronautics and Space Administration, Advanced Supercomputing Division (NAS) (ngày 26 tháng 6 năm 2001), The Antarctic Ozone hole, Government of the United States, lưu trữ từ nguyên tác ngày 3 tháng 4 năm 2009, truy cập ngày 7 tháng 2 năm 2009
- ↑ Turner J.; Comiso J.C.; Marshall G.J.; Lachlan-Cope T.A.; Bracegirdle T.; Maksym T.; Meredith M.P., Wang Z.; Orr A. (2009), "Non-annular atmospheric circulation change induced by stratospheric ozone depletion and its role in the recent increase of Antarctic sea ice extent" (PDF), Geophysical Research Letters, 36 (8): L08502, Bibcode:2009GeoRL..36.8502T, doi:10.1029/2009GL037524
- ↑ "Ozone hole set to close", Space Daily, Space Media Network, ngày 12 tháng 11 năm 2019, truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2019