Lục địa vùng rộng lớn của vỏ Trái đất, có phần phần lớn bề mặt cao hơn mực nước biển và được bao quanh bởi các đại dương.
Theo cấu tạo địa chất, lục địa là khối đất liền rộng hàng triệu km2, có biển và đại dương bao quanh. Lục địa có hai bộ phận, bộ phận nổi trên mặt nước biển và phần kéo dài ngập dưới nước của lục địa là rìa lục địa (gồm: thềm lục địa, sườn dốc và bờ lục địa). Sự phân chia các Lục địa mang ý nghĩa về mặt tự nhiên là chính; trong kỷ nguyên địa chất hiện nay, có sáu lục địa: Á-Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Phi, Australia, Nam Cực. Theo nghĩa hẹp, lục địa là một vùng đất liền liên tục, phân bố thành những khối tách rời nhau. Lục địa khác biệt với đảo bởi có diện tích rất lớn: lục địa Australia nhỏ nhất cũng có diện tích lớn gấp 4 lần đảo Greenland và lớn gấp 10 lần đảo New Guinea. Hơn hai phần ba diện tích lục địa của thế giới nằm ở phía bắc của đường xích đạo và tất cả các lục địa, trừ Nam Cực, đều có hình nêm, phía bắc rộng hơn phía nam.
Lục địa có diện tích 148,94 triệu km2 (chiếm 29,2% diện tích bề mặt Trái đất). Đặc trưng của lục địa là vỏ ngoài có kết cấu vững chắc, dày 30-70 km và lớp thạch quyển dày 200-300 km. Vỏ lục địa có cấu tạo hai lớp: lớp trên là lớp granit, lớp dưới thuộc loại bazan. Lớp trên chủ yếu chứa các loại đá nhẹ như granit, độ dày của lớp này khoảng chừng 25-30 km với mật độ trung bình khoảng 2,5-2,7 g/cm3; lớp bazan bên dưới dày tới 20 km, mật độ trung bình khoảng 2,7-2,9 g/cm3.
Theo thuyết tĩnh, quá trình hình thành các lục địa là sự mở rộng các nhân tố bền vững trong quá trình hoạt động địa máng. Theo thuyết động (thuyết "lục địa trôi"), kiến tạo mảng là tiến trình địa chất chính trong việc gây ra va chạm, phân chia và chuyển động của các khối lục địa; tất cả các lục địa trên bề mặt Trái đất đều từ một lục địa thống nhất ban đầu (gọi là Toàn lục Pangaea), sau đó bị nứt tách thành nhiều mảng lớn, các mảng này chủ yếu được cấu tạo bởi vật chất sial (loại granit) ở trên, nhẹ hơn loại vỏ Sima (loại bazan) ở bên dưới, nên các mảng lớn sau khi bị tách có thể trôi từ từ trên bề mặt lớp sima rồi trở thành các lục địa riêng rẽ. Bằng chứng của giả thuyết trôi dạt lục địa căn cứ vào các tài liệu cổ sinh vật học và cấu trúc địa chất đã phát hiện ra sự khớp nhau của hai bờ đại dương. Hiện nay thuyết lục địa trôi được rất nhiều nhà địa lý sinh vật ủng hộ, vì có nhiều bằng chứng trong thực tế về sự giống nhau trong thành phần động vật và thực vật của một số lục địa. Hiện nay, quá trình trôi dạt của các lục địa này vẫn còn tiếp diễn. Lục địa Á-Âu là Lục địa lớn nhất trên Trái đất; trong kiến tạo địa tầng, bao gồm châu Âu và phần lớn châu Á, nhưng không bao gồm tiểu lục địa Ấn Độ, tiểu lục địa Ả Rập và khu vực phía đông của dãy Cherskiy tại Sakha.
Lãnh thổ Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á (thuộc lục địa Á - Âu), tiếp giáp Biển Đông; vừa có biên giới trên đất liền với Trung Quốc, Lào, Campuchia, có vùng biển chồng lấn với các quốc gia láng giềng như: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Việc phân định biên giới trên đất liền và các vùng biển là một vấn đề quan trọng và phức tạp vì liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như lợi ích quốc gia. Trong quá trình phân định biên giới với các quốc gia, Việt Nam luôn tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Dược, Sổ tay Thuật ngữ Địa lí dùng trong trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Đào Đình Bắc, Địa mạo đại cương, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2008.
- Nguyễn Dược, Nguyễn Phi Hạnh, Đặng Văn Đức, Đặng Văn Hương, Nguyễn Minh Phương, Địa lý lớp 8, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2020.
- Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (phiên bản điện tử).
- Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển 1982.
- Monkhouse, Francis John, A dictionary of geography - 2nd ed, ISBN 13: 978-0-202-36131-4, Taylor & Francis Group, 2007.
- V.M. Kotlyakov and A.I. Komarova, Elsevier's Dictionary of Geography, Moscow, Russia, 2007.
- Bách khoa toàn thư Nga, bản điện từ Bigenc.Ru
- https://www.britannica.com/science/continent