Ung thư tụy | |
---|---|
Giản đồ mô tả vị trí của tụy, nằm sau dạ dày. | |
Chuyên khoa | Vị tràng học, gan học, ung thư học |
Triệu chứng | Vàng da, đau bụng hoặc đau lưng, sụt cân không rõ nguyên nhân, phân nhạt màu, nước tiểu đậm, chán ăn[1] |
Khởi phát | Sau 40 tuổi[2] |
Yếu tố nguy cơ | Hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, béo phì, tiểu đường, tình trạng di truyền hiếm gặp[2] |
Chẩn đoán | Tạo ảnh y khoa, xét nghiệm máu, sinh thiết mô[3][4] |
Phòng ngừa | Không hút thuốc, giảm tiêu thụ đồ uống có cồn, duy trì cân nặng phù hợp, chế độ ăn ít thịt đỏ[5] |
Điều trị | Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ[1] |
Tiên lượng | Tỷ lệ sống năm năm 6%[6] |
Số người mắc | 393.800 (2015)[7] |
Số người chết | 411.600 (2015)[8] |
Ung thư tụy phát sinh khi các tế bào ở tụy, một cơ quan phía sau dạ dày, bắt đầu nhân lên vượt tầm kiểm soát và tạo thành khối u. Các tế bào ung thư này có khả năng xâm lấn những bộ phận khác của cơ thể.[9] Cho đến nay con người đã biết đến một số loại ung thư tụy.[10]
Trong đó, ung thư biểu mô tuyến tụy là loại phổ biến nhất, chiếm đến 90% số ca[11] và thuật ngữ "ung thư tụy" đôi khi được dùng chỉ để nói đến loại này.[10] Ung thư biểu mô tuyến khởi phát trong phần tụy mà tạo ra enzyme tiêu hóa.[10] Một vài loại ung thư khác mà tựu chung chiếm chủ yếu ngoài ung thư biểu mô tuyến cũng có thể phát sinh từ những tế bào này.[10] Khoảng 1–2% trường hợp ung thư tụy là u thần kinh nội tiết khởi nguồn từ các tế bào tụy sản sinh hormone.[10] Những loại này nhìn chung không nguy hiểm bằng ung thư biểu mô tuyến tụy.[10]
Dấu hiệu và triệu chứng của dạng ung thư tụy phổ biến nhất có thể là vàng da, đau bụng hoặc đau lưng, sụt cân không rõ nguyên nhân, phân nhạt màu, nước tiểu đậm, và chán ăn.[1] Thông thường, không có triệu chứng nào biểu hiện vào giai đoạn sớm và những triệu chứng đặc trưng đủ để gợi đến ung thư tụy thường chỉ thấy khi bệnh đã bước vào giai đoạn muộn.[1][2] Bởi vậy tại thời điểm chẩn đoán, ung thư tụy thường đã di căn sang những bộ phận khác của cơ thể.[10][12]
Ung thư tụy hiếm khi xảy ra với người dưới 40 tuổi và hơn nửa số ca ung thư biểu mô tuyến tụy là ở người trên 70 tuổi.[2] Yếu tố nguy cơ gồm hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường, và một số tình trạng di truyền hiếm gặp.[2] Khoảng 25% ca liên quan đến hút thuốc lá[3] và 5–10% liên quan đến gen thừa hưởng.[2] Ung thư tụy thường được chẩn đoán bằng cách kết hợp các kỹ thuật tạo ảnh y khoa như siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu, khám nghiệm các mẫu mô (sinh thiết).[3][4] Căn bệnh được chia thành những giai đoạn, từ sớm (giai đoạn I) đến muộn (giai đoạn IV).[12] Tầm soát dân số nói chung không tỏ ra hiệu quả.[13]
Người không hút thuốc, người duy trì cân nặng phù hợp và hạn chế ăn thịt chế biến hay thịt đỏ có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.[5] Với người hút thuốc, nguy cơ mắc bệnh giảm xuống nếu ngừng hút và giảm đến ngang với người bình thường sau 20 năm bỏ thuốc.[10] Phương pháp điều trị ung thư tụy là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, chăm sóc giảm nhẹ, hoặc kết hợp các cách này.[1] Chữa thế nào tùy thuộc một phần vào giai đoạn ung thư.[1] Chỉ có phẫu thuật mới đem đến cơ hội chữa khỏi ung thư biểu mô tuyến tụy[12] và cách này còn có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống nếu không bàn đến việc chữa khỏi.[1][12] Các thuốc giảm đau và cải thiện tiêu hóa đôi khi cần đến.[12] Chăm sóc giảm nhẹ sớm được khuyến cáo kể cả cho người điều trị hướng đến mục tiêu khỏi bệnh.[14]
Vào năm 2015, ung thư tụy mọi loại đã khiến 411.600 người tử vong trên thế giới.[8] Căn bệnh thường xảy ra ở các nước phát triển, một ví dụ là 70% ca mới thuộc nhóm nước này trong năm 2012.[10] Ung thư biểu mô tuyến tụy thường có tiên lượng rất xấu; sau chẩn đoán, 25% bệnh nhân sống được một năm và 5% bệnh nhân sống được năm năm.[6][10] Với trường hợp chẩn đoán sớm, tỷ lệ sống năm năm tăng đến khoảng 20%.[15] Ung thư thần kinh nội tiết có tiên lượng tốt hơn khi mà 65% số người được chẩn đoán sống sót sau năm năm, dẫu vậy còn có sự khác biệt đáng kể tùy vào loại khối u.[10]
Dấu hiệu và triệu chứng
Vì không gây những triệu chứng giúp nhận biết ở giai đoạn sớm nên ung thư tụy thường không được chẩn đoán cho đến khi đã lan ra ngoài tụy.[4] Đây là một trong những lý do chính khiến tỷ lệ sống nhìn chung thấp. Có ngoại lệ là u thần kinh nội tiết tụy (PanNET) bởi sự sản sinh quá mức những hormone hoạt tính khác nhau có thể gây ra triệu chứng (còn phụ thuộc vào loại hormone).[16]
Các triệu chứng phổ biến của ung thư biểu mô tuyến tụy xảy ra trước chẩn đoán gồm:
- Đau ở bụng trên hoặc lưng, thường lan từ vùng dạ dày đến lưng. Vị trí đau có thể chỉ ra phần tụy có khối u. Cơn đau có thể nặng hơn vào ban đêm và gia tăng qua thời gian tới mức dữ dội và không ngừng.[17] Gập người về phía trước có thể giúp giảm đau một chút.
- Vàng da, củng mạc hoặc da chuyển màu vàng, có thể đau hoặc không và khả năng đi kèm với nước tiểu đậm. Lý do là khối u ở đầu tụy cản trở ống mật chủ đi qua.[18]
- Sụt cân không rõ nguyên nhân, bắt nguồn từ chán ăn hoặc mất chức năng ngoại tiết dẫn đến tiêu hóa kém.[12]
- Khối u có thể chèn ép các cơ quan lân cận, làm gián đoạn quá trình tiêu hóa và khiến dạ dày khó mà trống rỗng. Hệ quả là cảm giác buồn nôn và đầy bụng. Chất béo không được tiêu hóa sinh ra phân mỡ, mùi khó chịu và không dễ để rửa sạch.[12] Táo bón cũng là tình trạng phổ biến.[19]
- Ít nhất 50% người mắc ung thư biểu mô tuyến tụy bị tiểu đường lúc chẩn đoán.[2] Trong khi tiểu đường mãn tính là một yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư tụy thì chính ung thư tụy cũng có thể gây tiểu đường. Với trường hợp này thì việc mới mắc tiểu đường gần đây có thể được xem là dấu hiệu sớm của ung thư tụy.[20] Người trên 50 tuổi mắc tiểu đường có nguy cơ bị ung thư biểu mô tuyến tụy cao gấp 8 lần trong vòng ba năm, sau đó nguy cơ giảm đi.[12]
Tham khảo
- ↑ a b c d e f g "Pancreatic Cancer Treatment (PDQ®) Patient Version", National Cancer Institute, National Institutes of Health, ngày 17 tháng 4 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 5 tháng 7 năm 2014, truy cập ngày 8 tháng 6 năm 2014
- ↑ a b c d e f g Ryan DP, Hong TS, Bardeesy N (tháng 9 năm 2014), "Pancreatic adenocarcinoma", The New England Journal of Medicine, 371 (11): 1039–49, doi:10.1056/NEJMra1404198, PMID 25207767
- ↑ a b c Wolfgang CL, Herman JM, Laheru DA, Klein AP, Erdek MA, Fishman EK, Hruban RH (tháng 9 năm 2013), "Recent progress in pancreatic cancer", CA: A Cancer Journal for Clinicians, 63 (5): 318–48, doi:10.3322/caac.21190, PMC 3769458, PMID 23856911
- ↑ a b c Vincent A, Herman J, Schulick R, Hruban RH, Goggins M (tháng 8 năm 2011), "Pancreatic cancer" (PDF), Lancet, 378 (9791): 607–20, doi:10.1016/S0140-6736(10)62307-0, PMC 3062508, PMID 21620466, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) 12 tháng 1 2015
- ↑ a b "Can pancreatic cancer be prevented?", American Cancer Society, ngày 11 tháng 6 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 13 tháng 11 năm 2014, truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2014
- ↑ a b "Cancer Facts & Figures 2010" (PDF), American Cancer Society, 2010, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) 14 tháng 1 2015, truy cập 5 tháng 12 2014 See p. 4 for incidence estimates, and p. 19 for survival percentages.
- ↑ Vos T, Allen C, Arora M, Barber RM, Bhutta ZA, Brown A, et al. (GBD 2015 Disease and Injury Incidence and Prevalence Collaborators) (tháng 10 năm 2016), "Global, regional, and national incidence, prevalence, and years lived with disability for 310 diseases and injuries, 1990–2015: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2015", Lancet, 388 (10053): 1545–1602, doi:10.1016/S0140-6736(16)31678-6, PMC 5055577, PMID 27733282
- ↑ a b Wang H, Naghavi M, Allen C, Barber RM, Bhutta ZA, Carter A, et al. (GBD 2015 Mortality and Causes of Death Collaborators) (tháng 10 năm 2016), "Global, regional, and national life expectancy, all-cause mortality, and cause-specific mortality for 249 causes of death, 1980–2015: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2015", Lancet, 388 (10053): 1459–1544, doi:10.1016/s0140-6736(16)31012-1, PMC 5388903, PMID 27733281
- ↑ What is Cancer? Defining Cancer, National Cancer Institute, National Institutes of Health, ngày 7 tháng 3 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 25 tháng 6 năm 2014, truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2014
- ↑ a b c d e f g h i j k World Cancer Report, World Health Organization, 2014, Chapter 5.7, ISBN 978-92-832-0429-9
- ↑ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênPishvaian2017
- ↑ a b c d e f g h Bond-Smith G, Banga N, Hammond TM, Imber CJ (tháng 5 năm 2012), "Pancreatic adenocarcinoma", BMJ, 344 (may16 1): e2476, doi:10.1136/bmj.e2476, PMID 22592847, S2CID 206894869
- ↑ "Draft Recommendation Statement: Pancreatic Cancer: Screening – US Preventive Services Task Force", www.uspreventiveservicestaskforce.org, truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2019
- ↑ Bardou M, Le Ray I (tháng 12 năm 2013), "Treatment of pancreatic cancer: A narrative review of cost-effectiveness studies", Best Practice & Research. Clinical Gastroenterology, 27 (6): 881–92, doi:10.1016/j.bpg.2013.09.006, PMID 24182608
- ↑ "Pancreatic Cancer Treatment (PDQ®) Health Professional Version", National Cancer Institute, National Institutes of Health, ngày 21 tháng 2 năm 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 22 tháng 10 năm 2014, truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2014 "Tỷ lệ chữa khỏi cao nhất là khi khối u thực sự khu biệt ở tụy; tuy nhiên chỉ chưa đến 20% số ca là ở giai đoạn này. Trong trường hợp khối u cục bộ và nhỏ (dưới 2 cm), không có di căn hạch bạch huyết và không vượt ngoài bao tụy, phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vẫn cho ra tỷ lệ sống năm năm thấp từ 18 đến 24%."
- ↑ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênSol PanNET
- ↑ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênTobias
- ↑ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênCruz
- ↑ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênAlberts
- ↑ Pannala R, Basu A, Petersen GM, Chari ST (tháng 1 năm 2009), "New-onset diabetes: a potential clue to the early diagnosis of pancreatic cancer", The Lancet. Oncology, 10 (1): 88–95, doi:10.1016/S1470-2045(08)70337-1, PMC 2795483, PMID 19111249