Kiến trúc

Kiến trúc là khái niệm chỉ hoạt động, tư duy tạo ra các cấu trúc phi tự nhiên ở một tỷ lệ tương quan nhất định để phục vụ cho mục đích của con người. Kiến trúc là một khái niệm rộng, đa dạng, và trải dài kể từ khi con người xuất hiện, do đó có rất nhiều chiều hướng tiếp cận đến khái niệm, và bản thân khái niệm kiến trúc cũng không ngừng được bồi đắp, phát triển qua thời gian.

Khái niệm kiến trúc theo chiều hướng lịch sử[sửa]

Sự phụ thuộc vào cấu trúc tự nhiên[sửa]

Khi tiếp cận khái niệm kiến trúc theo chiều hướng lịch sử, tính hữu dụng là một đặc tính quan trọng để theo dấu sự phát triển. Tính hữu dụng ở đây là việc tạo ra một cấu trúc vật lý để phục vụ cho nhu cầu cụ thể. Tính hữu dụng kiến trúc cần được phân biệt với tính hữu dụng của các công cụ, một mặt vì kiến trúc mang ý nghĩa một tỷ lệ không gian có độ lớn nhất định đối với cá thể sử dụng, và mặt khác, tính bất động của nó. Không chỉ loài người, các loài động vật khác cũng có những nhu cầu đòi hỏi một cấu trúc vật lý hỗ trợ.

Theo chiều hướng này, khái niệm kiến trúc đã gắn theo từng bước tiến hóa của loài người. Tuy vậy, tất nhiên cần phải phân biệt rõ ràng giữa cấu trúc trú ngụ và kiến trúc, vì để đạt khái niệm kiến trúc, điều kiện đầu tiên là cấu trúc phải có tính nhân tạo. Từ buổi đầu, với sự hạn chế về công cụ và tư duy, người tiền sử chỉ có thể dựa vào các cấu trúc có sẵn của tự nhiên để làm nơi trú ngụ và ẩn nấp như tán cây cao, bụi cỏ um tùm, hang động tự nhiên. Tuy vậy, với bước nhảy của tư duy, người tiền sử đã cố gắng cải tạo môi trường sống xung quanh mình, manh nha một môi trường kiến trúc, đặc biệt là trong các hang động tự nhiên. Những sự cải tạo chỉ đơn thuần là các hình vẽ, những vết khắc trên vách hang, những hốc rỗng đặt các tạo vật tâm linh, được soi rọi bởi ánh sáng từ bếp lửa nhân tạo và cũng đôi khi, là những âm thanh nhân tạo từ các nhạc cụ thô sơ làm bằng xương động vật, vỏ ốc,..., mùi ám khói, mùi hương thịt động vật chín,... và thậm chí là những giọng nói, giọng hát thô sơ, những bóng đổ chuyển động theo các vũ điệu lên vách hang; và từ đây, một cấu trúc rỗng vô hồn của tự nhiên đã trở thành kiến trúc của con người, ấm áp, an toàn, sôi động. Con người đã tạo một môi trường đủ thoải mái để từ đó lại tiếp tục các hoạt động tinh thần để khám phá thế giới xung quanh họ; không chỉ để tạo ra các công cụ hữu dụng mà còn, như là một nghịch lý, bỏ một khối lượng lớn công sức và thời gian để tạo ra các tạo vật nghệ thuật gần như là "không hữu dụng", chí ít là cho cuộc sống quá khắc nghiệt của thời tiền sử. Các hang động đã không chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ vật chất, tính kiến trúc còn đã được thể hiện qua các hoạt động tinh thần của con người. Các loài động vật khác cũng sử dụng các kết cấu bao che có sẵn của tự nhiên, nhưng chúng đã không có nhu cầu gì hơn ngoài những mục tiêu vật chất, ngắn hạn.

Các kiến trúc - hang động là một bước phát triển quan trọng trong lịch sử loài người, nó đánh dấu tư duy định cư của người tiền sử, kể từ khi các loài người tiền sử đã lang thang khắp châu Phi, trên các đồng cỏ savanah mênh mông, vô định, ẩn nấp nguy hiểm; sự trú ngụ trong các hang động chắc chắn, an toàn đã thúc đẩy các bước nhảy tư duy cần thiết cho các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Kể từ các hang động tự nhiên, các cấu trúc nhân tạo của con người đã không còn nhiều dấu vết; với các vật liệu hữu cơ từ tự nhiên, công cụ và phương thức xây dựng thô sơ, các cấu trúc trú ngụ nhân tạo từ buổi đầu đã không thể tồn tại dưới sự khắc nghiệt của tự nhiên. Vẫn có một số cấu trúc nhân tạo bằng đá còn tồn tại dưới dạng khung; tuy rằng, chúng có thể đã là các cấu trúc phục vụ cho mục đích tín ngưỡng hơn là nhu cầu bao che thiết yếu, kể từ khi phải bỏ ra một khối lượng công sức và thời gian đáng kể trong tình trạng hạn hẹp của đời sống săn bắt - hái lượm cho một cấu trúc có không gian hạn chế, và hơn hết, các hang động, chòi lá vẫn là nơi trú ngụ lý tưởng nhất.

Tuy rằng, kiến trúc thời kỳ này chỉ mang tính hữu dụng tối thiểu là đáp ứng nhu cầu trú ngụ cho con người, do còn nhiều hạn chế về công cụ, nhân lực, quản lý, kiến thức,... các cấu trúc nhân tạo đầu tiên đã đánh dấu một bước phát triển của kiến trúc, của việc tự tạo ra các cấu trúc phi tự nhiên, ổn định, lâu dài; là kết quả của việc tìm hiểu, khai thác vật liệu từ tự nhiên, chế tạo công cụ, tư duy hình học, phối hợp trong công tác xây dựng, phân công lao động,...

Sự tự chủ bước đầu trong kiến trúc của con người[sửa]

Sau thời kỳ săn bắt - hái lượm, loài người chuyển sang xu hướng quần cư và định cư đặc biệt là ở những con sông lớn, tạo dựng nên các nền văn minh; điều này được bảo đảm với phương thức sản xuất nông nghiệp (khoảng 9.000 năm TCN). Với phương thức, địa điểm sống mới và kéo theo nhiều nhu cầu mới, kiến trúc cũng phát triển để đảm bảo tính hữu dụng. Với sự khắc nghiệt của tự nhiên, chỉ các cấu trúc bằng đá, đất nung,... mới còn lưu dấu vết; và thường đó là các công trình có tính cộng đồng, tín ngưỡng, tập quyền; các công trình phục vụ đời sống thường nhật thường được cấu tạo bằng các vật liệu hữu cơ, phương thức xây dựng thô sơ nên mau chóng biến mất theo thời gian.

Vào thời kỳ Cổ đại (Antiquité, khoảng hơn 3.000 năm TCN), các nền văn minh cổ đại đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Sự cách biệt và khác biệt về mặt địa lý đã tạo cho các nền văn minh những đặc điểm riêng biệt về chữ viết, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng ... và trong đó có kiến trúc. Vào thời kỳ này, ở mỗi nền văn minh, sự phân hóa giữa kiến trúc thường nhật (nhà ở, công trình phục vụ sản xuất, quân sự...) và kiến trúc tập quyền, tín ngưỡng là rất cao. Các kiến trúc thường nhật sẽ thể hiện tính riêng biệt dựa trên vật liệu sẵn có của địa phương, phương thức xây dựng đặc trưng, đặc tính khí hậu - thời tiết, lối sống, tập tục ... trong khi đó, các kiến trúc tập quyền và tín ngưỡng với tính thẩm mỹ, nghệ thuật và thông thường là sự hoành tráng, đã tạo nên hình ảnh đặc trưng cho nền văn minh mà nó đại diện.

Kiến trúc thường nhật thời cổ đại (khoảng 3000 năm TCN - năm 476)[sửa]

Với sự hạn chế về độ bền vật liệu và phương thức xây dựng, các kiến trúc thường nhật của thời đại này đã gần như biến mất, tuy nhiên, ở thời đại hiện nay, vẫn có những hình ảnh phản chiếu lại lịch sử để chúng ta có thể hình dung được kiến trúc thường nhật của các thời đại trước. Nhìn chung, tính thích nghi địa lý là sợi dây xuyên suốt của kiến trúc tại một khu vực nhất định. Nhằm tiết kiệm thời gian, sức lực, vật liệu; việc sử dụng vật liệu có sẵn ở địa phương là điều tất yếu, và với sự đa dạng nhất định của các vật liệu địa phương kéo theo sự đa dạng nhất định trong công tác xây dựng, công cụ hỗ trợ, giải pháp kiến trúc, đặc điểm đô thị đặc trưng cho vùng địa lý đó.

Nền văn minh Ai Cập cổ đại và nền văn minh Lưỡng Hà xuất hiện ở những khu vực có khí hậu nóng, khô, ít mưa, ít cây cối, giàu đất và đá, nên các ngôi nhà ở thông thường đã có thể được cấu tạo từ đất nung, đá tảng, mái bằng lợp lá, rơm, tường nhà được trổ lỗ cửa sổ nhỏ để đủ thông thoáng, có mái hiên để tạo bóng râm, các nhà sẽ san sát để tận dụng bóng đổ, không cần thiết sân vườn cảnh quan, ... phương thức xây dựng từ đó sẽ đơn giản và trực tiếp, tận dụng sức nặng của vật liệu để tạo tính ổn định cho kết cấu, ... Các vật liệu đất nung, đá tảng dồi dào, sẵn có lại là những loại vật liệu làm mát không gian ở, cách nhiệt hiệu quả, mang lại tính tối ưu cho giải pháp kiến trúc.

Sự thích nghi khéo léo của con người đã tạo ra một không gian kiến trúc với tính hữu dụng cao, tuy vậy, vẫn sẽ còn nhiều vấn đề về kiến trúc, không gian sống cần phải chờ thời gian để giải quyết bằng các tiến bộ về công nghệ. Các ngôi nhà thời cổ đại có thể đã đảm bảo che chắn nắng mưa, tuy nhiên, cụ thể với trường hợp các minh họa trên, không gian sống bên trong không hẳn là thoải mái, vì không gian bên trong nhà sẽ rất tối tăm, tù đọng, bên ngoài, lưu thông rất chật hẹp, nhiều trở ngại, tiềm ẩn cao nguy cơ cháy nổ, dịch bệnh, ...

Kiến trúc tập quyền thời cổ đại (khoảng 3000 năm TCN - năm 476)[sửa]

Do khách quan lịch sử, không hẳn ở tất cả các lưu vực các con sông lớn trên thế giới đều có thể gầy dựng nên một nền văn minh. Các nền văn minh đầu tiên của con người được ghi nhận ở các vùng có khí hậu khá tương đồng (nóng, khô) với nguồn nước trực tiếp từ con sông lớn. Do đó, các kiến trúc thường nhật với tính thích nghi địa lý có thể đã không khác nhau nhiều. Tuy vậy, nhờ sự cách biệt về địa lý và sự phát triển gần như độc lập hoàn toàn, số lượng ít ỏi các nền văn minh lớn đó vẫn tạo ra được dấu ấn riêng, đảm bảo sự nhận diện cho đến tận ngày nay. Sự riêng biệt đó được cấu thành từ các yếu tố đa dạng của văn hóa như ngôn ngữ, chữ viết, quan niệm, tín ngưỡng, ... và kiến trúc, với tư cách là một bộ phận của nền văn minh đó.

Nhìn chung, kiến trúc tập quyền thời kỳ này mang tính áp chế cao, thể hiện ở kích thước hoành tráng và các hình ảnh trang trí mang tính đặc quyền. Với sự khách quan của lịch sử, nền văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà và văn minh Hy Lạp cổ đại là được nghiên cứu nhiều và được phổ biến rộng rãi; nhờ sự dồi dào về kiến thức về các nền văn minh này, chúng ta có được cái nhìn khá đầy đủ về kiến trúc đại diện của nền văn minh đó.

Kiến trúc Ai Cập cổ đại[sửa]

Tham khảo[sửa]

  1. Neil MacGregor. Living with the Gods. ISBN : 9780525521471