Mục từ này cần được bình duyệt
Nông nghiệp

Là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực, thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp. Nông nghiệp là một ngành sản xuất lớn, bao gồm nhiều chuyên ngành: trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế nông sản; theo nghĩa rộng, còn bao gồm cả lâm nghiệp, thủy sản. Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước, đặc biệt là giai đoạn trước đây khi công nghiệp chưa phát triển.

Trong nông nghiệp có hai loại chính, việc xác định sản xuất nông nghiệp thuộc dạng nào cũng rất quan trọng: Nông nghiệp thuần nông hay nông nghiệp sinh nhai là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có đầu vào hạn chế, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho chính gia đình của mỗi người nông dân. Không có sự cơ giới hóa trong nông nghiệp sinh nhai. Nông nghiệp chuyên sâu là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được chuyên môn hóa trong tất cả các khâu sản xuất nông nghiệp, gồm cả việc sử dụng máy móc trong trồng trọt, chăn nuôi, hoặc trong quá trình chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nông nghiệp chuyên sâu có nguồn đầu vào sản xuất lớn, bao gồm cả việc sử dụng hóa chất diệt sâu, diệt cỏ, phân bón, chọn lọc, lai tạo giống, nghiên cứu các giống mới và mức độ cơ giới hóa cao. Sản phẩm đầu ra chủ yếu dùng vào mục đích thương mại, làm hàng hóa bán ra trên thị trường hay xuất khẩu. Các hoạt động trên trong sản xuất nông nghiệp chuyên sâu là sự cố gắng tìm mọi cách để có nguồn thu nhập tài chính cao nhất từ ngũ cốc, các sản phẩm được chế biến từ ngũ cốc hay vật nuôi.

Lịch sử phát triển:

Nông nghiệp được xem là xuất hiện sớm nhất ở vùng Levant, Địa Trung Hải. Tại di tích Tell Abu Hureyra, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích của lúa mì có niên đại chừng 9.050 năm trước Công nguyên. Ngoài ra, nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước của cư dân Đông Nam Á được cho là đã xuất hiện vào khoảng 10.000 đến 15.000 năm trước Công nguyên (TCN).

Đến khoảng năm 5.000 TCN, người Sumer đã phát triển các kỹ thuật nông nghiệp thiết yếu như canh tác mở rộng trên quy mô lớn, canh tác một vụ, tưới tiêu và sử dụng lực lược lao động chuyên biệt, đặc biệt dọc theo các đường thủy mà hiện nay là Shatt al-Arab, từ châu thổ vịnh Ba Tư đến Tigris và Euphrates. Thuần hóa các loài aurochs và mouflon hoang dại thành bò nhà và cừu, mở ra việc sử dụng động vật làm thực phẩm/sợi. Những người chăn cừu trở thành người cung cấp thực phẩm quan trọng theo phương thức xã hội du canh du cư. Ngô, sắn (củ mì), và mì tinh được thuần hóa đầu tiên ở châu Mỹ vào khoảng năm 5.200 TCN. Ngoài ra, một số loài thực phẩm dại khác có thể đã trải qua quá trình trồng trọt chọn lọc như lúa dại và phong đường, hoặc các giống dâu tây phổ biến nhất đã được thuần hóa ở phía tây bắc của châu Mỹ.

Ngày nay, nông nghiệp hiện đại vượt ra khỏi sản xuất nông nghiệp truyền thống, không chỉ phục vụ nhu cầu lương thực cho con người hay làm thức ăn cho súc vật mà đã mở rộng đến nhiều lĩnh vực khác bao gồm: cung cấp sợi dệt (sợi bông, sợi len, lụa, sợi lanh), chất đốt (mê tan, dầu sinh học, ethanol..), da thú, cây cảnh, sinh vật cảnh, chất hóa học (tinh bột, đường, mì chính, cồn, nhựa thông), lai tạo giống, các chất gây nghiện cả hợp pháp và không hợp pháp như (thuốc lá, cocaine..). Đặc biệt, thế kỷ 20 đã có những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp với việc đẩy mạnh cơ giới hóa và ngành sinh hóa trong nông nghiệp. Kể từ sau năm 2000, xu hướng sử dụng cây trồng biến đổi gien ngày càng phổ biến trong ngành nông nghiệp thế giới.

Ở Việt Nam, ngành nông nghiệp hình thành từ thời cổ đại cùng với sự hình thành của nền văn minh lúa nước. Vào thời kỳ đá mới, các nền văn hóa Hoà Bình – Bắc Sơn (gần 10.000 năm trước CN) đã chứng tỏ sự xuất hiện của nông nghiệp và chăn nuôi. Các hoạt động chủ yếu là trồng rau củ, săn bắt, đánh cá, hái lượm. Vào thời kỳ đá mới, khoảng 5.000 - 6.000 năm trước đây, phần lớn các bộ lạc nguyên thủy ở nước ta phát triển đến giai đoạn trồng lúa nước. Người Phùng Nguyên (Vĩnh Phúc, Phú Thọ) biết chăn nuôi chó, lợn, trâu, bò, gà. Ở các giai đoạn Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun (Phú Thọ, Vĩnh Phúc) Đông Sơn (Thanh Hóa), khoảng 3.500 - 4.500 năm trước đây, nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, nghề gốm, nghề chế tác đá phát triển, đặc biệt là đã xuất hiện nghề đồng thau.

Đến giai đoạn nhà nước Văn Lang, cách nay khoảng 3.000 - 3.500 năm, người dân đã biết trồng lúa, khoai, đậu, đỗ, chuối, cam, vải, nhãn, cà, cải, dưa hấu. Theo “Giao châu ngoại vực ký", người Việt đã biết dùng trâu bò làm sức kéo với lưỡi cày ban đầu được làm bằng đồng thau, về sau làm bằng sắt. Nghề chăn nuôi phát triển gắn liền với nghề trồng trọt. Nông nghiệp nhà nước Văn Lang mang trong mình 3 đặc điểm: Cây lúa nước, trống đồng Đông Sơn, nền văn minh sông Hồng. Từ sau thời kỳ các vua Hùng đến thế kỷ thứ X sau công nguyên, mặc dù trong hơn 10 thế kỷ bị chính quyền phong kiến phương Bắc đô hộ ngăn cấm, nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển. Ngoài những diện tích đã khai phá ở miền trung du, miền núi, người dân còn khai thác ngày càng nhiều diện tích ở đồng bằng, ven biển. Mặt khác, người dân tiếp thu một số yếu tố văn hóa và tư liệu sản xuất từ nước ngoài như: Giống cây trồng mới (kê, ngô, cao lương, một số loại đậu đỗ...) kỹ thuật nông nghiệp mới (bón phân bắc, guồng nước...), kỹ thuật thủ công (dệt lụa, gấm, làm đồ sứ, thuộc da).

Thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến thống nhất, độc lập (thế kỷ thứ X đến XVII), nông nghiệp Việt Nam phát triển qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lệ. Đến triều đại nhà Lý, chế độ sở hữu ruộng đất của Nhà nước chiếm ưu thế. Đại bộ phận làm ruộng đất của công xã, với quyền tối đa của nhà vua. Các vua Trần rất coi trọng việc đắp đê phòng lụt quy mô lớn. Nhờ thủy lợi và các biện pháp khác, nông nghiệp đã được thâm canh tăng vụ khá cao. Nhà Hồ có 2 cải cách lớn trong nông nghiệp, năm 1397 nhà vua thực hiện chính sách “hạn điền”, năm 1401 thực hiện “hạn nô” quy định giới hạn số nô tỳ được có. Nông nghiệp Việt Nam thời phong kiến thịnh đạt nhất vào đầu đời Hậu Lê (đầu thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XVI). Mạng lưới thủy lợi được mở, chế độ sở hữu ruộng đất của Nhà nước được mở rộng.

Trong cuộc phân tranh Nam - Bắc giữa Chúa Trịnh - Chúa Nguyễn (thế kỷ XVI và XVII) nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, ruộng đất hoang hóa nhiều. Ở Đàng Trong, chính quyền nhà Nguyễn thực hiện chính sách khẩn hoang, lập làng. Trước thế kỷ XVII, Đồng bằng sông Cửu Long chưa được khai phá. Sau đó chính quyền nhà Nguyễn tạo điều kiện cho địa chủ, quan lại huy động dân cư người Việt, người Chăm, người Khơ me, người Trung Quốc (chạy trốn nhà Minh) khai phá tạo nên vùng trồng lúa lớn.

Vào thời kỳ suy sụp của chế độ phong kiến ở Việt Nam (thế kỷ XVIII - XIX) chính sách ruộng đất thời cuối Hậu Lê làm cho kinh tế nông nghiệp đình đốn, nông dân bị áp bức bóc lột thậm tệ dẫn đến phong trào Tây Sơn, một phong trào khởi nghĩa của nông dân. Khi cuộc kháng chiến chống quân Thanh kết thúc, năm 1789, vua Quang Trung ra “Chiếu Khuyến Nông” thúc đẩy việc ổn định dân phiêu tán và đẩy mạnh khai khẩn ruộng đất bỏ hoang. Vua Gia Long thiết lập nền cai trị khắc nghiệt, ra lệnh tịch thu ruộng đất của những người theo Tây Sơn, trả lại chủ cũ những ruộng đất Tây Sơn đã chia cho nông dân, áp đặt chế độ tô thuế nặng nề, việc bảo vệ đê điều ít được chú ý, thiên tai xảy ra liên tiếp. Nhà Nguyễn chú trọng việc khẩn hoang, mở rộng diện tích trồng lúa. Công việc khai hoang có kết quả, nhưng thành quả khai hoang trước hết lọt vào tay địa chủ phong kiến.

Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam (1884 - 1945), chính quyền thực dân thực hiện chính sách: Thuộc địa phải được giành riêng cho thị trường Pháp, cung cấp nguyên liệu cho Pháp và mua hàng hóa của Pháp. Thực dân Pháp cướp đoạt ruộng đất của nông dân Việt Nam. Nông nghiệp từ chỗ chỉ trồng lúa là chính, được chuyển một phần sang trồng các cây phục vụ chính quốc như: Cao su, cà phê, thầu dầu, đay, lạc v.v... nông dân bị bần cùng hóa vì sưu cao, thuế nặng, vì thiên tai liên tiếp. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), thực dân Pháp tăng cường chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, mở thêm đồn điền, vơ vét nông sản xuất khẩu. Tuy vậy, nông dân Việt Nam vẫn phát huy kinh nghiệm lâu đời, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, một số loài cây trồng mới được nhập về như: Cao su (1897), cà phê (1857), canh kina (1930), khoai tây và một số giống cây trồng mới, một số giống vật nuôi mới (bò Ôngôn, Sin, lợn Iocsai, Becsai, cừu Vân Nam...). Người Pháp đã thu được một số kết quả nghiên cứu về tài nguyên và kinh tế nông nghiệp, đặt nền móng cho khoa học nông nghiệp Việt Nam sau này.

Từ sau cách mạng tháng 8/1945 đến nay, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Phát xít Nhật cùng với thực dân Pháp đã gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945. Hồ Chủ tịch kêu gọi “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” “tăng gia sản xuất” “sản xuất và tiết kiệm”. Theo đó, chỉ sau khoảng một năm, nhân dân ta đã chiến thắng được nạn đói. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), nước ta vẫn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đáp ứng về cơ bản nhu cầu ăn no, đánh thắng theo lời hiệu triệu của Hồ Chí Minh “ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ, hậu phương thi đua với tiền phương”. Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, nông dân bắt tay vào hàn gắn những vết thương chiến tranh. Qua cuộc vận động giảm tô, cải cách ruộng đất (1953 - 1957), hơn 810.000 ha ruộng đất được chia cho 2.104.158 hộ nông dân. Năm 1958, Nhà nước chủ trương, vận động hợp tác hóa trong nông nghiệp, kết hợp với cải tiến kỹ thuật và phát triển sản xuất. Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) ở miền Bắc, thì đế quốc Mỹ đánh phá ra miền Bắc, vì thế phải thực hiện kế hoạch chuyển hướng kinh tế, vừa sản xuất vừa chiến đấu, nông nghiệp được quan tâm đầu tư, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, tiến hành chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp... Ở miền Nam, dưới chế độ Mỹ - Ngụy (1954 - 1975), chính quyền ngụy đưa ra các chính sách “cải cách điền địa” (thời Ngô Đình Diệm) “người cày có ruộng” (thời Nguyễn Văn Thiệu) nhằm tạo cơ sở kinh tế cho ngụy quân, ngụy quyền. Ở thời kỳ này, nông nghiệp miền Nam Việt Nam về cơ bản là sản xuất cá thể, lao động bị tách khỏi đất đai, cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp nghèo nàn.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) nông nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi mới để phát triển. Từ những năm 1980, những yếu kém trong quản lý kinh tế nông nghiệp đã bộc lộ. Năm 1988, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng CSVN (khóa VI) về “Đổi mới quản lý trong nông nghiệp” đã đưa nông nghiệp Việt Nam lên bước phát triển mới. Sản xuất nông nghiệp phát triển. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu về hồ tiêu, hạt điều, cà phê, cao su, thủy sản, đồ gỗ v.v... Cơ sở vật chất kỹ thuật nông nghiệp (thủy lợi, điện, cơ khí v.v...) được xây dựng và ngày càng đồng bộ. Nông nghiệp được nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ với cơ cấu sản xuất ngày càng phù hợp với điều kiện đất đai và sinh thái của từng vùng.

Ngày nay, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2017, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 482,4 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 15,34% tổng sản phẩm trong nước. Có khoảng 40,3% lao động trong cả nước làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, và thuỷ sản. Điều này cho thấy đóng góp của nông nghiệp vào tạo việc làm lớn hơn cả đóng góp của ngành này vào GDP. Các sản phẩm nông nghiệp chiếm khoảng 12% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017. Những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam bao gồm gạo, cà phê, sợi bông, đậu phộng, cao su, đường, và trà.

Tài liệu tham khảo:

1. 72 năm - Dấu mốc lịch sử và thành tựu phát triển của ngành Nông nghiệp Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 14/11/2017

2. Đặng Phong (2002), Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 1. 1945-1954, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Đặng Phong (2005), Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 2, 1955-1975, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

4. Đặng Phong (2006), Lịch sử kinh tế Việt Nam, tập 3, 1975-2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

5. Học viện Nông nghiệp Việt Nam (2011), Lịch sử nông nghiệp Việt Nam, Từ điển trực tuyến Bách khoa Nông nghiệp Việt Nam.

6. ILO (1999), Safety and health in agriculture.

7. Phạm Văn Chiến (2003), Lịch sử Kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

8. Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, Tổng cục Thống kê, Hà Nội, 2017.

9. Võ Văn Sen (2017), Lịch sử Kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.