Con người hay người (Homo sapiens) là một loài linh trưởng có trí thông minh cao, thành viên còn tồn tại duy nhất của phân tông Hominina và cùng với tinh tinh, khỉ đột, đười ươi tạo thành họ Hominidae. Con người là động vật trên cạn có đặc điểm tư thế thẳng đứng và đi bằng hai chân; cử động tay khéo léo và sử dụng dụng cụ nhiều so với những động vật khác; sử dụng ngôn ngữ phức tạp và không giới hạn so với ngôn ngữ động vật khác; não to, phức tạp hơn những loài linh trưởng khác; và xã hội có tổ chức và tiến bộ ở mức cao.[1][2]
Một số hominin thời đầu đã biết sử dụng lửa và có mặt trên khắp lục địa Á Âu. Những người hiện đại ban đầu được cho là đã tách ra ở châu Phi từ một hominin sớm hơn vào khoảng 300.000 năm trước và bằng chứng hóa thạch sớm nhất về Homo sapiens cũng xuất hiện vào khoảng 300.000 năm trước ở châu Phi.[3] Con người bắt đầu biểu hiện hành vi hiện đại từ ít nhất 150.000–75.000 năm trước và có thể sớm hơn.[4][5][6][7][8] Trong một số làn sóng di cư, Homo sapiens đã rời khỏi châu Phi và cư trú trên hầu khắp Trái đất.[9][10] Sự lan tỏa của con người với số lượng đông đảo và ngày một tăng đã tác động sâu sắc đến sinh quyển cùng hàng triệu loài vật khác. Trong những ưu điểm then chốt lý giải cho sự tiến hóa thành công phải kể đến bộ não lớn, phát triển cho phép tiếp thu lý trí, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề, tính xã hội, và văn hóa thông qua học hỏi lẫn nhau. Con người sử dụng dụng cụ thường xuyên và hiệu quả hơn mọi loại động vật: là loài duy nhất còn tồn tại biết tạo lửa, nấu ăn, tự mặc quần áo, sáng tạo và vận dụng nhiều công nghệ cùng nghệ thuật khác.
Chỉ có con người sử dụng những hệ thống giao tiếp có tính biểu tượng như ngôn ngữ và nghệ thuật để thể hiện bản thân và trao đổi ý tưởng, cũng như tự sắp xếp mình vào những nhóm có mục đích. Con người tạo ra những cấu trúc xã hội phức tạp bao hàm nhiều nhóm cạnh tranh và hợp tác, từ mạng lưới họ hàng, gia đình đến những nhà nước. Tương tác xã hội giữa con người tạo ra những giá trị, chuẩn mực, nghi thức vô cùng đa dạng và chúng cùng nhau củng cố xã hội loài người. Tính tò mò, ham muốn tìm hiểu, chi phối môi trường, lý giải và thao túng những hiện tượng đã thúc đẩy sự phát triển của khoa học, triết học, thần học, tôn giáo, cùng nhiều lĩnh vực kiến thức khác.
Suốt phần lớn lịch sử, con người duy trì sự tồn tại bằng cách săn bắt hái lượm trong những bầy người.[11] Tuy nhiên vào khoảng 10.000 năm trước nhiều xã hội đã chuyển sang nông nghiệp tĩnh tại,[12] thuần hóa và nuôi trồng động thực vật, cho phép văn minh phát triển. Những xã hội này sau đó mở mang, thiết lập nhiều hình thái chính quyền và văn hóa trên khắp thế giới, thống nhất con người ở những khu vực để tạo ra những quốc gia và đế quốc. Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học cùng hiểu biết về y học trong thế kỷ 19 và 20 đã giúp con người gia tăng tuổi thọ và khiến dân số nhân loại tăng theo cấp số mũ.[13][14] Vào năm 2020 dân số thế giới là khoảng 7,8 tỷ người.[15][16]
Tham khảo[sửa]
- ↑ Goodman M, Tagle D, Fitch D, Bailey W, Czelusniak J, Koop B, Benson P, Slightom J (1990), "Primate evolution at the DNA level and a classification of hominoids", J Mol Evol, 30 (3): 260–66, Bibcode:1990JMolE..30..260G, doi:10.1007/BF02099995, PMID 2109087, S2CID 2112935
- ↑ "Hominidae Classification", Animal Diversity Web @ UMich, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 5 tháng 10 năm 2006, truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2006
- ↑ Scerri, Eleanor M. L.; Thomas, Mark G.; Manica, Andrea; Gunz, Philipp; Stock, Jay T.; Stringer, Chris; Grove, Matt; Groucutt, Huw S.; Timmermann, Axel; Rightmire, G. Philip; d’Errico, Francesco (ngày 1 tháng 8 năm 2018), "Did Our Species Evolve in Subdivided Populations across Africa, and Why Does It Matter?", Trends in Ecology & Evolution (trong English), 33 (8): 582–594, doi:10.1016/j.tree.2018.05.005, ISSN 0169-5347, PMC 6092560, PMID 30007846
- ↑ Henshilwood, C. S.; d'Errico, F.; Yates, R.; Jacobs, Z.; Tribolo, C.; Duller, G. A. T.; Mercier, N.; Sealy, J. C.; Valladas, H.; Watts, I.; Wintle, A. G. (2002), "Emergence of modern human behavior: Middle Stone Age engravings from South Africa", Science, 295 (5558): 1278–1280, Bibcode:2002Sci...295.1278H, doi:10.1126/science.1067575, PMID 11786608, S2CID 31169551
- ↑ Backwell, Lucinda; d'Errico, Francesco; Wadley, Lyn (2008), "Middle Stone Age bone tools from the Howiesons Poort layers, Sibudu Cave, South Africa", Journal of Archaeological Science, 35 (6): 1566–1580, doi:10.1016/j.jas.2007.11.006, ISSN 0305-4403
- ↑ McBrearty, Sally; Brooks, Allison (2000), "The revolution that wasn't: a new interpretation of the origin of modern human behavior", Journal of Human Evolution, 39 (5): 453–563, doi:10.1006/jhev.2000.0435, PMID 11102266
- ↑ Henshilwood, Christopher; Marean, Curtis (2003), "The Origin of Modern Human Behavior: Critique of the Models and Their Test Implications", Current Anthropology, 44 (5): 627–651, doi:10.1086/377665, PMID 14971366, S2CID 11081605
- ↑ Brown, Kyle S.; Marean, Curtis W.; Herries, Andy I.R.; Jacobs, Zenobia; Tribolo, Chantal; Braun, David; Roberts, David L.; Meyer, Michael C.; Bernatchez, J. (ngày 14 tháng 8 năm 2009), "Fire as an Engineering Tool of Early Modern Humans", Science, 325 (5942): 859–862, Bibcode:2009Sci...325..859B, doi:10.1126/science.1175028, PMID 19679810, S2CID 43916405
- ↑ McHenry, H.M (2009), "Human Evolution", trong Michael Ruse; Joseph Travis (bt.), Evolution: The First Four Billion Years, Cambridge, Massachusetts: The Belknap Press of Harvard University Press, tr. 265, ISBN 978-0-674-03175-3
- ↑ Neubauer, Simon; Hublin, Jean-Jacques; Gunz, Philipp (ngày 1 tháng 1 năm 2018), "The evolution of modern human brain shape", Science Advances (trong English), 4 (1): eaao5961, Bibcode:2018SciA....4.5961N, doi:10.1126/sciadv.aao5961, ISSN 2375-2548, PMC 5783678, PMID 29376123
- ↑ "Hunting and gathering culture" Lưu trữ 16 tháng 1 2016 tại Wayback Machine. Encyclopædia Britannica (online). Encyclopædia Britannica Inc., 2016.
- ↑ "Neolithic Lưu trữ 17 tháng 7 2017 tại Wayback Machine." Ancient History Encyclopedia. Ancient History Encyclopedia Limited. 2014.
- ↑ Will We Live Longer in the Future?, truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020
- ↑ Hamilton, Ian-Stuart (ngày 2 tháng 1 năm 2013), "Why We Live Longer These Days, and Why You Should Worry", Psychology Today, truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2020
- ↑ http://www.census.gov/popclock/. Retrieved 3 December 2020.
- ↑ "File POP/1-1: Total population (both sexes combined) by major area, region and country, annually for 1950-2100: Medium fertility variant, 2015–2100", World Population Prospects, the 2015 Revision, United Nations Department of Economic and Social Affairs, Population Division, Population Estimates and Projections Section, tháng 7 năm 2015, lưu trữ từ nguyên tác ngày 28 tháng 7 năm 2016, truy cập ngày 2 tháng 10 năm 2016