HIV/AIDS | |
---|---|
Tên khác | Nhiễm HIV, bệnh HIV,[1][2] AIDS, SIDA (tên cũ)[3] |
Ruy băng đỏ là biểu tượng của tình đoàn kết với người dương tính HIV và người sống chung với AIDS.[4] | |
Chuyên khoa | Bệnh truyền nhiễm, miễn dịch học |
Triệu chứng | Sớm: ốm yếu giống cúm[5] Muộn: hạch bạch huyết to, sốt, sụt cân[5] |
Biến chứng | Nhiễm trùng cơ hội, ung bướu[5] |
Thời gian | Suốt đời[5] |
Nguyên nhân | Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)[5] |
Yếu tố nguy cơ | Giao hợp âm đạo hoặc hậu môn không an toàn, mắc bệnh hoa liễu khác, dùng chung kim tiêm, các thủ tục y tế có hành vi cắt hoặc chọc không vô trùng, chấn thương vật sắc nhọn.[5] |
Chẩn đoán | Xét nghiệm máu[5] |
Phòng ngừa | Tình dục an toàn, trao đổi kim tiêm, cắt bao quy đầu nam, dự phòng trước phơi nhiễm, dự phòng sau phơi nhiễm[5] |
Điều trị | Liệu pháp kháng retrovirus[5] |
Tiên lượng | Tuổi thọ dự kiến gần bình thường nếu điều trị[6][7] Tuổi thọ dự kiến +11 năm nếu không điều trị[8] |
Số người mắc | Tổng số 55,9 – 100 triệu[9] 1,7 triệu ca mới (2019)[9] 38 triệu người sống với HIV (2019)[9] |
Số người chết | Tổng số 32,7 triệu[9] 690.000 (2019)[9] |
Nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS) là loạt tình trạng có nguyên nhân từ việc nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV),[10][11][12] một retrovirus.[13] Sau lần nhiễm ban đầu người bệnh có thể không thấy bất kỳ triệu chứng nào hoặc trải qua một giai đoạn ngắn ốm yếu như bị cúm.[5] Tiếp sau đó thường là giai đoạn dài không triệu chứng.[6] Nếu tình trạng tiến xa hơn, nó sẽ tàn phá hệ miễn dịch nhiều hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến như lao, những dạng nhiễm trùng cơ hội khác, và ung bướu vốn hiếm thấy ở người có chức năng miễn dịch bình thường.[5] Những triệu chứng nhiễm trùng muộn này được nhắc đến là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).[6] Sụt cân không chủ đích cũng thường xảy ra ở giai đoạn này.[6]
HIV lây truyền chủ yếu qua tình dục không an toàn (bao gồm tình dục hậu môn và tình dục bằng miệng), truyền máu chứa virus, kim tiêm dưới da, và từ mẹ sang con trong thai kỳ, trong lúc sinh hoặc cho con bú.[14] Một số dịch cơ thể như nước bọt, mồ hôi, nước mắt không truyền virus.[15]
Biện pháp phòng bệnh là tình dục an toàn, các chương trình trao đổi kim tiêm, điều trị người nhiễm, dự phòng trước và sau phơi nhiễm.[5] Cả mẹ và con đều dùng thuốc kháng retrovirus để ngăn ngừa bệnh cho con.[5] Không có phép chữa khỏi hay vắc-xin, tuy nhiên điều trị kháng retrovirus có thể trì hoãn bệnh và đem lại tuổi thọ dự kiến gần như bình thường.[6][7] Người bệnh được khuyến cáo điều trị càng sớm càng tốt sau chẩn đoán.[16] Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình sau khi nhiễm là 11 năm.[8]
Trong năm 2019 trên thế giới có khoảng 38 triệu người sống chung với HIV và 690.000 người tử vong vì căn bệnh.[9] Ước tính khoảng 20,6 triệu người trong số này sống ở miền đông và nam châu Phi.[17] Từ lúc được phát hiện (đầu thập niên 1980) đến năm 2018, AIDS đã cướp đi sinh mạng của 35 triệu người trên toàn cầu.[18] HIV/AIDS được xem là một đại dịch — một căn bệnh bùng phát trên phạm vi rộng lớn và tích cực lây lan.[19]
HIV đã từ những loài linh trưởng khác nhiễm sang người ở Tây-Trung Phi vào đầu đến giữa thế kỷ 20.[20] AIDS lần đầu được công nhận bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) vào năm 1981 và nguyên nhân của nó là nhiễm HIV được biết đến không lâu sau đó.[21]
HIV/AIDS có tác động to lớn đến xã hội, cả trong vai một căn bệnh lẫn nguồn gốc của sự phân biệt đối xử.[22] HIV/AIDS cũng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế.[22] Tồn tại nhiều nhận thức sai lầm về HIV/AIDS, như niềm tin rằng nó có thể lây qua tiếp xúc phi tình dục thông thường.[23] Căn bệnh đã trở thành đề tài của nhiều cuộc tranh luận liên quan đến tôn giáo, như là lập trường của Giáo hội Công giáo không ủng hộ dùng bao cao su để phòng ngừa.[24] Kể từ khi được biết đến vào thập niên 1980, HIV/AIDS đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới về phương diện y tế lẫn chính trị cùng sự tài trợ quy mô lớn.[25]
Dấu hiệu và triệu chứng[sửa]
Người nhiễm HIV trải qua ba giai đoạn chính: nhiễm cấp tính, tiềm ẩn lâm sàng, và AIDS.[1][26]
Nhiễm HIV cấp tính[sửa]
Giai đoạn ban đầu sau nhiễm HIV được gọi là HIV cấp tính, HIV nguyên phát hay hội chứng retrovirus cấp tính.[26][27] Nhiều người biểu hiện ốm yếu giống bị cúm hay chứng tăng bạch cầu đơn nhân sau phơi nhiễm trong khi số khác không có triệu chứng nổi bật.[28][29] 40–90% trường hợp xuất hiện triệu chứng và hầu hết là sốt, hạch bạch huyết to, viêm họng, phát ban, đau đầu, mệt mỏi, lở miệng và bộ phận sinh dục.[27][29] Ban thấy ở 20–50% ca nổi ở thân và dát sần.[30] Một số người còn bị nhiễm trùng cơ hội trong giai đoạn này.[27] Triệu chứng đường tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy[29] hay triệu chứng thần kinh của bệnh thần kinh ngoại biên hoặc hội chứng Guillain–Barré có thể xảy ra.[29] Chúng thường kéo dài một đến hai tuần nhưng cũng có thể ngoài khoảng này.[29]
Những triệu chứng này không rõ ràng nên thường không được nhìn nhận là dấu hiệu của nhiễm HIV.[29] Kể cả những trường hợp có bác sĩ khám cũng thường bị chẩn đoán nhầm với một trong nhiều bệnh truyền nhiễm phổ biến.[29] Vì vậy HIV nên được xem xét ở người mang yếu tố nguy cơ và biểu hiện sốt không rõ nguyên nhân.[29]
Tiềm ẩn lâm sàng[sửa]
Tiếp sau những triệu chứng ban đầu là một giai đoạn gọi là tiềm ẩn lâm sàng, HIV không triệu chứng, hay HIV mạn tính.[1] Nếu không điều trị, giai đoạn thứ hai này có thể kéo dài khoảng ba năm[31] đến hơn 20 năm[32] (trung bình khoảng 8 năm).[33] Mặc dù điển hình là ít hay không có triệu chứng nhưng gần hết giai đoạn nhiều người trải nghiệm sốt, sụt cân, đau cơ và các vấn đề tiêu hóa.[1] Khoảng 50% đến 70% người còn bị bệnh hạch bạch huyết toàn thân dai dẳng có đặc điểm nhiều nhóm hạch bạch huyết (trừ ở háng) phình to không đau không lý do trong ba đến sáu tháng.[26]
Mặc dù đa số người nhiễm HIV-1 có tải lượng virus phát hiện được và nếu không điều trị rốt cục sẽ tiến triển thành AIDS, một tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%) người không nhận liệu pháp kháng retrovirus vẫn giữ hàm lượng tế bào T CD4+ cao trong hơn năm năm.[29][34] Nhóm này được xếp vào "người kiểm soát HIV" hay người bệnh phi tiến triển dài hạn.[34] Nhóm khác gồm những người không điều trị kháng retrovirus mà vẫn duy trì tải lượng virus thấp hoặc không phát hiện được, gọi là "người kiểm soát ưu tú" hay "người áp chế ưu tú".[35] Họ chiếm tỷ lệ cỡ 1 trên 300 người nhiễm.[35]
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải[sửa]
Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) được định nghĩa là nhiễm HIV kèm số đếm tế bào T CD4+ dưới 200 mỗi µl máu hoặc xảy ra các bệnh đặc trưng liên hệ với nhiễm HIV.[29] Nếu không điều trị đặc hiệu, khoảng nửa số người nhiễm HIV sẽ tiến tới AIDS trong vòng 10 năm.[29] Những tình trạng ban đầu phổ biến nhất cảnh báo AIDS đã xuất hiện là viêm phổi Pneumocystis (40%), hội chứng suy mòn HIV (20%), và Candida thực quản.[29] Nhiễm khuẩn đường hô hấp tái diễn là một dấu hiệu hay gặp khác.[29]
Nhiễm trùng cơ hội có thể do vi khuẩn, virus, nấm, và ký sinh trùng gây ra, tình trạng mà bình thường hệ miễn dịch kiểm soát tốt.[36] Loại nhiễm trùng nào xảy ra tùy thuộc một phần vào sinh vật nào phổ biến ở môi trường quanh bệnh nhân.[29] Nhiễm trùng cơ hội có thể tác động gần như mọi hệ cơ quan.[37]
Bệnh nhân AIDS có nguy cơ gia tăng mắc các dạng ung thư do virus khác nhau, bao gồm sarcoma Kaposi, u lympho Burkitt, u lympho hệ thần kinh trung ương nguyên phát, và ung thư cổ tử cung.[30] Sarcoma Kaposi là ung thư phổ biến nhất, xảy ra ở 10 đến 20% người nhiễm HIV.[38] Xếp thứ hai là u lympho, nguyên nhân gây tử vong của gần 16% bệnh nhân AIDS và dấu hiệu ban đầu của AIDS ở 3 đến 4% bệnh nhân.[38] Cả hai loại này đều có liên hệ với herpesvirus 8 ở người (HHV-8).[38] Ung thư cổ tử cung hay gặp ở người có AIDS hơn vì nó liên hệ với papillomavirus ở người (HPV).[38] Ung thư kết mạc cũng phổ biến hơn ở người nhiễm HIV.[39]
Bệnh nhân AIDS còn thường xuyên có những triệu chứng toàn thân như sốt kéo dài, đổ mồ hôi (nhất là ban đêm), sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, suy nhược, và sụt cân không chủ đích.[40] Tiêu chảy rất phổ biến, thấy ở khoảng 90% trường hợp.[41] Họ còn có thể bị ảnh hưởng bởi những triệu chứng thần kinh và tâm thần đa dạng không liên quan đến ung thư và nhiễm trùng cơ hội.[42]
Lây truyền[sửa]
Kiểu tiếp xúc | Xác suất lây | |||
---|---|---|---|---|
Truyền máu | 90%[43] | |||
Sinh con (cho con) | 25%[44] | |||
Tiêm chích ma túy dùng chung kim tiêm | 0,67%[45] | |||
Vật nhọn qua da | 0,30%[46] | |||
Giao hợp hậu môn nhận* | 0,04–3,0%[47] | |||
Giao hợp hậu môn cho* | 0,03%[48] | |||
Giao hợp dương vật-âm đạo nhận* | 0,05–0,30%[47][49] | |||
Giao hợp dương vật-âm đạo cho* | 0,01–0,38%[47][49] | |||
Giao hợp miệng nhận*§ | 0–0,04%[47] | |||
Giao hợp miệng cho*§ | 0–0,005%[50] | |||
* không dùng bao cao su § giao hợp miệng với người nam |
HIV lây qua ba con đường chính: tiếp xúc tình dục; tiếp xúc đáng kể với mô hoặc dịch cơ thể chứa virus; và từ mẹ sang con trong thai kỳ, trong lúc sinh hoặc cho con bú (còn gọi là lây nhiễm dọc).[14] Không có rủi ro nhiễm HIV nếu tiếp xúc với phân, chất tiết ở mũi, nước bọt, đờm, mồ hôi, nước mắt, nước tiểu, hay chất nôn trừ khi chúng có lẫn máu.[51] Một người còn có khả năng đồng nhiễm nhiều hơn một chủng HIV, gọi là bội nhiễm HIV.[52]
Tình dục[sửa]
Con đường lây truyền HIV phổ biến nhất là tiếp xúc tình dục giữa người nhiễm và không nhiễm.[14] Tuy nhiên, người dương tính HIV có tải lượng virus không phát hiện được là kết quả của điều trị dài hạn không có rủi ro làm lây HIV qua đường tình dục.[53][54] Sự tồn tại của người dương tính HIV không lây nhiễm nhờ liệu pháp kháng retrovirus được công khai trong Tuyên bố Thụy Sĩ 2008 gây tranh cãi lúc đầu song được đồng thuận chấp nhận về sau.[55]
Trên thế giới, phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất là tiếp xúc tình dục giữa người khác giới[14] nhưng xét các quốc gia thì kiểu lây là không giống nhau. Ví dụ như ở Mỹ, HIV chủ yếu lây giữa nam có hoạt động tình dục với nam,[56][57] trong đó người đồng tính nam và song tính tuổi từ 13 đến 24 chiếm ước tính 92% ca HIV chẩn đoán mới trong số mọi nam giới cùng nhóm tuổi và 27% trong số mọi người đồng tính nam và song tính.[58]
Với tiếp xúc dị tính không phòng vệ, ước tính mỗi hành vi tình dục ở các nước thu nhập thấp có rủi ro lây truyền HIV cao gấp bốn đến mười lần các nước thu nhập cao.[59] Cụ thể ở các nước thu nhập thấp, nguy cơ lây nhiễm từ nữ sang nam là 0,38% mỗi hành vi và từ nam sang nữ là 0,30% mỗi hành vi, trong khi con số ở các nước thu nhập cao là 0,04% từ nữ sang nam và 0,08% từ nam sang nữ.[59] Giao hợp hậu môn có rủi ro lây nhiễm đặc biệt cao, ước tính 1,4 đến 1,7% mỗi hành vi cả trong quan hệ đồng tính lẫn dị tính.[59][60] Tình dục bằng miệng có khả năng gây lây nhiễm mặc dù khá thấp,[61] được mô tả là "gần bằng không".[62] Tuy nhiên đã có báo cáo về một vài trường hợp như vậy.[63] Ước tính giao hợp bằng miệng có rủi ro lây 0 đến 0,04% mỗi hành vi cho người dùng miệng.[64] Xét trong bối cảnh mại dâm ở các nước thu nhập thấp, rủi ro lây từ nữ sang nam ước tính là 2,4% mỗi hành vi còn từ nam sang nữ là 0,05% mỗi hành vi.[59]
Sự hiện diện của nhiều bệnh hoa liễu[65] và loét sinh dục làm tăng nguy cơ lây nhiễm.[59] Loét sinh dục dường như khiến nguy cơ tăng khoảng gấp năm lần.[59] Các bệnh lây qua đường tình dục khác như lậu, chlamydia, nhiễm trichomonas, và nhiễm khuẩn âm đạo cũng giúp sức cho HIV lây nhiễm nhưng không nhiều bằng loét sinh dục.[64]
Tải lượng virus của người nhiễm là một yếu tố nguy cơ quan trọng cả trong lây truyền tình dục lẫn từ mẹ sang con.[66] Trong 2,5 tháng đầu tiên sau nhiễm khả năng làm lây bệnh cao gấp 12 lần do tải lượng virus cao trong giai đoạn cấp tính.[64] Còn với bệnh nhân ở giai đoạn muộn tỷ lệ lây nhiễm là gấp khoảng 8 lần.[59]
Lao động tình dục thương mại (bao gồm cả những người trong ngành khiêu dâm) có nguy cơ tiếp xúc với HIV cao hơn.[67][68] Tình dục thô bạo có thể là một yếu tố góp phần.[69] Tấn công tình dục được tin ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm HIV gia tăng do bao cao su hiếm khi được sử dụng, âm đạo hoặc trực tràng dễ bị tổn thương vật lý, và có thể là trong hoàn cảnh đó dễ tồn tại bệnh hoa liễu.[70]
Dịch cơ thể[sửa]
Con đường lây truyền HIV phổ biến thứ hai là qua máu và các sản phẩm máu.[14] Các hình thức lây đường máu có thể là dùng chung kim tiêm trong sử dụng ma túy, chấn thương vật sắc nhọn, truyền máu hay các sản phẩm máu không sạch, tiêm chích y tế bằng thiết bị không vô trùng. Rủi ro từ việc dùng chung kim tiêm trong tiêm chích ma túy là 0,63% đến 2,4% mỗi hành vi, trung bình 0,8%.[71] Chấn thương bởi vật nhọn dính dịch cơ thể của người nhiễm HIV có rủi ro ước tính 0,3% mỗi hành vi và sự tiếp xúc giữa niêm mạc và máu nhiễm có rủi ro 0,09% mỗi hành vi.[51] Tuy nhiên con số này có thể lên đến 5% nếu máu đến từ người có tải lượng virus cao và vết thương là sâu.[72] Ở Hoa Kỳ người tiêm chích ma túy chiếm 12% tổng số ca HIV mới năm 2009[73] và ở một số khu vực hơn 80% đối tượng này dương tính với HIV.[14]
Khoảng 90% trường hợp truyền máu nhiễm virus làm lây virus.[43] Tại các nước phát triển rủi ro nhiễm HIV từ truyền máu là cực thấp (dưới một trên nửa triệu) nhờ chú trọng khâu chọc lọc và kiểm tra người hiến;[14] ví dụ ở Anh rủi ro là một trên năm triệu[74] còn ở Mỹ là một trên 1,5 triệu vào năm 2008.[75] Tại các nước thu nhập thấp, chỉ một nửa số ca truyền máu được kiểm tra tính đến năm 2008[76] và ước tính 15% ca nhiễm HIV ở những nước này có nguyên nhân từ truyền máu và sản phẩm máu nhiễm.[14][77] HIV có thể lây qua cấy ghép mô và nội tạng nhưng hiếm bởi khâu sàng lọc HIV.[78]
Tiêm chích y tế không an toàn là một yếu tố làm lây lan HIV ở châu Phi hạ Sahara. Trong năm 2007, 12% đến 17% ca nhiễm ở khu vực này được cho bắt nguồn từ sử dụng bơm tiêm y tế.[79] Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rủi ro lây nhiễm trong tiêm chích y tế ở châu Phi là 1,2%.[79] Các thủ tục xâm lấn, trợ đẻ, và chăm sóc nha khoa ở lục địa này cũng ẩn chứa nguy cơ.[79]
Người xăm mình (cả thợ xăm lẫn khách), đính mình (xỏ vật vào người), và làm sẹo hóa da có nguy cơ lây nhiễm trên lý thuyết nhưng chưa ghi nhận trường hợp xác thực nào.[80] Muỗi hay côn trùng khác không thể truyền HIV.[81]
Mẹ sang con[sửa]
HIV có thể lây từ mẹ sang con trong thai kỳ, trong lúc sinh, hoặc qua sữa mẹ.[82][14] Tính đến năm 2008, 90% ca HIV ở trẻ em có nguyên nhân là lây từ mẹ sang con.[83] Nếu không điều trị, nguy cơ lây nhiễm trước hoặc trong lúc sinh là khoảng 20% và với trẻ bú sữa mẹ là 35%.[83] Nếu điều trị, tỷ lệ này giảm xuống dưới 5%.[84]
Liệu pháp kháng retrovirus dành cho mẹ hoặc con làm giảm nguy cơ lây nhiễm trong trường hợp nuôi con bằng sữa mẹ.[85] Nếu máu lẫn vào thức ăn trong lúc nhai trước thì có nguy cơ lây.[80] Với người mẹ không điều trị, rủi ro con nhiễm HIV trong hai năm nuôi bằng sữa là khoảng 17%.[86] Vì tỷ lệ tử vong gia tăng nếu không nuôi con bằng sữa ở nhiều nơi thuộc các nước đang phát triển, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cho con bú hoàn toàn hoặc áp dụng công thức an toàn.[86] Mọi phụ nữ dương tính với HIV nên tiếp nhận liệu pháp kháng retrovirus suốt đời.[86]
Tác nhân[sửa]
HIV là nguyên nhân gây ra phổ bệnh gọi là HIV/AIDS. Đó là một retrovirus chủ yếu nhiễm vào những thành phần của hệ miễn dịch người như tế bào T CD4+, đại thực bào, và tế bào tua. HIV trực tiếp hoặc gián tiếp hủy hoại tế bào T CD4+.[87]
HIV là thành viên của chi Lentivirus[88] thuộc họ Retroviridae.[89] Các loài Lentivirus có nhiều đặc điểm hình thái và sinh học tương đồng. Lentivirus nhiễm vào nhiều loài động vật có vú gây các bệnh kéo dài với thời kỳ ủ bệnh lâu đặc trưng.[90] Chúng là những virus RNA có vỏ ngoài, liên dương, sợi đơn. Khi xâm nhập tế bào mục tiêu, bộ gen RNA virus biến đổi thành DNA sợi kép bởi transcriptase ngược được vận chuyển cùng bộ gen virus trong hạt virus. Tiếp theo DNA virus nhập vào nhân tế bào và hợp nhất thành DNA tế bào bởi integrase virus và các đồng nhân tố tế bào chủ.[91] Khi đã hợp nhất, virus có thể trở nên tiềm ẩn cho phép nó và tế bào chủ trốn tránh hệ miễn dịch.[92] Mặt khác, virus có thể được phiên mã, tạo ra những protein virus và bộ gen RNA mới được đóng gói và giải phóng khỏi tế bào qua đó tái khởi động chu kỳ sao chép.[93]
HIV được biết lan truyền giữa các tế bào T CD4+ bằng hai con đường song song: không tế bào và tế bào sang tế bào, tức vận dụng cơ chế lây lan hỗn hợp.[94] Trong lây không tế bào, các hạt virus chui khỏi tế bào T bị nhiễm, đi vào máu hay dịch ngoại bào rồi nhiễm vào tế bào T khác mà chúng tình cờ gặp.[94] HIV còn có thể phân tán bằng lây trực tiếp từ tế bào này sang tế bào khác.[95][96] Việc có nhiều hơn một cơ chế lây lan góp phần giúp HIV tiếp tục nhân bản bất chấp các liệu pháp kháng retrovirus.[94][97]
HIV có hai loại: HIV-1 và HIV-2. HIV-1 là virus được phát hiện trước tiên và ban đầu mang tên LAV hay HTLV-III. HIV 1 độc lực cao hơn, lây nhiễm mạnh hơn[98] và là nguyên nhân của đa số ca nhiễm HIV trên toàn cầu. HIV 2 khó lây hơn đồng nghĩa không nhiều người tiếp xúc với virus sẽ bị nhiễm. Vì khả năng lây lan tương đối kém, HIV-2 đa phần bị hạn chế ở Tây Phi.[99]
Sinh lý bệnh[sửa]
Sau khi virus xâm nhập cơ thể là giai đoạn sao chép virus nhanh chóng, dẫn tới số lượng đông đảo virus trong máu ngoại vi. Trong lây nhiễm ban đầu, hàm lượng HIV có thể đạt vài triệu hạt virus mỗi mililit máu[100] đi kèm với sự sụt giảm rõ rệt số lượng tế bào T CD4+ tuần hoàn. Virus huyết cấp tính gần như luôn luôn liên hệ với sự hoạt hóa tế bào T CD8+ có chức năng tiêu diệt những tế bào nhiễm HIV và sau đó là sự sản sinh kháng thể, hay chuyển đảo huyết thanh. Phản ứng của tế bào T CD8+ được cho là yếu tố quan trọng khống chế hàm lượng virus theo diễn biến đạt đỉnh rồi giảm xuống khi số đếm tế bào T CD4+ phục hồi. Nếu tế bào T CD8+ phản ứng tốt bệnh sẽ diễn tiến chậm và có tiên lượng tốt hơn, dù cho nó không diệt trừ virus.[101]
Cuối cùng, HIV gây ra AIDS bằng việc triệt giảm tế bào T CD4+ khiến hệ miễn dịch suy yếu và mở đường cho nhiễm trùng cơ hội. Các tế bào T là không thể thiếu đối với phản ứng miễn dịch và không có chúng cơ thể không thể chống lại nhiễm trùng hay tiêu diệt tế bào ung thư. Cơ chế triệt tiêu tế bào T CD4+ là khác nhau giữa giai đoạn cấp tính và mạn tính.[102] Trong giai đoạn cấp tính, tế bào nhiễm bị ly giải bởi HIV và tiêu diệt bởi tế bào T CD8+, mặc dù apoptosis cũng có thể là một nhân tố. Trong giai đoạn mạn tính, số lượng tế bào T CD4+ giảm chậm do hệ quả của sự kích hoạt miễn dịch toàn thân đi đôi với việc hệ miễn dịch mất dần năng lực sản sinh tế bào T mới.[103]
Mặc dù các triệu chứng suy giảm miễn dịch đặc trưng của AIDS không xuất hiện trong hàng năm kể từ khi người bệnh bị nhiễm nhưng có một lượng lớn tế bào T CD4+ mất đi trong những tuần đầu tiên sau nhiễm, nhất là ở niêm mạc ruột, nơi chứa đa số bạch huyết bào của cơ thể.[104] Lý do tế bào T CD4+ niêm mạc dễ hao hụt là đa số chúng biểu hiện protein CCR5, đồng thụ thể mà HIV lợi dụng để xâm nhập tế bào, trong khi chỉ một phần nhỏ tế bào T CD4+ trong dòng máu có hành vi tương tự.[105]
HIV tìm và diệt những tế bào T CD4+ biểu hiện CCR5 trong giai đoạn cấp tính.[106] Một phản ứng miễn dịch mãnh liệt rốt cục khống chế lây nhiễm và mở ra giai đoạn tiềm ẩn lâm sàng. Các tế bào T CD4+ trong mô niêm mạc vẫn là mục tiêu trọng tâm.[106] HIV tiếp tục nhân bản gây nên trạng thái kích hoạt miễn dịch toàn thân duy trì suốt giai đoạn mạn tính.[107] Hoạt hóa miễn dịch, biểu hiện bởi sự tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch và giải phóng cytokine tiền viêm bắt nguồn từ hoạt động của một số sản phẩm gen HIV và phản ứng miễn dịch với sự sản sinh HIV đang diễn ra. Nó còn liên kết với sự sụp đổ của hệ thống giám sát miễn dịch hàng rào niêm mạc dạ dày-ruột do tế bào T CD4+ niêm mạc triệt giảm trong giai đoạn cấp tính.[108]
Chẩn đoán[sửa]
Xét nghiệm máu | Số ngày |
---|---|
Xét nghiệm kháng thể (xét nghiệm nhanh, ELISA thế hệ 3) | 23–90 |
Xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên p24 (ELISA thế hệ 4) | 18–45 |
PCR | 10–33 |
HIV/AIDS được chẩn đoán qua xét nghiệm rồi xác định giai đoạn dựa vào những dấu hiệu hay triệu chứng nhất định.[27] Tổ Công tác Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ khuyến cáo người từ 15 đến 60 tuổi, bao gồm mọi phụ nữ có thai, đi khám sàng lọc HIV.[110] Những người nguy cơ cao cũng nên xét nghiệm, bao gồm người được chẩn đoán mắc bệnh lây qua đường tình dục.[30][110] Ở nhiều nơi trên thế giới, một phần ba người nhiễm HIV chỉ phát hiện ra khi bệnh đã tiến đến giai đoạn muộn, lúc AIDS hay suy giảm miễn dịch nghiêm trọng đã hiển hiện.[30]
Xét nghiệm HIV[sửa]
Hầu hết người nhiễm HIV hình thành những kháng thể đặc trưng (chuyển đảo huyết thanh) trong 3 đến 12 tuần sau thời điểm nhiễm ban đầu.[29] Chẩn đoán HIV nguyên phát trước chuyển đảo huyết thanh được thực hiện bằng đo RNA-HIV hay kháng nguyên p24.[29] Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) hay kháng thể nếu ra kết quả dương tính sẽ được xác minh bằng tái xét nghiệm kháng thể hay PCR.[27]
Xét nghiệm kháng thể ở trẻ em dưới 18 tháng tuổi thường không chính xác do còn tồn tại kháng thể của mẹ.[111] Vì vậy cách thức chẩn đoán phù hợp là PCR tìm RNA hoặc DNA HIV, hay xét nghiệm tìm kháng nguyên p24.[27] Nhiều nơi trên thế giới không có xét nghiệm PCR đáng tin cậy nên giải pháp đơn giản là chờ đợi cho đến khi thấy triệu chứng hay đứa trẻ đủ lớn để xét nghiệm kháng thể đạt độ chính xác.[111] Ở châu Phi hạ Sahara những năm 2007-2009, khoảng 30 đến 70% dân số biết rằng mình có nhiễm HIV hay không.[112] Trong năm 2009 khoảng 3,6 đến 42% phụ nữ và đàn ông các nước châu Phi hạ Sahara được xét nghiệm,[112] tỷ lệ cao hơn đáng kể những năm trước đó.[112]
Giai đoạn[sửa]
Có hai hệ thống phân giai đoạn lâm sàng được sử dụng để phân loại HIV và bệnh liên quan HIV phục vụ mục đích theo dõi, một của WHO và một của CDC.[27][113] Các nước phát triển thường vận dụng hệ thống phân loại của CDC hơn. Vì không yêu cầu xét nghiệm phòng thí nghiệm nên hệ thống của WHO phù hợp với hoàn cảnh hạn chế nguồn lực ở các nước đang phát triển và nó có thể chỉ dẫn quản trị lâm sàng.[26][27][113]
Tổ chức Y tế Thế giới đề xuất định nghĩa AIDS lần đầu vào năm 1986.[27] Kể từ đó, phương thức phân loại của WHO đã được cải tiến và mở rộng vài lần với phiên bản mới nhất được công bố năm 2007.[27] Hệ thống WHO gồm các giai đoạn:
- Nhiễm HIV nguyên phát: có thể không triệu chứng hoặc liên hệ với hội chứng retrovirus cấp tính.[27]
- Giai đoạn I: nhiễm HIV không triệu chứng với số đếm tế bào T CD4+ (hay số đếm CD4) lớn hơn 500 mỗi microlit (µl hay mm3) máu.[27] Có thể bao gồm hạch bạch huyết to tổng quan.[27]
- Giai đoạn II: triệu chứng nhẹ, có thể biểu hiện nhỏ niêm mạc da và nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái diễn. Số đếm CD4 nhỏ hơn 500/µl.[27]
- Giai đoạn III: triệu chứng vừa, có thể tiêu chảy mạn không rõ lý do trong hơn một tháng, nhiễm khuẩn nặng như lao phổi, và số đếm CD4 nhỏ hơn 350/µl.[27]
- Giai đoạn IV hay AIDS: triệu chứng nặng, bao gồm nhiễm Toxoplasma não, nhiễm Candida thực quản, khí quản, phế quản, hay phổi, và sarcoma Kaposi. Số đếm CD4 nhỏ hơn 200/µl.[27]
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ cũng tạo ra một hệ thống phân loại đã qua các lần sửa đổi vào năm 2008 và 2014.[113][114] Hệ thống này căn cứ vào số đếm CD4 và những triệu chứng lâm sàng, mô tả tình trạng theo năm nhóm đối với người trên sáu tuổi là:[114]
- Giai đoạn 0: từ lúc xét nghiệm HIV âm tính hay mập mờ đến xét nghiệm dương tính dưới 180 ngày.
- Giai đoạn 1: số đếm CD4 ≥ 500/µl và không có tình trạng xác định AIDS.
- Giai đoạn 2: số đếm CD4 từ 200 đến 500/µl và không có tình trạng xác định AIDS.
- Giai đoạn 3: số đếm CD4 ≤ 200/µl hoặc có tình trạng xác định AIDS.
- Không rõ: nếu không đủ thông tin để xếp vào bất kỳ nhóm nào ở trên.
Vì mục đích theo dõi, chẩn đoán AIDS vẫn duy trì kể cả khi sau điều trị số đếm tế bào T CD4+ tăng lên hơn 200 mỗi µL máu hoặc các bệnh xác định AIDS được chữa khỏi.[26]
Phòng ngừa[sửa]
Tiếp xúc tình dục[sửa]
Sử dụng bao cao su thường xuyên làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV khoảng 80% trong thời gian dài.[115] Một cặp đôi có một người nhiễm HIV và luôn sử dụng bao cao su thì tỷ lệ lây cho người kia là dưới 1% một năm.[116] Có một số bằng chứng gợi ý bao cao su nữ cung cấp hiệu quả bảo vệ tương đương.[117] Dùng gel âm đạo chứa tenofovir (một chất ức chế transcriptase ngược) ngay trước giao hợp dường như làm giảm tỷ lệ lây nhiễm khoảng 40% trong số phụ nữ châu Phi.[118] Trái ngược, dùng chất diệt tinh trùng nonoxynol-9 có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm do nó có xu hướng kích thích âm đạo và trực tràng.[119]
Cắt bao quy đầu ở châu Phi hạ Sahara "làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV cho nam giới dị tính từ 38 đến 66% trong 24 tháng".[120] Căn cứ vào nghiên cứu này, cả Tổ chức Y tế Thế giới lẫn Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS khuyến cáo cắt bao quy đầu nam như một phương pháp ngăn ngừa lây nhiễm HIV từ nữ sang nam ở những địa bàn có tỷ lệ bệnh cao.[121] Tuy nhiên, không rõ việc làm này có giúp ngăn ngừa lây từ nam sang nữ,[122][123] có lợi ích ở các nước phát triển và cho nam hoạt động tình dục với nam hay không.[124][125][126]
Các chương trình khuyến khích kiêng khem tình dục không tỏ ra tác động đến rủi ro lây nhiễm HIV.[127] Chia sẻ hay đào tạo kiến thức giữa những người đồng cảnh cũng không đem lại nhiều lợi ích.[128] Giáo dục giới tính toàn diện tại trường học có thể làm giảm hành vi nguy cơ cao.[129][130] Một thiểu số người trẻ thể hiện thái độ chủ quan, vẫn thực hiện những hành động rủi ro mặc dù biết về HIV/AIDS.[131] Xét nghiệm và tư vấn tình nguyện không làm thay đổi hành vi ở người có kết quả âm tính nhưng khiến người có kết quả dương tính nhận thức hơn về việc sử dụng bao cao su.[132] Chưa thể kết luận việc điều trị những bệnh lây qua đường tình dục khác hiệu quả trong phòng ngừa HIV.[65]
Trước phơi nhiễm[sửa]
Điều trị kháng retrovirus ở người nhiễm HIV có số đếm CD4 ≤ 550 tế bào/µL là cách phòng ngừa rất hiệu quả cho bạn tình của họ (chiến lược gọi là điều trị để phòng ngừa).[133] Cách này làm giảm nguy cơ lây nhiễm từ 10 đến 20 lần.[133][134] Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) bằng một liều tenofovir mỗi ngày, kèm emtricitabine hoặc không, hiệu quả cho người nguy cơ cao như nam hoạt động tình dục với nam, các cặp đôi có một người dương tính HIV, người trẻ dị tính ở châu Phi,[118][135] và người tiêm chích ma túy.[136] Tổ Công tác Dịch vụ Phòng ngừa Hoa Kỳ cũng khuyến cáo PrEP cho người nguy cơ cao.[137]
Các biện pháp phòng ngừa phổ cập trong môi trường y tế được tin góp phần làm giảm rủi ro lây nhiễm HIV.[138] Tiêm thuốc đường tĩnh mạch là một yếu tố nguy cơ quan trọng và các chiến lược giảm thiểu tác hại như chương trình trao đổi kim tiêm và liệu pháp thay thế opioid tỏ ra đối phó hiệu quả vấn đề này.[139][140]
Sau phơi nhiễm[sửa]
Một lộ trình dùng thuốc kháng retrovirus trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi phơi nhiễm với máu hay chất tiết dương tính HIV được xem là dự phòng sau phơi nhiễm.[141] Sử dụng đơn chất zidovudine khiến nguy cơ lây nhiễm HIV do chấn thương vật sắc nhọn giảm gấp 5 lần.[141] Ở Hoa Kỳ, phác đồ ngăn ngừa đề xuất bao gồm ba loại thuốc tenofovir, emtricitabine và raltegravir.[142]
PEP được khuyến cáo cho người bị tấn công tình dục bởi người dương tính HIV đã biết, nhưng không chắc có nên dùng nếu không rõ thủ phạm có nhiễm HIV hay không.[143] Thời gian điều trị thường là bốn tuần[144] và tác dụng phụ là phổ biến. Khoảng 70% trường hợp dùng zidovudine gặp phải những tác dụng phụ như buồn nôn (24%), mệt mỏi (22%), phiền muộn (13%), và đau đầu (9%).[51]
Mẹ sang con[sửa]
Các chương trình hướng đến ngăn chặn lây nhiễm HIV từ mẹ sang con có thể làm giảm tỷ lệ lây 92–99%.[83][139] Trong đó biện pháp chủ yếu là dùng kết hợp các thuốc kháng virus trong thai kỳ và sau sinh cho trẻ, cộng thêm có thể là cho bú bình thay vì bú sữa mẹ.[83][145] Nếu có phương án thay thế khả thi, an toàn, phù hợp, người mẹ nên tránh nuôi con bằng sữa; còn không thì khuyến cáo chỉ nuôi con bằng sữa trong những tháng đầu đời.[146] Đối với trường hợp này thì dự phòng kháng retrovirus kéo dài cho trẻ làm giảm rủi ro lây nhiễm.[147] Vào năm 2015, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới xóa bỏ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.[148]
Vắc-xin[sửa]
Hiện không có vắc-xin ngừa HIV hay AIDS được cấp phép.[7] Thử nghiệm vắc-xin hiệu quả nhất đến nay là RV 144 được công bố năm 2009 giúp làm giảm rủi ro lây nhiễm khoảng 30%, qua đó khơi dậy đôi chút hy vọng trong nghiên cứu phát triển một vắc-xin hữu hiệu thật sự.[149]
Điều trị[sửa]
Hiện không có phép chữa khỏi hay vắc-xin HIV hữu hiệu. Khâu điều trị áp dụng liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART) làm chậm diễn tiến của bệnh.[150] Vào năm 2010 có hơn 6,6 triệu người ở các nước thu nhập vừa và thấp tiếp nhận HAART.[151] Phòng ngừa và điều trị tích cực nhiễm trùng cơ hội cũng là một phần trong điều trị HIV/AIDS. Tính đến năm 2020 đã có hai người loại bỏ thành công HIV khỏi cơ thể.[152] Khởi động liệu pháp kháng retrovirus nhanh chóng trong vòng một tuần sau chẩn đoán xem ra cải thiện kết quả điều trị ở các nước thu nhập vừa và thấp.[153]
Liệu pháp kháng virus[sửa]
Những phương án HAART hiện tại là sự kết hợp (pha trộn) ít nhất ba thuốc thuộc ít nhất hai loại, hay lớp, chất kháng retrovirus.[154] Ban đầu, công thức điển hình là một chất ức chế transcriptase ngược không nucleoside (NNRTI) cộng thêm hai chất ức chế transcriptase ngược giống nucleoside (NRTI).[155] Các thuốc NRTI phổ biến là zidovudine (AZT), tenofovir (TDF), lamivudine (3TC), và emtricitabine (FTC).[155] Sau này vào năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới ấn định dolutegravir/lamivudine/tenofovir là hướng điều trị hàng đầu cho người lớn với tenofovir/lamivudine/efavirenz là phương án thay thế.[156] Các cách kết hợp có bao hàm chất ức chế protease (PI) được áp dụng nếu phác đồ trên mất hiệu lực.[154]
Tổ chức Y tế Thế giới và Hoa Kỳ khuyến cáo điều trị kháng retrovirus càng sớm càng tốt sau chẩn đoán cho người ở mọi lứa tuổi (kể cả phụ nữ có thai), bất kể số đếm CD4.[16][157][158] Một khi đã khởi động điều trị thì cần duy trì liên tục không ngắt quãng.[30] Nhiều người được chẩn đoán khi đã quá thời điểm bắt đầu điều trị lý tưởng.[30] Kết quả mong muốn là số bản sao RNA-HIV huyết tương dài hạn dưới 50/mL.[30] Sau điều trị bốn tuần bệnh nhân được kiểm tra và nếu hàm lượng RNA-HIV dưới 50/mL thì tiếp tục kiểm tra mỗi ba đến sáu tháng một lần.[30] Hàm lượng RNA-HIV lớn hơn 400/mL được xem là kiểm soát không thỏa đáng.[30] Dựa vào những tiêu chí này thì điều trị đạt hiệu quả ở hơn 95% bệnh nhân trong năm đầu tiên.[30]
Điều trị có lợi ích làm giảm nguy cơ diễn tiến đến AIDS cũng như nguy cơ tử vong.[159] Ở các nước đang phát triển, điều trị còn cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất.[160] Khả năng mắc lao cũng giảm 70% ở người điều trị.[154] Những lợi ích khác bao gồm làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho bạn tình và lây nhiễm từ mẹ sang con.[154][161] Mức độ hiệu quả của điều trị phụ thuộc phần lớn vào ý thức tuân thủ của bệnh nhân.[30] Các lý do dẫn đến không tuân thủ bao gồm khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế,[162] hỗ trợ xã hội không đầy đủ, bệnh tâm thần, và lạm dụng thuốc.[163] Một yếu tố khác là tác động có hại cùng tính chất phức tạp của phác đồ điều trị (do số lượng và tần suất liều).[164] Mặc dù chi phí là một vấn đề quan trọng đối với một số loại thuốc[165] nhưng gần một nửa số người cần chúng ở các nước thu nhập vừa và thấp chấp nhận.[151]
Các thuốc kháng retrovirus gây ra những tác dụng bất lợi cụ thể,[166] tiêu biểu bao gồm hội chứng loạn dưỡng mỡ, rối loạn mỡ máu, và tiểu đường, nhất là khi dùng chất ức chế protease.[26] Triệu chứng phổ biến khác là tiêu chảy[166][167] và rủi ro bệnh tim mạch gia tăng.[168] Những cách điều trị được khuyến cáo mới hơn có ít tác dụng bất lợi hơn.[30] Một số thuốc nhất định có thể liên quan đến dị tật bẩm sinh do đó không phù hợp với phụ nữ mong muốn có con.[30]
Những khuyến cáo điều trị cho trẻ em có phần khác biệt so với người lớn. Tổ chức Y tế Thế giới khuyên điều trị mọi trẻ em dưới năm tuổi còn trên năm tuổi thì tương tự người lớn.[169] Hoa Kỳ chỉ dẫn điều trị mọi trẻ em dưới 12 tháng tuổi và trẻ từ một đến năm tuổi có số bản sao RNA HIV lớn hơn 100.000/mL.[170]
Vào năm 2020, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đề nghị cấp phép thương mại cho hai loại thuốc kháng retrovirus (ARV) mới là rilpivirine (Rekambys) và cabotegravir (Vocabria) được sử dụng kết hợp trong điều trị người nhiễm HIV-1.[171] Đây là những thuốc kháng retrovirus đầu tiên được truyền qua đường tiêm có tác dụng lâu dài.[171] Thay vì uống thuốc viên hàng ngày, bệnh nhân sẽ nhận những mũi tiêm bắp hàng tháng hoặc hai tháng một lần.[171]
Cabotegravir kết hợp rilpivirine (Cabenuva) là một phác đồ điều trị nhiễm HIV-1 hoàn thiện ở người lớn thay thế phác đồ kháng retrovirus hiện tại ở người chưa ghi nhận thất bại điều trị và kháng cabotegravir hay rilpivirine đã biết hoặc nghi ngờ.[172][173]
Nhiễm trùng cơ hội[sửa]
Các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng cơ hội có hiệu quả với nhiều người mắc HIV/AIDS. Điều trị kháng retrovirus không chỉ cải thiện tình trạng hiện tại mà còn làm giảm nguy cơ xuất hiện thêm những dạng nhiễm trùng cơ hội.[166]
Người trẻ và người trưởng thành sống với HIV (kể cả có điều trị kháng retrovirus) chưa bị lao nhưng ở nơi bệnh phổ biến nên tiếp nhận liệu pháp phòng ngừa isoniazid (IPT) và xét nghiệm Mantoux có thể giúp xác định IPT có cần thiết.[174] Khám sàng lọc lao đem lại lợi ích cho trẻ em nhiễm HIV.[175] Mọi đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV được khuyên chủng ngừa viêm gan A và B trước và cũng có thể là sau khi nhiễm.[176]
Dự phòng trimethoprim/sulfamethoxazole trong bốn đến sáu tuần tuổi và ngừng bú sữa đối với đứa trẻ có mẹ dương tính HIV được khuyến cáo trong hoàn cảnh hạn chế nguồn lực.[177] Cần phòng ngừa viêm phổi Pneumocystis (PCP) khi hàm lượng CD4 dưới 200/µL và ở người đang hoặc đã từng mắc PCP.[178] Người bị ức chế miễn dịch đáng kể cũng nên tiếp nhận liệu pháp dự phòng nhiễm Toxoplasma và nhiễm Mycobacterium avium-intracellulare.[179] Một số bằng chứng cho thấy vắc-xin cúm và PPSV có lợi ích với bệnh nhân HIV/AIDS.[180][181]
Chế độ ăn[sửa]
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành những khuyến nghị liên quan đến yêu cầu dinh dưỡng ở người mắc HIV/AIDS.[182] Một chế độ ăn lành mạnh nhìn chung được xúc tiến. Người bệnh HIV trưởng thành nên tiếp nhận những vi chất dinh dưỡng tại các cấp độ RDA.[183] Hấp thu nhiều vitamin A, kẽm, sắt có thể sinh ra những tác động tiêu cực và không được khuyến cáo trừ khi có sự thiếu hụt.[182][184][185][186] Bổ sung dinh dưỡng cho người nhiễm HIV và người ăn uống không đủ chất có thể tăng cường hệ miễn dịch hoặc giúp họ hồi phục từ nhiễm trùng, tuy nhiên không chắc điều này có cải thiện tình trạng bệnh hoặc làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung.[187]
Bổ sung selenium có thể có lợi dẫu cho bằng chứng là chưa rõ ràng.[188] Đối với phụ nữ có thai và cho con bú, bổ sung vitamin tổng hợp tốt cho cả mẹ và con.[189] Nếu người mẹ có thai hay cho con bú được khuyên dùng thuốc kháng retrovirus để ngăn lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thì bổ sung vitamin tổng hợp không phải là lựa chọn thay thế điều trị.[189] Có một số bằng chứng chỉ ra cung cấp vitamin A cho trẻ em nhiễm HIV làm giảm nguy cơ tử vong và giúp ích cho quá trình phát triển.[190]
Y học thay thế[sửa]
Ở Mỹ, khoảng 60% người bệnh HIV vận dụng những hình thức y học thay thế hay bổ trợ khác nhau mà không rõ mức độ hiệu quả.[191][192] Chưa có cơ sở chứng minh tác dụng của thảo dược.[193] Tương tự, không có đủ bằng chứng khuyến cáo hay ủng hộ sử dụng cần sa y tế để làm tăng cảm giác thèm ăn hay củng cố cân nặng.[194]
Tiên lượng[sửa]
Ở nhiều nơi trên thế giới, HIV/AIDS đã trở thành bệnh mạn tính thay vì bệnh gây tử vong.[195] Tiên lượng là không giống nhau giữa từng người và cả số đếm CD4 lẫn tải lượng virus đều ảnh hưởng đến kết cục dự đoán.[29] Nếu không điều trị, thời gian sống trung bình sau khi nhiễm HIV ước tính từ 9 đến 11 năm, tùy thuộc vào loại virus.[8] Sau chẩn đoán AIDS người bệnh không điều trị sống được 6 đến 19 tháng.[196][197] HAART kết hợp phòng ngừa nhiễm trùng cơ hội thỏa đáng làm giảm tỷ lệ tử vong 80% và kéo dài tuổi thọ dự kiến cho người trẻ mới chẩn đoán thêm 20–50 năm,[195][198][199] tức vào khoảng hai phần ba[198] đến gần bằng dân số nói chung.[30][200] Nếu điều trị khởi động muộn thì tiên lượng sẽ xấu hơn,[30] ví dụ nếu sau chẩn đoán AIDS mới điều trị thì thời gian sống dự kiến còn 10–40 năm.[30][195] Một nửa số trẻ nhỏ sinh ra nhiễm HIV không điều trị tử vong trước hai tuổi.[177]
Nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân HIV/AIDS là nhiễm trùng cơ hội và ung thư, cả hai đều thường là kết quả của việc hệ miễn dịch không còn phát huy được vai trò.[201][202] Nguy cơ ung thư gia tăng khi số đếm CD4 dưới 500/μL.[30] Tốc độ tiến triển của bệnh khác biệt nhiều giữa từng người và bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như tính mẫn cảm và năng lực miễn dịch của bệnh nhân,[203] việc điều trị, sự hiện diện của bệnh khác,[196][204] và chủng virus cụ thể.[205][206]
Mắc lao là một trong những nguyên nhân gây ốm yếu và tử vong hàng đầu ở bệnh nhân HIV/AIDS, xảy ra ở một phần ba người nhiễm HIV và gây nên một phần tư số ca tử vong liên quan đến HIV.[207] HIV cũng là một trong những yếu tố nguy cơ đáng kể nhất dẫn đến lao.[208] Viêm gan C là một dạng đồng nhiễm rất phổ biến khác mà ở đó bệnh này đẩy nhanh diễn tiến của bệnh kia.[209] Hai loại ung thư phổ biến nhất liên hệ với HIV/AIDS là sarcoma Kaposi và u lympho không Hodgkin,[202] ngoài ra còn một số loại hay gặp khác như ung thư hậu môn, u lympho Burkitt, u lympho hệ thần kinh trung ương nguyên phát, và ung thư cổ tử cung.[30][210]
Cho dù có điều trị kháng retrovirus, người nhiễm HIV thời gian dài vẫn có thể bị rối loạn nhận thức,[211] loãng xương,[212] bệnh thần kinh,[213] ung thư,[214][215] bệnh thận,[216] và bệnh tim mạch.[167] Một số tình trạng như loạn dưỡng mỡ có thể do cả HIV lẫn điều trị gây nên.[167]
Dịch tễ[sửa]
Một số tác giả nhận định HIV/AIDS là đại dịch toàn cầu.[217] Tính đến năm 2016 thế giới có khoảng 36,7 triệu người nhiễm HIV và số ca mắc mới năm đó là 1,8 triệu.[218] Con số này đã giảm so với 3,1 triệu ca mới năm 2001.[219] Tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn một chút và 2,1 triệu trẻ em là đối tượng.[218] Số ca tử vong là khoảng 1 triệu năm 2016, giảm từ đỉnh điểm 1,9 triệu năm 2005.[218]
Châu Phi hạ Sahara là khu vực chịu tác động nặng nề nhất. Vào năm 2010, ước tính 68% (22,9 triệu) ca HIV và 66% (1,2 triệu) ca tử vong xảy ra ở địa bàn này.[220] Điều đó đồng nghĩa khoảng 5% dân số trưởng thành mắc bệnh[221] và nó là nguyên nhân của 10% số ca tử vong ở trẻ em.[222] Tỷ lệ phụ nữ mắc có sự khác biệt, lên đến gần 60%.[220] Nam Phi thường xuyên thuộc nhóm quốc gia có nhiều người nhiễm HIV nhất trên thế giới, như năm 2011 đứng đầu với 5,9 triệu.[220] HIV/AIDS làm giảm tuổi thọ dự kiến ở các nước bị ảnh hưởng hàng đầu, ví dụ như ở Botswana con số này đã giảm từ 65 xuống 35 vào năm 2006.[19] Rủi ro lây nhiễm từ mẹ sang con ở nhiều nước châu Phi đã giảm thấp nhờ những tiến bộ trong khâu tiếp cận liệu pháp kháng retrovirus.[223]
Nam Á và Đông Nam Á là những địa bàn bị ảnh hưởng nhiều thứ hai, với ước tính 4 triệu (12%) người sống với HIV và 250.000 người chết trong năm 2010.[221] Trong số này có tới 2,4 triệu ca là ở Ấn Độ.[220]
Vào năm 2008 Hoa Kỳ có khoảng 1,2 triệu người mắc và 17.500 người tử vong vì HIV/AIDS. Cùng năm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ ước tính 20% số người nhiễm HIV không biết rằng mình bị nhiễm.[224] Khoảng 675.000 người ở Hoa Kỳ đã chết vì HIV/AIDS kể từ khi dịch bệnh bắt đầu cho đến năm 2016.[225] Số ca nhiễm và tử vong ở Vương quốc Anh năm 2015 lần lượt là 101.200 và 594[226] còn ở Canada là 65.000 và 53 vào năm 2008.[227] Từ lúc được công nhận (1981) đến năm 2009, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của gần 30 triệu người trên thế giới.[228] Khu vực có tỷ lệ người mắc thấp nhất là Bắc Phi và Trung Đông (0,1% hoặc thấp hơn), Đông Á (0,1%), Tây và Trung Âu (0,2%).[221] Các quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất theo thứ tự giảm dần là Nga, Ukraina, Bồ Đào Nha, và Belarus.[229]
Việt Nam ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990.[230][231] Trong hai năm tiếp theo chỉ phát hiện 11 ca nhưng năm 1993 chứng kiến sự gia tăng đột ngột.[232] Từ đó đến cuối năm 2005 đã ghi nhận tổng cộng hơn 100.000 ca nhiễm trên toàn quốc.[232] Ước tính năm 2018 Việt Nam có khoảng 230.000 người sống chung với HIV, con số bắt đầu giảm so với những năm duy trì ổn định trước đó.[233] Trong năm 2020 số ca mắc mới là 14.000 và tử vong là hơn 2.000.[234] Tổng cộng có khoảng 110.000 người Việt Nam đã chết vì HIV/AIDS sau 30 năm từ khi dịch bệnh bắt đầu vào năm 1990.[234]
Lịch sử[sửa]
Khám phá[sửa]
Những tin tức đầu tiên về căn bệnh xuất hiện vào ngày 18 tháng 5 năm 1981 trên tờ báo đồng tính nam New York Native.[235][236] AIDS được báo cáo lâm sàng lần đầu vào ngày 5 tháng 6 năm 1981 với năm ca ở Hoa Kỳ.[38][237] Các ca bệnh ban đầu là những người hít ma túy và đồng tính nam mà sức đề kháng giảm sút không rõ nguyên nhân. Họ biểu hiện những triệu chứng của viêm phổi do Pneumocystis carinii (PCP), một dạng nhiễm trùng cơ hội hiếm gặp được biết xảy ra ở người có hệ miễn dịch rất yếu.[238] Không lâu sau, một số lượng bất thường người đồng tính nam bộc lộ một dạng ung thư da mà trước đó không phổ biến gọi là sarcoma Kaposi (KS).[239][240] Thêm nhiều ca PCP và KS xuất hiện dấy lên hồi chuông báo động cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và một tổ công tác CDC đã được thành lập để giám sát nguy cơ bùng phát.[241]
Thời kỳ đầu, CDC không có tên gọi chính thức cho căn bệnh và thường gọi nó bằng tên những bệnh liên quan, như là bệnh hạch bạch huyết.[242] Những người phát hiện ra HIV lúc đầu cũng đặt tên virus theo bệnh này.[243] CDC còn dùng tên sarcoma Kaposi và nhiễm trùng cơ hội.[244] Có thời điểm CDC đã gọi nó là "bệnh 4H" vì đối tượng bị tác động dường như là người dùng heroin, người đồng tính nam, người bị máu khó đông, và người Haiti (tên tiếng Anh đều có chữ cái đầu là h).[245][246] Tồn tại một thuật ngữ khác là GRID, viết tắt của "gay-related immune deficiency" (suy giảm miễn dịch liên hệ đồng tính nam).[247] Tuy nhiên, sau khi AIDS được xác minh không chỉ xảy ra ở cộng đồng người đồng tính,[244] người ta nhận ra GRID không còn đúng và AIDS được giới thiệu tại một cuộc họp vào tháng 7 năm 1982.[248] Từ tháng 9 năm 1982 CDC bắt đầu sử dụng tên AIDS.[249]
Vào năm 1983, hai nhóm nghiên cứu độc lập do Robert Gallo và Luc Montagnier dẫn đầu tuyên bố những bệnh nhân AIDS có thể đã nhiễm một retrovirus mới. Họ công bố những phát hiện của mình trên cùng một số của tập san Science.[250][251] Gallo khẳng định virus mà nhóm của ông phân lập từ bệnh nhân AIDS có hình dạng rất giống những virus hướng bạch huyết T ở người (HTLV) khác mà nhóm của ông tiên phong phân lập. Nhóm Gallo gọi virus mới này là HTLV-III. Cùng thời điểm, nhóm Montagnier đã phân lập một virus từ một người biểu hiện sưng hạch bạch huyết cổ và suy nhược cơ thể, hai triệu chứng đặc trưng của AIDS. Trái với báo cáo từ nhóm Gallo, Montagnier cùng đồng sự chỉ ra protein lõi của virus này khác HTLV-I về mặt miễn dịch học. Họ đặt tên nó là virus liên hệ bệnh hạch bạch huyết (LAV).[241] Vì hai virus này hóa ra là một nên vào năm 1986 chúng đã được đổi tên thành HIV.[252]
Nguồn gốc[sửa]
Cả HIV-1 và HIV-2 được tin có nguồn gốc từ những loại linh trưởng không phải người ở Tây Trung Phi và truyền sang người vào đầu thế kỷ 20.[20] HIV-1 có vẻ khởi nguồn ở miền nam Cameroon qua sự tiến hóa của SIV(cpz), virus gây suy giảm miễn dịch ở khỉ (SIV) nhiễm vào tinh tinh hoang dã (HIV-1 là hậu duệ của SIVcpz đặc hữu ở phân loài tinh tinh Pan troglodytes troglodytes).[253][254] Quan hệ gần nhất với HIV-2 là SIV (smm), virus ở khỉ xồm bồ hóng (Cercocebus atys atys), một loài khỉ Cựu Thế giới sống ở duyên hải Tây Phi (từ miền nam Senegal đến miền tây Bờ Biển Ngà).[99] Các loại khỉ Tân Thế giới như khỉ đêm miễn nhiễm HIV-1, khả năng bởi sự dung hợp hai gen kháng virus.[255] HIV-1 được cho đã vượt lằn ranh loài ít nhất ba lần khác nhau dẫn tới sự xuất hiện của ba nhóm virus M, N, và O.[256]
Có bằng chứng chỉ ra những người dính líu đến thịt động vật hoang dã, cả thợ săn lẫn người bán, thường mang SIV.[257] Tuy nhiên, SIV là virus yếu và thường bị hệ miễn dịch người áp chế trong vài tuần. Virus cần truyền từ người này sang người khác nhanh chóng một vài lần mới đủ thời gian đột biến thành HIV.[258] Hơn nữa, do tỷ lệ lây từ người sang người tương đối thấp, SIV chỉ có thể lây lan trong bối cảnh tồn tại một hay nhiều đường truyền nguy cơ cao, điều được cho không có ở châu Phi trước thế kỷ 20.
Các đường truyền nguy cơ cao cụ thể cho phép virus thích nghi với người và lây lan trong xã hội phụ thuộc vào thời điểm chuyển giao từ động vật sang người đề xuất. Công tác nghiên cứu virus về mặt di truyền gợi ý tổ tiên chung gần nhất của HIV-1 nhóm M xuất hiện khoảng năm 1910.[259] Những người đề xuất thời điểm này đã liên hệ dịch bệnh HIV với sự nổi lên của chủ nghĩa thực dân cùng những thành phố thuộc địa lớn ở châu Phi dẫn tới những đổi thay trong xã hội, bao gồm mức độ tình dục bừa bãi gia tăng, nạn mại dâm lan tràn kéo theo tần suất cao các bệnh loét sinh dục (như giang mai) ở những thành phố thuộc địa mới mọc lên.[260] Tỷ lệ lây nhiễm HIV qua giao hợp âm đạo thường là thấp nhưng sẽ tăng gấp nhiều lần nếu một trong những đối tác bị loét sinh dục là hệ quả của bệnh hoa liễu. Các thành phố thuộc địa đầu thập niên 1900 đáng lưu tâm do tình trạng mại dâm và loét sinh dục phổ biến đến mức mà vào năm 1928, 45% nữ cư dân khu phía đông Kinshasa là gái mại dâm và năm 1933 khoảng 15% cư dân thành phố bị giang mai.[260]
Một quan điểm khác cho rằng công tác thực hành y tế không an toàn ở châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, như tái sử dụng bơm tiêm dùng một lần không vô trùng trong các chiến dịch vắc-xin, kháng sinh, điều trị ngừa sốt rét quy mô, là điều kiện ban đầu cho phép virus thích nghi với cơ thể người và lây lan.[258][261][262]
Ca HIV ở người sớm nhất được ghi nhận nhìn về quá khứ là vào năm 1959 ở Congo.[263] Virus có thể đã có mặt ở Hoa Kỳ từ giữa đến cuối thập niên 1950 khi một thiếu niên 16 tuổi tên Robert Rayford biểu hiện những triệu chứng vào năm 1966 và qua đời năm 1969. Trong thập niên 1970, có những người nhiễm ký sinh trùng và trở nên ốm yếu bởi cái gọi là "bệnh đường ruột người đồng tính nam" mà nay bị nghi ngờ là AIDS.[264]
Ca AIDS sớm nhất được mô tả nhìn về quá khứ là ở Na Uy bắt đầu năm 1966.[265] Vào tháng 7 năm 1960, trong bối cảnh Congo giành độc lập song còn tồn đọng nhiều vấn đề do thiếu sự chuẩn bị, Liên Hợp Quốc đã tuyển mộ những chuyên gia và kỹ thuật viên nói tiếng Pháp từ khắp nơi trên thế giới nhằm hỗ trợ lấp đi khoảng trống quản trị mà Bỉ để lại. Đến năm 1962, người Haiti đã là nhóm chuyên gia đông thứ hai ở Congo trong 48 nhóm được tuyển mộ với tổng số khoảng 4500.[266][267] Theo tiến sĩ Jacques Pépin, tác giả cuốn The Origins of AIDS, HIV đã từ Haiti xâm nhập vào Hoa Kỳ và một trong những người này có thể đã mang virus quay lại bờ bên kia Đại Tây Dương trong thập niên 1960.[267] Hầu hết ca nhiễm bên ngoài châu Phi hạ Sahara (bao gồm Hoa Kỳ) có thể được truy gốc về một người không rõ danh tính đã nhiễm HIV ở Haiti rồi mang virus đến Hoa Kỳ vào đâu đó khoảng 1969.[268] Căn bệnh sau đó nhanh chóng lây lan trong các nhóm nguy cơ cao (ban đầu là đồng tính nam). Đến năm 1978, ước tính 5% cư dân nam đồng tính của New York City và San Francisco nhiễm HIV-1, gợi ý khoảng vài ngàn người ở Hoa Kỳ đã mắc bệnh.[268]
Xã hội và văn hóa[sửa]
Kỳ thị[sửa]
Kỳ thị AIDS tồn tại khắp thế giới dưới những hình thức khác nhau như tẩy chay, hắt hủi, phân biệt đối xử và né tránh người nhiễm HIV; cưỡng bức xét nghiệm HIV mà không có sự đồng ý hay bảo mật; bạo lực nhằm vào người nhiễm hay bị cho là nhiễm; và cách ly đối tượng này.[22] Nỗi sợ bạo lực đã ngăn cản nhiều người đi xét nghiệm, quay lại lấy kết quả hay điều trị, nguy cơ biến một căn bệnh mạn tính khống chế được thành án tử và tạo điều kiện cho HIV lây lan.[270]
Thường thì kỳ thị AIDS được biểu hiện đi kèm với một hay nhiều dạng kỳ thị khác, đặc biệt với người liên quan đến đồng tính, song tính, lang chạ, mại dâm, và tiêm chích ma túy.[271]
Ở nhiều nước phát triển, tồn tại mối liên hệ giữa AIDS và đồng tính hay song tính luyến ái và điều này lại liên hệ với những cấp độ định kiến tình dục cao hơn như thái độ bài đồng tính hay bài song tính.[272] Mọi hành vi tình dục giữa nam và nam bao gồm tình dục giữa những người không nhiễm cũng bị gán ghép với AIDS.[273] Tuy nhiên phương thức lây truyền HIV chủ yếu trên thế giới vẫn là tình dục dị tính.[274]
Tác động kinh tế[sửa]
HIV/AIDS tác động đến kinh tế của các cá nhân và quốc gia.[222] Tổng sản phẩm quốc nội của các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất sụt giảm do thiếu vốn con người.[222][275] Thiếu đi dinh dưỡng phù hợp, chăm sóc y tế và thuốc men, nhiều người đã chết bởi những biến chứng sinh ra từ AIDS. Trước khi qua đời họ không những không thể làm việc mà còn đòi hỏi nguồn lực chăm sóc y tế đáng kể. Ước tính năm 2007 có khoảng 12 triệu trẻ em mồ côi do cha mẹ qua đời vì AIDS.[222]
Người nhiễm HIV thường khó quay lại làm việc sau chẩn đoán và nếu có thì xu hướng làm ít hơn người bình thường. Thất nghiệp ở người bệnh HIV/AIDS liên hệ với ý nghĩ tự tử, các vấn đề trí nhớ, và cô lập xã hội. Lao động củng cố lòng tự trọng, cảm nhận về nhân phẩm, sự tự tin, và chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh. Điều trị kháng retrovirus giúp bệnh nhân HIV/AIDS làm việc được nhiều hơn và có chăng giúp họ có thêm cơ hội được thuê mướn.[276]
Vì chủ yếu tác động người trẻ, AIDS làm giảm số dân chịu thuế kéo theo giảm nguồn lực sẵn có cho chi tiêu công cộng như giáo dục và dịch vụ y tế không liên quan đến AIDS, dẫn tới áp lực tài chính gia tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn. Nền thuế cũng bị kìm hãm và mức độ sẽ càng lớn nếu phí tổn điều trị người ốm, đào tạo nhân lực thay thế, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do AIDS, và lương ốm gia tăng. Điều này rõ rệt khi số người lớn tử vong tăng mạnh khiến trách nhiệm nuôi dạy những đứa con mồ côi của họ được chuyển giao từ gia đình sang chính phủ.[277]
Ở cấp độ gia đình, AIDS gây mất mát thu nhập và gia tăng chi tiêu vào chăm sóc y tế. Khoản phí phát sinh thêm này khiến gia đình hay các thành viên phải cắt giảm đầu tư vào những mục đích khác như giáo dục.
Truyền thông[sửa]
Một trong những nhân vật nổi tiếng đầu tiên bị AIDS là Rock Hudson, diễn viên đồng tính người Mỹ qua đời ngày 2 tháng 10 năm 1985. Hudson thông báo bệnh tình của mình ba tháng trước đó và được chẩn đoán vào năm 1984.[278] Nicholas Eden, chính trị gia đồng tính và con trai của thủ tướng Anh Anthony Eden, cũng tử vong vì căn bệnh vào năm 1985.[279] Vào ngày 24 tháng 11 năm 1991, Freddie Mercury, ca sĩ hát chính của ban nhạc Queen, qua đời vì đau ốm do AIDS khi chỉ mới tiết lộ bệnh tình một ngày trước đó.[280] Mercury được chẩn đoán dương tính HIV vào năm 1987 và đã bắt đầu biểu hiện triệu chứng từ năm 1982.[281] Một trong những người dị tính nổi tiếng đầu tiên bị AIDS là tay vợt người Mỹ Arthur Ashe. Ashe được xác nhận dương tính vào ngày 31 tháng 8 năm 1988 và nguyên nhân là lây nhiễm từ truyền máu trong cuộc phẫu thuật tim năm 1983. Đến tháng 4 năm 1992 Ashe mới cho công chúng biết về tình trạng của mình trước khi qua đời một năm sau ở tuổi 49.[282]
Tội phạm[sửa]
Lan truyền HIV có tính chất tội phạm là hành vi làm người khác nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) một cách cố ý hay không bận tâm hậu quả. Một số quốc gia hay lãnh thổ có những đạo luật hình sự hóa việc làm lây truyền hay phơi nhiễm HIV.[283]
Johnson Aziga, một người Canada sinh ra ở Uganda, được chẩn đoán HIV vào năm 1996. Sau đó Aziga quan hệ tình dục không an toàn với 11 phụ nữ mà không tiết lộ tình trạng bệnh của mình. Đến năm 2003 bảy người trong số này nhiễm HIV, hai qua đời vì những biến chứng liên quan đến AIDS.[284][285] Aziga bị kết tội sát nhân cấp độ một và nhận bản án tù chung thân.[286]
Quan niệm sai lầm[sửa]
Tồn tại nhiều quan niệm sai lầm về HIV và AIDS, phổ biến nhất là AIDS có thể lây qua tiếp xúc thông thường, giao hợp với trinh nữ sẽ chữa khỏi AIDS,[287] hay chỉ người đồng tính nam và nghiện ma túy mới nhiễm HIV. Vào năm 2014, một bộ phận người dân Anh lầm tưởng rằng HIV có thể lây qua hôn (16%), dùng chung cốc (5%), khạc nhổ (16%), bệ xí công cộng (4%), ho hoặc hắt hơi (5%).[288] Còn những suy nghĩ không đúng khác như mọi hành vi giao hợp hậu môn giữa hai người đồng tính nam sẽ dẫn tới nhiễm HIV, hay thảo luận mở về HIV và đồng tính luyến ái trong trường học sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.[289][290]
Một thiểu số người vẫn tranh luận về mối liên kết giữa HIV và AIDS,[291] sự tồn tại của HIV, hay giá trị của xét nghiệm HIV và các phương pháp điều trị.[292][293] Những quan điểm phủ nhận HIV/AIDS đã được cộng đồng khoa học xem xét và bác bỏ.[294] Tuy nhiên, chúng từng có tác động chính trị đáng kể, đặc biệt ở Nam Phi. Vào những năm 1999-2008 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Thabo Mbeki, tư tưởng phủ nhận AIDS của chính quyền bị cho là nguyên nhân dẫn đến phản ứng thiếu hiệu quả trước dịch bệnh tại quốc gia cũng như hàng trăm ngàn ca nhiễm và tử vong mà đáng ra có thể tránh được.[295][296][297]
Một số thuyết âm mưu gieo tai tiếng cho rằng HIV do các nhà khoa học vô tình hay cố ý tạo ra. Chiến dịch INFEKTION là một hoạt động toàn cầu của Liên Xô nhằm truyền bá quan niệm Hoa Kỳ tạo ra HIV/AIDS. Các cuộc khảo sát cho thấy có không ít người tin vào những điều như vậy.[298]
Nghiên cứu[sửa]
Con người tiến hành những nghiên cứu y học nhằm nỗ lực ngăn chặn, điều trị, hay chữa khỏi HIV/AIDS cùng nghiên cứu cơ bản về bản chất của HIV là tác nhân lây nhiễm và AIDS là bệnh do HIV gây ra.
Nhiều chính phủ và các viện nghiên cứu tham gia nghiên cứu HIV/AIDS, trong đó gồm những can thiệp y tế về mặt hành vi như giáo dục giới tính, phát triển thuốc như thuốc diệt khuẩn trị bệnh lây qua đường tình dục, vắc-xin HIV, và thuốc kháng retrovirus. Các đề tài nghiên cứu khác gồm dự phòng trước phơi nhiễm, dự phòng sau phơi nhiễm, cắt bao quy đầu và HIV. Giới chức y tế, các nhà nghiên cứu, và các chương trình có thể thu về một cái nhìn toàn diện hơn về khó khăn họ đối mặt cũng như tính hiệu quả của các phương pháp điều trị và phòng ngừa HIV hiện tại bằng việc nắm bắt những chỉ báo tiêu chuẩn.[299]
Tham khảo[sửa]
- ↑ a b c d "What Are HIV and AIDS? | HIV.gov", www.hiv.gov (trong English), U.S. Department of Health and Human Services (HHS), ngày 15 tháng 5 năm 2017, lưu trữ từ nguyên tác ngày 22 tháng 9 năm 2019, truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2017
- ↑ "HIV Classification: CDC and WHO Staging Systems | AIDS Education and Training Centers National Coordinating Resource Center (AETC NCRC)", aidsetc.org (trong English), AIDS Education and Training Center Program, lưu trữ từ nguyên tác tháng 10 18, 2017, truy cập tháng 9 10, 2017
- ↑ "AIDS", benhnhietdoi.vn, 3 tháng 7 năm 2012, truy cập 8 tháng 7 năm 2021
- ↑ "Wear your red ribbon this World AIDS Day | UNAIDS", www.unaids.org, UNAIDS Secretariat, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 10 tháng 9 năm 2017, truy cập ngày 10 tháng 9 năm 2017
- ↑ a b c d e f g h i j k l m HIV/AIDS Fact sheet N°360, World Health Organization, tháng 11 năm 2015, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 2 17, 2016, truy cập tháng 2 11, 2016
- ↑ a b c d e "About HIV/AIDS", CDC, tháng 12 6, 2015, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 2 24, 2016, truy cập tháng 2 11, 2016
- ↑ a b c UNAIDS (tháng 5 18, 2012), The quest for an HIV vaccine, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 24, 2012
- ↑ a b c UNAIDS, World Health Organization (tháng 12 năm 2007), 2007 AIDS epidemic update (PDF), lưu trữ từ nguyên tác (PDF) ngày 27 tháng 5 năm 2008, truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008
- ↑ a b c d e f "Global HIV & AIDS statistics — 2020 fact sheet", www.unaids.org (trong English), UNAIDS, truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2021
- ↑ Sepkowitz KA (tháng 6 năm 2001), "AIDS – the first 20 years", The New England Journal of Medicine, 344 (23): 1764–72, doi:10.1056/NEJM200106073442306, PMID 11396444
- ↑ Krämer, Alexander; Kretzschmar, Mirjam; Krickeberg, Klaus (2010), Modern infectious disease epidemiology concepts, methods, mathematical models, and public health (lxb. Online-Ausg.), New York: Springer, tr. 88, ISBN 978-0-387-93835-6, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 24, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015 Bỏ qua tham số chưa biết
|name-list-style=
(trợ giúp) - ↑ Kirch, Wilhelm (2008), Encyclopedia of Public Health, New York: Springer, tr. 676–77, ISBN 978-1-4020-5613-0, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 11, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015 Bỏ qua tham số chưa biết
|name-list-style=
(trợ giúp) - ↑ "Retrovirus Definition", AIDSinfo, lưu trữ từ nguyên tác ngày 28 tháng 12 năm 2019, truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2019
- ↑ a b c d e f g h i Rom WN, Markowitz SB, bt. (2007), Environmental and occupational medicine (lxb. 4th), Philadelphia: Wolters Kluwer/Lippincott Williams & Wilkins, tr. 745, ISBN 978-0-7817-6299-1, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 11, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ HIV and Its Transmission, Centers for Disease Control and Prevention, 2003, lưu trữ từ nguyên tác ngày 4 tháng 2 năm 2005, truy cập ngày 23 tháng 5 năm 2006
- ↑ a b Guideline on when to start antiretroviral therapy and on pre-exposure prophylaxis for HIV (PDF), World Health Organization, 2015, tr. 13, ISBN 978-92-4-150956-5, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 10 14, 2015
- ↑ "Fact Sheet - World AIDS Day 2019" (PDF), www.unaids.org, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 21 tháng 12 năm 2019, truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2019
- ↑ "HIV Statistics Overview (International Statistics)", Centers for Disease Control and Prevention, 2018, truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2021
- ↑ a b Kallings LO (tháng 3 năm 2008), "The first postmodern pandemic: 25 years of HIV/AIDS", Journal of Internal Medicine, 263 (3): 218–43, doi:10.1111/j.1365-2796.2007.01910.x, PMID 18205765, S2CID 205339589(subscription required)
- ↑ a b Sharp PM, Hahn BH (tháng 9 năm 2011), "Origins of HIV and the AIDS pandemic", Cold Spring Harbor Perspectives in Medicine, 1 (1): a006841, doi:10.1101/cshperspect.a006841, PMC 3234451, PMID 22229120
- ↑ Gallo RC (tháng 10 năm 2006), "A reflection on HIV/AIDS research after 25 years", Retrovirology, 3 (1): 72, doi:10.1186/1742-4690-3-72, PMC 1629027, PMID 17054781
- ↑ a b c "The impact of AIDS on people and societies" (PDF), 2006 Report on the global AIDS epidemic, UNAIDS, 2006, ISBN 978-92-9173-479-5
- ↑ Endersby, Jim (2016), "Myth Busters", Science, 351 (6268): 35, Bibcode:2016Sci...351...35E, doi:10.1126/science.aad2891, S2CID 51608938, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 2 22, 2016, truy cập tháng 2 14, 2016
- ↑ McCullom, Rob (tháng 2 26, 2013), "An African Pope Won't Change the Vatican's Views on Condoms and AIDS", The Atlantic, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 3 8, 2016, truy cập tháng 2 14, 2016
- ↑ Harden, Victoria Angela (2012), AIDS at 30: A History, Potomac Books Inc, tr. 324, ISBN 978-1-59797-294-9
- ↑ a b c d e f Mandell, Bennett, and Dolan (2010). Chapter 121.
- ↑ a b c d e f g h i j k l m n o p WHO case definitions of HIV for surveillance and revised clinical staging and immunological classification of HIV-related disease in adults and children (PDF), Geneva: World Health Organization, 2007, tr. 6–16, ISBN 978-92-4-159562-9, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 10 31, 2013
- ↑ Diseases and disorders, Tarrytown, NY: Marshall Cavendish, 2008, tr. 25, ISBN 978-0-7614-7771-6, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 19, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ a b c d e f g h i j k l m n o p q Mandell, Bennett, and Dolan (2010). Chapter 118.
- ↑ a b c d e f g h i j k l m n o p q r Vogel M, Schwarze-Zander C, Wasmuth JC, Spengler U, Sauerbruch T, Rockstroh JK (tháng 7 năm 2010), "The treatment of patients with HIV", Deutsches Ärzteblatt International, 107 (28–29): 507–15, quiz 516, doi:10.3238/arztebl.2010.0507, PMC 2915483, PMID 20703338
- ↑ Evian, Clive (2006), Primary HIV/AIDS care: a practical guide for primary health care personnel in a clinical and supportive setting (lxb. Updated 4th), Houghton [South Africa]: Jacana, tr. 29, ISBN 978-1-77009-198-6, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 11, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Charles B. Hicks, MD (2001), Jacques W.A.J. Reeders & Philip Charles Goodman (bt.), Radiology of AIDS, Berlin [u.a.]: Springer, tr. 19, ISBN 978-3-540-66510-6, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 9, 2016, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Elliott, Tom (2012), Lecture Notes: Medical Microbiology and Infection, John Wiley & Sons, tr. 273, ISBN 978-1-118-37226-5, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 19, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ a b Blankson JN (tháng 3 năm 2010), "Control of HIV-1 replication in elite suppressors", Discovery Medicine, 9 (46): 261–66, PMID 20350494
- ↑ a b Walker BD (tháng 8–tháng 9 năm 2007), "Elite control of HIV Infection: implications for vaccines and treatment", Topics in HIV Medicine, 15 (4): 134–36, PMID 17720999
- ↑ Holmes CB, Losina E, Walensky RP, Yazdanpanah Y, Freedberg KA (tháng 3 năm 2003), "Review of human immunodeficiency virus type 1-related opportunistic infections in sub-Saharan Africa", Clinical Infectious Diseases, 36 (5): 652–62, doi:10.1086/367655, PMID 12594648
- ↑ Chu C, Selwyn PA (tháng 2 năm 2011), "Complications of HIV infection: a systems-based approach", American Family Physician, 83 (4): 395–406, PMID 21322514
- ↑ a b c d e Mandell, Bennett, and Dolan (2010). Chapter 169.
- ↑ Mittal R, Rath S, Vemuganti GK (tháng 7 năm 2013), "Ocular surface squamous neoplasia – Review of etio-pathogenesis and an update on clinico-pathological diagnosis", Saudi Journal of Ophthalmology, 27 (3): 177–86, doi:10.1016/j.sjopt.2013.07.002, PMC 3770226, PMID 24227983
- ↑ "AIDS", MedlinePlus, A.D.A.M., lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 6 18, 2012, truy cập tháng 6 14, 2012
- ↑ Sestak K (tháng 7 năm 2005), "Chronic diarrhea and AIDS: insights into studies with non-human primates", Current HIV Research, 3 (3): 199–205, doi:10.2174/1570162054368084, PMID 16022653
- ↑ Murray ED, Buttner N, Price BH (2012), "Depression and Psychosis in Neurological Practice", trong Bradley WG, Daroff RB, Fenichel GM, Jankovic J (bt.), Bradley's Neurology in Clinical Practice: Expert Consult – Online and Print, 6e (Bradley, Neurology in Clinical Practice e-dition 2v Set), 1 (lxb. 6th), Philadelphia: Elsevier/Saunders, tr. 101, ISBN 978-1-4377-0434-1
- ↑ a b Donegan, Elizabeth; Stuart, Maria; Niland, Joyce C.; Sacks, Henry S.; Azen, Stanley P.; Dietrich, Shelby L.; Faucett, Cheryl; Fletcher, Mary Ann; Kleinman, Steven H.; Operskalski, Eva A.; Perkins, Herbert A.; Pindyck, Johanna; Schiff, Eugene R.; Stites, Daniel P.; Tomasulo, Peter A.; Mosley, James W. (ngày 15 tháng 11 năm 1990), "Infection with Human Immunodeficiency Virus Type 1 (HIV-1) among Recipients of Antibody-Positive Blood Donations", Annals of Internal Medicine, 113 (10): 733–739, doi:10.7326/0003-4819-113-10-733, truy cập ngày 11 tháng 5 năm 2020
- ↑ Coovadia H (2004), "Antiretroviral agents—how best to protect infants from HIV and save their mothers from AIDS", N. Engl. J. Med., 351 (3): 289–292, doi:10.1056/NEJMe048128, PMID 15247337
- ↑ Smith DK, Grohskopf LA, Black RJ, Auerbach JD, Veronese F, Struble KA, Cheever L, Johnson M, Paxton LA, Onorato IM, Greenberg AE (ngày 21 tháng 1 năm 2005), "Antiretroviral postexposure prophylaxis after sexual, injection-drug use, or other nonoccupational exposure to HIV in the United States: recommendations from the U.S. Department of Health and Human Services.", MMWR. Recommendations and reports : Morbidity and mortality weekly report. Recommendations and reports / Centers for Disease Control, 54 (RR-2): 1–20, PMID 15660015
- ↑ Kripke C (ngày 1 tháng 8 năm 2007), "Antiretroviral prophylaxis for occupational exposure to HIV.", American Family Physician, 76 (3): 375–6, PMID 17708137
- ↑ a b c d Dosekun O, Fox J (tháng 7 năm 2010), "An overview of the relative risks of different sexual behaviours on HIV transmission.", Current Opinion in HIV and AIDS, 5 (4): 291–7, doi:10.1097/COH.0b013e32833a88a3, PMID 20543603
- ↑ Cunha, Burke (2012), Antibiotic Essentials 2012 (lxb. 11), Jones & Bartlett Publishers, tr. 303, ISBN 9781449693831
- ↑ a b Boily MC, Baggaley RF, Wang L, Masse B, White RG, Hayes RJ, Alary M (tháng 2 năm 2009), "Heterosexual risk of HIV-1 infection per sexual act: systematic review and meta-analysis of observational studies.", The Lancet Infectious Diseases, 9 (2): 118–29, doi:10.1016/S1473-3099(09)70021-0, PMC 4467783, PMID 19179227
- ↑ Baggaley RF, White RG, Boily MC (tháng 12 năm 2008), "Systematic review of orogenital HIV-1 transmission probabilities.", International Journal of Epidemiology, 37 (6): 1255–65, doi:10.1093/ije/dyn151, PMC 2638872, PMID 18664564
- ↑ a b c Kripke C (tháng 8 năm 2007), "Antiretroviral prophylaxis for occupational exposure to HIV", American Family Physician, 76 (3): 375–76, PMID 17708137
- ↑ van der Kuyl AC, Cornelissen M (tháng 9 năm 2007), "Identifying HIV-1 dual infections", Retrovirology, 4: 67, doi:10.1186/1742-4690-4-67, PMC 2045676, PMID 17892568
- ↑ McCray, Eugene; Mermin, Jonathan (ngày 27 tháng 9 năm 2017), "Dear Colleague: September 27, 2017", Division of HIV/AIDS Prevention, Centers for Disease Control and Prevention, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 30 tháng 1 năm 2018, truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2018
- ↑ LeMessurier, J; Traversy, G; Varsaneux, O; Weekes, M; Avey, MT; Niragira, O; Gervais, R; Guyatt, G; Rodin, R (ngày 19 tháng 11 năm 2018), "Risk of sexual transmission of human immunodeficiency virus with antiretroviral therapy, suppressed viral load and condom use: a systematic review", Canadian Medical Association Journal, 190 (46): E1350–E1360, doi:10.1503/cmaj.180311, PMC 6239917, PMID 30455270
- ↑ Vernazza, P; Bernard, EJ (ngày 29 tháng 1 năm 2016), "HIV is not transmitted under fully suppressive therapy: The Swiss Statement – eight years later", Swiss Medical Weekly, 146: w14246, doi:10.4414/smw.2016.14246, PMID 26824882
- ↑ "HIV and Men", Centers for Disease Control and Prevention., U.S. Department of Health & Human Services, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 1 tháng 12 năm 2019, truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2019
- ↑ "HIV and Gay and Bisexual Men", Centers for Disease Control and Prevention, U.S. Department of Health & Human Services, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 2 tháng 11 năm 2019, truy cập ngày 3 tháng 11 năm 2019
- ↑ HIV Among Gay and Bisexual Men (PDF), lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 12 18, 2016, truy cập tháng 1 1, 2017
- ↑ a b c d e f g Boily MC, Baggaley RF, Wang L, Masse B, White RG, Hayes RJ, Alary M (tháng 2 năm 2009), "Heterosexual risk of HIV-1 infection per sexual act: systematic review and meta-analysis of observational studies", The Lancet. Infectious Diseases, 9 (2): 118–29, doi:10.1016/S1473-3099(09)70021-0, PMC 4467783, PMID 19179227
- ↑ Beyrer C, Baral SD, van Griensven F, Goodreau SM, Chariyalertsak S, Wirtz AL, Brookmeyer R (tháng 7 năm 2012), "Global epidemiology of HIV infection in men who have sex with men", The Lancet, 380 (9839): 367–77, doi:10.1016/S0140-6736(12)60821-6, PMC 3805037, PMID 22819660
- ↑ Yu M, Vajdy M (tháng 8 năm 2010), "Mucosal HIV transmission and vaccination strategies through oral compared with vaginal and rectal routes", Expert Opinion on Biological Therapy, 10 (8): 1181–95, doi:10.1517/14712598.2010.496776, PMC 2904634, PMID 20624114
- ↑ Stürchler, Dieter A. (2006), Exposure a guide to sources of infections, Washington, DC: ASM Press, tr. 544, ISBN 978-1-55581-376-5, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 11 30, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Pattman R, et al., bt. (2010), Oxford handbook of genitourinary medicine, HIV, and sexual health (lxb. 2nd), Oxford: Oxford University Press, tr. 95, ISBN 978-0-19-957166-6
- ↑ a b c Dosekun O, Fox J (tháng 7 năm 2010), "An overview of the relative risks of different sexual behaviours on HIV transmission", Current Opinion in HIV and AIDS, 5 (4): 291–97, doi:10.1097/COH.0b013e32833a88a3, PMID 20543603, S2CID 25541753
- ↑ a b Ng BE, Butler LM, Horvath T, Rutherford GW (tháng 3 năm 2011), Butler LM (bt.), "Population-based biomedical sexually transmitted infection control interventions for reducing HIV infection", The Cochrane Database of Systematic Reviews (3): CD001220, doi:10.1002/14651858.CD001220.pub3, PMID 21412869
- ↑ Anderson J (tháng 2 năm 2012), "Women and HIV: motherhood and more", Current Opinion in Infectious Diseases, 25 (1): 58–65, doi:10.1097/QCO.0b013e32834ef514, PMID 22156896, S2CID 6198083
- ↑ Kerrigan, Deanna (2012), The Global HIV Epidemics among Sex Workers, World Bank Publications, tr. 1–5, ISBN 978-0-8213-9775-6, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 19, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Aral, Sevgi (2013), The New Public Health and STD/HIV Prevention: Personal, Public and Health Systems Approaches, Springer, tr. 120, ISBN 978-1-4614-4526-5, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 24, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Klimas N, Koneru AO, Fletcher MA (tháng 6 năm 2008), "Overview of HIV", Psychosomatic Medicine, 70 (5): 523–30, doi:10.1097/PSY.0b013e31817ae69f, PMID 18541903, S2CID 38476611
- ↑ Draughon JE, Sheridan DJ (2012), "Nonoccupational postexposure prophylaxis following sexual assault in industrialized low-HIV-prevalence countries: a review", Psychology, Health & Medicine, 17 (2): 235–54, doi:10.1080/13548506.2011.579984, PMID 22372741, S2CID 205771853
- ↑ Baggaley RF, Boily MC, White RG, Alary M (tháng 4 năm 2006), "Risk of HIV-1 transmission for parenteral exposure and blood transfusion: a systematic review and meta-analysis", AIDS, 20 (6): 805–12, doi:10.1097/01.aids.0000218543.46963.6d, PMID 16549963, S2CID 22674060
- ↑ Needlestick Prevention Guide (PDF), 2002, tr. 5–6, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 12 tháng 7 năm 2018, truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2019
- ↑ "HIV in the United States: An Overview", Center for Disease Control and Prevention, tháng 3 năm 2012, lưu trữ từ nguyên tác ngày 1 tháng 5 năm 2013
- ↑ "Will I need a blood transfusion?" (PDF), NHS patient information, National Health Services, 2011, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 10 25, 2012, truy cập tháng 8 29, 2012
- ↑ Centers for Disease Control Prevention (CDC) (tháng 10 năm 2010), "HIV transmission through transfusion – Missouri and Colorado, 2008", Morbidity and Mortality Weekly Report, 59 (41): 1335–39, PMID 20966896
- ↑ UNAIDS 2011 pg. 60–70
- ↑ Blood safety ... for too few, World Health Organization, 2001, lưu trữ từ nguyên tác ngày 17 tháng 1 năm 2005
- ↑ Simonds RJ (tháng 11 năm 1993), "HIV transmission by organ and tissue transplantation", AIDS, 7 Suppl 2: S35–38, doi:10.1097/00002030-199311002-00008, PMID 8161444, S2CID 28488664
- ↑ a b c Reid SR (tháng 8 năm 2009), "Injection drug use, unsafe medical injections, and HIV in Africa: a systematic review", Harm Reduction Journal, 6: 24, doi:10.1186/1477-7517-6-24, PMC 2741434, PMID 19715601
- ↑ a b "Basic Information about HIV and AIDS", Center for Disease Control and Prevention, tháng 4 năm 2012, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 6 18, 2017
- ↑ Crans, Wayne J. (ngày 1 tháng 6 năm 2010), "Why Mosquitoes Cannot Transmit AIDS", rci.rutgers.edu, Rutgers University, New Jersey Agricultural Experiment Station Publication No. H-40101-01-93, lưu trữ từ nguyên tác ngày 29 tháng 3 năm 2014, truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2014
- ↑ "Preventing Mother-to-Child Transmission of HIV", HIV.gov (trong English), lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 9 tháng 12 năm 2017, truy cập ngày 8 tháng 12 năm 2017
- ↑ a b c d Coutsoudis A, Kwaan L, Thomson M (tháng 10 năm 2010), "Prevention of vertical transmission of HIV-1 in resource-limited settings", Expert Review of Anti-Infective Therapy, 8 (10): 1163–75, doi:10.1586/eri.10.94, PMID 20954881, S2CID 46624541
- ↑ "WHO | Mother-to-child transmission of HIV", WHO, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 18 tháng 10 năm 2019, truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2019
- ↑ White AB, Mirjahangir JF, Horvath H, Anglemyer A, Read JS (tháng 10 năm 2014), "Antiretroviral interventions for preventing breast milk transmission of HIV", The Cochrane Database of Systematic Reviews, 10 (10): CD011323, doi:10.1002/14651858.CD011323, PMID 25280769
- ↑ a b c "Infant feeding in the context of HIV", www.who.int, tháng 4 năm 2011, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 3 9, 2017, truy cập tháng 3 9, 2017
- ↑ Alimonti JB, Ball TB, Fowke KR (tháng 7 năm 2003), "Mechanisms of CD4+ T lymphocyte cell death in human immunodeficiency virus infection and AIDS", The Journal of General Virology, 84 (Pt 7): 1649–61, doi:10.1099/vir.0.19110-0, PMID 12810858
- ↑ International Committee on Taxonomy of Viruses (2002), 61.0.6. Lentivirus, National Institutes of Health, lưu trữ từ nguyên tác ngày 18 tháng 4 năm 2006, truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2012
- ↑ International Committee on Taxonomy of Viruses (2002), 61. Retroviridae, National Institutes of Health, lưu trữ từ nguyên tác ngày 17 tháng 12 năm 2001, truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2012
- ↑ Levy JA (tháng 11 năm 1993), "HIV pathogenesis and long-term survival", AIDS, 7 (11): 1401–10, doi:10.1097/00002030-199311000-00001, PMID 8280406
- ↑ Smith JA, Daniel R (tháng 5 năm 2006), "Following the path of the virus: the exploitation of host DNA repair mechanisms by retroviruses", ACS Chemical Biology, 1 (4): 217–26, doi:10.1021/cb600131q, PMID 17163676
- ↑ Martínez MA, bt. (2010), RNA interference and viruses : current innovations and future trends, Norfolk: Caister Academic Press, tr. 73, ISBN 978-1-904455-56-1, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 11, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Gerald B. Pier, bt. (2004), Immunology, infection, and immunity, Washington, DC: ASM Press, tr. 550, ISBN 978-1-55581-246-1, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 9, 2016, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ a b c Zhang C, Zhou S, Groppelli E, Pellegrino P, Williams I, Borrow P, Chain BM, Jolly C (tháng 4 năm 2015), "Hybrid spreading mechanisms and T cell activation shape the dynamics of HIV-1 infection", PLOS Computational Biology, 11 (4): e1004179, arXiv:1503.08992, Bibcode:2015PLSCB..11E4179Z, doi:10.1371/journal.pcbi.1004179, PMC 4383537, PMID 25837979
- ↑ Jolly C, Kashefi K, Hollinshead M, Sattentau QJ (tháng 1 năm 2004), "HIV-1 cell to cell transfer across an Env-induced, actin-dependent synapse", The Journal of Experimental Medicine, 199 (2): 283–93, doi:10.1084/jem.20030648, PMC 2211771, PMID 14734528
- ↑ Sattentau Q (tháng 11 năm 2008), "Avoiding the void: cell-to-cell spread of human viruses", Nature Reviews. Microbiology, 6 (11): 815–26, doi:10.1038/nrmicro1972, PMID 18923409, S2CID 20991705
- ↑ Sigal A, Kim JT, Balazs AB, Dekel E, Mayo A, Milo R, Baltimore D (tháng 8 năm 2011), "Cell-to-cell spread of HIV permits ongoing replication despite antiretroviral therapy" (PDF), Nature, 477 (7362): 95–98, Bibcode:2011Natur.477...95S, doi:10.1038/nature10347, PMID 21849975, S2CID 4409389
- ↑ Gilbert PB, McKeague IW, Eisen G, Mullins C, Guéye-NDiaye A, Mboup S, Kanki PJ (tháng 2 năm 2003), "Comparison of HIV-1 and HIV-2 infectivity from a prospective cohort study in Senegal", Statistics in Medicine, 22 (4): 573–93, doi:10.1002/sim.1342, PMID 12590415
- ↑ a b Reeves JD, Doms RW (tháng 6 năm 2002), "Human immunodeficiency virus type 2", The Journal of General Virology, 83 (Pt 6): 1253–65, doi:10.1099/0022-1317-83-6-1253, PMID 12029140
- ↑ Piatak M, Saag MS, Yang LC, Clark SJ, Kappes JC, Luk KC, Hahn BH, Shaw GM, Lifson JD (tháng 3 năm 1993), "High levels of HIV-1 in plasma during all stages of infection determined by competitive PCR", Science, 259 (5102): 1749–54, Bibcode:1993Sci...259.1749P, doi:10.1126/science.8096089, PMID 8096089, S2CID 12158927
- ↑ Pantaleo G, Demarest JF, Schacker T, Vaccarezza M, Cohen OJ, Daucher M, Graziosi C, Schnittman SS, Quinn TC, Shaw GM, Perrin L, Tambussi G, Lazzarin A, Sekaly RP, Soudeyns H, Corey L, Fauci AS (tháng 1 năm 1997), "The qualitative nature of the primary immune response to HIV infection is a prognosticator of disease progression independent of the initial level of plasma viremia", Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 94 (1): 254–58, Bibcode:1997PNAS...94..254P, doi:10.1073/pnas.94.1.254, PMC 19306, PMID 8990195
- ↑ Hel Z, McGhee JR, Mestecky J (tháng 6 năm 2006), "HIV infection: first battle decides the war", Trends in Immunology, 27 (6): 274–81, doi:10.1016/j.it.2006.04.007, PMID 16679064
- ↑ Pillay, Deenan; Genetti, Anna Maria; Weiss, Robin A. (2007), "Human Immunodeficiency Viruses", trong Zuckerman, Arie J.; et al. (bt.), Principles and practice of clinical virology (lxb. 6th), Hoboken, NJ: Wiley, tr. 905, ISBN 978-0-470-51799-4
- ↑ Mehandru S, Poles MA, Tenner-Racz K, Horowitz A, Hurley A, Hogan C, Boden D, Racz P, Markowitz M (tháng 9 năm 2004), "Primary HIV-1 infection is associated with preferential depletion of CD4+ T lymphocytes from effector sites in the gastrointestinal tract", The Journal of Experimental Medicine, 200 (6): 761–70, doi:10.1084/jem.20041196, PMC 2211967, PMID 15365095
- ↑ Brenchley JM, Schacker TW, Ruff LE, Price DA, Taylor JH, Beilman GJ, Nguyen PL, Khoruts A, Larson M, Haase AT, Douek DC (tháng 9 năm 2004), "CD4+ T cell depletion during all stages of HIV disease occurs predominantly in the gastrointestinal tract", The Journal of Experimental Medicine, 200 (6): 749–59, doi:10.1084/jem.20040874, PMC 2211962, PMID 15365096
- ↑ a b editor, Julio Aliberti (2011), Control of Innate and Adaptive Immune Responses During Infectious Diseases, New York: Springer Verlag, tr. 145, ISBN 978-1-4614-0483-5, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 24, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015CS1 maint: extra text: authors list (link)
- ↑ Appay V, Sauce D (tháng 1 năm 2008), "Immune activation and inflammation in HIV-1 infection: causes and consequences", The Journal of Pathology, 214 (2): 231–41, doi:10.1002/path.2276, PMID 18161758, S2CID 26830006
- ↑ Brenchley JM, Price DA, Schacker TW, Asher TE, Silvestri G, Rao S, Kazzaz Z, Bornstein E, Lambotte O, Altmann D, Blazar BR, Rodriguez B, Teixeira-Johnson L, Landay A, Martin JN, Hecht FM, Picker LJ, Lederman MM, Deeks SG, Douek DC (tháng 12 năm 2006), "Microbial translocation is a cause of systemic immune activation in chronic HIV infection", Nature Medicine, 12 (12): 1365–71, doi:10.1038/nm1511, PMC 1717013, PMID 17115046
- ↑ "HIV/AIDS Testing", CDC, ngày 16 tháng 3 năm 2018, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 14 tháng 4 năm 2018, truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2018
- ↑ a b US Preventive Services Task, Force.; Owens, DK; Davidson, KW; Krist, AH; Barry, MJ; Cabana, M; Caughey, AB; Curry, SJ; Doubeni, CA; Epling JW, Jr; Kubik, M; Landefeld, CS; Mangione, CM; Pbert, L; Silverstein, M; Simon, MA; Tseng, CW; Wong, JB (ngày 18 tháng 6 năm 2019), "Screening for HIV Infection: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement.", JAMA, 321 (23): 2326–2336, doi:10.1001/jama.2019.6587, PMID 31184701
- ↑ a b Kellerman S, Essajee S (tháng 7 năm 2010), "HIV testing for children in resource-limited settings: what are we waiting for?", PLOS Medicine, 7 (7): e1000285, doi:10.1371/journal.pmed.1000285, PMC 2907270, PMID 20652012
- ↑ a b c UNAIDS 2011 pg. 70–80
- ↑ a b c Schneider E, Whitmore S, Glynn KM, Dominguez K, Mitsch A, McKenna MT (tháng 12 năm 2008), "Revised surveillance case definitions for HIV infection among adults, adolescents, and children aged <18 months and for HIV infection and AIDS among children aged 18 months to <13 years – United States, 2008" (PDF), MMWR. Recommendations and Reports, 57 (RR-10): 1–12, PMID 19052530
- ↑ a b Centers for Disease Control Prevention (CDC) (tháng 4 năm 2014), "Revised surveillance case definition for HIV infection – United States, 2014" (PDF), MMWR. Recommendations and Reports, 63 (RR-03): 1–10, PMID 24717910
- ↑ Crosby R, Bounse S (tháng 3 năm 2012), "Condom effectiveness: where are we now?", Sexual Health, 9 (1): 10–17, doi:10.1071/SH11036, PMID 22348628
- ↑ Condom Facts and Figures, World Health Organization, tháng 8 năm 2003, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 10 18, 2012, truy cập tháng 1 17, 2006
- ↑ Gallo MF, Kilbourne-Brook M, Coffey PS (tháng 3 năm 2012), "A review of the effectiveness and acceptability of the female condom for dual protection", Sexual Health, 9 (1): 18–26, doi:10.1071/SH11037, PMID 22348629
- ↑ a b Celum C, Baeten JM (tháng 2 năm 2012), "Tenofovir-based pre-exposure prophylaxis for HIV prevention: evolving evidence", Current Opinion in Infectious Diseases, 25 (1): 51–57, doi:10.1097/QCO.0b013e32834ef5ef, PMC 3266126, PMID 22156901
- ↑ Baptista M, Ramalho-Santos J (tháng 11 năm 2009), "Spermicides, microbicides and antiviral agents: recent advances in the development of novel multi-functional compounds", Mini Reviews in Medicinal Chemistry, 9 (13): 1556–67, doi:10.2174/138955709790361548, PMID 20205637
- ↑ Siegfried N, Muller M, Deeks JJ, Volmink J (tháng 4 năm 2009), Siegfried N (bt.), "Male circumcision for prevention of heterosexual acquisition of HIV in men", The Cochrane Database of Systematic Reviews (2): CD003362, doi:10.1002/14651858.CD003362.pub2, PMID 19370585
- ↑ WHO and UNAIDS announce recommendations from expert consultation on male circumcision for HIV prevention, World Health Organization, tháng 3 28, 2007, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 7 3, 2011
- ↑ Larke N (ngày 27 tháng 5 năm 2010), "Male circumcision, HIV and sexually transmitted infections: a review", British Journal of Nursing, 19 (10): 629–34, doi:10.12968/bjon.2010.19.10.48201, PMC 3836228, PMID 20622758
- ↑ Eaton L, Kalichman SC (tháng 11 năm 2009), "Behavioral aspects of male circumcision for the prevention of HIV infection", Current HIV/AIDS Reports, 6 (4): 187–93, doi:10.1007/s11904-009-0025-9, PMC 3557929, PMID 19849961(subscription required)
- ↑ Kim HH, Li PS, Goldstein M (tháng 11 năm 2010), "Male circumcision: Africa and beyond?", Current Opinion in Urology, 20 (6): 515–19, doi:10.1097/MOU.0b013e32833f1b21, PMID 20844437, S2CID 2158164
- ↑ Templeton DJ, Millett GA, Grulich AE (tháng 2 năm 2010), "Male circumcision to reduce the risk of HIV and sexually transmitted infections among men who have sex with men", Current Opinion in Infectious Diseases, 23 (1): 45–52, doi:10.1097/QCO.0b013e328334e54d, PMID 19935420, S2CID 43878584
- ↑ Wiysonge CS, Kongnyuy EJ, Shey M, Muula AS, Navti OB, Akl EA, Lo YR (tháng 6 năm 2011), Wiysonge CS (bt.), "Male circumcision for prevention of homosexual acquisition of HIV in men", The Cochrane Database of Systematic Reviews (6): CD007496, doi:10.1002/14651858.CD007496.pub2, PMID 21678366
- ↑ Underhill K, Operario D, Montgomery P (tháng 10 năm 2007), Operario D (bt.), "Abstinence-only programs for HIV infection prevention in high-income countries", The Cochrane Database of Systematic Reviews (4): CD005421, doi:10.1002/14651858.CD005421.pub2, PMID 17943855, lưu trữ từ nguyên tác tháng 11 25, 2010, truy cập tháng 5 31, 2012
- ↑ Tolli MV (tháng 10 năm 2012), "Effectiveness of peer education interventions for HIV prevention, adolescent pregnancy prevention and sexual health promotion for young people: a systematic review of European studies", Health Education Research, 27 (5): 904–13, doi:10.1093/her/cys055, PMID 22641791
- ↑ Ljubojević S, Lipozenčić J (2010), "Sexually transmitted infections and adolescence", Acta Dermatovenerologica Croatica, 18 (4): 305–10, PMID 21251451
- ↑ International technical guidance on sexuality education: an evidence-informed approach (PDF), Paris: UNESCO, 2018, tr. 12, ISBN 978-92-3-100259-5, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 13 tháng 11 năm 2018, truy cập ngày 22 tháng 2 năm 2018
- ↑ Patel VL, Yoskowitz NA, Kaufman DR, Shortliffe EH (tháng 9 năm 2008), "Discerning patterns of human immunodeficiency virus risk in healthy young adults", The American Journal of Medicine, 121 (9): 758–64, doi:10.1016/j.amjmed.2008.04.022, PMC 2597652, PMID 18724961
- ↑ Fonner VA, Denison J, Kennedy CE, O'Reilly K, Sweat M (tháng 9 năm 2012), "Voluntary counseling and testing (VCT) for changing HIV-related risk behavior in developing countries", The Cochrane Database of Systematic Reviews, 9 (9): CD001224, doi:10.1002/14651858.CD001224.pub4, PMC 3931252, PMID 22972050
- ↑ a b Anglemyer A, Rutherford GW, Horvath T, Baggaley RC, Egger M, Siegfried N (tháng 4 năm 2013), "Antiretroviral therapy for prevention of HIV transmission in HIV-discordant couples", The Cochrane Database of Systematic Reviews, 4 (4): CD009153, doi:10.1002/14651858.CD009153.pub3, PMC 4026368, PMID 23633367
- ↑ Chou R, Selph S, Dana T, Bougatsos C, Zakher B, Blazina I, Korthuis PT (tháng 11 năm 2012), "Screening for HIV: systematic review to update the 2005 U.S. Preventive Services Task Force recommendation", Annals of Internal Medicine, 157 (10): 706–18, doi:10.7326/0003-4819-157-10-201211200-00007, PMID 23165662, S2CID 27494096
- ↑ Owens, Douglas K.; Davidson, Karina W.; Krist, Alex H.; Barry, Michael J.; Cabana, Michael; Caughey, Aaron B.; Curry, Susan J.; Doubeni, Chyke A.; Epling, John W.; Kubik, Martha; Landefeld, C. Seth; Mangione, Carol M.; Pbert, Lori; Silverstein, Michael; Simon, Melissa A.; Tseng, Chien-Wen; Wong, John B. (ngày 11 tháng 6 năm 2019), "Preexposure Prophylaxis for the Prevention of HIV Infection", JAMA, 321 (22): 2203–2213, doi:10.1001/jama.2019.6390, PMID 31184747
- ↑ Choopanya K, Martin M, Suntharasamai P, Sangkum U, Mock PA, Leethochawalit M, Chiamwongpaet S, Kitisin P, Natrujirote P, Kittimunkong S, Chuachoowong R, Gvetadze RJ, McNicholl JM, Paxton LA, Curlin ME, Hendrix CW, Vanichseni S (tháng 6 năm 2013), "Antiretroviral prophylaxis for HIV infection in injecting drug users in Bangkok, Thailand (the Bangkok Tenofovir Study): a randomised, double-blind, placebo-controlled phase 3 trial", The Lancet, 381 (9883): 2083–90, doi:10.1016/S0140-6736(13)61127-7, PMID 23769234, S2CID 5831642
- ↑ US Preventive Services Task, Force.; Owens, DK; Davidson, KW; Krist, AH; Barry, MJ; Cabana, M; Caughey, AB; Curry, SJ; Doubeni, CA; Epling JW, Jr; Kubik, M; Landefeld, CS; Mangione, CM; Pbert, L; Silverstein, M; Simon, MA; Tseng, CW; Wong, JB (ngày 11 tháng 6 năm 2019), "Preexposure Prophylaxis for the Prevention of HIV Infection: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement.", JAMA, 321 (22): 2203–2213, doi:10.1001/jama.2019.6390, PMID 31184747
- ↑ Centers for Disease Control (CDC) (tháng 8 năm 1987), "Recommendations for prevention of HIV transmission in health-care settings", MMWR Supplements, 36 (2): 1S–18S, PMID 3112554, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 7 9, 2017
- ↑ a b Kurth AE, Celum C, Baeten JM, Vermund SH, Wasserheit JN (tháng 3 năm 2011), "Combination HIV prevention: significance, challenges, and opportunities", Current HIV/AIDS Reports, 8 (1): 62–72, doi:10.1007/s11904-010-0063-3, PMC 3036787, PMID 20941553
- ↑ MacArthur GJ, Minozzi S, Martin N, Vickerman P, Deren S, Bruneau J, Degenhardt L, Hickman M (tháng 10 năm 2012), "Opiate substitution treatment and HIV transmission in people who inject drugs: systematic review and meta-analysis", BMJ, 345 (oct03 3): e5945, doi:10.1136/bmj.e5945, PMC 3489107, PMID 23038795
- ↑ a b "HIV exposure through contact with body fluids", Prescrire International, 21 (126): 100–01, 103–05, tháng 4 năm 2012, PMID 22515138
- ↑ Kuhar DT, Henderson DK, Struble KA, Heneine W, Thomas V, Cheever LW, Gomaa A, Panlilio AL (tháng 9 năm 2013), "Updated US Public Health Service guidelines for the management of occupational exposures to human immunodeficiency virus and recommendations for postexposure prophylaxis", Infection Control and Hospital Epidemiology, 34 (9): 875–92, doi:10.1086/672271, PMID 23917901, S2CID 17032413
- ↑ Linden JA (tháng 9 năm 2011), "Clinical practice. Care of the adult patient after sexual assault", The New England Journal of Medicine, 365 (9): 834–41, doi:10.1056/NEJMcp1102869, PMID 21879901, S2CID 8388126
- ↑ Young TN, Arens FJ, Kennedy GE, Laurie JW, Rutherford GW (tháng 1 năm 2007), Young T (bt.), "Antiretroviral post-exposure prophylaxis (PEP) for occupational HIV exposure", The Cochrane Database of Systematic Reviews (1): CD002835, doi:10.1002/14651858.CD002835.pub3, PMID 17253483
- ↑ Siegfried N, van der Merwe L, Brocklehurst P, Sint TT (tháng 7 năm 2011), Siegfried N (bt.), "Antiretrovirals for reducing the risk of mother-to-child transmission of HIV infection", The Cochrane Database of Systematic Reviews (7): CD003510, doi:10.1002/14651858.CD003510.pub3, PMID 21735394
- ↑ WHO HIV and Infant Feeding Technical Consultation Held on behalf of the Inter-agency Task Team (IATT) on Prevention of HIV – Infections in Pregnant Women, Mothers and their Infants – Consensus statement (PDF), ngày 25–27 tháng 10 năm 2006, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 9 tháng 4 năm 2008, truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008CS1 maint: date format (link)
- ↑ Horvath T, Madi BC, Iuppa IM, Kennedy GE, Rutherford G, Read JS (tháng 1 năm 2009), Horvath T (bt.), "Interventions for preventing late postnatal mother-to-child transmission of HIV", The Cochrane Database of Systematic Reviews (1): CD006734, doi:10.1002/14651858.CD006734.pub2, PMC 7389566, PMID 19160297
- ↑ WHO validates elimination of mother-to-child transmission of HIV and syphilis in Cuba, World Health Organization, tháng 6 30, 2015, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 4, 2015, truy cập tháng 8 30, 2015
- ↑ Reynell L, Trkola A (tháng 3 năm 2012), "HIV vaccines: an attainable goal?", Swiss Medical Weekly, 142: w13535, doi:10.4414/smw.2012.13535, PMID 22389197
- ↑ May MT, Ingle SM (tháng 12 năm 2011), "Life expectancy of HIV-positive adults: a review", Sexual Health, 8 (4): 526–33, doi:10.1071/SH11046, PMID 22127039
- ↑ a b UNAIDS 2011 pg. 1–10
- ↑ Davis, Nicola (ngày 8 tháng 3 năm 2020), "Second Person Ever to Be Cleared of HIV Reveals Identity", The Guardian, truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2020
- ↑ Mateo-Urdiales, Alberto; Johnson, Samuel; Smith, Rhodine; Nachega, Jean B; Eshun-Wilson, Ingrid (ngày 17 tháng 6 năm 2019), Cochrane Infectious Diseases Group (bt.), "Rapid initiation of antiretroviral therapy for people living with HIV", Cochrane Database of Systematic Reviews (trong English), 6: CD012962, doi:10.1002/14651858.CD012962.pub2, PMC 6575156, PMID 31206168
- ↑ a b c d Antiretroviral therapy for HIV infection in adults and adolescents: recommendations for a public health approach (PDF), World Health Organization, 2010, tr. 19–20, ISBN 978-92-4-159976-4, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 7 9, 2012
- ↑ a b Consolidated guidelines on the use of antiretroviral drugs for treating and preventing HIV infection (PDF), World Health Organization, 2013, tr. 28–30, ISBN 978-92-4-150572-7, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 2 9, 2014
- ↑ UPDATE OF RECOMMENDATIONS ON FIRST- AND SECOND-LINE ANTIRETROVIRAL REGIMENS (PDF), World Health Organization, tháng 7 năm 2019, truy cập ngày 16 tháng 11 năm 2019
- ↑ Marrazzo JM, del Rio C, Holtgrave DR, Cohen MS, Kalichman SC, Mayer KH, Montaner JS, Wheeler DP, Grant RM, Grinsztejn B, Kumarasamy N, Shoptaw S, Walensky RP, Dabis F, Sugarman J, Benson CA (ngày 23–30 tháng 7 năm 2014), "HIV prevention in clinical care settings: 2014 recommendations of the International Antiviral Society–USA Panel", JAMA, 312 (4): 390–409, doi:10.1001/jama.2014.7999, PMC 6309682, PMID 25038358CS1 maint: date format (link)
- ↑ "Guidelines for the Use of Antiretroviral Agents in HIV-1-Infected Adults and Adolescents" (PDF), Department of Health and Human Services, tr. i, tháng 2 12, 2013, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 11 1, 2016, truy cập tháng 1 3, 2014
- ↑ Sterne JA, May M, Costagliola D, de Wolf F, Phillips AN, Harris R, Funk MJ, Geskus RB, Gill J, Dabis F, Miró JM, Justice AC, Ledergerber B, Fätkenheuer G, Hogg RS, Monforte AD, Saag M, Smith C, Staszewski S, Egger M, Cole SR (tháng 4 năm 2009), "Timing of initiation of antiretroviral therapy in AIDS-free HIV-1-infected patients: a collaborative analysis of 18 HIV cohort studies", The Lancet, 373 (9672): 1352–63, doi:10.1016/S0140-6736(09)60612-7, PMC 2670965, PMID 19361855
- ↑ Beard J, Feeley F, Rosen S (tháng 11 năm 2009), "Economic and quality of life outcomes of antiretroviral therapy for HIV/AIDS in developing countries: a systematic literature review", AIDS Care, 21 (11): 1343–56, doi:10.1080/09540120902889926, PMID 20024710, S2CID 21883819
- ↑ Attia S, Egger M, Müller M, Zwahlen M, Low N (tháng 7 năm 2009), "Sexual transmission of HIV according to viral load and antiretroviral therapy: systematic review and meta-analysis", AIDS, 23 (11): 1397–404, doi:10.1097/QAD.0b013e32832b7dca, PMID 19381076, S2CID 12221693
- ↑ Orrell C (tháng 11 năm 2005), "Antiretroviral adherence in a resource-poor setting", Current HIV/AIDS Reports, 2 (4): 171–76, doi:10.1007/s11904-005-0012-8, PMID 16343374, S2CID 44808279
- ↑ Malta M, Strathdee SA, Magnanini MM, Bastos FI (tháng 8 năm 2008), "Adherence to antiretroviral therapy for human immunodeficiency virus/acquired immune deficiency syndrome among drug users: a systematic review", Addiction, 103 (8): 1242–57, doi:10.1111/j.1360-0443.2008.02269.x, PMID 18855813
- ↑ Nachega JB, Marconi VC, van Zyl GU, Gardner EM, Preiser W, Hong SY, Mills EJ, Gross R (tháng 4 năm 2011), "HIV treatment adherence, drug resistance, virologic failure: evolving concepts", Infectious Disorders Drug Targets, 11 (2): 167–74, doi:10.2174/187152611795589663, PMC 5072419, PMID 21406048
- ↑ Orsi F, d'Almeida C (tháng 5 năm 2010), "Soaring antiretroviral prices, TRIPS and TRIPS flexibilities: a burning issue for antiretroviral treatment scale-up in developing countries", Current Opinion in HIV and AIDS, 5 (3): 237–41, doi:10.1097/COH.0b013e32833860ba, PMID 20539080, S2CID 205565246
- ↑ a b c Montessori V, Press N, Harris M, Akagi L, Montaner JS (tháng 1 năm 2004), "Adverse effects of antiretroviral therapy for HIV infection", Canadian Medical Association Journal, 170 (2): 229–38, PMC 315530, PMID 14734438
- ↑ a b c Burgoyne RW, Tan DH (tháng 3 năm 2008), "Prolongation and quality of life for HIV-infected adults treated with highly active antiretroviral therapy (HAART): a balancing act", Journal of Antimicrobial Chemotherapy, 61 (3): 469–73, doi:10.1093/jac/dkm499, PMID 18174196
- ↑ Barbaro G, Barbarini G (tháng 12 năm 2011), "Human immunodeficiency virus & cardiovascular risk", The Indian Journal of Medical Research, 134 (6): 898–903, doi:10.4103/0971-5916.92634, PMC 3284097, PMID 22310821
- ↑ "Summary of recommendations on when to start ART in children" (PDF), Consolidated ARV guidelines, June 2013, tháng 6 năm 2013, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 10 18, 2014
- ↑ "Guidelines for the Use of Antiretroviral Agents in Pediatric HIV Infection" (PDF), Department of Health and Human Services, February 2014, tháng 3 năm 2014, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 9 14, 2015
- ↑ a b c "First long-acting injectable antiretroviral therapy for HIV recommended approval", European Medicines Agency (EMA), ngày 16 tháng 10 năm 2020, truy cập ngày 16 tháng 10 năm 2020 Text was copied from this source which is © European Medicines Agency. Reproduction is authorized provided the source is acknowledged.
- ↑ "FDA Approves First Extended-Release, Injectable Drug Regimen for Adults Living with HIV", U.S. Food and Drug Administration (FDA), ngày 21 tháng 1 năm 2021, truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2021 Bản mẫu:PD-notice
- ↑ Mandavilli, Apoorva (ngày 21 tháng 1 năm 2021), "F.D.A. Approves Monthly Shots to Treat H.I.V.", The New York Times, truy cập ngày 22 tháng 1 năm 2021
- ↑ "Guidelines for intensified tuberculosis case-finding and isoniazid preventive therapy for people living with HIV in resource-constrained settings" (PDF), Department of HIV/AIDS, World Health Organization 2011, 2011, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 10 19, 2014
- ↑ Vonasek, Bryan; Ness, Tara; Takwoingi, Yemisi; Kay, Alexander W; van Wyk, Susanna S; Ouellette, Lara; Marais, Ben J; Steingart, Karen R; Mandalakas, Anna M (ngày 28 tháng 6 năm 2021), "Screening tests for active pulmonary tuberculosis in children", Cochrane Database of Systematic Reviews (trong English), 2021 (6), doi:10.1002/14651858.CD013693.pub2, ISSN 1465-1858, PMC 8237391, PMID 34180536
- ↑ Laurence J (tháng 1 năm 2006), "Hepatitis A and B virus immunization in HIV-infected persons", The AIDS Reader, 16 (1): 15–17, PMID 16433468
- ↑ a b UNAIDS 2011 pg. 150–160
- ↑ Huang L, Cattamanchi A, Davis JL, den Boon S, Kovacs J, Meshnick S, Miller RF, Walzer PD, Worodria W, Masur H (tháng 6 năm 2011), "HIV-associated Pneumocystis pneumonia", Proceedings of the American Thoracic Society, 8 (3): 294–300, doi:10.1513/pats.201009-062WR, PMC 3132788, PMID 21653531
- ↑ Treating opportunistic infections among HIV-infected adults and adolescents. Recommendations from CDC, the National Institutes of Health, and the HIV Medicine Association/Infectious Diseases Society of America, Department of Health and Human Services, ngày 2 tháng 2 năm 2007, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 27 tháng 7 năm 2018, truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2018
- ↑ Beck CR, McKenzie BC, Hashim AB, Harris RC, Zanuzdana A, Agboado G, et al. (tháng 9 năm 2013), "Influenza vaccination for immunocompromised patients: summary of a systematic review and meta-analysis", Influenza and Other Respiratory Viruses, 7 Suppl 2: 72–75, doi:10.1111/irv.12084, PMC 5909396, PMID 24034488
- ↑ Lee KY, Tsai MS, Kuo KC, Tsai JC, Sun HY, Cheng AC, Chang SY, Lee CH, Hung CC (2014), "Pneumococcal vaccination among HIV-infected adult patients in the era of combination antiretroviral therapy", Human Vaccines & Immunotherapeutics, 10 (12): 3700–10, doi:10.4161/hv.32247, PMC 4514044, PMID 25483681
- ↑ a b World Health Organization (tháng 5 năm 2003), Nutrient requirements for people living with HIV/AIDS: Report of a technical consultation (PDF), Geneva, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 25 tháng 3 năm 2009, truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2009
- ↑ Nunnari G, Coco C, Pinzone MR, Pavone P, Berretta M, Di Rosa M, Schnell M, Calabrese G, Cacopardo B (tháng 6 năm 2012), "The role of micronutrients in the diet of HIV-1-infected individuals", Frontiers in Bioscience, 4 (7): 2442–56, doi:10.2741/e556, PMID 22652651, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 4 16, 2015
- ↑ Forrester JE, Sztam KA (tháng 12 năm 2011), "Micronutrients in HIV/AIDS: is there evidence to change the WHO 2003 recommendations?", The American Journal of Clinical Nutrition, 94 (6): 1683S–1689S, doi:10.3945/ajcn.111.011999, PMC 3226021, PMID 22089440
- ↑ Nunnari G, Coco C, Pinzone MR, Pavone P, Berretta M, Di Rosa M, Schnell M, Calabrese G, Cacopardo B (tháng 6 năm 2012), "The role of micronutrients in the diet of HIV-1-infected individuals", Frontiers in Bioscience, 4 (7): 2442–56, doi:10.2741/e556, PMID 22652651, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 4 16, 2015
- ↑ Zeng L, Zhang L (tháng 12 năm 2011), "Efficacy and safety of zinc supplementation for adults, children and pregnant women with HIV infection: systematic review", Tropical Medicine & International Health, 16 (12): 1474–82, doi:10.1111/j.1365-3156.2011.02871.x, PMID 21895892, S2CID 6711255
- ↑ Visser ME, Durao S, Sinclair D, Irlam JH, Siegfried N (tháng 5 năm 2017), "Micronutrient supplementation in adults with HIV infection", The Cochrane Database of Systematic Reviews, 5: CD003650, doi:10.1002/14651858.CD003650.pub4, PMC 5458097, PMID 28518221
- ↑ Stone CA, Kawai K, Kupka R, Fawzi WW (tháng 11 năm 2010), "Role of selenium in HIV infection", Nutrition Reviews, 68 (11): 671–81, doi:10.1111/j.1753-4887.2010.00337.x, PMC 3066516, PMID 20961297
- ↑ a b Siegfried N, Irlam JH, Visser ME, Rollins NN (tháng 3 năm 2012), "Micronutrient supplementation in pregnant women with HIV infection", The Cochrane Database of Systematic Reviews (3): CD009755, doi:10.1002/14651858.CD009755, PMID 22419344
- ↑ Irlam JH, Siegfried N, Visser ME, Rollins NC (tháng 10 năm 2013), "Micronutrient supplementation for children with HIV infection", The Cochrane Database of Systematic Reviews (10): CD010666, doi:10.1002/14651858.CD010666, PMID 24114375
- ↑ Littlewood RA, Vanable PA (tháng 9 năm 2008), "Complementary and alternative medicine use among HIV-positive people: research synthesis and implications for HIV care", AIDS Care, 20 (8): 1002–18, doi:10.1080/09540120701767216, PMC 2570227, PMID 18608078
- ↑ Mills E, Wu P, Ernst E (tháng 6 năm 2005), "Complementary therapies for the treatment of HIV: in search of the evidence", International Journal of STD & AIDS, 16 (6): 395–403, doi:10.1258/0956462054093962, PMID 15969772, S2CID 7411052
- ↑ Liu JP, Manheimer E, Yang M (tháng 7 năm 2005), Liu JP (bt.), "Herbal medicines for treating HIV infection and AIDS", The Cochrane Database of Systematic Reviews (3): CD003937, doi:10.1002/14651858.CD003937.pub2, PMID 16034917
- ↑ Lutge EE, Gray A, Siegfried N (tháng 4 năm 2013), "The medical use of cannabis for reducing morbidity and mortality in patients with HIV/AIDS", The Cochrane Database of Systematic Reviews, 4 (4): CD005175, doi:10.1002/14651858.CD005175.pub3, PMID 23633327
- ↑ a b c Knoll B, Lassmann B, Temesgen Z (tháng 12 năm 2007), "Current status of HIV infection: a review for non-HIV-treating physicians", International Journal of Dermatology, 46 (12): 1219–28, doi:10.1111/j.1365-4632.2007.03520.x, PMID 18173512, S2CID 26248996
- ↑ a b Morgan D, Mahe C, Mayanja B, Okongo JM, Lubega R, Whitworth JA (tháng 3 năm 2002), "HIV-1 infection in rural Africa: is there a difference in median time to AIDS and survival compared with that in industrialized countries?", AIDS, 16 (4): 597–603, doi:10.1097/00002030-200203080-00011, PMID 11873003, S2CID 35450422
- ↑ Zwahlen M, Egger M (2006), Progression and mortality of untreated HIV-positive individuals living in resource-limited settings: update of literature review and evidence synthesis (PDF), UNAIDS Obligation HQ/05/422204, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc ngày 9 tháng 4 năm 2008, truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2008
- ↑ a b Antiretroviral Therapy Cohort Collaboration (tháng 7 năm 2008), "Life expectancy of individuals on combination antiretroviral therapy in high-income countries: a collaborative analysis of 14 cohort studies", The Lancet, 372 (9635): 293–99, doi:10.1016/S0140-6736(08)61113-7, PMC 3130543, PMID 18657708
- ↑ Schackman BR, Gebo KA, Walensky RP, Losina E, Muccio T, Sax PE, Weinstein MC, Seage GR, Moore RD, Freedberg KA (tháng 11 năm 2006), "The lifetime cost of current human immunodeficiency virus care in the United States", Medical Care, 44 (11): 990–97, doi:10.1097/01.mlr.0000228021.89490.2a, PMID 17063130, S2CID 21175266
- ↑ van Sighem AI, Gras LA, Reiss P, Brinkman K, de Wolf F (tháng 6 năm 2010), "Life expectancy of recently diagnosed asymptomatic HIV-infected patients approaches that of uninfected individuals", AIDS, 24 (10): 1527–35, doi:10.1097/QAD.0b013e32833a3946, PMID 20467289, S2CID 205987336
- ↑ Smith, Blaine T., bt. (2008), Concepts in immunology and immunotherapeutics (lxb. 4th), Bethesda, MD: American Society of Health-System Pharmacists, tr. 143, ISBN 978-1-58528-127-5, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 11 28, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ a b Cheung MC, Pantanowitz L, Dezube BJ (tháng 6–tháng 7 năm 2005), "AIDS-related malignancies: emerging challenges in the era of highly active antiretroviral therapy", The Oncologist, 10 (6): 412–26, CiteSeerX 10.1.1.561.4760, doi:10.1634/theoncologist.10-6-412, PMID 15967835
- ↑ Tang J, Kaslow RA (2003), "The impact of host genetics on HIV infection and disease progression in the era of highly active antiretroviral therapy", AIDS, 17 Suppl 4 (Suppl 4): S51–60, doi:10.1097/00002030-200317004-00006, PMID 15080180
- ↑ Lawn SD (tháng 1 năm 2004), "AIDS in Africa: the impact of coinfections on the pathogenesis of HIV-1 infection", The Journal of Infection, 48 (1): 1–12, doi:10.1016/j.jinf.2003.09.001, PMID 14667787
- ↑ Campbell GR, Pasquier E, Watkins J, Bourgarel-Rey V, Peyrot V, Esquieu D, Barbier P, de Mareuil J, Braguer D, Kaleebu P, Yirrell DL, Loret EP (tháng 11 năm 2004), "The glutamine-rich region of the HIV-1 Tat protein is involved in T-cell apoptosis", The Journal of Biological Chemistry, 279 (46): 48197–204, doi:10.1074/jbc.M406195200, PMID 15331610
- ↑ Campbell GR, Watkins JD, Esquieu D, Pasquier E, Loret EP, Spector SA (tháng 11 năm 2005), "The C terminus of HIV-1 Tat modulates the extent of CD178-mediated apoptosis of T cells", The Journal of Biological Chemistry, 280 (46): 38376–82, doi:10.1074/jbc.M506630200, PMID 16155003
- ↑ "Tuberculosis", Fact sheet 104, World Health Organization, tháng 3 năm 2012, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 8 23, 2012, truy cập tháng 8 29, 2012
- ↑ World Health Organization (2011), Global tuberculosis control 2011 (PDF), ISBN 978-92-4-156438-0, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) ngày 6 tháng 9 năm 2012, truy cập ngày 29 tháng 8 năm 2012
- ↑ Rubin R, Strayer DS, Rubin E, bt. (2011), Rubin's pathology: clinicopathologic foundations of medicine (lxb. Sixth), Philadelphia: Wolters Kluwer Health/Lippincott Williams & Wilkins, tr. 154, ISBN 978-1-60547-968-2, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 24, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Nelson VM, Benson AB (tháng 1 năm 2017), "Epidemiology of Anal Canal Cancer", Surgical Oncology Clinics of North America, 26 (1): 9–15, doi:10.1016/j.soc.2016.07.001, PMID 27889039
- ↑ Woods SP, Moore DJ, Weber E, Grant I (tháng 6 năm 2009), "Cognitive neuropsychology of HIV-associated neurocognitive disorders", Neuropsychology Review, 19 (2): 152–68, doi:10.1007/s11065-009-9102-5, PMC 2690857, PMID 19462243
- ↑ Brown TT, Qaqish RB (tháng 11 năm 2006), "Antiretroviral therapy and the prevalence of osteopenia and osteoporosis: a meta-analytic review", AIDS, 20 (17): 2165–74, doi:10.1097/QAD.0b013e32801022eb, PMID 17086056, S2CID 19217950
- ↑ Nicholas PK, Kemppainen JK, Canaval GE, Corless IB, Sefcik EF, Nokes KM, Bain CA, Kirksey KM, Eller LS, Dole PJ, Hamilton MJ, Coleman CL, Holzemer WL, Reynolds NR, Portillo CJ, Bunch EH, Wantland DJ, Voss J, Phillips R, Tsai YF, Mendez MR, Lindgren TG, Davis SM, Gallagher DM (tháng 2 năm 2007), "Symptom management and self-care for peripheral neuropathy in HIV/AIDS", AIDS Care, 19 (2): 179–89, doi:10.1080/09540120600971083, PMID 17364396, S2CID 30220269
- ↑ Boshoff C, Weiss R (tháng 5 năm 2002), "AIDS-related malignancies", Nature Reviews. Cancer, 2 (5): 373–82, doi:10.1038/nrc797, PMID 12044013, S2CID 13513517
- ↑ Yarchoan R, Tosato G, Little RF (tháng 8 năm 2005), "Therapy insight: AIDS-related malignancies – the influence of antiviral therapy on pathogenesis and management", Nature Clinical Practice Oncology, 2 (8): 406–15, quiz 423, doi:10.1038/ncponc0253, PMID 16130937, S2CID 23476060
- ↑ Post FA, Holt SG (tháng 2 năm 2009), "Recent developments in HIV and the kidney", Current Opinion in Infectious Diseases, 22 (1): 43–48, doi:10.1097/QCO.0b013e328320ffec, PMID 19106702, S2CID 23085633
- ↑ Cohen MS, Hellmann N, Levy JA, DeCock K, Lange J (tháng 4 năm 2008), "The spread, treatment, and prevention of HIV-1: evolution of a global pandemic", The Journal of Clinical Investigation, 118 (4): 1244–54, doi:10.1172/JCI34706, PMC 2276790, PMID 18382737
- ↑ a b c "Fact sheet – Latest statistics on the status of the AIDS epidemic | UNAIDS", www.unaids.org, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 7 13, 2017, truy cập tháng 7 21, 2017
- ↑ "UNAIDS reports a 52% reduction in new HIV infections among children and a combined 33% reduction among adults and children since 2001", UNAIDS, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 10 1, 2013, truy cập tháng 10 7, 2013
- ↑ a b c d UNAIDS 2011 pg. 20–30
- ↑ a b c UNAIDS 2011 pp. 40–50
- ↑ a b c d Mandell, Bennett, and Dolan (2010). Chapter 117.
- ↑ New HIV infections among children have been reduced by 50% or more in seven countries in sub-Saharan Africa Lưu trữ tháng 6 30, 2013 tại Wayback Machine, UN AIDS, Geneva, June 25, 2013.
- ↑ Centers for Disease Control Prevention (CDC) (tháng 6 năm 2011), "HIV surveillance – United States, 1981–2008", Morbidity and Mortality Weekly Report, 60 (21): 689–93, PMID 21637182
- ↑ "Today's HIV/AIDS Epidemic Factsheet" (PDF), Centers for Disease Control and Prevention, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 12 19, 2016, truy cập tháng 12 31, 2016
- ↑ Public Health England (2016), HIV in the United Kingdom: 2016 Report (PDF), lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 4 25, 2017
- ↑ Surveillance; riques, Risk Assessment Division = Le VIH et le sida au Canada: rapport de surveillance en date du 31 décembre 2009 / Division de la surveillance et de l'évaluation des (2010), HIV and AIDS in Canada: surveillance report to December 31, 2009 (PDF), Ottawa: Public Health Agency of Canada, Centre for Communicable Diseases and Infection Control, Surveillance and Risk Assessment Division, ISBN 978-1-100-52141-1, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) tháng 1 19, 2012
- ↑ "Global Report Fact Sheet" (PDF), UNAIDS, 2010, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) ngày 19 tháng 3 năm 2013
- ↑ "Country Comparison :: HIV/AIDS – Adult Prevalence Rate", CIA World Factbook, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 12 21, 2014, truy cập tháng 11 6, 2014
- ↑ "30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam", hcdc.vn, 12 tháng 8 năm 2020, truy cập 31 tháng 7 năm 2021
- ↑ "Lịch sử hình thành và phát triển", vaac.gov.vn, Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, truy cập 31 tháng 7 năm 2021
- ↑ a b "A hidden HIV epidemic among women in Vietnam", BMC Public Health, ngày 28 tháng 1 năm 2008, doi:10.1186/1471-2458-8-37, PMC 2248180, PMID 18221565
- ↑ "Know Your Epidemic", unaids.org.vn, truy cập 31 tháng 7 năm 2021
- ↑ a b "Số liệu HIV/AIDS và tử vong, điều trị ARV đến hết năm 2020" (PDF), vaac.gov.vn, Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, truy cập 31 tháng 7 năm 2021
- ↑ "On this day", News & Record, tr. 2A, ngày 18 tháng 5 năm 2020
- ↑ Cloutier, Bill (ngày 17 tháng 5 năm 2020), "Today in History, May 18", Republican-American, truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2020
- ↑ "How I told the world about Aids", BBC News, ngày 5 tháng 6 năm 2006, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 12 tháng 2 năm 2019, truy cập ngày 12 tháng 2 năm 2019
- ↑ Gottlieb MS (tháng 6 năm 2006), "Pneumocystis pneumonia – Los Angeles. 1981", American Journal of Public Health, 96 (6): 980–81, discussion 982–83, doi:10.2105/AJPH.96.6.980, PMC 1470612, PMID 16714472, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 22 tháng 4 năm 2009
- ↑ Friedman-Kien AE (tháng 10 năm 1981), "Disseminated Kaposi's sarcoma syndrome in young homosexual men", Journal of the American Academy of Dermatology, 5 (4): 468–71, doi:10.1016/S0190-9622(81)80010-2, PMID 7287964
- ↑ Hymes KB, Cheung T, Greene JB, Prose NS, Marcus A, Ballard H, William DC, Laubenstein LJ (tháng 9 năm 1981), "Kaposi's sarcoma in homosexual men-a report of eight cases", The Lancet, 2 (8247): 598–600, doi:10.1016/S0140-6736(81)92740-9, PMID 6116083, S2CID 43529542
- ↑ a b Basavapathruni A, Anderson KS (tháng 12 năm 2007), "Reverse transcription of the HIV-1 pandemic", FASEB Journal, 21 (14): 3795–808, doi:10.1096/fj.07-8697rev, PMID 17639073, S2CID 24960391
- ↑ Centers for Disease Control (CDC) (tháng 5 năm 1982), "Persistent, generalized lymphadenopathy among homosexual males", Morbidity and Mortality Weekly Report, 31 (19): 249–51, PMID 6808340, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 10 18, 2011
- ↑ Barré-Sinoussi F, Chermann JC, Rey F, Nugeyre MT, Chamaret S, Gruest J, Dauguet C, Axler-Blin C, Vézinet-Brun F, Rouzioux C, Rozenbaum W, Montagnier L (tháng 5 năm 1983), "Isolation of a T-lymphotropic retrovirus from a patient at risk for acquired immune deficiency syndrome (AIDS)", Science, 220 (4599): 868–71, Bibcode:1983Sci...220..868B, doi:10.1126/science.6189183, PMID 6189183, S2CID 390173
- ↑ a b Centers for Disease Control (CDC) (tháng 7 năm 1982), "Opportunistic infections and Kaposi's sarcoma among Haitians in the United States", Morbidity and Mortality Weekly Report, 31 (26): 353–54, 360–61, PMID 6811853, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 20, 2011
- ↑ Gilman, Sander L (1987), Gilman, Sander L. (bt.), "AIDS and Syphilis: The Iconography of Disease", October, 43: 87–107, doi:10.2307/3397566, JSTOR 3397566
- ↑ Making Headway Under Hellacious Circumstances (PDF), American Association for the Advancement of Science, tháng 7 28, 2006, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 6 24, 2008, truy cập tháng 6 23, 2008
- ↑ Altman LK (tháng 5 11, 1982), "New homosexual disorder worries health officials", The New York Times, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 4 30, 2013, truy cập tháng 8 31, 2011
- ↑ Kher U (ngày 27 tháng 7 năm 1982), "A Name for the Plague", Time, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 7 tháng 3 năm 2008, truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008
- ↑ Centers for Disease Control (CDC) (tháng 9 năm 1982), "Update on acquired immune deficiency syndrome (AIDS) – United States", Morbidity and Mortality Weekly Report, 31 (37): 507–08, 513–14, PMID 6815471
- ↑ Gallo RC, Sarin PS, Gelmann EP, Robert-Guroff M, Richardson E, Kalyanaraman VS, Mann D, Sidhu GD, Stahl RE, Zolla-Pazner S, Leibowitch J, Popovic M (tháng 5 năm 1983), "Isolation of human T-cell leukemia virus in acquired immune deficiency syndrome (AIDS)", Science, 220 (4599): 865–67, Bibcode:1983Sci...220..865G, doi:10.1126/science.6601823, PMID 6601823
- ↑ Barré-Sinoussi F, Chermann JC, Rey F, Nugeyre MT, Chamaret S, Gruest J, Dauguet C, Axler-Blin C, Vézinet-Brun F, Rouzioux C, Rozenbaum W, Montagnier L (tháng 5 năm 1983), "Isolation of a T-lymphotropic retrovirus from a patient at risk for acquired immune deficiency syndrome (AIDS)", Science, 220 (4599): 868–71, Bibcode:1983Sci...220..868B, doi:10.1126/science.6189183, PMID 6189183, S2CID 390173
- ↑ Aldrich R, Wotherspoon G, bt. (2001), Who's who in gay and lesbian history, London: Routledge, tr. 154, ISBN 978-0-415-22974-6, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 11, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Gao F, Bailes E, Robertson DL, Chen Y, Rodenburg CM, Michael SF, Cummins LB, Arthur LO, Peeters M, Shaw GM, Sharp PM, Hahn BH (tháng 2 năm 1999), "Origin of HIV-1 in the chimpanzee Pan troglodytes troglodytes", Nature, 397 (6718): 436–41, Bibcode:1999Natur.397..436G, doi:10.1038/17130, PMID 9989410, S2CID 4432185
- ↑ Keele BF, Van Heuverswyn F, Li Y, Bailes E, Takehisa J, Santiago ML, Bibollet-Ruche F, Chen Y, Wain LV, Liegeois F, Loul S, Ngole EM, Bienvenue Y, Delaporte E, Brookfield JF, Sharp PM, Shaw GM, Peeters M, Hahn BH (tháng 7 năm 2006), "Chimpanzee reservoirs of pandemic and nonpandemic HIV-1", Science, 313 (5786): 523–26, Bibcode:2006Sci...313..523K, doi:10.1126/science.1126531, PMC 2442710, PMID 16728595
- ↑ Goodier JL, Kazazian HH (tháng 10 năm 2008), "Retrotransposons revisited: the restraint and rehabilitation of parasites", Cell, 135 (1): 23–35, doi:10.1016/j.cell.2008.09.022, PMID 18854152, S2CID 3093360(subscription required)
- ↑ Sharp PM, Bailes E, Chaudhuri RR, Rodenburg CM, Santiago MO, Hahn BH (tháng 6 năm 2001), "The origins of acquired immune deficiency syndrome viruses: where and when?", Philosophical Transactions of the Royal Society of London. Series B, Biological Sciences, 356 (1410): 867–76, doi:10.1098/rstb.2001.0863, PMC 1088480, PMID 11405934
- ↑ Kalish ML, Wolfe ND, Ndongmo CB, McNicholl J, Robbins KE, Aidoo M, Fonjungo PN, Alemnji G, Zeh C, Djoko CF, Mpoudi-Ngole E, Burke DS, Folks TM (tháng 12 năm 2005), "Central African hunters exposed to simian immunodeficiency virus", Emerging Infectious Diseases, 11 (12): 1928–30, doi:10.3201/eid1112.050394, PMC 3367631, PMID 16485481
- ↑ a b Marx PA, Alcabes PG, Drucker E (tháng 6 năm 2001), "Serial human passage of simian immunodeficiency virus by unsterile injections and the emergence of epidemic human immunodeficiency virus in Africa", Philosophical Transactions of the Royal Society of London. Series B, Biological Sciences, 356 (1410): 911–20, doi:10.1098/rstb.2001.0867, PMC 1088484, PMID 11405938
- ↑ Worobey M, Gemmel M, Teuwen DE, Haselkorn T, Kunstman K, Bunce M, Muyembe JJ, Kabongo JM, Kalengayi RM, Van Marck E, Gilbert MT, Wolinsky SM (tháng 10 năm 2008), "Direct evidence of extensive diversity of HIV-1 in Kinshasa by 1960", Nature, 455 (7213): 661–64, Bibcode:2008Natur.455..661W, doi:10.1038/nature07390, PMC 3682493, PMID 18833279 (subscription required)
- ↑ a b de Sousa JD, Müller V, Lemey P, Vandamme AM (tháng 4 năm 2010), Martin DP (bt.), "High GUD incidence in the early 20th century created a particularly permissive time window for the origin and initial spread of epidemic HIV strains", PLOS One, 5 (4): e9936, Bibcode:2010PLoSO...5.9936S, doi:10.1371/journal.pone.0009936, PMC 2848574, PMID 20376191
- ↑ Chitnis A, Rawls D, Moore J (tháng 1 năm 2000), "Origin of HIV type 1 in colonial French Equatorial Africa?", AIDS Research and Human Retroviruses, 16 (1): 5–8, doi:10.1089/088922200309548, PMID 10628811, S2CID 17783758(subscription required)
- ↑ Donald G. McNeil, Jr. (tháng 9 16, 2010), "Precursor to H.I.V. Was in Monkeys for Millennia", The New York Times, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 11, 2011, truy cập tháng 9 17, 2010,
Dr. Marx believes that the crucial event was the introduction into Africa of millions of inexpensive, mass-produced syringes in the 1950s. ... suspect that the growth of colonial cities is to blame. Before 1910, no Central African town had more than 10,000 people. But urban migration rose, increasing sexual contacts and leading to red-light districts.
- ↑ Zhu T, Korber BT, Nahmias AJ, Hooper E, Sharp PM, Ho DD (tháng 2 năm 1998), "An African HIV-1 sequence from 1959 and implications for the origin of the epidemic", Nature, 391 (6667): 594–97, Bibcode:1998Natur.391..594Z, doi:10.1038/35400, PMID 9468138, S2CID 4416837
- ↑ "Forty years after first documented AIDS cases, survivors reckon with 'dichotomy of feelings'", NBC News (trong English), truy cập ngày 6 tháng 6 năm 2021
- ↑ Lederberg J, bt. (2000), Encyclopedia of Microbiology (lxb. 2nd), Burlington, MA: Elsevier, tr. 106, ISBN 978-0-08-054848-7, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 10, 2017, truy cập tháng 12 12, 2016
- ↑ Jackson, Regine O., bt. (2011), Geographies of the Haitian Diaspora, Routledge, tr. 12, ISBN 978-0-415-88708-3, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 9, 2016, truy cập tháng 3 13, 2016
- ↑ a b Pépin, Jacques (2011), The Origin of Aids, Cambridge University Press, tr. 188, ISBN 978-0-521-18637-7, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 9, 2016, truy cập tháng 3 13, 2016
- ↑ a b Gilbert MT, Rambaut A, Wlasiuk G, Spira TJ, Pitchenik AE, Worobey M (tháng 11 năm 2007), "The emergence of HIV/AIDS in the Americas and beyond", Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 104 (47): 18566–70, Bibcode:2007PNAS..10418566G, doi:10.1073/pnas.0705329104, PMC 2141817, PMID 17978186
- ↑ "Ryan White, an American AIDS Victim", Encyclopædia Britannica, tháng 11 7, 2013, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 7 22, 2015, truy cập tháng 7 16, 2015
- ↑ Ogden J, Nyblade L (2005), "Common at its core: HIV-related stigma across contexts" (PDF), International Center for Research on Women, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) tháng 2 17, 2007, truy cập tháng 2 15, 2007
- ↑ Sharma, A.K. (2012), Population and society, New Delhi: Concept Pub. Co., tr. 242, ISBN 978-81-8069-818-7, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 24, 2015, truy cập tháng 6 27, 2015
- ↑ Herek GM, Capitanio JP, Widaman KF (tháng 3 năm 2002), "HIV-related stigma and knowledge in the United States: prevalence and trends, 1991–1999", American Journal of Public Health, 92 (3): 371–77, doi:10.2105/AJPH.92.3.371, PMC 1447082, PMID 11867313
- ↑ Lỗi chú thích: Thẻ
<ref>
sai; không có nội dung trong thẻ ref có tênHerek1999
- ↑ De Cock KM, Jaffe HW, Curran JW (tháng 6 năm 2012), "The evolving epidemiology of HIV/AIDS", AIDS, 26 (10): 1205–13, doi:10.1097/QAD.0b013e328354622a, PMID 22706007, S2CID 30648421
- ↑ Bell C, Devarajan S, Gersbach H (2003), The long-run economic costs of AIDS: theory and an application to South Africa, World Bank Policy Research Working Paper No. 3152, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) tháng 6 5, 2013, truy cập tháng 4 28, 2008
- ↑ Robinson R, Okpo E, Mngoma N (tháng 5 năm 2015), "Interventions for improving employment outcomes for workers with HIV", The Cochrane Database of Systematic Reviews, 5 (5): CD010090, doi:10.1002/14651858.CD010090.pub2, hdl:2164/6021, PMID 26022149
- ↑ Greener R (2002), "AIDS and macroeconomic impact" (PDF), trong Forsyth S (bt.), State of The Art: AIDS and Economics, IAEN, tr. 49–55, lưu trữ (PDF) từ tài liệu gốc tháng 10 12, 2012
- ↑ "Rock Hudson announces he has AIDS – History.com This Day in History – 7/25/1985", History.com, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 12 27, 2011, truy cập tháng 11 1, 2011
- ↑ Coleman, Brian (tháng 6 25, 2007), "Thatcher the gay icon", New Statesman, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 11 14, 2011, truy cập tháng 11 1, 2011
- ↑ "November 24, 1991: Giant of rock dies", BBC On This Day, BBC News, ngày 24 tháng 11 năm 1991, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 21 tháng 10 năm 2011, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2011
- ↑ Anderson-Minshall, Diane (ngày 23 tháng 11 năm 2016), Freddie Mercury's Life Is the Story of HIV, Bisexuality, and Queer Identity, truy cập ngày 29 tháng 9 năm 2020
- ↑ "Tributes to Arthur Ashe", The Independent, London, tháng 2 8, 1993, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 11 11, 2012, truy cập tháng 7 24, 2012
- ↑ "HIV-Specific Criminal Laws", cdc.gov, tháng 6 30, 2014, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 10 31, 2014, truy cập tháng 11 22, 2014
- ↑ Aziga found guilty of first-degree murder, CTV.ca News, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 10 29, 2013, truy cập tháng 4 9, 2013
- ↑ HIV killer ruled dangerous offender, CBC News, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 9 3, 2012, truy cập tháng 4 9, 2013
- ↑ "A fraudster, not a murderer", National Post, tháng 3 30, 2010, lưu trữ từ nguyên tác tháng 5 15, 2016, truy cập tháng 4 9, 2013
- ↑ Groce, Nora E.; Trasi, Reshma (2004), "Rape of individuals with disability: AIDS and the folk belief of virgin cleansing", The Lancet, 363 (9422): 1663–1664, doi:10.1016/S0140-6736(04)16288-0, PMID 15158626, S2CID 34857351
- ↑ "HIV Public Knowledge and Attitudes 2014" (PDF), National AIDS Trust, tr. 9, tháng 11 năm 2014, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) tháng 2 12, 2015, truy cập tháng 2 12, 2015
- ↑ Blechner MJ (1997), Hope and mortality: psychodynamic approaches to AIDS and HIV, Hillsdale, NJ: Analytic Press, ISBN 978-0-88163-223-1
- ↑ Kirby DB, Laris BA, Rolleri LA (tháng 3 năm 2007), "Sex and HIV education programs: their impact on sexual behaviors of young people throughout the world", The Journal of Adolescent Health, 40 (3): 206–17, doi:10.1016/j.jadohealth.2006.11.143, PMID 17321420
- ↑ Duesberg P (tháng 7 năm 1988), "HIV is not the cause of AIDS", Science, 241 (4865): 514, 517, Bibcode:1988Sci...241..514D, doi:10.1126/science.3399880, PMID 3399880Cohen J (tháng 12 năm 1994), "The Duesberg phenomenon" (PDF), Science, 266 (5191): 1642–44, Bibcode:1994Sci...266.1642C, doi:10.1126/science.7992043, PMID 7992043, lưu trữ từ nguyên tác (PDF) tháng 1 1, 2007
- ↑ Kalichman, Seth (2009), Denying AIDS: Conspiracy Theories, Pseudoscience, and Human Tragedy, New York: Copernicus Books (Springer Science+Business Media), ISBN 978-0-387-79475-4
- ↑ Smith TC, Novella SP (tháng 8 năm 2007), "HIV denial in the Internet era", PLOS Medicine, 4 (8): e256, doi:10.1371/journal.pmed.0040256, PMC 1949841, PMID 17713982
- ↑ Various (tháng 1 14, 2010), Resources and Links, HIV-AIDS Connection, National Institute of Allergy and Infectious Diseases, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 4 7, 2010, truy cập tháng 2 22, 2009
- ↑ Watson J (tháng 1 năm 2006), "Scientists, activists sue South Africa's AIDS 'denialists'", Nature Medicine, 12 (1): 6, doi:10.1038/nm0106-6a, PMID 16397537, S2CID 3502309
- ↑ Baleta A (tháng 3 năm 2003), "S Africa's AIDS activists accuse government of murder", The Lancet, 361 (9363): 1105, doi:10.1016/S0140-6736(03)12909-1, PMID 12672319, S2CID 43699468
- ↑ Cohen J (tháng 6 năm 2000), "South Africa's new enemy", Science, 288 (5474): 2168–70, doi:10.1126/science.288.5474.2168, PMID 10896606, S2CID 2844528
- ↑ Boghardt, Thomas (2009), Operation INFEKTION Soviet Bloc Intelligence and Its AIDS Disinformation Campaign, Central Intelligence Agency, lưu trữ từ tài liệu gốc tháng 5 14, 2011
- ↑ "Indicators – Program Evaluation – CDC", www.cdc.gov (trong English), lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 23 tháng 8 năm 2018, truy cập ngày 24 tháng 8 năm 2018