Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Viêm họng

Viêm họng còn được gọi là đau họng, là tình trạng viêm đau của màng nhầy lót trong họng. Đau họng có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn hoặc do điều kiện môi trường.

Triệu chứng của bệnh viêm họng do virus. Phần miệng-hầu bị sưng phồng và đỏ tấy lên

Mô tả[sửa]

Viêm họng gặp ở hầu hết mọi đối tượng, trong đó trẻ nhỏ mắc bệnh thường xuyên hơn so với người trưởng thành. Đau họng xảy ra nhiều nhất trong những tháng mùa đông khi nhiễm trùng đường hô hấp trên (cảm lạnh) thường xuyên hơn.

Viêm họng có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Viêm họng cấp tính là phổ biến hơn, bệnh kéo dài từ ba đến khoảng bảy ngày. Đau họng mãn tính kéo dài lâu hơn và là biểu hiện của tình trạng hoặc bệnh cơ bản chưa được giải quyết.

Nguyên nhân và triệu chứng[sửa]

Đau họng có nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể có hoặc không kèm theo các triệu chứng cảm, sốt hoặc sưng hạch bạch huyết.

Viêm họng do virus[sửa]

Virus gây ra 90-95% tất cả các trường hợp viêm họng. Virus cảm lạnh và cúm là thủ phạm chính. Những loại virus này gây ra tình trạng viêm ở cổ họng và đôi khi là amidan (viêm amidan). Các triệu chứng cảm lạnh hầu như luôn đi kèm với đau họng do virus, bao gồm sổ mũi, ho, nghẹt mũi, khàn giọng, viêm kết mạc và sốt.

Một nhóm virus khác gây đau họng là adenovirus. Chúng cũng có thể gây nhiễm trùng phổi và tai. Các triệu chứng của bệnh do nhiễm trùng adenovirus bao gồm ho, chảy nước mũi, mụn trắng trên amidan và họng, đau bụng, tiêu chảy nhẹ, nôn mửa và phát ban. Đau họng kéo dài khoảng một tuần.

Viêm họng do vi khuẩn[sửa]

Có từ 5-10% trường hợp viêm họng là do vi khuẩn. Nguyên nhân gây viêm họng do vi khuẩn phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm A Streptococcus A. Loại nhiễm trùng này thường được gọi là viêm họng liên cầu.

Bệnh lậu ở họng, một bệnh do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục, gây ra tình trạng đau họng dữ dội. Lậu cầu xuất hiện ở cổ họng là do lây truyền do quan hệ tình dùng đường miệng với người bị lậu.

Viêm họng không do nhiễm trùng[sửa]

Không phải tất cả các bệnh viêm họng đều do nhiễm trùng. Chảy nước mũi xuống họng có thể gây kích ứng cổ họng. Nó có thể do các bệnh dị ứng gây kích ứng xoang. Các điều kiện môi trường và các điều kiện khác, chẳng hạn như hút thuốc nhiều hoặc hít phải khói thuốc, uống nhiều rượu, hít thở không khí ô nhiễm hoặc khói hóa chất… cũng có thể gây ra viêm họng.

Chẩn đoán[sửa]

Việc chẩn đoán đau họng của bác sĩ bắt đầu bằng việc khám lâm sàng cổ họng và ngực. Bác sĩ cũng sẽ tìm các dấu hiệu của bệnh khác, chẳng hạn như nhiễm trùng xoang hoặc viêm phế quản. Nếu có dấu hiệu bệnh nhân bị viêm họng, bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Nếu nghi ngờ tăng bạch cầu đơn nhân, bác sĩ có thể làm xét nghiệm đơn nhân tại chỗ để tìm kiếm các kháng thể cho thấy sự hiện diện của vi rút Epstein-Barr. Xét nghiệm này không tốn kém, chỉ mất vài phút và có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ. Một xét nghiệm máu rẻ tiền cũng có thể xác định sự hiện diện của các kháng thể đối với vi rút tăng bạch cầu đơn nhân.

Điều trị[sửa]

Điều trị hiệu quả khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra đau họng. Viêm họng do virus tốt nhất là nên để cơ thể tự hồi phục mà không cần dùng thuốc. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh viêm họng do virus, không rút ngắn thời gian bị bệnh cũng như không làm giảm các triệu chứng.

Viêm họng do liên cầu khuẩn hoặc vi khuẩn khác gây ra phải điều trị bằng kháng sinh. Người bệnh cần uống hết lượng thuốc kháng sinh được kê đơn ngay cả khi các triệu chứng của bệnh viêm họng được cải thiện. Ngừng thuốc kháng sinh sớm có thể khiến cơn đau họng quay trở lại.

Đối với trường hợp viêm họng hạt mãn tính thì cần điều trị tận gốc. Nếu đau họng do các yếu tố môi trường, cần loại trừ tác nhân kích thích ra khỏi môi trường của người bị.

Chăm sóc tại nhà cho chứng đau họng[sửa]

Bất kể nguyên nhân gây đau họng là gì, mọi người có thể thực hiện các bước chăm sóc tại nhà để giảm bớt khó chịu. Bao gồm các:

  • Dùng acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau; Không nên dùng aspirin cho trẻ em vì nó có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc Hội chứng Reye, một bệnh nghiêm trọng
  • Súc miệng bằng trà nồng độ đôi ấm hoặc nước muối ấm pha bằng cách thêm 1 muỗng cà phê muối vào 250 mL nước
  • Uống nhiều nước, nhưng tránh nước trái cây có tính axit như nước cam, có thể gây kích ứng cổ họng.
  • Ăn thức ăn mềm, giàu dinh dưỡng như phở và tránh thức ăn cay
  • Hạn chế hút thuốc
  • Nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt, sau đó dần dần tăng độ nặng dần các công việc
  • Làm ẩm không khí trong phòng có thể giúp người bị đau họng dễ chịu hơn

Tiên lượng[sửa]

Đau họng do nhiễm virus thường tự khỏi trong vòng một tuần mà không cần điều trị. Ở trẻ nhỏ các triệu chứng có thể chỉ kéo dài một tuần nhưng ở thanh thiếu niên, các triệu chứng kéo dài hơn. Người lớn trên 30 tuổi có các triệu chứng nghiêm trọng và kéo dài nhất. Ở tất cả các nhóm tuổi, mệt mỏi và suy nhược có thể tiếp tục kéo dài đến sáu tuần sau khi các triệu chứng khác biến mất.

Bệnh nhân bị viêm họng do vi khuẩn sẽ cải thiện triệu chứng sau khi dùng thuốc kháng sinh. Viêm họng liên cầu khuẩn không được điều trị có khả năng gây sốt, tổn thương thận hoặc thấp khớp cấp. Sốt Scarlet gây phát ban và có thể gây sốt cao và co giật. Thấp khớp cấp thường kèm theo viêm cơ tim và tổn thương van tim. Dùng thuốc kháng sinh trong tuần đầu tiên khi bị nhiễm liên cầu khuẩn sẽ ngăn ngừa những biến chứng này.

Phòng ngừa[sửa]

Không có cách nào để ngăn ngừa đau họng; tuy nhiên, có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm hoặc truyền bệnh này cho người khác bằng cách:

  • Rửa tay kỹ và thường xuyên
  • Tránh tiếp xúc gần với người bị đau họng
  • Không dùng chung thức ăn và dụng cụ ăn uống với bất kỳ ai
  • Không hút thuốc
  • Tránh không khí ô nhiễm

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Marx, John Rosen’s Emerency Medicine: Concepts and Clinical Practice, 7th ed. Philadelphia: Mosby/Elsevier. Ch.30, 2010.
  2. Alcaide, M. L., and A. L. Bisno. “Pharyngitis and Epiglottis Infectious Disease Clinics of North American. 21, no. 2 (2007): 449-69.
  3. Del Mar, G. B. et al. “Antibiotics for Sore Throat.” Cochane Database System Review’ 3 (2008): CD000023.
  4. Phạm Khánh Hòa. Tai mũi họng, Bộ y tế, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, 2010.