ISBN
UnderCon icon.svg Mục từ này chưa được bình duyệt và có thể cần sự giúp đỡ của bạn để hoàn thiện.

ISBN (viết tắt International Standard Book Number, Mã số Tiêu chuẩn Quốc tế cho Sách)[1][2][3]là mã số tiêu chuẩn quốc tế có tính chất thương mại duy nhất để xác định một quyển sách. ISBN là một hệ thống phân định quốc tế đơn nhất cho mỗi dạng sản phẩm hoặc lần in ra của một xuất bản phẩm chuyên khảo được một nhà xuất bản riêng xuất bản hoặc sản xuất.[2]

ISBN của tạp văn Sương khói quê nhà (Nguyễn Nhật Ánh)

Tổng quan

Kể từ khi được chấp nhận vào năm 1970, ISBN đã được thừa nhận trên bình diện quốc tế là hệ thống phân định cho ngành công nghiệp xuất bản và thương mại sách. ISBN có mặt cùng với xuất bản phẩm chuyên khảo từ khâu in ấn đến các quá trình tiếp theo suốt chuỗi cung ứng và phân phối.[2]

Hệ thống ISBN dùng như là một yếu tố chủ chốt trong hệ thống đặt hàng và kiểm kê đối với nhà xuất bản, nhà bán sách, thư viện và các tổ chức khác. Nó là cơ sở để thu thập dữ liệu về các lần xuất bản mới và tiếp nối của các xuất bản phẩm chuyên khảo đối với các danh mục dùng trong ngành thương mại sách. Việc sử dụng ISBN thậm chí còn tạo thuận lợi cho việc quản lý và giám sát quyền bán dữ liệu cho ngành công nghiệp xuất bản.[2]

Cấu trúc

Yếu tố đầu tiên của ISBN 13 chữ số là số tiếp đầu 3 chữ số do cơ quan ISBN quốc tế quy định phù hợp với hệ thống đánh số sản phẩm toàn cầu GS1. Số tiếp đầu này do GS1 quốc tế dành riêng cho cơ quan ISBN quốc tế. Số tiếp đầu này bao gồm trong mã số sản phẩm 13 chữ số chỉ ra rằng mã số sản phẩm này xuất phát từ hệ thống ISBN và là một phần của hệ thống ISBN.[2]

Mã số ISBN gồm 13 chữ số 1, bao gồm các yếu tố sau:[2]

  1. Yếu tố tiếp đầu (tiếp đầu tố);
  2. Yếu tố nhóm đăng ký;
  3. Yếu tố tổ chức xin đăng ký;
  4. Yếu tố xuất bản phẩm;
  5. Số kiểm tra.

Cấu trúc một ISBN 13 chữ số:[2]

  • Thử ISBN : 9789528988885
  • Tiếp đầu tố GS1: 978
  • Nhóm đăng ký: 952 (phân đoạn thử tổ chức xin đăng ký): 89888
  • Tổ chức xin đăng ký: 89
  • Tên: 8888
  • Số kiểm tra:5
  • ISBN có thể trình bày: 978-952-89-8888-5

Cấp ISBN

Một ISBN khi đã được cấp cho một xuất bản phẩm thì không được sửa đổi, thay thế hoặc dùng lại. Mỗi ISBN riêng rẽ phải được cấp cho từng xuất bản phẩm chuyên khảo riêng, hoặc là một bản in riêng của một xuất bản phẩm chuyên khảo do một nhà xuất bản phát hành. Mỗi bản in bằng một thứ ngôn ngữ của một xuất bản phẩm chuyên khảo phải được cấp một ISBN riêng rẽ. Mỗi dạng sản phẩm khác nhau (ví dụ sách bìa cứng, bìa mềm, chữ nổi Brail, sách âm thanh, video, xuất bản phẩm điện tử trực tuyến…) phải được cấp một ISBN riêng rẽ. Mỗi dạng xuất bản phẩm điện tử khác nhau (ví dụ “lit”, “pdf”, “html”, “pdb”) được xuất bản và phát hành riêng rẽ phải được cấp một ISBN riêng rẽ.[2]

Vị trí ISBN trên ấn phẩm

Đối với sách in

  • Mã số ISBN tích hợp mã vạch phải in tại góc dưới bên phải bìa 4. Nếu là sách có bìa bọc thì in trên bìa bọc. Phía trên mã vạch phải có dòng chữ “ISBN” và tiếp sau là các thành phần của mã số, cách nhau bởi dấu gạch nối. Phần dãy số phía dưới trùng với dãy số phía trên, nhưng không có gạch nối. Ngoài ra, cuối trang ghi số quyết định xuất bản phải ghi mã ISBN dạng số.[1]
  • Trường hợp sách có nhiều tập: Cuối trang bản quyền của mỗi tập ghi thêm mã số ISBN dạng số của tất cả các tập khác (nếu đã xuất bản).[1]
  • Trường hợp sách dịch: Cuối trang bản quyền ghi mã số ISBN dạng số của sách gốc (nếu có).[1]
  • Trường hợp sách được xuất bản ở nhiều định dạng khác nhau: Cuối trang bản quyền của mỗi định dạng ghi thêm mã số ISBN dạng số của tất cả các định dạng khác (nếu đã xuất bản).[1]

Đối với sách điện tử

  • Đối với sách xuất bản, phát hành trên mạng Internet hoặc trên phương tiện điện tử khác: Mã số ISBN tích hợp mã vạch phải ghi tại giao diện đầu tiên hoặc giao diện hiển thị tiêu đề hoặc giao diện trang bản quyền của sách.[1]
  • Đối với sách dạng CD, CD-ROM, DVD, VCD: Mã số ISBN tích hợp mã vạch phải ghi trên nhãn gắn cố định vào vật thể đó.[1]

Xem thêm

  • DOI (Định danh số cho đối tượng)
  • ISSN (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho xuất bản phẩm nhiều kỳ như Tạp chí...)
  • ISMN (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho Nhạc)
  • ISWC (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho tác phẩm Nhạc)
  • ISAN (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho Nghe nhìn)
  • ISTC (Mã số tiêu chuẩn quốc tế cho bản văn)
  • LCCN (Số kiểm soát của Thư viện Quốc hội Mỹ)

Tài liệu

  1. Öchsner, Andreas (2013), "Types of Scientific Publications", Introduction to Scientific Publishing, Berlin, Heidelberg: Springer Berlin Heidelberg, doi:10.1007/978-3-642-38646-6_3, ISBN 978-3-642-38645-9, ISSN 2191-530X
  2. Penerapan aritmatika modulo untuk menguji validitas dan mengembangkan nomor ISBN, doi:10.29303/emj.v2i2.18
  3. ISBN International Standard Book Number: bibliography, doi: 10.3196/18642950115834290
  4. ISBN recognition using a modified probabilistic neural network (PNN), C.H. Chen, ISBN: 0818629150, doi:10.1109/ICPR.1992.201807, 1992
  5. ISBN incorporating guidelines for numbering software intended for sale by retailers, ISBN: 9780949999078, London: Standard Book Numbering Agency, 1993.
  6. Bibliography, literature on the ISBN and ISMN, Hartmut Walravens, ISBN: 9783940862211, Berlin: Simon Verlag für Bibliothekswissen, 2010
  7. International Standard Book Number, SABS Standards Division, ISBN: 9780626253295, Pretoria: SABS Standards Division, 2011
  8. Study of Current and Potential Uses of International Standard Book Number in United States Libraries, ERIC ED174264, 23/3/1977.

Chú thích