Ung thư tuyến giáp là ung thư phát sinh từ các tế bào mô tuyến giáp.[1] Tuyến giáp có hai loại tế bào chính là tế bào nang tạo hormone tuyến giáp và tế bào cận nang tạo calcitonin.[2] Có nhiều kiểu u bướu có thể hình thành ở đây tuy nhiên đa số là lành tính, điển hình như bướu cổ; số ác tính còn lại tiềm năng lan sang mô lân cận hoặc bộ phận cơ thể khác.[2] Ung thư tuyến giáp biệt hóa (DTC) chiếm 90–95% ca và khởi nguồn từ các tế bào biểu mô nang giáp.[3][4] Đây cũng là dạng ung thư nội tiết hay gặp nhất, gồm ba loại là thể nhú, thể nang, và ung thư tế bào Hürthle.[4] Loại chính thứ hai chỉ chiếm 1–2% là ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) khởi nguồn từ tế bào cận nang hay tế bào C.[3] Cuối cùng là ung thư tuyến giáp thoái biến hay không biệt hóa (ATC) hiếm gặp nhưng lại là một trong những loại ung thư hiểm nghèo nhất được biết.[5]
Không rõ lý do mà ung thư tuyến giáp xảy ra ở nữ giới nhiều gấp ba lần nam giới, tập trung ở độ tuổi 40–60.[6] Một số tình trạng di truyền cũng làm tăng nguy cơ, ví dụ như phức hợp Carney hay bệnh Cowden; tương tự là người có thân nhân bậc một bị bệnh.[6] Lượng iod hấp thu ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp: thừa hoặc thiếu iod lần lượt liên hệ với nguy cơ ung thư thể nhú và thể nang, song cơ chế là không rõ ràng.[7] Tiếp xúc với bức xạ từ môi trường hay thủ tục y tế khi còn bé tiềm ẩn rủi ro.[6][7] Yếu tố khác là béo phì,[8] hấp thu thực phẩm giàu nitrat, các bệnh lành tính như nhân giáp, u tuyến, bướu cổ, viêm hoặc tăng năng tuyến giáp.
Tham khảo
- ↑ Thyroid Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version, National Cancer Institute, ngày 21 tháng 7 năm 2023, truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024
- ↑ a b The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 14 tháng 3 năm 2019), What Is Thyroid Cancer?, American Cancer Society, truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024
- ↑ a b Cabanillas, Maria E; McFadden, David G; Durante, Cosimo (2016), "Thyroid cancer", The Lancet, 388 (10061): 2783–2795, doi:10.1016/S0140-6736(16)30172-6, PMID 27240885, S2CID 205981472
- ↑ a b Houten, Pepijn van; Netea-Maier, Romana T.; Smit, Johannes W. (tháng 1 năm 2023), "Differentiated thyroid carcinoma: An update", Best Practice & Research Clinical Endocrinology & Metabolism, 37 (1): 101687, doi:10.1016/j.beem.2022.101687, PMID 36002346, S2CID 251548556
- ↑ Rao, Sarika N.; Smallridge, Robert C. (tháng 1 năm 2023), "Anaplastic thyroid cancer: An update", Best Practice & Research Clinical Endocrinology & Metabolism, 37 (1): 101678, doi:10.1016/j.beem.2022.101678, PMID 35668021, S2CID 249143058
- ↑ a b c The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 16 tháng 1 năm 2020), Thyroid Cancer Risk Factors, American Cancer Society, truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2024
- ↑ a b Liu, Yihao; Su, Lei; Xiao, Haipeng (2017), "Review of Factors Related to the Thyroid Cancer Epidemic", International Journal of Endocrinology, 2017: 1–9, doi:10.1155/2017/5308635, PMC 5438865, PMID 28555155, S2CID 27864778
- ↑ Franchini, Fabiana; Palatucci, Giuseppe; Colao, Annamaria; Ungaro, Paola; Macchia, Paolo Emidio; Nettore, Immacolata Cristina (ngày 20 tháng 1 năm 2022), "Obesity and Thyroid Cancer Risk: An Update", International Journal of Environmental Research and Public Health, 19 (3): 1116, doi:10.3390/ijerph19031116, PMC 8834607, PMID 35162142, S2CID 246169821