Lymphoma không Hodgkin | |
---|---|
Tên khác | U lympho không Hodgkin, ung thư hạch không Hodgkin |
Ảnh hiển vi lymphoma tế bào B lớn lan tỏa , một loại lymphoma không Hodgkin điển hình, nhuộm Field | |
Chuyên khoa | Huyết học, ung thư học |
Triệu chứng | Sưng hạc, đổ mồ hôi đêm, sốt dai dẳng, sụt cân, ngứa, mệt mỏi |
Yếu tố nguy cơ | Suy giảm miễn dịch, bệnh tự miễn, một số loại virus hoặc vi khuẩn, béo phì |
Chẩn đoán | Sinh thiết hạch cắt |
Điều trị | Hóa trị kết hợp rituximab (điển hình), theo dõi và chờ đợi |
Số người mắc | 544.000 (2020) |
Số người chết | 260.000 (2020) |
Lymphoma/Limphôm không Hodgkin (NHL) là ung thư phát sinh từ các tế bào của hệ miễn dịch và biểu lộ chủ yếu là bệnh hạch bạch huyết hoặc khối u rắn.[1] Tên gọi đề cập đến nhiều dạng u lympho ác tính chưa được hiểu rõ,[2] trong đó 85–90% khởi nguồn từ tế bào B, còn lại là tế bào T và NK.[3] Lymphoma thể nang và lymphoma tế bào B lớn lan tỏa (DLBCL) là hai loại phổ biến chiếm 65% tổng số ca NHL.[4] Nhóm ung thư đa dạng này thường hình thành ở hạch bạch huyết và có biên độ hiểm nghèo rộng.[3] Lymphoma không Hodgkin là một trong hai phân loại lớn của lymphoma hay ung thư tế bào bạch huyết, loại còn lại là lymphoma Hodgkin.[5]
Yếu tố nguy cơ đáng kể nhất dẫn đến hình thành lymphoma không Hodgkin là ức chế miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, ví dụ như ở người nhiễm HIV, người dùng thuốc ức chế miễn dịch, người nhận hóa xạ trị.[6] Các bệnh tự miễn gồm viêm khớp dạng thấp, hội chứng Sjögren, lupus ban đỏ hệ thống làm tăng rủi ro mắc NHL.[7] Tác nhân lây nhiễm như virus hay vi khuẩn cũng đóng vai trò, tiêu biểu là virus Epstein–Barr (EBV), virus hướng lympho T ở người (HTLV-1), herpesvirus liên hệ sarcoma Kaposi (KSHV), virus viêm gan C (HCV), hay vi khuẩn Helicobacter pylori, Borrelia burgdorferi, Chlamydia psittaci.[8] Người thừa cân và béo phì có rủi ro mắc NHL cao hơn, đặc biệt là loại DLBCL.[9] Yếu tố lối sống có liên quan là ăn nhiều chất béo, trong khi hút thuốc lá và uống rượu thì không rõ ràng.[10] NHL nhìn chung không được xem có tính di truyền.[11]
Đa số bệnh nhân NHL có biểu hiện sưng hạch không đau, một số đổ mồ hôi đêm nhiều, sốt dai dẳng, sụt cân không rõ lý do, ngứa, mệt mỏi.[12][13] Bệnh có thể vượt ra ngoài hạch và gần như mọi cơ quan hoặc mô đều nguy cơ liên lụy.[11] NHL biểu lộ là khối u ngoài hạch rắn ban đầu như giả dạng những loại ung thư khác.[11] Vị trí ngoài hạch hay gặp nhất là đường tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày.[14] Không như hầu hết các loại ung bướu rắn có sự bất ổn gen đáng kể, bộ gen ở NHL khá ổn định nhưng đổi lại thường dính líu là chuyển đoạn nhiễm sắc thể.[14] Ví dụ điển hình là chuyển đoạn t(14;18)(q32;q21) ở lymphoma thể nang, t(11;14)(q13;q32) ở lymphoma tế bào áo nang, hay t(8;14)(q24;q32) ở lymphoma Burkitt.[15]
Căn cứ theo tốc độ phát triển, NHL được phân thành ba loại cấp thấp (lười/chậm), cấp vừa (tăng triển/nhanh), cấp cao (tăng triển mạnh/rất nhanh).[16] Ví dụ lymphoma thể nang là loại lười, diễn tiến chậm và phần nào tốt cho bệnh nhân; còn lymphoma tế bào B lớn lan tỏa hay lymphoma Burkitt diễn tiến nhanh nhưng có thể chữa khỏi.[17] NHL được phân giai đoạn theo hệ thống Ann Arbor mà ban đầu được thiết kế cho lymphoma Hodgkin vào năm 1971.[14][18] Có bốn giai đoạn kèm hậu tố để chỉ có hay không triệu chứng B và bệnh ngoài hạch.[11] Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, dù vậy với NHL kết cục phụ thuộc nhiều vào các đặc điểm mô học và yếu tố tiên lượng hơn là giai đoạn.[18]
Chẩn đoán NHL được thực hiện bằng sinh thiết và cần lấy mẫu thích hợp để đảm bảo tính chính xác.[12] Chọc hút kim nhỏ hay sinh thiết tủy thường không đạt, tốt nhất là sinh thiết hạch cắt nhưng vị trí ở đâu là thách thức.[11] Chẩn đoán lymphoma không đơn giản và cần sự họp bàn của các chuyên gia.[11] Tùy vào loại con cụ thể mà phạm vi điều trị biến thiên từ không cần chữa đến phải nhập viện khẩn cấp để hóa trị tích cực.[19] NHL cấp cao cần điều trị gấp với phương pháp tiêu biểu là hóa trị kết hợp rituximab.[19] Kết quả nhìn chung rất khả quan và 60-70% bệnh nhân khỏi hẳn.[19] Mặc khác NHL cấp thấp lại được xem là không thể chữa dứt điểm trừ số hiếm ca bệnh cục bộ.[19] Với đa số ca bệnh lười không triệu chứng, giải pháp là theo dõi và chờ đợi.[19] Trường hợp có biểu hiện đáng kể thì tiến hành hóa trị miễn dịch nhưng tái phát là phổ biến và bệnh nhân có thể phải điều trị nhiều lần trong đời.[19]
Tham khảo
- ↑ Bowzyk Al-Naeeb et al. 2018, tr. 1.
- ↑ Evens & Blum 2015, tr. 1.
- ↑ a b Shankland et al. 2012, tr. 848.
- ↑ Armitage et al. 2017, tr. 2.
- ↑ Younes 2016, tr. 1.
- ↑ Evens & Blum 2015, tr. 7.
- ↑ Armitage et al. 2017, tr. 1.
- ↑ Evens & Blum 2015, tr. 8–10.
- ↑ Evens & Blum 2015, tr. 12.
- ↑ Evens & Blum 2015, tr. 10–11.
- ↑ a b c d e f Bowzyk Al-Naeeb et al. 2018, tr. 2.
- ↑ a b Ansell 2015, tr. 1153.
- ↑ Armitage et al. 2017, tr. 4.
- ↑ a b c Shankland et al. 2012, tr. 850.
- ↑ Armitage et al. 2017, tr. 3.
- ↑ Younes 2016, tr. 6.
- ↑ Younes 2016, tr. 6, 7.
- ↑ a b Ansell 2015, tr. 1154.
- ↑ a b c d e f Bowzyk Al-Naeeb et al. 2018, tr. 3.
Tạp chí
- Shankland, Kate R; Armitage, James O; Hancock, Barry W (tháng 9 năm 2012), "Non-Hodgkin lymphoma", The Lancet, 380 (9844): 848–857, doi:10.1016/s0140-6736(12)60605-9, PMID 22835603, S2CID 44302140
- Armitage, James O; Gascoyne, Randy D; Lunning, Matthew A; Cavalli, Franco (tháng 7 năm 2017), "Non-Hodgkin lymphoma", The Lancet, 390 (10091): 298–310, doi:10.1016/S0140-6736(16)32407-2, PMID 28153383, S2CID 19808340
- Bowzyk Al-Naeeb, Anna; Ajithkumar, Thankamma; Behan, Sarah; Hodson, Daniel James (ngày 22 tháng 8 năm 2018), "Non-Hodgkin lymphoma", BMJ: k3204, doi:10.1136/bmj.k3204, PMID 30135071, S2CID 13712528
- Ansell, Stephen M. (tháng 8 năm 2015), "Non-Hodgkin Lymphoma: Diagnosis and Treatment", Mayo Clinic Proceedings, 90 (8): 1152–1163, doi:10.1016/j.mayocp.2015.04.025, PMID 26250731, S2CID 6353453
Sách
- Evens, Andrew M.; Blum, Kristie A., bt. (2015), Non-Hodgkin Lymphoma: Pathology, Imaging, and Current Therapy, Springer Cham, ISBN 978-3-319-13150-4
- Younes, Anas, bt. (2016), Handbook of Lymphoma, Springer Cham, ISBN 978-3-319-08467-1