Ung thư tuyến giáp là ung thư phát sinh từ các tế bào mô tuyến giáp.[1] Tuyến giáp có hai loại tế bào chính là tế bào nang tạo hormone tuyến giáp và tế bào cận nang tạo calcitonin.[2] Có nhiều kiểu u bướu có thể hình thành ở đây tuy nhiên đa số là lành tính, điển hình như bướu cổ; số ác tính còn lại tiềm năng lan sang mô lân cận hoặc bộ phận cơ thể khác.[2] Ung thư tuyến giáp biệt hóa (DTC) chiếm 90–95% ca và khởi nguồn từ các tế bào biểu mô nang giáp.[3][4] Đây cũng là dạng ung thư nội tiết hay gặp nhất, gồm ba loại là thể nhú, thể nang, và ung thư tế bào Hürthle.[4] Loại chính thứ hai chỉ chiếm 1–4% là ung thư tuyến giáp thể tủy (MTC) khởi nguồn từ tế bào cận nang hay tế bào C.[2][3] Cuối cùng là ung thư tuyến giáp thoái biến hay không biệt hóa (ATC) hiếm gặp nhưng lại là một trong những loại ung thư hiểm nghèo nhất được biết.[5]
Không rõ lý do mà ung thư tuyến giáp xảy ra ở nữ giới nhiều gấp ba lần nam giới, tập trung ở độ tuổi 40–60.[6] Một số tình trạng di truyền cũng làm tăng nguy cơ, ví dụ như phức hợp Carney hay bệnh Cowden; tương tự là người có thân nhân bậc một bị bệnh.[6] Lượng iod hấp thu ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp: thừa hoặc thiếu iod lần lượt liên hệ với nguy cơ ung thư thể nhú và thể nang, song cơ chế là không rõ ràng.[7] Tiếp xúc với bức xạ từ môi trường hay thủ tục y tế khi còn bé tiềm ẩn rủi ro.[6][7] Yếu tố khác là béo phì,[8] hấp thu thực phẩm giàu nitrat,[9] các bệnh lành tính như viêm hoặc tăng năng tuyến giáp, nhân giáp, u tuyến, bướu cổ.[10] Trái ngược, nhiều nghiên cứu chỉ ra hút thuốc lá hay uống đồ uống có cồn làm giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp.[11][12][13]
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể là của ung thư tuyến giáp bao gồm: nổi cục ở cổ, sưng vùng cổ, đau cổ trước, khàn giọng hoặc biến giọng, khó thở, khó nuốt, ho dai dẳng.[1][14] Tuy nhiên dấu hiệu không xuất hiện sớm mà thường chỉ khi khối u đã lớn.[1] Ung thư được chẩn đoán từ triệu chứng hoặc việc đi khám sức khỏe định kỳ.[15] Một loạt xét nghiệm được tiến hành, quan trọng là siêu âm và chọc hút kim nhỏ.[16] Sinh thiết chọc hút kim nhỏ dựa vào sờ nắn hoặc chỉ dẫn siêu âm là phương pháp chẩn đoán xác nhận tốt nhất.[15][17] Sau chẩn đoán, ung thư được xác định giai đoạn, thường theo hệ thống TNM của Ủy ban Liên hợp Ung thư Hoa Kỳ (AJCC).[18] Cách phân giai đoạn là phức tạp tùy vào độ tuổi và loại ung thư.[1][18]
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp gồm phẫu thuật, liệu pháp iod phóng xạ, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone, liệu pháp đích, chờ đợi.[1] Ung thư biệt hóa (DTC) phổ biến nhất nhưng dễ điều trị thành công bằng cắt bỏ toàn bộ giáp có thể bổ sung liệu pháp iod phóng xạ (RAI).[19] RAI thường được áp dụng cho bệnh nhân rủi ro tái phát cao,[20] khối u giai đoạn muộn hoặc di căn.[21] Có khoảng 20% bệnh nhân DTC tái phát cục bộ và 10% di căn xa, nhất là phổi rồi đến xương.[19][20] Xạ trị chiếu ngoài, hóa trị, hay liệu pháp đích là những lựa chọn thay thế nếu RAI không đáp ứng.[21] Ung thư thể tủy (MTC) nghiêm trọng hơn và chỉ có thể chữa dứt điểm ở giai đoạn sớm bằng cắt bỏ toàn bộ giáp cùng các hạch lympho lân cận.[21] Các tế bào MTC không hấp thu iod phóng xạ nên RAI không tác dụng và trị liệu toàn thân cần được xét đến cho bệnh diễn tiến nhanh và di căn xa.[19][21] Ung thư thoái biến (ATC) hầu hết đã lan rộng lúc chẩn đoán và cũng không đáp ứng liệu pháp iod nên không có cơ hội chữa khỏi.[19][21] Căn bệnh được xem tử vong này duy chỉ có giai đoạn IV và điều trị nhằm mục tiêu kiểm soát khối u và giảm nhẹ triệu chứng.[5][22]
Trong năm 2020, số ca mắc mới ung thư tuyến giáp trên toàn thế giới là 586.000, trong đó 449.000 ca tức hơn 3/4 là nữ.[23]
Tham khảo
- ↑ a b c d e Thyroid Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Version, National Cancer Institute, ngày 21 tháng 7 năm 2023, truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024
- ↑ a b c The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 14 tháng 3 năm 2019), What Is Thyroid Cancer?, American Cancer Society, truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2024
- ↑ a b Cabanillas, Maria E; McFadden, David G; Durante, Cosimo (2016), "Thyroid cancer", The Lancet, 388 (10061): 2783–2795, doi:10.1016/S0140-6736(16)30172-6, PMID 27240885, S2CID 205981472
- ↑ a b Houten, Pepijn van; Netea-Maier, Romana T.; Smit, Johannes W. (tháng 1 năm 2023), "Differentiated thyroid carcinoma: An update", Best Practice & Research Clinical Endocrinology & Metabolism, 37 (1): 101687, doi:10.1016/j.beem.2022.101687, PMID 36002346, S2CID 251548556
- ↑ a b Rao, Sarika N.; Smallridge, Robert C. (tháng 1 năm 2023), "Anaplastic thyroid cancer: An update", Best Practice & Research Clinical Endocrinology & Metabolism, 37 (1): 101678, doi:10.1016/j.beem.2022.101678, PMID 35668021, S2CID 249143058
- ↑ a b c The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 16 tháng 1 năm 2020), Thyroid Cancer Risk Factors, American Cancer Society, truy cập ngày 2 tháng 2 năm 2024
- ↑ a b Liu, Yihao; Su, Lei; Xiao, Haipeng (2017), "Review of Factors Related to the Thyroid Cancer Epidemic", International Journal of Endocrinology, 2017: 1–9, doi:10.1155/2017/5308635, PMC 5438865, PMID 28555155, S2CID 27864778
- ↑ Franchini, Fabiana; Palatucci, Giuseppe; Colao, Annamaria; Ungaro, Paola; Macchia, Paolo Emidio; Nettore, Immacolata Cristina (ngày 20 tháng 1 năm 2022), "Obesity and Thyroid Cancer Risk: An Update", International Journal of Environmental Research and Public Health, 19 (3): 1116, doi:10.3390/ijerph19031116, PMC 8834607, PMID 35162142, S2CID 246169821
- ↑ Kilfoy, Briseis A.; Zhang, Yawei; Park, Yikyung; Holford, Theodore R.; Schatzkin, Arthur; Hollenbeck, Albert; Ward, Mary H. (ngày 18 tháng 11 năm 2010), "Dietary nitrate and nitrite and the risk of thyroid cancer in the NIH‐AARP Diet and Health Study", International Journal of Cancer, 129 (1): 160–172, doi:10.1002/ijc.25650, PMC 3016446, PMID 20824705, S2CID 13774747
- ↑ Kitahara, Cari M; Kӧrmendiné Farkas, Dóra; Jørgensen, Jens Otto L; Cronin-Fenton, Deirdre; Sørensen, Henrik Toft (ngày 23 tháng 3 năm 2018), "Benign Thyroid Diseases and Risk of Thyroid Cancer: A Nationwide Cohort Study", The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 103 (6): 2216–2224, doi:10.1210/jc.2017-02599, PMC 6276704, PMID 29590402, S2CID 207095285
- ↑ Kitahara, Cari M.; Linet, Martha S.; Beane Freeman, Laura E.; Check, David P.; Church, Timothy R.; Park, Yikyung; Purdue, Mark P.; Schairer, Catherine; Berrington de González, Amy (ngày 29 tháng 7 năm 2012), "Cigarette smoking, alcohol intake, and thyroid cancer risk: a pooled analysis of five prospective studies in the United States", Cancer Causes & Control, 23 (10): 1615–1624, doi:10.1007/s10552-012-0039-2, PMC 3511822, PMID 22843022, S2CID 16447753
- ↑ An, Soo-Youn; Kim, So Young; Oh, Dong Jun; Min, Chanyang; Sim, Songyoung; Choi, Hyo Geun (ngày 6 tháng 11 năm 2020), "Obesity is positively related and tobacco smoking and alcohol consumption are negatively related to an increased risk of thyroid cancer", Scientific Reports, 10 (1), doi:10.1038/s41598-020-76357-y, PMC 7648098, PMID 33159164, S2CID 226274777
- ↑ Yeo, Yohwan; Han, Kyungdo; Shin, Dong-Wook; Kim, Dahye; Jeong, Su-Min; Chun, Sohyun; Choi, In-Young; Jeon, Keun-Hye; Kim, Tae-Hyuk (ngày 12 tháng 5 năm 2021), "Changes in Smoking, Alcohol Consumption, and the Risk of Thyroid Cancer: A Population-Based Korean Cohort Study", Cancers, 13 (10): 2343, doi:10.3390/cancers13102343, PMC 8150527, PMID 34066228, S2CID 235212691
- ↑ The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 14 tháng 3 năm 2019), Signs and Symptoms of Thyroid Cancer, American Cancer Society, truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2024
- ↑ a b The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 12 tháng 5 năm 2020), Tests for Thyroid Cancer, American Cancer Society, truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2024
- ↑ Shah, Jatin P. (tháng 4 năm 2015), "Thyroid Carcinoma: Epidemiology, Histology, and Diagnosis", Clinical advances in hematology & oncology: H&O, 13 (4 Suppl 4): 3–6, PMC 5526593, PMID 26430868, S2CID 38578962
- ↑ Nguyen, Quang T.; Lee, Eun Joo; Huang, Melinda Gingman; Park, Young In; Khullar, Aashish; Plodkowski, Raymond A. (tháng 2 năm 2015), "Diagnosis and Treatment of Patients with Thyroid Cancer", American Health & Drug Benefits, 8 (1): 30–40, PMC 4415174, PMID 25964831, S2CID 23811050
- ↑ a b The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 14 tháng 3 năm 2019), Thyroid Cancer Stages, American Cancer Society, truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024
- ↑ a b c d Lorusso, Loredana; Cappagli, Virginia; Valerio, Laura; Giani, Carlotta; Viola, David; Puleo, Luciana; Gambale, Carla; Minaldi, Elisa; Campopiano, Maria Cristina; Matrone, Antonio; Bottici, Valeria; Agate, Laura; Molinaro, Eleonora; Elisei, Rossella (ngày 18 tháng 3 năm 2021), "Thyroid Cancers: From Surgery to Current and Future Systemic Therapies through Their Molecular Identities", International Journal of Molecular Sciences, 22 (6): 3117, doi:10.3390/ijms22063117, PMC 8003273, PMID 33803747, S2CID 232384161
- ↑ a b Schmidbauer, Benedikt; Menhart, Karin; Hellwig, Dirk; Grosse, Jirka (ngày 17 tháng 6 năm 2017), "Differentiated Thyroid Cancer—Treatment: State of the Art", International Journal of Molecular Sciences, 18 (6): 1292, doi:10.3390/ijms18061292, PMC 5486113, PMID 28629126, S2CID 4017799
- ↑ a b c d e The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 20 tháng 9 năm 2021), Treatment of Thyroid Cancer, by Type and Stage, American Cancer Society, truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024
- ↑ Jannin, Arnaud; Escande, Alexandre; Al Ghuzlan, Abir; Blanchard, Pierre; Hartl, Dana; Chevalier, Benjamin; Deschamps, Frédéric; Lamartina, Livia; Lacroix, Ludovic; Dupuy, Corinne; Baudin, Eric; Do Cao, Christine; Hadoux, Julien (ngày 19 tháng 2 năm 2022), "Anaplastic Thyroid Carcinoma: An Update", Cancers, 14 (4): 1061, doi:10.3390/cancers14041061, PMC 8869821, PMID 35205809, S2CID 247029146
- ↑ Pizzato, Margherita; Li, Mengmeng; Vignat, Jerome; Laversanne, Mathieu; Singh, Deependra; La Vecchia, Carlo; Vaccarella, Salvatore (tháng 4 năm 2022), "The epidemiological landscape of thyroid cancer worldwide: GLOBOCAN estimates for incidence and mortality rates in 2020", The Lancet Diabetes & Endocrinology, 10 (4): 264–272, doi:10.1016/S2213-8587(22)00035-3, PMID 35271818, S2CID 247308781