Chủ nghĩa dân tộc là một hệ tư tưởng và phong trào chính trị nhìn nhận dân tộc và quốc gia dân tộc có chủ quyền là những giá trị nội tại cốt lõi, nhắm đến vận động ý chí chính trị của nhân dân hoặc một bộ phận đông đảo dân chúng.[1]:525–526 Các học giả ở nhiều lĩnh vực đã tranh luận và bất đồng về gần như mọi khía cạnh nhận thức được của chủ nghĩa dân tộc trong hàng thế kỷ[2]:6 và đây chỉ là một trong nhiều cách định nghĩa.[3]:9 Tuy nhiên tổng quan, chủ nghĩa dân tộc đặt dân tộc ở trung tâm và tìm cách nâng cao phúc lợi của nó với những mục tiêu chung là tự chủ dân tộc, đoàn kết dân tộc, và bản sắc dân tộc.[3]:9 Chủ nghĩa dân tộc quan niệm nhân loại được chia thành các dân tộc, mỗi dân tộc đều có đặc điểm, lịch sử, vận mệnh riêng và quyền lực chính trị duy chỉ xuất phát từ dân tộc.[3]:25[4]:101 Chủ nghĩa dân tộc, một mặt, liên hệ với dân chủ, sự tự quyết, tính hợp pháp chính trị, hòa nhập xã hội, tín ngưỡng nhân dân, tình đoàn kết, phẩm giá, bản sắc, gìn giữ văn hóa, quyền công dân, lòng yêu nước, và sự giải phóng khỏi ách cai trị ngoại bang ; mặt khác, nó liên hệ với chủ nghĩa quân phiệt, chiến tranh, chủ nghĩa phi lý, chủ nghĩa Chauvin, không khoan dung, đồng nhất hóa, đồng hóa cưỡng bức, chủ nghĩa chuyên chế, chủ nghĩa địa phương, bài ngoại, chủ nghĩa vị chủng, thanh lọc sắc tộc, thậm chí diệt chủng.[5]:132
Tham khảo
- ↑ Kramer, Lloyd S. (1997), "Historical Narratives and the Meaning of Nationalism", Journal of the History of Ideas, 58 (3): 525–545, doi:10.1353/jhi.1997.0026, JSTOR 3653913, S2CID 144075737
- ↑ Lawrence, Paul (2005), Nationalism: History and Theory, Pearson Education, ISBN 978-0-582-43801-9
- ↑ a b c Smith, Anthony D. (2013), Nationalism: Theory, Ideology, History (lxb. 2), Wiley, ISBN 978-0-7456-5967-1
- ↑ Geoghegan, Vincent; Wilford, Rick (2014), Political Ideologies: An Introduction, Routledge, ISBN 978-0-415-61817-5
- ↑ Brubaker, Rogers (2004), Ethnicity Without Groups, Harvard University Press, ISBN 978-0-674-01539-5