Chủ nghĩa vị chủng là khuynh hướng con người nhận thức, đánh giá các hiện tượng hiện thực xung quanh theo quan điểm của cộng đồng, dân tộc mình, coi đó là thước đo để đánh giá các cộng đồng, dân tộc khác.
Nội dung[sửa]
Nội dung của chủ nghĩa vị chủng rất rộng, bao gồm toàn bộ sự nhìn nhận của một người, nhóm người, một chủng tộc về người khác, nhóm khác, chủng tộc khác qua lăng kính các giá trị và những sở thích thuộc nền văn hóa của mình, lấy đó làm tiêu chuẩn, hình mẫu để xem xét, đánh giá người khác, chủng tộc khác. Một cá nhân hoặc một nhóm người, một chủng tộc bất kỳ luôn có xu hướng so sánh mình với người khác, nhóm khác nhưng với tâm thế coi thường hoặc đánh giá thấp giá trị của nền văn hóa khác. Bản chất tâm lý xã hội của chủ nghĩa vị chủng thể hiện ở chỗ trong mỗi nhóm, cộng đồng, dân tộc luôn tồn tại một tập hợp các tư tưởng, biểu tượng thuộc ý thức (vô thức) quần chúng phản ánh tính ưu việt của văn hóa dân tộc mình, tạo thành “trung tâm” cố kết các thành viên của nhóm, cộng đồng, dân tộc lại với nhau. Tính chất của chủ nghĩa vị chủng phụ thuộc vào tính chất các quan hệ xã hội, hệ tư tưởng, đường lối chính trị của đất nước và phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người. Cơ sở khách quan nảy sinh chủ nghĩa vị chủng là sự khác biệt về văn hóa, lối sống, kinh nghiêm lịch sử của các bộ tộc, chủng tộc, dân tộc. Sự phát triển của nó được tạo điều kiện còn do hiểu biết của người dân về phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghề truyền thống của các cộng đồng dân tộc khác chưa đầy đủ.
Đặc điểm[sửa]
Chủ nghĩa vị chủng có những đặc điểm sau:
- Coi những gì xảy ra trong nền văn hóa của mình là tự nhiên và đúng đắn, còn những gì xảy ra trong các nền văn hóa khác là không tự nhiên và sai;
- Coi các phong tục của nhóm mình là phổ biến;
- Coi các chuẩn mực và giá trị của dân tộc mình là đúng đắn vô điều kiện;
- Sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho các thành viên khác trong nhóm;
- Luôn hành động vì lợi ích của nhóm mình;
- Thường có cảm giác thù địch với các nhóm khác
- Luôn tự hào về nhóm của mình.
Chức năng[sửa]
Các chức năng của chủ nghĩa vị chủng:
- Chức năng thực tiễn: tạo ra một cộng đồng xã hội đồng nhất về văn hóa, lối sống;
- Chức năng bảo vệ: mức độ chủ nghĩa chủng tộc càng cao thì sự phân chia ra "người của mình" càng triệt để, những người mang cùng một nền văn hóa càng đoàn kết hơn để hành động chống lại "người lạ";
- Chức năng thể hiện các giá trị văn hóa: cho phép các thành viên chủng tộc thể hiện các giá trị văn hóa của chủng tộc mình và coi chúng là những giá trị duy nhất đúng ;
- Chức năng thông tin: cung cấp kiến thức về nền văn hóa của chủng tộc mình và đưa thông tin về văn hóa của các dân tộc khác dựa trên hệ giá trị của mình, hướng dẫn nhận thức cho các thành viên của chủng tộc.
Chủ nghĩa vị chủng như một trong những hằng số nhân học chính, luôn ảnh hưởng đến hành vi con người trong mối quan hệ của họ với các nền văn hóa bên ngoài. Mặt ưu điểm của chủ nghĩa vị chủng là nó cho phép người ta tách biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Nhược điểm là nó thường dựa trên một thái độ tiêu cực đối với nền văn hóa bên ngoài.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Maloff M., Lott A.J., Ethnocentrism and the acceptance of negro support on a group pressure situation, J. of Abn. and Soc. Psychology, Vol. 65, 1962, pp. 254 - 258.
- Le Vine R.A., Campbell D.T., Ethnocentrism: Theories of conflict, ethnic attitudes and group behavior, N.Y., 1972.
- Brigham J.C., Ethnic stereotypes and attitudes: A different mode of analysis, J. of Personality, Vol. 41, 1973, pp. 206 - 219.
- Grant P.R., Ethnocentrism between groups of unequal power under threat on intergroup competition, J. of Soc. Psychology, Vol. 131 (1), 1991, pp. 21 - 28.