Campuchia và Kampuchea[sửa]
Kampuchea dường như là cách viết/tên chính thức trong tên quốc gia hay một số tổ chức liên quan Khmer Đỏ, tiêu biểu là Democratic Kampuchea (Kampuchea Dân chủ) và Communist Party of Kampuchea (Đảng Cộng sản Kampuchea), nhưng đó là tiếng Anh. Trong tiếng Anh và tiếng Pháp đều có sự thay đổi giữa Cambodia/Cambodge và Kampuchea/Kampuchéa, với Kampuchea/Kampuchéa dùng trong thời kỳ 1975–1989. Quan trọng là có sự đổi tên trong ngôn ngữ gốc hay không, tức có phải Khmer Đỏ đổi Cambodia thành Kampuchea (các từ tiếng Khmer tương ứng). Tôi không biết tiếng Khmer nhưng hình như Cambodia hay Kampuchea thì nó cũng đều là កម្ពុជា (thế này), theo đó với tiếng Việt cứ quy về cùng một tên là Campuchia. Nhưng lý do gì cho sự thay đổi trong tiếng Anh và Pháp? Marrella (thảo luận) 11:18, ngày 1 tháng 10 năm 2023 (+07)
Trích dẫn[sửa]
Sihanouk viết rằng vào năm 1975 ông, Khieu Samphan, và Khieu Thirith đến thăm Chu Ân Lai khi ấy đang ốm nặng. Chu Ân Lai cảnh báo họ đừng có cố vươn một lèo đến chủ nghĩa cộng sản bằng một "cú đại nhảy vọt" mà bỏ qua các bước trung gian, như Trung Quốc đã làm và nhận lấy kết cục thảm khốc vào cuối những năm 1950. Khieu Samphan và Khieu Thirith "chỉ nở một nụ cười hoài nghi và hợm hĩnh." Khieu Samphan và Son Sen về sau khoe khoang với Sihanouk rằng "chúng ta sẽ là quốc gia đầu tiên tạo ra một xã hội cộng sản hoàn thiện mà chẳng phải phí thì giờ vào các bước trung gian." <Ross 1990, p. 52>
Cambodge année zéro / Cambodia: Year Zero / Campuchia: Năm Không – François Ponchaud[sửa]
François Ponchaud là một linh mục Công giáo và nhà truyền giáo người Pháp. Ông đến Campuchia vào năm 1965, sống "5 năm hòa bình, 5 năm chiến tranh, và 3 tuần dưới chế độ Khmer Đỏ". Ông là một trong những nhân chứng bên ngoài hiếm hoi được trải nghiệm thực tế cuộc sống trong chế độ này, vào những ngày đầu của nó. Từ trải nghiệm của bản thân và tường thuật của những người tị nạn chạy trốn sang Thái Lan, Việt Nam, và Pháp, Ponchaud là một trong những người đầu tiên nhìn thấu bản chất của Khmer Đỏ. Ông viết Cambodge année zéro, cuốn sách lần đầu hé lộ cho thế giới bên ngoài biết đến sự tàn bạo của chế độ. Sách tiếng Pháp xuất bản năm 1977, tiếng Anh năm 1978. Sau đây tôi dịch một số đoạn đáng chú ý trong sách (bản tiếng Anh):
- Vào ngày 17 tháng 4 năm 1975, một xã hội sụp đổ, một xã hội mới đang ra đời từ sự chèo lái mãnh liệt của cuộc cách mạng rõ ràng là triệt để nhất từng diễn ra trong thời gian quá ngắn. Đây là ví dụ hoàn hảo về việc thực hành một ý thức hệ được đẩy đến giới hạn xa nhất của logic bên trong nó. Nhưng giới hạn xa nhất là quá xa, và "quá xa" tựa như sự điên loạn – bởi trong hệ thống xã hội này, con người ở đâu?
Sự trì trệ và bại hoại đã nhường chỗ cho sản xuất và thanh lọc điên cuồng. Chủ nghĩa cá nhân và sự bừa bãi hỗn độn được thay thế bằng chủ nghĩa tập thể cấp tiến và sự kiểm soát vĩnh viễn. Lấy bất bình đẳng xã hội và thù hận chủng tộc làm công cụ, một thiểu số nhà tư tưởng đã dẫn dắt đội quân nông dân tiến đến chôn vùi toàn bộ quá khứ của họ. Để học được nghệ thuật sống mới, nhiều người đã phải bỏ mạng.
Ý tưởng cách mạng thôi thúc những sinh viên trẻ mong muốn công lý được thực thi và một vai trò trong chính quyền của quốc gia họ. Nhưng trong chế độ mới này, nơi mà chiếm hữu bị xóa bỏ và trí tuệ không đem lại đặc quyền, một thứ không được chia sẻ là quyền lực: nó hoàn toàn tập trung trong tay của rất ít người. Sự cả tin của người dân đã bị lợi dụng để lùa họ ra khỏi thành phố, thủ tiêu những kẻ chống đối, giữ toàn thể dân chúng không ngừng bước đi, và đối xử với họ như công cụ sản xuất. Thật trớ trêu khi nói đến "hạnh phúc của nhân dân!" <p. 192–193>
- Tôi thấy sự hà khắc của chế độ cách mạng, nhưng tôi xem đó như là điều cần thiết nhất thời bởi chiến tranh... Thế nhưng sau khi nghiên cứu cẩn thận và kỹ lưỡng những bản tin từ Đài phát thanh Phnom Penh cùng lời kể của những người tị nạn vào năm 1975 và 1976, tôi buộc phải đi đến kết luận không thể chối cãi rằng cách mạng Khmer là đẫm máu nhất trong thế kỷ này. <p. xiv>
- Tôi không tin lời những người nói tiếng Pháp và những người giàu sang, vì họ mất mát quá nhiều dưới chế độ mới. <p. xv>
- ...Một lát sau hiện ra trước mắt là một cảnh tượng ảo giác. Hàng ngàn người ốm yếu và thương tật đang rời bỏ thành phố. Những người khỏe nhất lê lết đáng thương, người khác được bạn bè vác đi, và một số còn đang nằm trên chiếc giường được gia đình họ đẩy đi với dụng cụ truyền dịch xóc nảy bên cạnh. Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh một người tàn tật không có tay chân, quằn quại trên mặt đất như con sâu bị đứt, hay một người cha khóc lóc mang theo đứa con gái mười tuổi được bọc trong một cái chăn quấn quanh cổ trông như cái ná, hay một người đàn ông với bàn chân lủng lẳng chỉ nối với cẳng chân bằng da... Từ chối chỗ trú ẩn cho người ốm đau và thương tật khiến ai đó cảm thấy rằng chút ít nhân phẩm cuối cùng trong con người đã mất đi. <p. 6–7>