Mục từ này cần được bình duyệt
Phụ Nữ Tân Văn/đang phát triển
Phụ nữ tân văn
Loại hìnhtư nhân
Hình thứcTuần báo
Người sáng lậpNguyễn Đức Nhuận
Nhà xuất bảnNguyễn Đức Nhuận
Thành lập1929
Ngôn ngữtiếng Việt
Trụ sởSài Gòn

Phụ nữ Tân văn (1929—1935) (Hán Việt: 婦女新聞) là tờ báo phụ nữ tư nhân xuất bản tại Sài Gòn và có nhiều ảnh hưởng về văn hóa, xã hộiViệt Nam nửa đầu thế kỉ 20. Chủ trương của báo là đấu tranh cho nữ quyền, vận động mạnh mẽ cho việc học và viết chữ quốc ngữ, khuyến khích giới trẻ viết báo để rèn luyện văn quốc ngữ.

Tên gọi[sửa]

Tân văn (新聞 - Shinbun) trong tiếng Nhật có nghĩa là "báo", "tin tức". Từ ghép này được người Nhật sáng tạo ra và đã được du nhập sang tiếng Trung Quốc, tiếng Triều Tiêntiếng Việt, nhưng được đọc lại theo cách của người bản địa.[1] Trong tiếng Trung Quốc nó được đọc là Xīnwén, trong tiếng Triều Tiên được đọc là sinmun (신문), trong tiếng Việt được đọc là "tân văn" như Phụ nữ tân văn, Trung Bắc tân văn... Tuy hiện nay rất ít khi được người Việt sử dụng danh từ này. "Phụ nữ tân văn" có nghĩa là "báo phụ nữ".

Lịch sử[sửa]

Phụ nữ tân văn được cho là tờ báo phụ nữ thứ hai xuất hiện tại Nam Kỳ (sau tờ Nữ giới chung, do Sương Nguyệt Anh chủ trương năm 1918). Số đầu tiên xuất bản ngày 2 tháng 5 năm 1929. Người sáng lập báo là bà Nguyễn Đức Nhuận (nhũ danh Cao Thị Khanh), chủ nhiệm báo là ông Nguyễn Đức Nhuận.[↓ 1] Chủ bút đầu tiên của báo là Đào Trinh Nhất. Phụ nữ tân văntuần báo phát hành ngày thứ năm, khổ báo là 23,2 cm x29,9 cm, gồm có từ 26 tới 31 trang ruột (không kể trang bìa và các trang quảng cáo).

Báo đình bản vào ngày 21 tháng 4 năm 1935, ra được 273 số báo.

Ban biên tập[sửa]

Báo Phụ nữ tân văn quy tụ được nhiều danh bút trên cả nước trong ban biên tập như: Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Trịnh Đình Thảo, Tản Đà, Nguyễn Tử Thực, Bùi Thế Mỹ, Cao Văn Chánh, Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Thiếu Sơn, Vân Đài, Nguyễn Thị Kiêm (tức Manh Manh nữ sĩ)… Tờ báo cũng được sự cộng tác của Sào Nam Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Diệp Văn Kỳ

Trong đó, có Manh Manh nữ sĩ, tên thật là Nguyễn Thị Kiêm, sinh năm 1914 tại Gò Công, được cho là nhà thơ nữ tiên phong phong trào Thơ mới và là linh hồn của tờ báo. Bà nguyên là giáo viên, am tường nghệ thuật và thường đi khắp nơi diễn thuyết về các đề tài phụ nữ và thơ mới, bà còn nổi tiếng với các phóng sự đề tài xã hội và các bài nghiên cứu.[2]

Mục tiêu và hoạt động[sửa]

Đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng giới[sửa]

Báo Phụ nữ Tân văn chủ trương vận động nữ giới đấu tranh cho nữ quyền, và "phải tranh đấu có tổ chức, có đoàn thể, tranh đấu tự giác, chứ không tự phát" và "để phấn đấu cho đoàn thể mình, và phấn đấu cho cả quốc gia xã hội vậy".[3] Báo không chủ trương đòi một quyền lợi đặc biệt cho phụ nữ, một chủ nghĩa nữ giới mới hay là "bình quyền" mà hoạt động cho sự bình đẳng giữa các giới tính, chống sự phân biệt giới tính: "Tôi không phân biệt nam nữ chi hết, ai cũng là người thì ai cũng như ai, cần chi phải cổ động phụ nữ chủ nghĩa?" (Sự hoạt động của một số tân nữ lưu, PNTV số 217, tr.2).[3]

Những mục tiêu đề ra là: Dẹp bỏ tam tòng, trinh tiết "cổ hủ", luật cấm cải giá, các "hủ tục"; phản đối "quan niệm cổ hủ" như ngăn cấm nữ giới tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cấm giới nữ đi xe đạp, cắt tóc ngắn, đến trường học, thưởng thức văn học nghệ thuật... Báo chủ trương để giải phóng phụ nữ khỏi sự lệ thuộc, phụ nữ cần học rộng và tự lập, trau giồi trí dục và thể dục.[3] Phụ nữ tân văn vận động thành lập các trường nữ học dạy bằng chữ quốc ngữ bên cạnh việc dạy tiếng Pháp, biên soạn sách học và phát miễn phí hoặc bán thật rẻ cho phụ nữ, và lập “Phụ nữ ấn thơ quán” tức là nhà in và nhà xuất bản riêng của phụ nữ, nhằm in sách tốt cho phụ nữ đọc.[3]

Cổ vũ và phát triển chữ quốc ngữ[sửa]

Trên số báo 101, ngày 24-9-1931, Phụ nữ tân văn đã có bài phản bác mạnh mẽ tư tưởng “Tiếng Annam là Patois”[↓ 2]. Đây là câu nói của ông Hồ Duy Kiên, Nghị viên quản hạt, trong cuộc họp “Về vấn đề sơ học ở xứ ta nên lấy Pháp văn hay là quốc ngữ làm gốc”. Trước hiện tượng nhiều người chủ trương lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính dạy trong nhà trường, chê chữ quốc ngữ không thể dùng trong giáo dục, Phụ nữ tân văn lại cho rằng "việc ấy không có bao giờ thiệt hành, và hết thảy các dân tộc trên thế giới xưa nay, không bao giờ xảy ra cái hiện tượng như vậy được. Cái hiện tượng thay văn đổi tiếng ấy, càng không có thể xảy ra ở trong dân tộc ta, là cái dân tộc chịu văn hóa của Trung Quốc biết mấy ngàn năm, thế mà học chữ Tàu, cũng đọc theo giọng mình, chớ không chịu phục tòng ngôn ngữ của người ta.”("Ý kiến của đàn anh - Ông Phan Văn Trường đối với quốc văn", Phụ nữ tân văn số 63, trang 11)[↓ 3]

Phụ nữ tân văn số 37 kêu gọi toàn quốc đại hội nghị (Congrèss National) bàn việc thống nhất tiếng Việt Nam:

Ta chiêu tập hết thảy các nhà làm báo, các nhà làm sách, các nhà giáo dục, các nhà cựu học, các nhà tân học lại, rồi cùng nhau suy xét, bàn tính, cân nhắc, thêm bớt, sửa sang lại tiếng Annam. Tiếng nào dùng đúng? Tiếng nào dùng trật?... Nói tóm lại đổ chung cả tiếng Nam Bắc lại, mà lựa chọn trao đổi thế nào, cho thành một thứ tiếng nói phổ thông, một nền văn minh nhứt định vậy?

— Vấn đề thống nhứt tiếng Việt Nam, Phụ nữ tân văn số 37, trang 6.

Khi Hội Khai trí Tiến Đức Hà Nội biên soạn bộ Việt Nam tự điển, dù chỉ mới in cảo bản, Phụ nữ tân văn đã tham gia giới thiệu và phê bình "một cách nhiệt tình". Ngoài ra, báo Phụ nữ tân văn khuyến khích những người trẻ viết bài, rèn luyện văn quốc ngữ bằng cách hứa hẹn sẽ sửa bài hộ và cho đăng báo:

Các bạn hãy viết bài gởi đến cho chúng tôi, muốn viết về chuyện gì tùy ý mình muốn, song phải nhớ viết làm hai bổn, một bổn gởi đến nhà báo PNTV, một bổn cất để dành. Khi tiếp được bài của các bạn, chúng tôi sẽ sửa giùm một cách kĩ lưỡng rồi đăng vào Phần Nhi Đồng nầy. Bấy giờ các bạn mới lấy cái bổn của các bạn để dành, đem ra so sánh với cái bài đăng trên báo, dò coi chúng tôi sửa đổi câu nào, chữ nào; sửa đổi như vậy mà có đúng hay không để bắt chước. Làm cách nầy cũng như các bạn tập làm Rédaction ở trường. Chúng tôi xin nói trước để các bạn biết rằng bài nào của các bạn gởi tới, chúng tôi cũng sửa và đăng; song trước, sau, sớm, muộn, là do theo thứ tự khi tiếp được bài, các bạn nên nhớ giùm điều ấy.

— Hàm Tiếu - "Nên tập viết văn", Phụ nữ tân văn, số 180, trang 32.

Báo được cho là cũng cổ xúy cho việc canh tân văn chương và văn học Việt Nam. Số 122 ra ngày 10 tháng 3 năm 1932 đã cho đăng bài thơ Tình già của Phan Khôi, được cho là bài thơ đầu tiên của phong trào Thơ mới.[3] Báo cũng tạo diễn đàn cho những ý kiến bênh vực và chống lại thơ mới được công bố.[4]

Hoạt động xã hội[sửa]

Báo có những chương trình hoạt động xã hội "rất sôi nổi".

Số báo thứ 3 phát hành ngày 16 tháng 5 năm 1929 đã kêu gọi hưởng ứng việc lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo đi du học, đợt đầu đã có 2 học sinh là Nguyễn Hiếu và Lê Văn Hai được nhận học bổng sang Pháp du học.[3] Phụ nữ tân văn số 112, ra ngày 10 tháng 12 năm 1931 kêu gọi chị em phụ nữ tham gia Hội Dục Anh do báo và một số phụ nữ lập ra tại miền Nam để giúp các trẻ em nghèo.[3] Thành lập Ban Phụ nữ Cứu tế và các hội chợ cho phụ nữ.

Báo cũng đứng ra tổ chức những bữa cơm miễn phí cho người nghèo, trong đó có 3 quán cơm tại Sài Gòn.[3]

Những tư tưởng canh tân[sửa]

Báo cũng đề ra những ý kiến đổi mới về tập quán xã hội.

Phụ nữ tân văn kêu gọi cha mẹ phải xem trọng nhân cách của con cái:

Người làm cha mẹ nên vì nước nhà, vì xã hội mà kính trọng cái nhân cách của con cái

Thấy nhiều người đối đãi với con mình tệ quá, giày đạp cái nhân cách chúng nó, chẳng kể ra chi. Như thế mà trông con cho nên người, thật là trái lẽ. Chính mình làm cha mẹ đã đè đầu nó xuống rồi, sao lại còn mong nó ngước mặt lên?

Đánh giá[sửa]

Bên cạnh sự đấu tranh tích cực cho nữ quyền, những hoạt động xã hội sôi nổi, báo Phụ nữ tân văn còn ra sức cổ động cho việc học, sử dụng tiếng Việtchữ quốc ngữ. Bấy giờ, trên báo Phụ nữ tân văn, tiếng Việt và chữ quốc ngữ được sử dụng gần như hoàn thiện, mặc dù còn ảnh hưởng phần nào tiếng Pháp như việc đề ngày tháng trên trang báo và ảnh hưởng một chút chữ Hán. Phương ngữ Nam Bộ chiếm ưu thế. Các thể loại báo chí nở rộ.[5]

— Bùi Thị Thanh Hương

Tờ Phụ nữ tân văn, một tuần báo phụ nữ nhưng đã phản ánh được một thời đại quan trọng của lịch sử nước nhà. Phụ nữ tân văn là một chứng nhân trung thực trong suốt những năm có nhiều biến cố.[6]

Liên kết[sửa]

  1. Từ Hán-Việt gốc Nhật trong tiếng Việt
  2. Nguyễn Ngọc Phan, Phấn son tô điểm sơn hà, Văn nghệ Thế giới số 39
  3. a b c d e f g h Bùi Thị Thanh Hương, Báo Phụ nữ Tân văn: Những việc làm và tư tưởng mới, Tạp chí Khoa học Việt Nam, số 46 năm 2013, trang 161-167
  4. Mai Thị Mỹ Vị, Báo Phụ nữ Tân Văn và sự khởi xướng phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX, Tạp chí Khoa học Xã hội số 7 (179) -2013, trang 49-55
  5. BÁO PHỤ NỮ TÂN VĂN: TIẾNG VIỆT VÀ CHỮ QUỐC NGỮ, Bùi Thị Thanh Hương, Tạp chí KHOA HỌC Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11-3-2013.
  6. Phụ nữ tân văn – Phấn son tô điểm sơn hà, Thiện Mộc Lan, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2010.


Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref> với tên nhóm “↓”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="↓"/> tương ứng, hoặc thẻ đóng </ref> bị thiếu