Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chủ nghĩa nữ quyền
Một biểu tượng của Chủ nghĩa nữ giới
Ngày Quốc tế Phụ nữ diễn ra tại Dhaka, Bangladesh, tổ chức bởi Trung ương Hội Liên hiệp Công nhân nữ quốc gia (National Women Workers Trade Union Centre) vào ngày 8 tháng 3 năm 2005.
Tuần hành vì nữ quyền tại New York City, 6 tháng 5 năm 1912

Chủ nghĩa nữ quyền một lý thuyết, đồng thời là phong trào xã hội có nội dung cơ bản là đấu tranh vì quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nữ giới, được khởi xướng ở phương Tây từ thế kỷ XIX và tiếp tục phát triển đến ngày nay.

Xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX, thuật ngữ “nữ quyền” dùng để chỉ “những phẩm chất của phụ nữ” nói chung. Sau Hội nghị Phụ nữ Quốc tế lần thứ nhất tại Paris năm 1892, thuật ngữ này được sử dụng thường xuyên bằng tiếng Pháp (féminisme) với nội dung ủng hộ và tin tưởng về quyền bình đẳng cho phụ nữ dựa trên quan điểm về sự bình đẳng giới giữa nam và nữ. Thuật ngữ “nữ quyền” trong tiếng Anh (feminism) bắt nguồn từ cuộc đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ ở Tây Âu và Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Chủ nghĩa nữ quyền và cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền trải qua bốn làn sóng phát triển với các mục tiêu thay đổi theo tiến trình lịch sử. Làn sóng thứ nhất diễn ra vào khoảng giữa thế kỷ XIX đến những thập niên đầu thế kỷ XX với mục tiêu đấu tranh nổi bật là đòi quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền sở hữu tài sản cho phụ nữ. Mục tiêu đòi quyền bầu cử đã đạt được kết quả bước đầu ở một số quốc gia: New Zealand (1893), Finland (1906), Anh, Canada, Nga (1917), Mỹ (1920)… Những người theo chủ nghĩa nữ quyền tin rằng, quyền bình đẳng về chính trị và cơ hội độc lập kinh tế là điều kiện cơ bản cho mục tiêu giải phóng phụ nữ trong xã hội phương Tây đương thời. Trong làn sóng thứ hai, diễn ra trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX, mục tiêu đấu tranh nổi bật là xóa bỏ bất bình đẳng trên thực tế và trên phương diện pháp lý giữa nam và nữ, đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trong giáo dục, tư cách trong gia tộc, gia đình, quyền sinh sản, vị trí việc làm, mức lương ... Phong trào thu hút sự tham gia của các tầng lớp xã hội, đặc biệt là các nhà khoa học nữ với những công trình nghiên cứu có giá trị, phân tích sâu sắc về tình trạng bất bình đẳng giới trên các lĩnh vực xã hội học, nhân chủng học, tâm lý học, văn hóa học, sử học, văn học…

Làn sóng thứ ba, bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến thập niên đầu thế kỷ XXI, tiếp nối và khắc phục những hạn chế của hai làn sóng đấu tranh trước đó. Mục tiêu đấu tranh hướng đến các vấn đề về chủ nghĩa cá nhân và sự khác biệt giữa các giới, chú trọng đến sự khác biệt về chủng tộc, giai cấp, quốc tịch, tôn giáo giữa các nền văn hóa trong phong trào nữ quyền, đặc biệt là quyền bình đẳng của phụ nữ da màu và phụ nữ thuộc tầng lớp lao động ở các nước đang phát triển. Phong trào phát triển trên nền tảng cơ sở lý luận vững chắc, những thành tựu nghiên cứu mang tính khoa học về bình đẳng giới, các lý thuyết về nữ quyền đã thể hiện rõ tính toàn cầu. Việc nâng cao vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới đã trở thành một trong tám Mục tiêu Thiên niên kỷ trong Tuyên ngôn Thiên niên kỷ (năm 2000) của Liên hợp quốc.

Làn sóng thứ tư, bắt đầu từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, phong trào kế thừa những thành tựu đấu tranh của các thế hệ trước, đồng thời phát triển lên một bước mới trong thời đại công nghệ thông tin. Mục tiêu “giải phóng giới tính” tiếp tục được đặt ra, hướng tới sự xóa bỏ định kiến về giới tính, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ trên toàn cầu, quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ da màu, đồng thời phong trào tập trung vào các vấn đề nổi bật là chống tình trạng gia trưởng, bạo lực, quấy rối tình dục đối với phụ nữ …

Chủ nghĩa nữ quyền sản phẩm tất yếu của lịch sử nhằm phá bỏ những những định kiến của xã hội trọng nam khinh nữ. Chủ nghĩa nữ quyền, phong trào đấu tranh cho nữ quyền phát triển xuyên suốt tiến trình lịch sử, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng thực sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội … cho phụ nữ trên toàn thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bách khoa toàn thư hàn lâm Mỹ, Chủ nghĩa nữ quyền, New York: Grolier, 1998.
  2. Bách khoa toàn thư Britannica, Chủ nghĩa nữ quyền, https://www.britannica.com/topic/feminism E.C. Stanton, S.B. Anthony, M.S. Gage, I.H. Harper, Lịch sử về quyền phụ nữ, Tập I, eBook, 2009, https://www.gutenberg.org/files/28020/28020-h/28020-h.htm