Mục từ này cần được bình duyệt
Cấu trúc xã hội

Cấu trúc xã hội là kiểu quan hệ tương đối ổn định và bền vững của con người với xã hội. Câu hỏi ngắn gọn “cấu trúc xã hội là gì” có thể diễn đạt dài dòng là “xã hội được tạo bởi những thành phần và những mối quan hệ nào?” Câu trả lời: xã hội được tạo bởi các cá nhân, con người và các mối quan hệ giữa các cá nhân hay quan hệ giữa người với người là quá giản đơn và do vậy chưa thỏa mãn. Câu trả lời đầy đủ có lẽ là: cấu trúc xã hội là kiểu quan hệ tương đối ổn định, bền vững giữa các nhóm, tổ chức, hệ thống; các vị thế xã hội; các vai xã hội; các mạng lưới xã hội; các thiết chế xã hội và văn hóa với các hệ chuẩn mực, giá trị, niềm tin và các yếu tố khác. Nếu phải lựa chọn những yếu tố cơ bản, quan trọng nhất tạo nên cấu trúc xã hội thì có lẽ cần lựa chọn yếu tố vị thế xã hội, vai (trò) xã hội, mạng lưới xã hội và thiết chế xã hội.

Từ những điều vừa nêu có thể định nghĩa: cấu trúc xã hội là kiểu quan hệ tương đối ổn định, bền vững giữa các thành phần cơ bản cơ bản nhất tạo nên hệ thống xã hội. Các thành phần cơ bản đó là vị thế xã hội, vai xã hội, mạng lưới xã hội và thiết chế xã hội.

Phân loại[sửa]

Phân loại cấu trúc xã hội: tình cảm và chức năng. Căn cứ vào tính chất của kiểu quan hệ giữa các thành tố tạo nên hệ thống xã hội có thể phân biệt cấu trúc xã hội nặng về quan hệ tình cảm, ví dụ cấu trúc xã hội của gia đình hay nhóm bạn bè và cấu trúc xã hội nặng về quan hệ chức năng ví dụ cấu trúc xã hội của tổ chức kinh tế như doanh nghiệp, tổ chức giáo dục như trường học, tổ chức y tế như bệnh viện.

Phân loại cấu trúc xã hội: vi mô và vĩ mô. Căn cứ vào loại thành phần hay thành tố tạo nên hệ thống xã hội có thể phân biệt cấu trúc xã hội vi mô với thành phần chính là các cá nhân, các nhóm nhỏ tạo nên hệ thống nhỏ và cấu trúc xã hội vĩ mô với thành phần chính là các tổ chức, các hệ thống tạo nên hệ thống lớn.

Phân loại các hệ cấu trúc xã hội. Đó là các hệ cấu trúc xã hội thuộc loại cấu trúc xã hội vĩ mô ví dụ cấu trúc xã hội-dân số, cấu trúc xã hội-nghề nghiệp, cấu trúc xã hội-giai tầng, cấu trúc xã hội-học vấn, cấu trúc xã hội-dân tộc, cấu trúc xã hội-tôn giáo và nhiều phân hệ cấu trúc xã hội khác.

Thành tố[sửa]

Các thành tố cấu thành của cấu trúc xã hội không phải là các cá nhân mà là các vị thế xã hội, vai (trò) xã hội, chuẩn mực xã hội và thiết chế xã hội.

Cấu trúc xã hội được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều đặc trưng bởi tính bền vững, tính khuôn mẫu của các quan hệ của các yếu tố, thành tố tạo nên hệ thống xã hội. Có thể nêu hai cách định nghĩa phổ biến nhất, cụ thể cấu trúc xã hội là: (i) bất kỳ một khuôn mẫu tương đối bền vững nào của mối quan hệ lẫn nhau của các yếu tố xã hội, ví dụ như cấu trúc giai cấp. (ii) khuôn mẫu ít nhiều bền vững của các cách sắp xếp xã hội trong một xã hội, một nhóm hay một tổ chức xã hội nhất định.

Lý thuyết[sửa]

Lý thuyết về cấu trúc xã hội: Lý thuyết “sắp đặt”. được Allan Johnson dành cả một chương trong cuốn xã hội học của ông để bàn về cấu trúc xã hội trong đó định nghĩa rõ cấu trúc xã hội là sự sắp đặt các yếu tố, các bộ phận trong mối quan hệ với nhau. Cấu trúc xã hội là sự sắp đặt xã hội theo ba chiều cạnh: (i) sự sắp đặt các cá nhân trong các mối quan hệ xã hội với các kỳ vọng khuôn mẫu, (ii) các kỳ vọng có tính khuôn mẫu giữa các nhóm và (iii) sự phân bố các cá nhân vào trong các vị trí xã hội khác nhau và tương ứng là sự phân bổ các loại phần thưởng quan trọng như của cải, quyền lực và uy tín. Cấu trúc xã hội có các thành tố như các vị thế xã hội và các tập hợp vị thế, các vai và tập hợp vai, các cách xác định tình huống, các mối quan hệ căng thẳng giữa các vị thế, các vai xã hội, các tập hợp-nhóm và các tập hợp-không phải nhóm. Dựa vào lý thuyết này ta có thể tạo ra hoặc thay đổi cấu trúc xã hội bằng cách “sắp đặt” các cá nhân vào các vị trí với các vai trò, kỳ vọng và phần thưởng trong các quan hệ xã hội. Với ý nghĩa như vậy, cấu trúc xã hội là cách tổ chức xã hội, cấu trúc của tổ chức, sự sắp đặt của tổ chức.

Lý thuyết cấu trúc nhóm xã hội. Rodney Stark (1994) coi cấu trúc xã hội là một đặc điểm của nhóm xã hội. Ví dụ, tỉ suất giới tính của một nhóm xã hội là một cấu trúc xã hội với tính cách là một đặc điểm của nhóm. Cấu trúc xã hội với tính cách là đặc điểm của nhóm, ví dụ tỉ suất giới tính có thể ảnh hưởng rõ rệt đến đời sống của cá nhân. Stark lấy ví dụ: cuộc sống ở vùng Bắc Yemen nơi cứ 100 phụ nữ có 90 nam giới chắc chắn khác với cuộc sống ở Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất nơi cứ 100 phụ nữ có 216 nam giới. Quy mô nhóm cũng là cấu trúc xã hội và ảnh hưởng đến hành vi của các cá nhân, ví dụ, nhóm càng lớn thì cá nhân càng cảm thấy ít có trách nhiệm cá nhân đối với tình huống cấp cứu xảy ra. Quan niệm của Stark gợi ra một nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng của xã hội học là nghiên cứu định lượng, phân tích các thành phần và tính toán tỉ trọng các thành phần để nắm chắc bất kỳ một cấu trúc xã hội của một nhóm xã hội nào.

Lý thuyết tương tác và văn hóa. Từ góc độ tương tác xã hội với trọng tâm là văn hóa, Michale Hughes và các đồng sự (1999) xác định cấu trúc xã hội là sự đan kết các mối tương tác và quan hệ xã hội của con người với các thành tố cơ bản là: (i) các vị thế, (ii) các vai, (iii) các nhóm, (iv) các thiết chế và (v) các xã hội. Văn hóa là cốt lõi của tương tác xã hội và quan hệ xã hội, do vậy có lẽ cần phải phải bổ sung, nhấn mạnh và nêu rõ yếu tố hệ giá trị, chuẩn mực văn hóa trong các thành phần của cấu trúc xã hội. Ở một mặt khác, cấu trúc xã hội là các khuôn mẫu của một xã hội được hiểu như là tập hợp các cá nhân tương tác với nhau, ví dụ khuôn mẫu quan hệ xã hội giữa nam và nữ, giữa người dạy và người học. Theo quan niệm này, cấu trúc xã hội gồm bảy thành tố là: (i) văn hóa, (ii) giai cấp xã hội, (iii) vị thế xã hội, (iv) vai xã hội, (v) nhóm xã hội, (vi) thiết chế xã hội, (vii) xã hội. Trong các thành tố này có lẽ chỉ có giai cấp và nhóm với tính cách là tập hợp các cá nhân mới có thể hành động và tương tác với nhau thông qua văn hóa, vị thế, vai xã hội và thiết chế xã hội.

Nhìn từ Lý thuyết quan hệ xã hội: cấu trúc xã hội với tính cách là khuôn mẫu lặp đi lặp lại của các quan hệ xã hội có thể tìm thấy trong các cấp độ xã hội từ nhóm bạn bè, đến gia đình, công ty, tổ chức nghề nghiệp, cộng đồng xã hội và toàn thể xã hội. Các khuôn mẫu của các quan hệ có thể do pháp luật quy định hoặc do thói quen, phong tục tập quán quy định. Cấu trúc xã hội vừa kiểm soát, hạn chế và vừa tạo điều kiện cho các cá nhân và nhóm. Cấu trúc xã hội gồm ba thành tố cơ bản là: các vị thế xã hội, các vai xã hội và các thiết chế xã hội. Như vậy, cách tiếp cận của David Brinkerhoff đã nhấn mạnh các mối quan hệ xã hội với tính cách là các biểu hiện cụ thể của mối quan hệ giữa con người và xã hội.

Lý thuyết chức năng: coi cấu trúc xã hội cùng với văn hóa là hai loại điều kiện xã hội có chức năng kiểm soát, hạn chế hành vi của con người. Cấu trúc xã hội bao gồm các mối quan hệ và các mạng lưới hình thành và chuyển hóa một tập hợp các cá nhân thành một nhóm. Với tính cách là cấu trúc xã hội của nhóm xã hội, cấu trúc xã hội bao gồm các khuôn mẫu các tương tác, sự phân công lao động, các mối liên hệ và các tầng bậc của các vị trí trong nhóm. Có lẽ cần nhấn mạnh rằng cấu trúc xã hội có chức năng định hướng và tạo điều kiện cho các cá nhân, các nhóm thực hiện mục đích của họ trong khi tham gia và thực hiện mục đích chung của cả nhóm, cả cấu trúc xã hội.

Lý thuyết cấu trúc hóa. Cấu trúc xã hội gắn với hành động xã hội tạo nên một trong các song đề, “nan đề” của xã hội học. Trong các cách tiếp cận lý thuyết giải quyết song đề này, đáng chú ý nhất là cách tiếp cận lý thuyết “cấu trúc hóa” (structuration theory) với các quy tắc mới của phương pháp xã hội học do Anthony Giddens đề xuất như một lựa chọn thay thế đối với cách tiếp cận lý thuyết của Emile Durkheim về sự kiện xã hội. Emile Durkheim nhấn mạnh tính chất áp đặt, kiềm chế, kiểm soát một cách khách quan từ bên ngoài của cấu trúc xã hội với tính cách là sự kiện xã hội (social fact) đối với hành động của cá nhân. Nói ngắn gọn, cấu trúc xã hội là sự kiện xã hội khách quan, bên ngoài quy định hành động của con người. Kế thừa quan niệm của Emile Durkheim, một số tác giả định nghĩa cấu trúc xã hội là một hiện thực tập thể tách biệt khỏi các cá nhân và tạo ra khung cảnh trong đó các cá nhân hành động và tương tác với nhau. Cấu trúc xã hội là các khuôn mẫu của các quan hệ xã hội trong đó diễn ra hành vi, hoạt động. Tuy nhiên, theo Giddens, cấu trúc xã hội đồng thời là các khuôn mẫu tương tác giữa các cá nhân hoặc các nhóm trong xã hội. Đời sống xã hội không diễn ra một cách tình cờ, ngẫu nhiên mà được cấu trúc hóa theo một trật tự, một khuôn mẫu nhất định bởi các hành động xã hội của con người. Cấu trúc xã hội có tác động tích cực theo hướng tạo điều kiện, cơ hội và cả nguồn lực đối với hành động của các cá nhân. Đồng thời, thông qua hành động của con người cấu trúc xã hội được tái tạo, vận động, biến đổi, phát triển, tức là cấu trúc xã hội được cấu trúc hóa. Tuy nhiên, có lẽ cần hiểu cấu trúc xã hội không chỉ được tạo ra và tái tạo bởi hành động người như Giddens quá nhấn mạnh, mà còn bởi chính quá trình vận động, hành động của cấu trúc dưới hình thức “tự thực hiện”, “tự cấu trúc”, “tự cấu trúc hóa”.

Việt Nam[sửa]

Việt Nam, các cuộc điều tra, khảo sát xã hội học cho thấy cấu trúc xã hội thường được gọi là “Cơ cấu xã hội” biến đổi từ cấu trúc xã hội “hai giai một tầng” gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức biến đổi sang cấu trúc xã hội nhiều thành phần mà hiện nay chính thức được gọi là các giai tầng xã hội (Trịnh Duy Luân 1992, Nguyễn Đình Tấn, 2005, Lê Ngọc Hùng, 2010). Trong quá trình biến đổi cấu trúc xã hội, một số thành phần rất phổ biến trước kia nay đã giảm bớt đến mức ít còn nói tới nữa và một số giai tầng mới gắn liền với nghề nghiệp mới đã xuất hiện và phát triển. Ví dụ, thành phần “nông dân tập thể”, “xã viên hợp tác xã nông nghiệp”, “nông trang viên” không còn phổ biến nữa khi kinh tế hợp tác xã chiếm một tỉ trọng rất nhỏ trong tổng số lực lượng lao động đang có việc làm ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt là “giai tầng nghèo khổ” đã giảm mạnh và những giai tầng mới xuất hiện và phát triển như “doanh nhân”, “tầng lớp trung lưu”, “tầng lớp ưu trội”.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Allan G. Johnson. The Blackwell Dictionary of Sociology: A User’s Guide to Sociological Language. Massachusetts: Blackwell Publishers Ltd. 1995. P. 265.
  2. Anthony Giddens. Sociology. Cambridge: Polity Press. 1997. P. 585. V và phát triấp nông dân và tầng lớp trí thức biến đổi sang cấu trúc xã hội nhiều thành phần mà hiện nay chính thức được gọi là các giai tầng xã hội (Cambridge: Polity Press. 1997. P. 585.)
  3. Beth B. Hess, Elizabeth W. Markson, Peter J. Stein. Sđd. Tr. 73.
  4. Bryan S. Turner. The Cambridge Dictionary of Sociology. USA: Cambridge University Press. 2006. P. 587.
  5. David B. Brinkerhoff, Lynn K. White, Suzane T. Ortega. Essentials of Sociology. California: Wadsworth Publishing Company. 1999. P. 46.
  6. David Jary & Julia Jary. The HarperCollins Dictionary of Sociology. New York: HarperCollins Publishers, Ltd. 1991. P. 465.
  7. George A. Theodorson and Achilles G. Theodorson. A Modern Dictionary of Sociology. New York: Thomas Y. Crowell Company. 1969. p. 395.
  8. Gordon Marshall (1998). Oxford Dictionary of Sociology. 2nd Edition. New York: Oxford University Press. 1998. Pp. 648-649; TEdition. New York: Oxfor. Nxb Đn. New York: Oxford University Press. 19
  9. James A. Inciardi and Robert A. Rothman. Sociology: Principles and Applications. New York: Harcout Brace Jovanivich, Publishers. 1990. P. 8.
  10. Lê Ngọc Hùng. “Động thái của cấu trúc xã hội và thuyết cấu trúc hóa của Anthony Giddens”. Tạp chí Xã hội học. Số 2. 2009. Tr. 82-90; Lê Ngọc Hùng. Lý thuyết xã hội học hiện đại. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội. 2013. Tr. 341. Phạm Văn Bích. “Lý thuyết structuration của A. Giddens”. Tạp chí Xã hội học. Số 4 (120). 2012. Tr. 105-115.