Các đại dương trên Trái Đất |
---|
Thế Giới Dương |
Đại dương là khối nước làm nên phần lớn thủy quyển của một hành tinh.[1] Trên Trái Đất có năm đại dương xếp theo diện tích từ nhỏ đến lớn lần lượt là Bắc Băng Dương, Nam Đại Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, và Thái Bình Dương.[2] Những đại dương này là bộ phận chính của Thế Giới Dương hay Toàn Cầu Dương.[2] Giữa "biển" và "đại dương" không có sự phân biệt rõ ràng nhưng nhìn chung biển đề cập đến những khối nước nhỏ hơn bị bao bọc một phần hay toàn bộ bởi đất liền.[3]
Nước biển mặn bao phủ diện tích gần 362.000.000 km2 và thường được chia thành các đại dương chính cùng những biển nhỏ hơn. Đại dương chiếm gần 71% bề mặt và 90% sinh quyển Trái Đất.[4] 97% lượng nước của Trái Đất là ở đại dương và các nhà hải dương học phát biểu rằng con người mới chỉ khám phá chưa đến 20% đại dương thế giới.[5] Tổng thể tích của đại dương là khoảng 1,35 tỉ kilomet khối và độ sâu trung bình là khoảng 3.700 met.[4]
Vì là thành phần chủ yếu của thủy quyển Trái Đất, đại dương thế giới là không thể thiếu đối với sự sống. Nó làm nên bộ phận của chu trình cacbon, ảnh hưởng đến khí hậu và các kiểu thời tiết. Một nghiên cứu ước tính đại dương là sinh cảnh của khoảng 2,2 triệu loài, trong đó 91% chưa được mô tả.[6] Tuy nhiên số loài đang giảm do sự suy thoái của nhiều hệ sinh thái cùng tỉ lệ tuyệt chủng tăng.[7] Vào khoảng 3,8 tỉ năm trước, hơi nước kết tụ thành mưa kéo dài hàng thế kỷ đã lấp đầy những chỗ trũng trên bề mặt Trái Đất để tạo thành đại dương và trọng lực đã giúp cho nước không bị mất đi.[8]
Đại dương ngoài Trái Đất có thể có thành phần gồm nước hoặc những nguyên tố và hợp chất khác. Khối chất lỏng bề mặt ngoài Trái Đất lớn, ổn định, duy nhất được xác nhận là các hồ trên Titan, dù vậy có bằng chứng về sự tồn tại của đại dương đâu đó trong Hệ Mặt Trời. Vào đầu lịch sử địa chất của mình, Sao Hỏa và Sao Kim được cho là có những đại dương nước lớn. Giả thuyết đại dương Sao Hỏa gợi ý gần một phần ba bề mặt hành tinh này từng bị nước bao phủ, và hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát đã làm bốc hơi toàn bộ đại dương của Sao Kim. Các hợp chất như muối và amoniac hòa tan trong nước hạ thấp điểm đóng băng nên nước có thể tồn tại số lượng lớn ở những môi trường ngoài Trái Đất dưới dạng nước muối hoặc băng đối lưu. Các đại dương chưa xác thực bị nghi ngờ nằm dưới bề mặt của nhiều hành tinh lùn và vệ tinh tự nhiên, đáng chú ý người ta ước tính đại dương của Europa có thể tích gấp hơn hai lần Trái Đất.[9]Các hành tinh khổng lồ của Hệ Mặt Trời cũng được cho có những lớp khí quyển lỏng gồm những thành phần chưa xác định. Đại dương còn có thể tồn tại trên những hành tinh và vệ tinh ngoài Hệ Mặt Trời, bao gồm các đại dương nước lỏng bề mặt trong vùng sống được quanh sao. Hành tinh đại dương là kiểu hành tinh giả thuyết có chất lỏng bao phủ hoàn toàn bề mặt.[10]
Tham khảo[sửa]
- ↑ WordNet Search — ocean, Princeton University, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ a b NOAA – National Oceanic and Atmospheric Administration – howmanyoceans, noaa.gov, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ WordNet Search — sea, Princeton University, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ a b Volumes of the World's Oceans from ETOPO1, NOAA, lưu trữ từ nguyên tác ngày 11 tháng 3 năm 2015, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ NOAA – National Oceanic and Atmospheric Administration – Ocean, noaa.gov, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ How Many Species Are There on Earth and in the Ocean?, doi:10.1371/journal.pbio.1001127, PMID 21886479
- ↑ NOAA – National Oceanic and Atmospheric Administration – ocean-species, noaa.gov, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ NOAA – National Oceanic and Atmospheric Administration – why_oceans, noaa.gov, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ In Depth, nasa.gov, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020
- ↑ Ocean-bearing Planets: Looking For Extraterrestrial Life In All The Right Places, Sciencedaily.com, truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2020