Biển (tiếng Anh Sea) là phần đại dương bị ngăn cách bởi lục địa, các đảo hoặc vùng cao của đáy, có những đặc điểm riêng về chế độ thủy văn, khí tượng, khí hậu.
Về mặt địa lý, B là một bộ phận của đại dương, thường nằm ở nơi đất và đại dương gặp nhau, được bao bọc một phần bởi đất liền. B chiếm khoảng 10% diện tích của đại dương thế giới, khoảng 3% khối lượng nước. Theo số liệu của Ủy ban Hải dương học liên chính phủ thuộc UNESCO (1967), Trái Đất có tổng số 62 B, tuy nhiên một số phần của đại dương có đặc trưng giống B được gọi là vịnh (Hudson, Mexico, Bengal, Persian), ngược lại một số hồ nước lớn được gọi là B (Biển Aran, Biển Chết).
Theo mức độ ngăn cách với đại dương và đặc điểm chế độ thủy văn, B được phân thành: biển rìa (còn gọi biển ven bờ, biển ven rìa), biển kín (còn gọi biển đóng, biển nửa đóng, biển nội địa) và biển giữa các đảo. Biển rìa tiếp giáp với lục địa và bờ bên kia là một số đảo lớn, không quá ăn sâu vào lục địa (biển Barents, biển Arập, Biển Đông, biển Nhật Bản), có chế độ lưu thông nước tương đối tự do với đại dương và có chế độ thủy văn giống như vùng đại dương liền kề, đây là nhóm biển phổ biến nhất. Biển kín nằm sâu trong lục địa (biển Caspi, Biển Đen, biển Baltic), lưu thông nước với đại dương (biển) qua các eo biển hẹp, có sự khác biệt lớn so với đại dương về chế độ thủy văn và nồng độ muối. Biển gữa các đảo được các đảo bao quanh hay do vùng cao của đáy tạo thành (biển Banda, biển Giava, biển Cebeles), có sự lưu thông nước với các vùng đại dương liền kề. Chế độ thủy văn của nhóm biển này chịu sự ảnh hưởng của vị trí địa lí và ảnh hưởng trực tiếp của đại dương. Theo độ sâu, B được phân thành biển sâu và biển nông. Biển sâu có độ sâu tới vài nghìn mét (Biển Đen, biển Baltic, biển Nhật Bản), thường ứng với vùng sườn lục địa. Biển nông có độ sâu không quá vài trăm mét (biển Barents, Biển Bắc), thường ứng với vùng thềm lục địa. Theo độ nghiêng đáy biển, phân thành: biển đáy bằng hoặc đáy nghiêng. Biển đáy bằng thường có lòng chảo sâu khép kín được giới hạn rõ nét bỡi ngưỡng, thềm ngầm. Biển đáy nghiêng không có lòng chảo, độ sâu của nó tăng dần khi ra xa bờ. Các biển sâu thường là đáy bằng, các biển nông thường là đáy nghiêng.
B có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cung cấp hơi nước để tạo ra mưa cho khí quyển, duy trì sự sống cho các sinh vật trên đất liền, cung cấp trên 80% sản lượng hải sản cho nhân loại; phát triển kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia ven biển.
Các quốc gia ven biển đều xây dựng hệ thống văn bản pháp luật riêng nhằm xác lập quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia mình trên biển, tuy nhiên phải tuân thủ các điều ước quy định trong luật pháp quốc tế mà mỗi quốc gia tham gia ký kết. Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã qui định rõ về vùng biển của các quốc gia ven biển (kể cả các quốc gia quần đảo) và Biển cả; đồng thời qui định chế độ pháp lý trên đó. Vùng biển của các quốc gia ven biển được xác định bao gồm các bộ phận: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; các quốc gia ven biển có chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với mỗi bộ phận của vùng biển quốc gia theo qui định của Công ước. Biển cả là vùng biển còn lại không thuộc vùng biển của các quốc gia; quyền tự do trên Biển cả của các quốc gia, dù có biển hay không có biển được thực hiện theo các quy định của Công ước và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Quyền tự do đặc biệt này bao gồm: tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm, tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, tự do đánh bắt hải sản, tự do nghiên cứu khoa học; mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên Biển cả của các quốc gia khác, cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quan đến các hoạt động trong Vùng. Biển cả được sử dụng vào các mục đích hòa bình, không một quốc gia nào có thể đòi đặt một cách hợp pháp một bộ phận nào đó của Biển cả thuộc vào chủ quyền của mình.
Về mặt quân sự, địa bàn vùng biển, hải đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tuyến đầu, cửa ngõ, là bức tường thành vững chắc của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với Việt nam, Biển là một phần lãnh thổ quốc gia, là một trong những chiến trường quan trọng; nơi mà quân địch luôn xác định là một hướng tiến công chiến lược, chủ yếu khi tiến hành xâm lược Việt Nam. Để giữ vững vùng biển của tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo xây dựng phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh trên biển. Tăng cường xây dựng và phát triển các lực lượng chấp pháp trên biển như: Hải quân, Cảnh sát biển, Kiểm ngư... trong đó, xây dựng lực lựợng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn vẹn lảnh thổ của Tổ quốc.
Các quốc gia ven biển đã xây dựng nhiều cảng biển lớn nhằm phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, nhiều cảng biển quân sự được xây dựng. Các căn cứ hải quân được các nước xây dựng ở các vùng biển điển hình như: biển Arập có: Mumbai (Bombay), Kochi (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Bandar Abbas, Bandar Khomeini (Iran), Kuwait (Kuwait), Manama (Bahrain), Aden (Yemen); biển Barents có: Murmansk, Indiga, Narya-Mar (Nga), Kirkenes, Vardoya, Hammarfest (Na Uy); Biển Đỏ có: Suez (Ai Cập), Pot Sudan (Sudan), Jeddah (Arập Xêut), Hudaydah (Yemen); Biển Đông có: Manila (Philippin), Sattahip (Thái Lan), Kongpong Som (Campuchia), Trạm Giang, Du Lâm, Quảng Châu, Sán Đầu (TQ)…
Tranh chấp biển đảo vẫn đang xảy ra ở một số vùng biển trên thế giới với hai loại tranh chấp chính đó là: tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo và tranh chấp trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển liền kề hay đối diện nhau trên các vùng biển. Điển hình như khu vực Biển Đông, Biển Hoa Đông, … Các vấn đề tranh chấp này cần phải được giải quyết một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lẫn nhau giữa các nước. (1.149 chữ)
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Dược, Trung Hải, Sổ tay Thuật ngữ Địa lý dùng trong phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2001.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Đào Đình Bắc, Địa mạo đại cương, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
- Bộ Tổng tham mưu - Cục Bản đồ, Trắc địa biển, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2009.
- Quốc hội, Luật Biển Việt nam, Luật số: 18/2012/QH13, 2012.
- Ban Tuyên giáo Trung Ương, 100 câu hỏi - đáp về biển, đảo dành cho tuổi trẻ Việt Nam, Nxb Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2013.
- Nguyễn Kim Vỹ, Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (phiên bản điện tử).
- Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), 1982.
- Đại bách khoa toàn thư Nga, bản điện tử: bigenc.ru.