Xoáy thuận nhiệt đới là hệ thống gió xoáy quy mô synop, không front, lõi ấm có nguồn gốc ở vùng biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới, với đối lưu sâu tổ chức cùng hoàn lưu gió bề mặt kín quanh tâm xác định rõ.[1] Khi đã hình thành, xoáy thuận nhiệt đới được duy trì bởi quá trình thu thập nhiệt năng từ đại dương ấm rồi giải phóng nhiệt ở thượng tầng đối lưu lạnh.[1] Mỗi năm trên Trái đất có khoảng 80 đến 90 xoáy thuận nhiệt đới với số lượng ở Bắc Bán cầu nhiều hơn Nam Bán cầu.[2] Chúng phân bổ tập trung vào một số khu vực, nhìn chung gồm Bắc Đại Tây Dương, Đông Bắc Thái Bình Dương, Tây Bắc Thái Bình Dương, Bắc Ấn Độ Dương, Tây Nam Ấn Độ Dương, Australia/Đông Nam Ấn Độ Dương, và Australia/Tây Nam Thái Bình Dương.[3][4] Ở Bắc Bán cầu, xoáy thuận nhiệt đới quay ngược chiều kim đồng hồ còn ở Nam Bán cầu là theo chiều kim đồng hồ.[3]
Vị trí hình thành của xoáy thuận nhiệt đới giới hạn trong khoảng 30° Bắc và 30° Nam, 87% là trong khoảng vĩ tuyến 20 từ xích đạo.[↓ 1][4][7] Có sáu điều kiện quan trọng cần cho xoáy thuận nhiệt đới hình thành: nhiệt độ bề mặt đại dương ≥26,5° C, độ ẩm cao ở tầng đối lưu dưới và giữa, khí quyển bất ổn định, độ xoáy tương đối lớn gần bề mặt, đứt gió chiều thẳng đứng thấp, và đủ lực Coriolis.[8] Khởi nguồn của xoáy thuận nhiệt đới phổ biến là gió mùa ở Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và sóng đông ở Bắc Đại Tây Dương.[9] Tần suất xoáy thuận nhiệt đới biến động lớn theo những phạm vi thời gian: trong mùa, một hiện tượng chi phối là dao động Madden–Julian còn liên năm là El Niño–Dao động phương Nam.[10]
Tùy vào cường độ và địa điểm mà xoáy thuận nhiệt đới còn được đề cập bằng các thuật ngữ khác nhau.[11] Tuy nhiên những thuật ngữ và tiêu chí để áp dụng chúng không có sự thống nhất giữa các cơ quan khí tượng của từng quốc gia hay khu vực.[11] Ví dụ một vài thuật ngữ phổ biến: áp thấp nhiệt đới là xoáy thuận nhiệt đới có sức gió ≤33 knot (kt, 63 km/h), bão nhiệt đới tương tự nhưng với sức gió 34 đến 63 kt (63 đến 118 km/h);[↓ 2] nếu sức gió ≥64 kt (119 km/h) thì xoáy thuận nhiệt đới ở Bắc Đại Tây Dương và Đông Bắc Thái Bình Dương được gọi là hurricane, còn ở Tây Bắc Thái Bình Dương là typhoon.[12] Thêm một khác biệt nữa là thời gian tính trung bình gió, như các cơ quan của Hoa Kỳ áp dụng một phút[13] trong khi Tổ chức Khí tượng Thế giới khuyến nghị 10 phút.[14]:2
Chú thích
Tham khảo
- ↑ a b c "Glossary of NHC Terms", nhc.noaa.gov, National Hurricane Center, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 1 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2022
- ↑ Marks 2015, tr. 37.
- ↑ a b Shultz, James M.; Russell, Jill; Espinel, Zelde (ngày 1 tháng 7 năm 2005), "Epidemiology of Tropical Cyclones: The Dynamics of Disaster, Disease, and Development", Epidemiologic Reviews, 27 (1): 21–35, doi:10.1093/epirev/mxi011, PMID 15958424, S2CID 1902072
- ↑ a b Marks 2015, tr. 38.
- ↑ Chun-yuen, Chau (tháng 12 năm 2013), "Why Do Tropical Cyclones always form more than 5 Degrees of Latitude away from the Equator?", hko.gov.hk, Hong Kong Observatory, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 23 tháng 8 năm 2022, truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2022
- ↑ Wang 2015, tr. 57.
- ↑ Chan & Kepert 2010, tr. 57.
- ↑ Pillay, Micheal T.; Fitchett, Jennifer M. (tháng 12 năm 2021), "On the conditions of formation of Southern Hemisphere tropical cyclones", Weather and Climate Extremes, 34: 100376, doi:10.1016/j.wace.2021.100376, S2CID 239698972
- ↑ Guard 2017, tr. 132.
- ↑ Wang 2015, tr. 59.
- ↑ a b Guard 2017, tr. 26, 27.
- ↑ "Classification of Tropical Cyclones", community.wmo.int, World Meteorological Organization, lưu trữ từ nguyên tác ngày 1 tháng 10 năm 2022, truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2022
- ↑ Guard 2017, tr. 27.
- ↑ Harper, B. A.; Kepert, J. D.; Ginger, J. D. (2010), Guidelines for converting between various wind averaging periods in tropical cyclone conditions, World Meteorological Organization, truy cập ngày 1 tháng 10 năm 2022
Sách
- Chan, Johnny C. L.; Kepert, Jeffrey D., bt. (2010), Global Perspectives on Tropical Cyclones: From Science to Mitigation, World Scientific, doi:10.1142/7597, ISBN 978-981-4293-47-1
- North, Gerald R.; Pyle, John; Zhang, Fuqing, bt. (2015), Encyclopedia of Atmospheric Sciences (lxb. 2), Academic Press, ISBN 978-0-12-382225-3
- Marks, F.D., Tropical Cyclones and Hurricanes | Hurricanes: Observation, 6, tr. 35–56, doi:10.1016/B978-0-12-382225-3.00163-8
- Wang, Z., Tropical Cyclones and Hurricanes | Tropical Cyclogenesis, 6, tr. 57–64, doi:10.1016/B978-0-12-382225-3.00506-5
- Guard, Charles "Chip", bt. (2017), Global Guide to Tropical Cyclone Forecasting, World Meteorological Organization, ISBN 978-92-63-11194-4