Lịch sử Trái đất
Phiên bản vào lúc 17:06, ngày 7 tháng 11 năm 2020 của Marrella (Thảo luận | đóng góp) (Dịch từ https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Earth, cố gắng có nhiều nội dung hơn chút.)
UnderCon icon.svg Mục từ này chưa được bình duyệt và có thể cần sự giúp đỡ của bạn để hoàn thiện.

Lịch sử Trái Đất đề cập đến quá trình phát triển của hành tinh Trái Đất từ lúc hình thành đến nay. Gần như mọi nhánh của khoa học tự nhiên đều góp phần giúp chúng ta hiểu biết về những sự kiện quan trọng đã diễn ra trong quá khứ của Trái Đất, tiêu biểu là sự biến đổi không ngừng về mặt địa chất và tiến hóa sinh học.

Thang thời gian địa chất được định ra bởi quy ước quốc tế mô tả những quãng thời gian dài từ thưở bình minh của Trái Đất cho đến ngày nay. Trái Đất hình thành khoảng 4,54 tỉ năm trước do hoạt động bồi tụ từ tinh vân mặt trời. Khí thải từ núi lửa có lẽ đã tạo ra bầu khí quyển nguyên thủy rồi đến đại dương, song khí quyển ban đầu không có oxy. Đa phần Trái Đất nóng chảy do việc thường xuyên va chạm với những thiên thể khác đã đẩy hoạt động núi lửa lên cùng cực. Vào thời kỳ đầu của Trái Đất, một vụ va chạm rất lớn với Theia, thiên thể có kích cỡ hành tinh, được cho là đã tạo ra Mặt Trăng. Qua thời gian, Trái Đất nguội dần tạo điều kiện cho một lớp vỏ cứng hình thành và nước lỏng xuất hiện trên bề mặt.

Liên đại Thái Viễn Cổ là khoảng thời gian trước khi con người ghi nhận sự sống đáng tin, bắt đầu khi Trái Đất hình thành và kết thúc vào 4 tỉ năm trước. Các liên đại Thái Cổ và Nguyên Sinh đã khởi sinh sự sống trên Trái Đất và bước tiến hóa đầu tiên. Liên đại Hiển Sinh kế cận được chia thành ba đại: Cổ Sinh là thời đại của động vật chân khớp, cá, và sự sống đầu tiên trên mặt đất; Trung Sinh trải qua những giai đoạn trỗi dậy, ngự trị, và suy vong của khủng long; và Tân Sinh chứng kiến sự nổi lên của động vật có vú. Con người xuất hiện sớm nhất vào khoảng 2 triệu năm trước, một con số rất nhỏ trên thang thời gian địa chất.

Sự sống đã xuất hiện trên Trái Đất từ ít nhất 3,5 tỉ năm trước trong đại Tiền Thái Cổ sau khi lớp vỏ địa chất bắt đầu cứng lại. Con người đã tìm thấy những hóa thạch thảm vi khuẩn như stromatolite trong sa thạch 3,48 tỉ năm tuổi ở Tây Úc. Các bằng chứng tự nhiên khác về vật chất sinh vật tạo ra gồm than chì trong đá trầm tích biến chất 3,7 tỉ năm tuổi ở Tây Nam Greenland và "tàn tích sự sống" trong đá 4,1 tỉ năm tuổi ở Tây Úc. Trích lời một nhà nghiên cứu: "Nếu sự sống đã phát sinh tương đối nhanh trên Trái Đất ... thì nó có thể sẽ phổ biến trong vũ trụ".

Sinh vật quang hợp xuất hiện vào khoảng 3,2 đến 2,4 tỉ năm trước và bắt đầu thải oxy vào khí quyển. Sự sống hầu như vẫn rất bé nhỏ cho đến 580 triệu năm trước, thời điểm mà dạng sống đa bào phức tạp phát sinh, phát triển qua thời gian và lên đến đỉnh điểm trong sự kiện bùng nổ kỷ Cambri khoảng 541 triệu năm trước. Sự đa dạng hóa đột ngột của các dạng sống này đã tạo ra hầu hết ngành lớn mà con người biết ngày nay và chia tách liên đại Nguyên Sinh khỏi kỷ Cambri thuộc liên đại Hiển Sinh. Ước tính rằng hơn 5 tỉ loài, tương ứng 99% số loài từng tồn tại trên Trái Đất, đã tuyệt chủng. Số loài hiện tại vào khoảng 10 đến 14 triệu, trong đó 1,2 triệu đã được ghi chép và hơn 86% chưa được mô tả. Tuy nhiên, gần đây người ta cho rằng có tới một ngàn tỉ loài đang sống trên Trái Đất với chỉ một phần ngàn % số đó đã được mô tả.

Lớp vỏ Trái Đất không ngừng biến đổi từ khi hình thành, cũng như sự sống từ lúc mới xuất hiện. Các loài tiếp tục tiến hóa, tiếp nhận những hình thái mới, phân nhánh thành những loài cấp dưới, hay tiêu vong trong những môi trường tự nhiên không ngừng đổi khác. Quá trình kiến tạo mảng tiếp tục định hình các lục địa, đại dương, và sự sống chúng nuôi dưỡng. Giờ đây, hoạt động của con người là nhân tố hàng đầu gây nên biến đổi khí hậu, làm tổn hại bề mặt, sinh quyển, thủy quyển, và khí quyển Trái Đất với việc lấy đi đất đai hoang dã, lạm thác đại dương, tạo khí nhà kính, làm suy thoái tầng ozon, đất, nước, và không khí.