Mục từ này cần được bình duyệt
Kháng nguyên
Phiên bản vào lúc 16:41, ngày 8 tháng 11 năm 2021 của Marrella (Thảo luận | đóng góp) (→‎Sách)
Kháng nguyên gây phản ứng miễn dịch bằng cách tương tác với một kháng thể khớp với cấu trúc phân tử của kháng nguyên (ấn vào hình)

Kháng nguyên (Ag) là một chất hay phân tử kích thích sự sản sinh kháng thể đặc hiệu hay tế bào miễn dịch, hoặc tương tác với những sản phẩm này của phản ứng miễn dịch.[1][2] Thuật ngữ kháng nguyên ban đầu đề cập đến phân tử mà khiến tế bào B tạo ra kháng thể, song về sau là phân tử được nhận diện đặc thù bởi thụ thể của tế bào B hoặc tế bào T.[3] Kháng nguyên có thể là protein, polysaccharide, lipid, nucleic acid, hay phân tử sinh học khác.[2] Không phải mọi kháng nguyên được kháng thể hay bạch huyết bào nhận diện đều kích hoạt phản ứng miễn dịch, ví dụ là những hóa chất nhỏ như dinitrophenol.[2] Chất mà gây phản ứng miễn dịch được gọi là chất sinh miễn dịch.[1]

Kháng nguyên được nhận biết bởi các thụ thể kháng nguyên bao gồm kháng thể và thụ thể tế bào T. Các tế bào của hệ miễn dịch tạo ra những thụ thể kháng nguyên đa dạng để cho từng tế bào có tính đặc thù đối với từng kháng nguyên. Khi tiếp xúc với một kháng nguyên, chỉ bạch huyết bào nhận diện kháng nguyên đó là hoạt hóa và sinh sôi, quá trình gọi là chọn lọc vô tính. Trong hầu hết trường hợp, một kháng thể chỉ có thể phản ứng và gắn vào một kháng nguyên đặc thù. Tuy nhiên cũng có khi kháng thể phản ứng chéo và gắn vào nhiều hơn một kháng nguyên.

Kháng nguyên có thể có nguồn gốc từ trong cơ thể ("protein ta") hoặc từ môi trường bên ngoài ("không ta").[4] Hệ miễn dịch nhận dạng và tấn công những kháng nguyên ngoài, trong khi với protein ta thường không phản ứng do chọn lọc phủ định của tế bào T trong tuyến ứctế bào B trong tủy xương.[5]

Vắc-xin là ví dụ về kháng nguyên trong một dạng sinh miễn dịch, thứ được cố tình truyền vào một đối tượng nhận để khởi động chức năng ghi nhớ của hệ miễn dịch thích nghi về kháng nguyên của mầm bệnh xâm nhiễm đối tượng nhận đó. Một ví dụ phổ biến là vắc-xin phòng cúm mùa.[6]

Tham khảo

  1. a b Sela, Michael (ngày 14 tháng 7 năm 1998), "Antigens", Encyclopedia of Immunology (lxb. 2), Elsevier Science, tr. 201–207, doi:10.1006/rwei.1999.0055
  2. a b c Abbas 2017, tr. 110.
  3. Male 2006, tr. 10.
  4. Immune system and disorders, MedlinePlus, US National Institute of Medicine, ngày 28 tháng 9 năm 2020, truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020
  5. Gallucci, S; Lolkema, M; Matzinger, P (tháng 11 năm 1999), "Natural adjuvants: endogenous activators of dendritic cells", Nature Medicine, 5 (11): 1249–55, doi:10.1038/15200, PMID 10545990, S2CID 29090284
  6. Antigenic characterization, US Centers for Disease Control and Prevention, ngày 15 tháng 10 năm 2019, truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2020

Sách