Mục từ này cần được bình duyệt
Ung thư vòm họng
Phiên bản vào lúc 22:23, ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Marrella (Thảo luận | đóng góp)
Ung thư vòm họng
Tên khácUng thư biểu mô vòm họng, ung thư vòm hầu
Nasopharyngeal carcinoma - EBER -- high mag.jpg
Chuyên khoaUng thư học

Ung thư vòm họngung thư phát sinh từ vòm họng, phần trên của họng nằm sau mũi và khoang mũi.[1] Ung thư ở vòm họng hầu hết là ung thư biểu mô khởi nguồn từ các tế bào biểu mô lót vòm họng và ở đây chỉ đề cập đến loại này.[1] Ung thư biểu mô vòm họng (NPC) độc đáo về mặt dịch tễ và sự liên hệ mật thiết với virus Epstein–Barr (EBV).[2] Tâm điểm hình thành NPC là ngách họng hay hố Rosenmuller, nơi mà từ đó nó có nhiều đường để lan tỏa.[3] Vị trí này góp phần lý giải việc NPC rất hay biểu hiện là sự di căn hạch ở cổ thay vì thương tổn mũi nguyên phát.[3] Cục bướu ở cổ thường là triệu chứng đầu tiên của NPC.[4] NPC có thể theo đường máu di căn đến những cơ quan xa như xương, phổi, và gan.[4]

Trên thế giới, ung thư vòm họng là tương đối hiếm gặp.[5] Tuy nhiên, tỷ lệ mắc cao hơn đáng kể đã được quan sát từ lâu với nhóm người Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc; cùng tỷ lệ vừa với các dân tộc bản địa ở Đông Nam Á, vùng Bắc Cực, Bắc Phi, và Trung Đông.[6] Một lý do khiến người Quảng Đông hay bị ung thư vòm họng là thói quen ăn cá ướp muối kiểu truyền thống từ bé, món ăn chứa nitrosamine dễ bay hơi là hóa chất gây ung thư đã biết.[7] Ngoài cá muối thì những gia vị hay thực phẩm bảo quản khác ở nhiều vùng trên thế giới cũng làm gia tăng nguy cơ.[8] Số lượng nam mắc bệnh nhiều gấp hai đến ba lần nữ.[6] Rủi ro khác gồm hút thuốc lá, bệnh đường hô hấp mãn tính, formaldehyde và khói bụi nghề nghiệp.[9][10] Hơn 5% bệnh nhân NPC Trung Quốc có thân nhân bậc một từng mắc bệnh, gợi ý sự góp phần của yếu tố di truyền.[11]

Ung thư biểu mô vòm họng được phân thành ung thư biểu mô tế bào vảy sừng hóa và không sừng hóa.[12][13] Ở vùng đặc hữu như Hồng Kông và các tỉnh miền nam Trung Quốc, NPC chủ yếu là loại không sừng hóa và liên hệ mật thiết với nhiễm EBV.[13] Một số quan sát chỉ ra vai trò sinh NPC của EBV: kháng thể chống EBV tăng ở bệnh nhân, DNA và RNA EBV có trong hầu hết các tế bào NPC và thương tổn tiền NPC, bộ gen virus đơn dòng gợi ý nhiễm EBV xảy ra trước.[14] Vì vậy, nhiễm EBV tiềm ẩn trong các tế bào biểu mô tiền ung thư được xem là bước đầu và cần thiết để hình thành NPC.[15] EBV có thể hủy quy định một loạt protein then chốt tham gia vào apoptosis, các chốt kiểm chu kỳ tế bào, và di căn; hành động như nhân tố xúc tiến hơn là khởi động.[16] Tuy nhiên chỉ mình EBV thì không đủ để gây NPC,[17] bệnh sinh NPC là sự tương tác phức tạp của các yếu tố môi trường, di truyền, và nhiễm EBV.[18]

Ung thư vòm họng nếu chẩn đoán sớm sẽ đem lại kết quả điều trị tốt.[19] Tuy nhiên những triệu chứng ban đầu của bệnh thường mờ nhạt và hay bị bỏ qua nên đa số trường hợp phát hiện bệnh muộn.[19][20] Cục bướu ở cổ xuất hiện tức là đã di căn hạch vùng;[21] ngoài ra còn những vấn đề về tai, mũi, mắt, thần kinh càng về sau càng rõ rệt.[22] Với người nghi ngờ bị NPC, cần kiểm tra toàn bộ vùng đầu cổ bao gồm nội soi vòm họng.[23] Chẩn đoán xác định cần sinh thiết khối u đã phát hiện nhờ nội soi rồi khám nghiệm hiển vi.[23] NPC được phân thành bốn giai đoạn theo hệ thống TNM (u, hạch, di căn).[24] Tạo ảnh y khoa đóng vai trò quan trọng trong phán định giai đoạn và chỉ dẫn điều trị.[25][26] Các kỹ thuật tạo ảnh được sử dụng phổ biến là MRI, CT, và 18F-FDG PET/CT.[27]

Ung thư biểu mô vòm họng rất nhạy với bức xạ và hóa chất.[28] Do vị trí giải phẫu nằm sâu gần nền sọ, cắt bỏ khối u về cơ bản là không thể và phẫu thuật không là lựa chọn ưu tiên.[29][30] Xạ trị là liệu pháp trụ cột đối với bệnh chưa di căn và nhắm đến mục tiêu chữa khỏi.[31] Tỷ lệ chữa khỏi bằng xạ trị với bệnh nhân giai đoạn sớm là trên 90%.[30] Khi bệnh đã tiến triển cục bộ, cần kết hợp thêm hóa trị để tăng hiệu quả.[32] Trong kỷ nguyên xạ trị điều biến cường độ, có khoảng 10% bệnh nhân không khỏi hẳn hoặc tái phát cục bộ.[33] Ung thư tái phát là một thách thức lớn hơn nhiều vì nó thường kháng bức xạ.[34] Tái chiếu xạ có rủi ro biến chứng về lâu dài hay thậm chí tử vong cao hơn.[28] Mặc dù ít có vai trò trong điều trị ban đầu, phẫu thuật lại là phương án quan trọng được xét đến cho người bệnh tái phát.[35] Giải phẫu cổ hay cắt bỏ vòm họng nếu khả thi sẽ cho tỷ lệ sống 5 năm lần lượt 41 và 57%.[33]

Tham khảo

  1. a b The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày 1 tháng 8 năm 2022), What Is Nasopharyngeal Cancer?, American Cancer Society, truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2022
  2. Busson 2013, tr. 1.
  3. a b Lee, Lung & Ng 2019, tr. 1.
  4. a b Busson 2013, tr. 2.
  5. Chen et al. 2019, tr. 64.
  6. a b Chang et al. 2021, tr. 1035.
  7. Lee, Lung & Ng 2019, tr. 4.
  8. Busson 2013, tr. 29.
  9. Lu, Cooper & Lee 2010, tr. 4–6.
  10. Chang et al. 2021, tr. 1038–1040.
  11. Busson 2013, tr. 33.
  12. Lee, Lung & Ng 2019, tr. 46.
  13. a b Tsao, Tsang & Lo 2017, tr. 2.
  14. Busson 2013, tr. 31.
  15. Tsao, Tsang & Lo 2017, tr. 10.
  16. Busson 2013, tr. 32.
  17. Busson 2013, tr. 28.
  18. Lee, Lung & Ng 2019, tr. 34.
  19. a b Lu, Cooper & Lee 2010, tr. 41.
  20. Busson 2013, tr. 6.
  21. Busson 2013, tr. 8.
  22. Lu, Cooper & Lee 2010, tr. 42–44, 47.
  23. a b Lu et al.
  24. Chen et al. 2019, tr. 67.
  25. Lu, Cooper & Lee 2010, tr. 81.
  26. Lee, Lung & Ng 2019, tr. 360.
  27. Chen et al. 2019, tr. 68.
  28. a b Wong et al. 2021.
  29. Lu, Cooper & Lee 2010, tr. Preface.
  30. a b Busson 2013, tr. 150.
  31. Busson 2013, tr. 125.
  32. Chen et al. 2019, tr. 69.
  33. a b Chen et al. 2019, tr. 73.
  34. Lee, Lung & Ng 2019, tr. 363.
  35. Lu, Cooper & Lee 2010, tr. 253.

Tạp chí

  • Wong, Kenneth C. W.; Hui, Edwin P.; Lo, Kwok-Wai; Lam, Wai Kei Jacky; Johnson, David; Li, Lili; Tao, Qian; Chan, Kwan Chee Allen; To, Ka-Fai; King, Ann D.; Ma, Brigette B. Y.; Chan, Anthony T. C. (ngày 30 tháng 6 năm 2021), "Nasopharyngeal carcinoma: an evolving paradigm", Nature Reviews Clinical Oncology, Springer Science and Business Media LLC, 18 (11): 679–695, doi:10.1038/s41571-021-00524-x, PMID 34194007, S2CID 235677646
  • Tsao, Sai Wah; Tsang, Chi Man; Lo, Kwok Wai (ngày 11 tháng 9 năm 2017), "Epstein–Barr virus infection and nasopharyngeal carcinoma", Philosophical Transactions of the Royal Society B: Biological Sciences, 372 (1732): 20160270, doi:10.1098/rstb.2016.0270, PMC 5597737, PMID 28893937, S2CID 3253994

Sách