Sao kim là hành tinh thứ hai tính từ Mặt trời[1] và là vật thể tự nhiên sáng nhất trên bầu trời đêm của Trái đất sau Mặt trăng.[2] Sao kim quanh một vòng quanh Mặt trời hết 224,7 ngày Trái đất. Ngày Mặt trời và ngày thiên văn của Sao kim lần lượt là 117 và 243 ngày Trái đất. Sao kim quay quanh trục lâu hơn mọi hành tinh khác trong Hệ Mặt trời và nó quay ngược chiều với tất cả trừ Sao Thiên Vương. Do đó trên hành tinh này Mặt trời sẽ mọc ở đằng tây và lặn đằng đông. Sao kim không có vệ tinh tự nhiên giống như Sao thủy,[3] điều khác biệt với mọi hành tinh còn lại trong Hệ Mặt trời.
Sao kim là hành tinh đất đá[3] và đôi khi được gọi là "hành tinh chị em" của Trái đất[3] vì có nhiều điểm tương đồng như kích cỡ, khối lượng, thành phần, khoảng cách tới Mặt trời.[4][2] Tuy nhiên bên cạnh đó nó cũng có những điểm rất khác Trái đất.[4] Khí quyển Sao kim đặc và nóng hơn nhiều, trong đó carbon dioxide chiếm tới 96%. Áp suất khí quyển tại bề mặt Sao kim bằng 92 lần áp suất khí quyển tại mực nước biển Trái đất. Mặc dù Sao thủy là hành tinh gần Mặt trời hơn nhưng Sao kim mới là hành tinh có bề mặt nóng nhất trong Hệ Mặt trời với nhiệt độ trung bình 737 K (464 °C, 867 °F). Sao kim bị che phủ bởi một lớp mây mờ acid sulfuric khiến không thể quan sát bề mặt của nó bằng ánh sáng thường từ không gian. Trong quá khứ có thể từng có những đại dương nước tồn tại trên hành tinh này nhưng chúng đã bay hơi hết khi mà nhiệt độ tăng do hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát. Nước khả năng đã bị quang ly và hydro tự do bị gió mặt trời thổi bay vào không gian liên hành tinh do thiếu vắng từ trường.
Tham khảo
- ↑ Tsang, Constantine, Venus, McGraw-Hill Professional, doi:10.1036/1097-8542.730100, truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2021
- ↑ a b Taylor, Fredric W.; Svedhem, Håkan; Head, James W. (ngày 23 tháng 1 năm 2018), "Venus: The Atmosphere, Climate, Surface, Interior and Near-Space Environment of an Earth-Like Planet", Space Science Reviews, 214 (1), Bibcode:2018SSRv..214...35T, doi:10.1007/s11214-018-0467-8, S2CID 117058484
- ↑ a b c Grego 2008, tr. 72.
- ↑ a b Basilevsky, Alexander T; Head, James W (ngày 10 tháng 9 năm 2003), "The surface of Venus", Reports on Progress in Physics, 66 (10): 1699–1734, Bibcode:2003RPPh...66.1699B, doi:10.1088/0034-4885/66/10/R04, S2CID 13338382
Sách
- Grego, Peter (2008), Venus and Mercury, and How to Observe Them (lxb. 1), Springer, New York, doi:10.1007/978-0-387-74286-1, ISBN 978-0-387-74286-1