Trang đầu bản chụp trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội). | |
Tác giả | Trần Thế Pháp (?) |
---|---|
Địa điểm | An Nam |
Ngôn ngữ | Hán văn |
Thể loại | Đạo giáo |
Chủ đề | Thần tích |
Thời điểm | Trung đại trung kì |
Lĩnh Nam trích quái liệt truyện (Hán văn : 嶺南摭怪列傳) là nhan đề một trứ tác thần thoại An Nam trung đại[1][2].
Nguyên tự
Chính văn Lĩnh Nam trích quái liệt truyện diễn Nôm là "hợp tuyển những sự lạ ở cõi Lĩnh Nam". Yếu tố "Lĩnh Nam" (嶺南) ở ngữ cảnh trung đại là chỉ chung những khu vực phía Nam Ngũ Lĩnh. Nhìn chung, nhan đề Lĩnh Nam trích quái liệt truyện có liên hệ chặt chẽ với Việt điện u linh tập về thi pháp.
Lịch sử
Cứ theo thông tin tản mác trong các sách Vịnh sử thi tập của ông Thoát Hiên Đặng Minh Khiêm, Kiến văn tiểu lục của ông Quế Đường Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của ông Mai Phong Phan Huy Chú, tác giả Lĩnh Nam trích quái liệt truyện là danh sĩ Trần Thế Pháp (陳世法), tự Thức Chi (式之), người huyện Thạch Thất, soạn khoảng thời Trần mạt[3]. Tuy nhiên, cứ bài tựa, sách được tiến hành hiệu chính (hoặc phát hiện) năm Hồng Đức thứ 23 (Nhâm Tí 1492), nghĩa là sau thời điểm xuất hiện cả thế kỉ. Tác giả tựa là nhị vị tiến sĩ Lê triều Võ Quỳnh (武瓊) và Kiều Phú (喬富), đều không nhắc gì đến tác giả thủ cảo này, cho nên chỉ là huyên truyền[4].
Các đời Mạc và Lê trung hưng về sau đều có sĩ nhân gia thêm tục biên, gây nên những tranh luận trong sĩ lâm An Nam về cả nội dung, thi pháp và thể tài. Tới hậu kì hiện đại, trứ tác này lại gieo tranh cãi trong học giới Hán Nôm về văn bản học cũng như sử liệu học.
Lĩnh Nam trích quái liệt truyện còn tới nay ở dạng tam sao thất bản chính là do trường kì lịch sử liên tục bị biến đổi cấu trúc. Tại Việt Nam có 4 sao bản trữ tại Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội), kí hiệu A33, A1200, A1300, A2107 ; tuy nhiên sao bản thứ 5 trữ tại Viện Sử học (Hà Nội) kí hiệu HV486 lại được chuộng nhất. Sao bản trữ tại Đại học Yale (Mĩ) và ấn bản của Trung Châu cổ tịch xuất bản xã (Trịnh Châu, Hà Nam, Trung Cộng) đều dựa theo HV486.
Nội dung
Trứ tác này đáng coi là tập hợp những thần tích Trung Hoa, An Nam và đôi chút Ấn Độ, hầu như không tồn tại vấn đề niên đại trong các cố sự. Các ấn bản hiện đại thường lược bớt bài tựa và bạt trong cổ bản[5].
Quyển thượng | Nhan đề | Khái lược |
---|---|---|
01 | Hồng Bàng thị truyện (鴻龐氏傳) |
Cố sự người Hồng Bàng khai tịch. |
02 | Ngư tinh truyện (魚精傳) |
Cố sự Lạc Long Quân trừ thủy quái. |
03 | Hồ tinh truyện (狐精傳) |
Cố sự Lạc Long Quân trừ tinh linh. |
04 | Mộc tinh truyện (木精傳) |
Phong tục tịch tà hồi quốc sơ. |
05 | Đổng thiên vương truyện (董天王傳) |
Cố sự Phù Đổng thiên vương dẹp Ân khấu. |
06 | Tân lang truyện (檳榔傳) |
Phong tục cưới hỏi và dùng trầu cau. |
07 | Nhất Dạ trạch truyện (一夜澤傳) |
Cố sự tướng Triệu Quang Phục dấy nghĩa xưng vương. |
08 | Chưng bính truyện (蒸餅傳) |
Cố sự hoàng tử Lang Liêu kế ngôi cha nhờ dâng bánh hấp. |
09 | Tây qua truyện (西瓜傳) |
Cố sự hoàng tử Mai An Tiêm phát hiện thứ dưa lạ. |
10 | Bạch trĩ truyện (白雉傳) |
Cố sự người Việt Thường dâng giống gà lạ thời Châu Văn công. |
Quyển hạ | Nhan đề | Khái lược |
---|---|---|
01 | Lý Ông Trọng truyện (李翁仲傳) |
Cố sự Lý Ông Trọng giúp Tần Thủy Hoàng đuổi rợ Hung. |
02 | Việt tỉnh truyện (越井傳) |
Cố sự tiểu sinh Thôi Vĩ được vợ tiên. |
03 | Kim quy truyện (金龜傳) |
Cố sự thần rùa giúp An Dương Vương cất thành Cổ Loa rồi cho thần cơ nỗ kháng quân Triệu Đà. |
04 | Nhị Trưng phu nhân truyện (二徵夫人傳) |
Cố sự Hai Bà Trưng dấy nghĩa xưng vương. |
05 | Man nương truyện (蠻娘傳) |
Cố sự Man Nương hóa Phật. |
06 | Nam Chiếu truyện (南詔傳) |
Cố sự hậu duệ Triệu tộc lập Nam Chiếu. |
07 | Tô Lịch giang truyện (蘇瀝江傳) |
Cố sự Tô Lịch hà bá. |
08 | Tản Viên sơn truyện (傘圓山傳) |
Cố sự Tản Viên sơn thánh. |
09 | Long Nhãn Như Nguyệt nhị thần truyện (龍眼如月二神傳) |
Cố sự vua Lê Hoàn được nhị hà bá phù hộ kháng quân Tống. |
10 | Từ Đạo Hạnh Nguyễn Minh Không truyện (徐道行阮明空傳) |
Cố sự nhị thiền sư Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không. |
11 | Dương Không Lộ Nguyễn Giác Hải truyện (楊空路阮覺海傳) |
Cố sự nhị thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải. |
12 | Hà Ô Lôi truyện (何烏雷傳) |
Cố sự cận thần Hà Ô Lôi gian dâm với nữ lưu cung các. |
13 | Dạ Xoa vương truyện (夜叉王傳) |
Lược thuật Ramayana. |
Văn hóa
Lĩnh Nam trích quái liệt truyện có thể coi là kế tục Việt điện u linh tập trong việc chép lại sinh hoạt tâm linh của người An Nam trung đại trung kì. Mặt khác, tác phẩm cũng bộc lộ những khiếm khuyết trong phong tục An Nam ở buổi đầu kiến tạo đặc sắc.
Đối với học giới hiện đại, trứ tác này là cứ liệu quý về bối cảnh An Nam trung đại trung kì - giai đoạn vốn ít tư liệu và có nhiều điều tồn nghi. Bởi sách chỉ thuần túy đề cập yếu tố tín ngưỡng mà không để ý tới sự cần thiết phải chính xác lịch sử, hay có chăng, lịch sử chỉ là cái cớ tung hoành bút pháp. Đối với công chúng hiện đại nói chung, tác phẩm cung cấp lối hành văn đặc thù ở một giai đoạn lịch sử tương đối dài và có ảnh hưởng lớn tới sự hình thành căn tính Việt Nam.