Aeneis (ajˈneːis) là nhan đề một sử thi bằng La văn do tác giả Vergilius sáng tác giai đoạn 29-19 TCN. Tác phẩm được học giới coi là xuất sắc nhất trong văn học Latin cổ điển.
Lịch sử
Trong thời kì Cổ La Mã, các nhà quyền quý thường tìm cách liên hệ tổ tiên mình với một thần nhân nào trong thần phả Hi-La củng cố địa vị trong giới tinh anh xã hội. Ở thời điểm sau cái chết của dưỡng phụ Gaius Iulius Caesar, chấp chính quan Gaius Iulius Caesar Octavianus có lẽ muốn dựng lên một huyền thoại làm lá chắn cho mình để đối phó những hiểm họa trong tam đầu chế. Khoảng năm 29 TCN, Octavianus thuê một thi nhân ít tiếng tăm là Publius Vergilius Maro soạn một tác phẩm với mục đích chứng minh huyết thống thiêng liêng của mình.
Thực tế, trong nhiều thế hệ trước, gia tộc Octavianus đã nhiều lần tuyên bố là hậu duệ nữ thần Aphrodite - biểu tượng nhan sắc và ái tình. Tuy nhiên, thể yêu cầu của Octavianus, Vergilius phải làm thế nào chứng minh rằng, dòng dõi Aphrodite (hay đích đáng là tổ tiên Octavianus) đã kiến thành Roma, nhằm đảm bảo tính chính thống trong quyền lực của Octavianus.
Sau nhiều ngày suy ngẫm, Vergilius quyết định dựa vào thi pháp Iliás và một phần Odýsseia được cho là của thi sĩ mù Hómēros để sáng tạo sử thi Aeneis, nhưng bằng La văn. Tác phẩm được soạn trên giấy da dê - một phương tiện kí chú tương đối đắt đương thời. Tuy nhiên trong 10 năm 29-19 TCN, Vergilius trải qua rất nhiều lần chữa thảo bản, cứ soạn xong lại đốt. Năm 19 TCN, trong một chuyến đi biển, Vergilius mất trên thuyền. Octavianus (bấy giờ đã tuyên bố đệ nhất công dân, nói cách khác là sa hoàng) sai người tập hợp các thủ cảo của Vergilius, nhuận sắc và cho ấn hành khắp đế quốc.