Sóng độc, sóng lừng, hay sóng sát thủ là sóng cao ít nhất hơn hai lần những sóng xung quanh, không thể dự đoán, và thường đến bất ngờ từ hướng khác với sóng và gió hiện hành.[1] Sóng độc có thể đột ngột xuất hiện trên biển lặng, xa bờ.[2] Những người đi biển đã thuật lại và truyền miệng về sóng độc trong hàng thế kỷ nhưng nó được cho là không có thật bởi khoa học trước kia phủ nhận sự tồn tại của sóng lớn như vậy và những lời kể của nhân chứng thưa, ít ỏi, có lẽ bởi đa số thủy thủ gặp sóng này đã không trở về để kể lại.[3] Do đó sóng độc từng được xem như truyền thuyết, thần thoại hàng hải trong thời gian dài.[2][3] Sang thế kỷ 20, sự ra đời của tàu thân thép đã làm tăng đáng kể cơ hội sống sót, tương ứng là số lần chứng kiến được tường thuật.[3] Các công nghệ mới đã giúp các nhà khoa học phát hiện sóng độc ngoài biển, biến truyền thuyết thành sự thực.[4]
Sóng độc đầu tiên đo đạc được và cũng nổi tiếng nhất là sóng Draupner ở Biển Bắc vào ngày 1 tháng 1 năm 1995 có độ cao 25,6 mét.[3][4] Các nhà khoa học xác định rằng sóng độc phổ biến hơn con người nghĩ trước kia, và khi mà ngày càng có nhiều con tàu du hành đại dương, tần suất gặp sóng độc cũng cao hơn.[2]
Tham khảo
- ↑ "What is a rogue wave?", National Ocean Service, National Oceanic and Atmospheric Administration, ngày 16 tháng 6 năm 2024, truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024
- ↑ a b c "Weird Science: Rogue Waves", Exploring Our Fluid Earth, University of Hawaiʻi at Mānoa, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024
- ↑ a b c d Voss, David (ngày 1 tháng 1 năm 2018), "January 1, 1995: Confirmation of the Existence of Rogue Waves", apsnews, American Physical Society, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024
- ↑ a b Toffoli, Alessandro (ngày 15 tháng 4 năm 2024), "Rogue waves in the ocean are much more common than anyone suspected, says new study", Find an Expert, University of Melbourne, truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2024