Deimos là một trong hai vệ tinh tự nhiên của Sao Hỏa, vệ tinh còn lại là Phobos.[1] Với kích cỡ chỉ khoảng 16,1 x 11,8 x 10,2 km, đường kính trung bình 12,5 km,[2] Deimos thuộc số những vệ tinh nhỏ nhất trong Hệ Mặt Trời.[1] Cả Phobos và Deimos đều có hình dạng không đều bởi chúng quá nhẹ nên trọng lực không thể biến chúng thành hình cầu.[3] Bề mặt của Deimos lồi lõm với nhiều hố va chạm, tuy nhiên không có các rãnh lún và sống nhô như Phobos.[4] Các hố va chạm trên Deimos hầu hết đường kính dưới 2,5 km và nông hơn, gợi ý nó được bao phủ bởi một lớp regolith dày hơn, có thể đến 100 mét.[3][4] Deimos có hai hố nổi bật là Swift và Voltaire.[3]
Quỹ đạo của Deimos là xích đạo, gần tròn, nó quay một vòng quanh Sao Hỏa hết 30 giờ 18 phút ở khoảng cách 20.068 km tính đến bề mặt hành tinh.[3] Trong cùng thời gian, Deimos quay quanh Sao Hỏa và quanh trục ngắn nhất của nó, do đó nó luôn hướng một mặt về phía Sao Hỏa.[5] Vì chuyển động quỹ đạo của Deimos chậm hơn chuyển động tự quay của Sao Hỏa, khi quan sát trên Sao Hỏa sẽ thấy Deimos mọc ở đằng đông và lặn đằng tây, ngược với Phobos.[6] Deimos là một trong chỉ ba vệ tinh tự nhiên của các hành tinh đất đá trong Hệ Mặt Trời, bên cạnh Phobos và Mặt Trăng của Trái Đất.
Cho đến nay nguồn gốc của Phobos và Deimos vẫn chưa được biết, nhiều nhà khoa học tin chúng là những tiểu hành tinh bị bắt giữ, nhưng cũng có những ý kiến phản biện.[1]
Tham khảo
- ↑ a b c Stooke, Phil (ngày 2 tháng 1 năm 2012), "Deimos: Mars' Moon", Science On a Sphere, National Oceanic and Atmospheric Administration, truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024
- ↑ Ernst, Carolyn M.; Daly, R. Terik; Gaskell, Robert W.; Barnouin, Olivier S.; Nair, Hari; Hyatt, Benjamin A.; Al Asad, Manar M.; Hoch, Kielan K. W. (ngày 25 tháng 6 năm 2023), "High-resolution shape models of Phobos and Deimos from stereophotoclinometry", Earth, Planets and Space, Springer Science and Business Media LLC, 75 (1): 103, Bibcode:2023EP&S...75..103E, doi:10.1186/s40623-023-01814-7, ISSN 1880-5981, PMC 10290967, PMID 37378051
- ↑ a b c d "Martian moon: Deimos", Science & Technology, European Space Agency, ngày 1 tháng 9 năm 2019, truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024
- ↑ a b "Deimos", science.nasa.gov, National Aeronautics and Space Administration, truy cập ngày 27 tháng 9 năm 2024
- ↑ "Deimos", Oxford Reference, Oxford University Press, truy cập ngày 28 tháng 9 năm 2024
- ↑ Coles, Kenneth S.; Tanaka, Kenneth L.; Christensen, Philip R. (ngày 22 tháng 8 năm 2019), "Moons: Phobos and Deimos", The Atlas of Mars, Cambridge University Press, tr. 244–246, doi:10.1017/9781139567428.036