Khí hậu là trạng thái thời tiết thông thường của một địa điểm cụ thể trong thời gian dài, từ vài tháng đến hàng ngàn hay hàng triệu năm.[1] Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lấy thời gian 30 năm để xác định khí hậu thông thường.[1] Các đại lượng liên quan tiêu biểu là những biến số bề mặt như nhiệt độ, giáng thủy, và gió.[2] Khái niệm khí hậu thường gắn liền với thời tiết.[3] Điểm khác biệt quan trọng giữa khí hậu và thời tiết là quy mô thời gian.[3] Thời tiết kéo dài hàng tiếng hoặc hàng ngày, còn khí hậu là trung bình mọi giá trị thời tiết xảy ra trong thời gian dài hơn nhiều.[3]
Theo nghĩa rộng, khí hậu nói đến hệ thống khí hậu Trái Đất gồm năm thành phần chính: khí quyển, thủy quyển, băng quyển, thạch quyển, và sinh quyển.[2] Hệ thống khí hậu thay đổi theo thời gian bởi những động lực bên trong của chính nó và ngoại lực bên ngoài như phun trào núi lửa, biến động mặt trời, cưỡng ép quỹ đạo, cưỡng ép bởi con người như việc làm thay đổi thành phần khí quyển hoặc đất đai.[2] Sự tương tác và ảnh hưởng phức tạp giữa các thành phần như trao đổi năng lượng, nước, carbon dioxide quyết định tính thay đổi và kiểu khí hậu.[1] Bằng việc quan sát và theo dõi những thành phần như nhiệt độ, giáng thủy, khí áp, độ phủ băng, chu trình carbon trong thời gian dài, con người có thể hiểu hơn về khí hậu và những thứ khiến nó thay đổi, từ đó xây dựng những mô hình dự báo khí hậu tương lai.[1]
Khí hậu có tính chất thay đổi tự nhiên theo nhiều phạm vi không gian và thời gian, bao gồm những hiện tượng như El Niño/La Niña hay gió mùa.[4] Thay đổi này không do và không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hoạt động nào của con người.[4] Trong khi đó, biến đổi khí hậu nói đến sự thay đổi đáng kể trạng thái thông thường hoặc tính vốn thay đổi của khí hậu[↓ 1] và duy trì trong thời gian dài, hàng thập kỷ hoặc hơn.[2][4]
Tùy theo mỗi khu vực trên Trái Đất mà khí hậu được phân thành các đới khí hậu.[5] Có nhiều cách phân loại nhưng được sử dụng rộng rãi nhất là hệ thống Köppen.[5] Hệ thống này phân khí hậu thành năm nhóm chính căn cứ vào nhiệt độ và lượng mưa: khí hậu nhiệt đới, khí hậu khô cằn, khí hậu ôn đới, khí hậu lục địa, khí hậu địa cực.[5] Việt Nam nhìn chung có kiểu khí hậu ôn đới ở miền Bắc và nhiệt đới với phần còn lại.[6]
Tham khảo
- ↑ a b c d Climate, World Meteorological Organization, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 24 tháng 3 năm 2024, truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024
- ↑ a b c d Weyer, Nora M., bt. (2019), Annex I: Glossary (PDF), Intergovernmental Panel on Climate Change, truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2024
- ↑ a b c What is climate?, Met Office, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 24 tháng 3 năm 2024, truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2024
- ↑ a b c Climate Variability vs. Climate Change (PDF), National Oceanic and Atmospheric Administration, tháng 7 năm 2018, truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2024
- ↑ a b c Climate zones, Met Office, lưu trữ từ tài liệu gốc ngày 24 tháng 3 năm 2024, truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2024
- ↑ Beck, Hylke E.; Zimmermann, Niklaus E.; McVicar, Tim R.; Vergopolan, Noemi; Berg, Alexis; Wood, Eric F. (ngày 30 tháng 10 năm 2018), "Present and future Köppen-Geiger climate classification maps at 1-km resolution", Scientific Data, 5 (1), Bibcode:2018NatSD...580214B, doi:10.1038/sdata.2018.214, PMID 30375988, S2CID 263961262
Chú thích
- ↑ Tức là tính chất thay đổi tự nhiên của khí hậu bị thay đổi, khí hậu không còn thay đổi như thường thấy mà theo kiểu khác.