Hiệp ước Anh-Hà Lan là hiệp ước phân chia phạm vi ảnh hưởng lãnh thổ giữa Anh và Hà Lan ở bán đảo Mã Lai vào đầu thế kỷ 19. Hiệp ước được ký kết ngày 17 tháng 3 năm 1824 tại London với mười bảy điều khoản và hai bản lưu ý bằng cả tiếng Anh và tiếng Hà Lan.
Nguyên nhân sâu xa của hiệp ước này là sự cạnh tranh thương mại, ảnh hưởng chính trị giữa Anh và Hà Lan ở Đông Nam Á. Đầu thế kỷ 19, Anh thúc đẩy chiến lược tự do thương mại nhằm tìm kiếm thị trường cho cuộc cách mạng công nghiệp. Anh giành thắng lợi quan trọng trước Hà Lan trong hiệp ước 1784 và tàu Anh có thể tự do ra vào vùng quần đảo Đông Nam Á. Sau đó, Anh chiếm được Penang (1788), Malacca (1795), Java (1811), buộc Hà Lan phải ký hiệp ước năm 1814 để phân chia phạm vi ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhằm xây dựng liên minh giữa hai nước để chống lại sự trỗi dậy của Pháp ở châu Âu, năm 1816 Anh lần lượt trao lại Malacca, Java và Moluccas (Makulu) cho Hà Lan.
Ngày 30 tháng 1 năm 1819, Thomas Stamford Raffles, đại diện Anh từ Calcutta và Sutan của Đế quốc Johor đã kí kết hiệp ước cho phép Anh thành lập thương điếm ở Singapore. Tự do thương mại ở Singapore và Penang gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Hà Lan, làm gia tăng mâu thuẫn Anh-Hà Lan, buộc hai chính phủ phải đàm phán để phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Đông Nam Á.
Cuộc đàm phán bắt đầu ngày 20 tháng 7 năm 1820 ở London giữa George Canning, chủ tịch Hội đồng kiểm soát Anh và Hendrik Fagel, đại sứ Hà Lan tại Anh. Quá trình đàm phán được chia làm ba giai đoạn chính. Lần đàm phán đầu tiên thất bại và tạm dừng ngày 5 tháng 8 năm 1820. Từ đó đến cuối năm 1823 là khoảng thời gian tạm dừng hội đàm giữa hai nước. Ngày 15 tháng 12 năm 1823, cuộc đàm phán được nối lại và hiệp ước được ký ngày 17 tháng 3 năm 1824 tại London.
Nội dung hiệp ước Anh-Hà Lan bao gồm ba vấn đề chính. Một là phân định phạm vi ảnh hưởng của hai nước tại bán đảo Mã Lai. Nội dung này được nêu trong điều VIII, XV và một phần thuộc các điều VI, IX, X, XIII. Cụ thể, Hà Lan nhượng lại cho Anh toàn bộ thương điếm và đặc quyền buôn bán ở Ấn Độ, Ceylon, Malacca. Hà Lan đồng ý rút quân và chấp nhận quyền lực của Anh ở Singapore. Hà Lan tuyên bố không thiết lập căn cứ, thương điếm hay ký hiệp ước với nhà nước bản xứ nào ở bán đảo Mã Lai. Đổi lại, Anh nhường cho Hà Lan Bencoolen và vùng kiểm soát ở Sumatra (Indonesia), thương điếm và pháo đài tại Marlborough và cam kết không can thiệp vào các khu vực trên. Hai bên cùng tuyên bố không tìm cách tạo ảnh hưởng ở quần đảo Carimon (ở hướng Tây Nam Singapore), quần đảo Rhio-Lingga và các đảo phía Nam Singapore, hoặc quần đảo của Bintang, Lingen. Việc chuyển giao chính quyền được tiến hành đến ngày 8 tháng 3 năm 1825; dân cư trong khu vực chuyển giao có sáu năm để lựa chọn theo chuyển đi hoặc tiếp tục sống dưới sự quản lý mới.
Nội dung thứ hai là vấn đề cạnh tranh thương mại giữa hai nước. Hà Lan tuyên bố xóa bỏ độc quyền thương mại trong khu vực Đông Nam Á hải đảo và không cạnh tranh thiếu công bằng với thương mại Anh như trước. Hai bên cam kết có chính sách thương mại phù hợp ở Ấn Độ, Ceylon, và vùng Đông Nam Á hải đảo. Điều III quy định hai bên không được ký kết các hiệp ước thương mại với chính quyền bản địa nhằm chống lại đối thủ. Điều IV đảm bảo tự do buôn bán giữa vùng kiểm soát của hai bên. Điều VII quy định rõ các nội dung trong điều khoản I, II, III và IV không có hiệu lực ở quần đảo Moluccas, đặc biệt là Amboyna, Banda, Ternate và những khu vực phụ thuộc của các đảo này.
Nội dung thứ ba liên quan đến nạn cướp biển và được cụ thể hóa trong điều V. Hai nước tán thành phối hợp hành động chống cướp biển trong khu vực.
Hiệp ước Anh-Hà Lan 1824 là một trong những hiệp ước quan trọng nhất của lịch sử bán đảo Mã Lai thời cận đại, mở ra giai đoạn chia cắt của các nhà nước trên bán đảo này. Hiệp ước đã chia cắt bán đảo Mã Lai theo lợi ích của hai cường quốc Anh và Hà Lan, dẫn đến sự chia rẽ, hình thành các quốc gia khác nhau trên bán đảo. Ví dụ, đế quốc Johore bị chia cắt thành hai phần: Abdulrahman (hay Lingga/ Rhio) thuộc ảnh hưởng của Hà Lan và Hunssein thuộc ảnh hưởng của Anh.
Hiệp ước khẳng định sự phát triển vượt bậc của Anh sau cuộc Cách mạng công nghiệp. Qua hiệp ước, Anh có quyền tự do thương mại đối với cả các vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Hà Lan và các vùng tự do khác. Hà Lan chỉ có ảnh hưởng ở Indonesia và vùng giới hạn đến Negri Sembilan, Selangor và Perak, sau này là Malaysia. Tầm ảnh hưởng của Anh tại bán đảo Mã Lai được khẳng định hơn nữa khi Anh thiết lập “Các khu định cư eo biển” (Straits Settlements) năm 1826 gồm Peang, Malacca, Singapore và Dinding. Đến năm 1874, sau khi Hà Lan rút khỏi bán đảo Mã Lai, hiệp ước Pangkor được ký kết đã bước đầu đặt toàn bộ các nhà nước trên bán đảo này dưới quyền kiểm soát của chính phủ Anh.
Bản đồ: Vùng ảnh hưởng của Anh được xác định bởi hiệp ước 1824
Nguồn: International Court of Justice, Case concerning sovereignty oer Fedra Brance/Pulau Batau Puteh, middle rocks and south ledge, Malaysia/Singapore: Memorial of Malaysia, vol.1, 2004, p. 23.
Tài liệu tham khảo
1. H.R.C. Wright, The Anglo-Dutch dispute in the East, 1814-1824, The Economic History Review New Series, 3 (2), 1950, pp. 229 – 239.
2. H.J. Marks, The first Contest for Singapore 1819-1824 (Brill, 1959).
3. Appendix, “Texts of the Treaty of 17 March 1824 and the notes”, in H.J. Marks, The first Contest for Singapore 1819-1824 (Brill, 1959), pp. 252-262.
4. L.A. Mills, British Malaya 1824-67, Malayan Branch of the Royal Asiatic Society, RSEA 959.5 MIL, 2003.
5. P. Borschberg, “Did the British buy Singapore? The Mystery of Article 12 of the 1824 Anglo-Dutch Treaty”, ARI Histories Series, The Singapore History Anthology Project, 2018.