Lymphoma Hodgkin | |
---|---|
Tên khác | Bệnh Hodgkin, u lympho Hodgkin, ung thư hạch Hodgkin |
Lymphoma Hodgkin, mẫu FNA, nhuộm Field | |
Chuyên khoa | Huyết học, ung thư học |
Triệu chứng | Nổi hạch không đau (cổ dưới, thượng đòn), sốt, mệt mỏi, sụt cân, đổ mồ hôi đêm, ngứa |
Nguyên nhân | Chưa biết |
Yếu tố nguy cơ | Nhiễm EBV (mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân), nhiễm HIV (điều trị HAART), di truyền |
Chẩn đoán | Sinh thiết hạch bạch huyết |
Điều trị | Hóa trị, xạ trị |
Số người mắc | 80.000 (2018)[1]:5 |
Số người chết | 26.000 (2018)[1]:5 |
Lymphoma Hodgkin là lymphoma tế bào B có đặc điểm ít tế bào ác tính và nhiều tế bào hiệu ứng miễn dịch trong vi môi trường khối u.[2] Căn bệnh mang tên nhà bệnh lý học người Anh Thomas Hodgkin, người đã mô tả nó lần đầu vào năm 1832.[3] Tổ chức Y tế Thế giới phân lymphoma Hodgkin thành hai loại là cổ điển (cHL) và trội lympho bào nốt (NLPHL) với loại sau không phổ biến chỉ chiếm khoảng 5%.[4][5] Tổng quan thì đây cũng là dạng ung thư hiếm xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi thanh niên, tầm 20 đến 34 tuổi.[2][3] Lymphoma Hodgkin là một trong hai phân loại lớn của lymphoma hay ung thư tế bào bạch huyết, loại còn lại là lymphoma không Hodgkin.[6]
Con người chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh là gì.[3][7] Các tế bào ác tính chiếm thiểu số trong khối u, có thể là đơn nhân hay đa nhân lớn và được gọi chung là tế bào Hodgkin hay Reed–Sternberg (HRS).[3] Virus Epstein–Barr (EBV) được phát hiện trong HRS ở khoảng 30–50% bệnh nhân không bị suy giảm sức đề kháng.[5][7] Người từng mắc bệnh tăng bạch cầu đơn nhân lây nhiễm, một bệnh do virus Epstein–Barr, có rủi ro mắc lymphoma Hodgkin tăng gấp ba đến bốn lần.[7] Một yếu tố nguy cơ lớn khác là tình trạng suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do như nhiễm HIV; bệnh nhân HIV dễ mắc lymphoma Hodgkin hơn nếu nhận liệu pháp kháng retrovirus hoạt tính cao (HAART) và trường hợp này gần như luôn liên hệ với EBV.[2][3][7] Căn bệnh có tính di truyền, đặc biệt cặp song sinh cùng trứng của người trẻ mắc lymphoma Hodgkin có rủi ro bị bệnh cao gấp 100 lần.[2][7]
Dấu hiệu phổ biến của bệnh là hạch to, mềm, không đau, hay thấy ở vùng cổ dưới hoặc thượng đòn.[4][5] Khối u trung thất có thể gây khó chịu vùng ngực, đau ngực, ho, khó thở và đôi khi được phát hiện nhờ chụp X quang ngực định kỳ.[4][5] Khoảng 25–33% bệnh nhân biểu hiện những triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, sụt cân, đổ mồ hôi đêm.[4][5] Đây là triệu chứng B được áp dụng vào hệ thống phân giai đoạn, cho thấy bệnh đã ở mức độ tiến triển.[3][7] Lymphoma Hodgkin được phân thành bốn giai đoạn theo hệ thống Ann Arbor và sau này là sửa đổi Cotswolds vào năm 1989.[4][5][7] Các giai đoạn phản ánh vị trí và phạm vi bệnh, có hay không triệu chứng B và bệnh ngoài hạch, độ lớn của khối u.[7]
Lymphoma Hodgkin được chẩn đoán xác nhận bằng sinh thiết căn cứ vào những dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ.[2] Hiện chưa có biện pháp tầm soát hay phòng ngừa, một phần vì bệnh rất hiếm gặp.[2] Mặc dù vậy, cơ hội chữa khỏi bệnh là cao, thể hiện một thành tựu y học nổi bật khi mà trước kia lymphoma Hodgkin gần như luôn có kết cục tử vong.[2][3] Hai phương pháp trụ cột trong điều trị là hóa trị kết hợp, tiêu chuẩn là ABVD (adriamycin (doxorubicin), bleomycin, vinblastine, dacarbazine), và xạ trị.[3][5] Tỷ lệ điều trị thành công là trên 90% khi bệnh ở giai đoạn sớm và 80% với bệnh giai đoạn muộn.[2]
Giai đoạn
Tham khảo
- ↑ a b Hjalgrim, Henrik; Jarrett, Ruth F. (2020), "Epidemiology of Hodgkin Lymphoma", trong Engert, Andreas; Younes, Anas (bt.), Hodgkin Lymphoma: A Comprehensive Overview (lxb. 3), Springer International Publishing, tr. 3–23, doi:10.1007/978-3-030-32482-7_1
- ↑ a b c d e f g h Connors, Joseph M.; Cozen, Wendy; Steidl, Christian; Carbone, Antonino; Hoppe, Richard T.; Flechtner, Hans-Henning; Bartlett, Nancy L. (ngày 23 tháng 7 năm 2020), "Hodgkin lymphoma", Nature Reviews Disease Primers, 6 (1), doi:10.1038/s41572-020-0189-6, PMID 32703953, S2CID 220715341
- ↑ a b c d e f g h Shanbhag, Satish; Ambinder, Richard F. (ngày 1 tháng 12 năm 2017), "Hodgkin lymphoma: A review and update on recent progress", CA: A Cancer Journal for Clinicians, 68 (2): 116–132, doi:10.3322/caac.21438, PMC 5842098, PMID 29194581, S2CID 3766513
- ↑ a b c d e Yung, Lynny; Linch, David (tháng 3 năm 2003), "Hodgkin's lymphoma", The Lancet, 361 (9361): 943–951, doi:10.1016/S0140-6736(03)12777-8, PMID 12648984, S2CID 35160007
- ↑ a b c d e f g Gobbi, Paolo G.; Ferreri, Andrés J.M.; Ponzoni, Maurilio; Levis, Alessandro (tháng 2 năm 2013), "Hodgkin lymphoma", Critical Reviews in Oncology/Hematology, 85 (2): 216–237, doi:10.1016/j.critrevonc.2012.07.002, PMID 22867814, S2CID 27274760
- ↑ Storck, Katharina; Brandstetter, Markus; Keller, Ulrich; Knopf, Andreas (ngày 3 tháng 1 năm 2019), "Clinical presentation and characteristics of lymphoma in the head and neck region", Head & Face Medicine, 15 (1), doi:10.1186/s13005-018-0186-0, PMC 6317257, PMID 30606206, S2CID 57757555
- ↑ a b c d e f g h Evens, Andrew M.; Horning, Sandra J. (tháng 1 năm 2011), "Hodgkin lymphoma: epidemiology, diagnosis, and treatment", trong O'Brien, Susan; Vose, Julie M.; Kantarjian, Hagop M. (bt.), Management of Hematologic Malignancies, Cambridge University Press, tr. 367–403, doi:10.1017/CBO9780511781926.019, ISBN 978-0-511-78192-6