El Niño là pha nóng của El Niño–Dao động phương Nam (ENSO) và sự ấm lên diện rộng của phần đại dương trên ở Đông Thái Bình Dương nhiệt đới.[2][3] Trong khi tên gọi đề cập đến sự ấm lên khác thường của nước biển, El Niño còn liên hệ với những thay đổi rõ rệt trong bầu khí quyển thông qua một hiện tượng gọi là dao động phương Nam và do đó các nhà khoa học đã gọi tổng thể hiện tượng là El Niño–Dao động phương Nam.[1] Đối lập với El Niño là pha lạnh của ENSO hay còn được gọi là La Niña.[2] El Niño xảy ra khoảng 2–7 năm một lần,[2] mỗi lần kéo dài hơn 5 tháng.[3] Các sự kiện El Niño thường đạt đỉnh điểm vào mùa đông Bắc Bán cầu rồi suy yếu hoặc chuyển đổi sang La Niña vào mùa xuân hoặc mùa hè năm sau.[4]
Trong pha ENSO trung tính, gió mậu dịch xích đạo thổi từ đông sang tây đẩy nước biển bề mặt ấm về phía tây và thay thế là nước lạnh trồi lên từ dưới sâu.[2][5] Hệ quả là tồn tại sự khác biệt về nhiệt độ và khí áp bề mặt giữa hai phần đông tây của Thái Bình Dương.[2] Vào thời kỳ El Niño, gió mậu dịch suy yếu làm giảm độ dốc của lớp dị nhiệt,[4] trong khi mực nước biển hạ ở phía tây và dâng ở phía đông có thể tới 25 cm bởi nước ấm trào lên hướng đông dọc theo xích đạo.[1] Lưỡi lạnh suy yếu hoặc biến mất khi mà nước ở dưới sâu bớt hoặc không trồi lên.[1] Nhiệt độ nước biển tăng làm tăng độ ẩm của lớp không khí bên trên, sinh ra đối lưu.[1] Các đới hội tụ và mưa chuyển dời đến địa điểm mới kéo theo sự thay đổi trong hoàn lưu khí quyển.[1] Sự ấm lên của Đông Thái Bình Dương còn làm giảm thêm cường độ của gió mậu dịch, cấu thành một vòng lặp hồi tiếp dương và dẫn đến một sự kiện El Niño.[4]
El Niño có liên hệ mật thiết với dao động phương Nam là sự dao động trong khí áp mực nước biển giữa một vùng gần miền bắc Australia và một vùng giữa Thái Bình Dương.[3][6] Vào những năm El Niño, trung tâm khí áp thấp di chuyển về phía đông làm giảm đi sự chênh lệch khí áp giữa Đông và Tây Thái Bình Dương, tạo ra dao động phương Nam yếu.[6] Chỉ số dao động phương Nam (SOI) được dùng để đo sự khác biệt khí áp bề mặt giữa Tahiti (Đông TBD) và Darwin (Tây), thường có giá trị âm trong El Niño.[5][7] Một dữ liệu quan trọng khác giúp xác định tình trạng ENSO là Chỉ số Niño 3.4 SST hay Chỉ số Niño Đại dương, ứng với El Niño là lớn hơn +0,5 °C.[1][5]
Trong khi có nguồn gốc ở Thái Bình Dương nhiệt đới, phạm vi tác động của El Niño là toàn cầu.[3][5][6] Tuy nhiên chịu tác động lớn nhất là các nước nằm kề Thái Bình Dương nơi khởi nguồn của El Niño.[2] El Niño có thể gây thời tiết cực đoan như lũ lụt ở Peru, Ecuador hay hạn hán ở Indonesia, Papua New Guinea, Nam Á, Australia.[2][4] El Niño giải phóng nhiệt vào khí quyển và góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu.[2] Hiện tượng Trái đất ấm lên càng thúc đẩy các tác động của El Niño.[1] El Niño còn ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của xoáy thuận nhiệt đới, như làm tăng số lượng và cường độ xoáy thuận nhiệt đới ở Thái Bình Dương và ngược lại ở Đại Tây Dương.[8]:394–395
Bên cạnh El Niño truyền thống hay El Niño Đông Thái Bình Dương, còn có một loại khác là El Niño Trung Thái Bình Dương hay El Niño Modoki.[4][5] El Niño này có đặc điểm là nước biển ấm bị hạn chế ở Trung Thái Bình Dương, hai bên đông tây là nước lạnh.[4][5]
Tham khảo
- ↑ a b c d e f g h Trenberth, Kevin E. (2019), "El Niño Southern Oscillation (ENSO)", trong Cochran, J. Kirk; Yager, Patricia L.; Bokuniewicz, Henry J. (bt.), Encyclopedia of Ocean Sciences (lxb. 3), Elsevier, tr. 420–432, doi:10.1016/B978-0-12-409548-9.04082-3
- ↑ a b c d e f g h Scaife, Adam; Guilyardi, Eric; Cain, Michelle; Gilbert, Alyssa (ngày 23 tháng 1 năm 2019), "What is the El Niño–Southern Oscillation?", Weather, 74 (7): 250–251, doi:10.1002/wea.3404, S2CID 126993827
- ↑ a b c d Wang, Hui-Jun; Zhang, Ren-He; Cole, Julie; Chavez, Francisco (ngày 28 tháng 9 năm 1999), "El Niño and the related phenomenon Southern Oscillation (ENSO): The largest signal in interannual climate variation", Proceedings of the National Academy of Sciences, 96 (20): 11071–11072, doi:10.1073/pnas.96.20.11071, PMC 34246, PMID 10500128, S2CID 24400297
- ↑ a b c d e f Chen, Nan; Thual, Sulian; Stuecker, Malte F. (2019), "El Niño and the Southern Oscillation: Theory", Reference Module in Earth Systems and Environmental Sciences, Elsevier, doi:10.1016/B978-0-12-409548-9.11765-8
- ↑ a b c d e f Chen, Nan; Thual, Sulian; Hu, Shineng (2019), "El Niño and the Southern Oscillation: Observation", Reference Module in Earth Systems and Environmental Sciences, Elsevier, doi:10.1016/B978-0-12-409548-9.11766-X
- ↑ a b c Chang, P.; Zebiak, S.E. (2015), "TROPICAL METEOROLOGY & CLIMATE | El Niño and the Southern Oscillation: Theory", trong North, Gerald R.; Pyle, John; Zhang, Fuqing (bt.), Encyclopedia of Atmospheric Sciences (lxb. 2), Elsevier, tr. 97–101, doi:10.1016/B978-0-12-382225-3.00149-3
- ↑ Power, Scott B.; Kociuba, Greg (ngày 10 tháng 12 năm 2010), "The impact of global warming on the Southern Oscillation Index", Climate Dynamics, 37 (9–10): 1745–1754, doi:10.1007/s00382-010-0951-7, S2CID 92995581
- ↑ Lin, I‐I; Camargo, Suzana J.; Patricola, Christina M.; Boucharel, Julien; Chand, Savin; Klotzbach, Phil; Chan, Johnny C. L.; Wang, Bin; Chang, Ping; Li, Tim; Jin, Fei‐Fei (ngày 23 tháng 10 năm 2020), "ENSO and Tropical Cyclones", trong McPhaden, Michael J.; Santoso, Agus; Cai, Wenju (bt.), El Niño Southern Oscillation in a Changing Climate, Wiley, tr. 377–408, doi:10.1002/9781119548164.ch17