Albert Bandura (sinh ngày 4 tháng 12 năm 1925) là một nhà tâm lý học người Mỹ, đại diện tiêu biểu của lĩnh vực nghiên cứu lý thuyết học tập xã hội. Ông là người khởi xướng lý thuyết nhận thức xã hội, người được biết đến nhiều nhất với nghiên cứu mô hình về sự gây hấn còn được gọi là thí nghiệm búp bê Bobo. Với thí nghiệm này ông chứng minh rằng trẻ em có thể học các hành vi thông qua sự quan sát của người lớn (Jeannette L. Nolen).
Tiểu sử
Tuổi thơ và gia đình
Albert Bandura sinh ngày 4 tháng 12 năm 1925, tại thị trấn Mundare, Alberta, Canada. Đây là một thị trấn mở với khoảng bốn trăm cư dân. Albert Bandura là con út và là con trai duy nhất trong một gia đình có sáu người con. Những hạn chế của giáo dục ở một thị trấn xa xôi như thế này khiến Bandura trở nên độc lập và tự cố gắng về mặt học tập và những đặc điểm này tỏ ra rất hữu ích trong sự nghiệp lâu dài của ông.
Học tập và bắt đầu sự nghiệp
Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1946, Bandura theo học đại học và đạt được bằng cử nhân tại Đại học British Columbia vào năm 1949 với Giải thưởng Bolocan về tâm lý học – giải thưởng hàng năm được trao cho sinh viên xuất sắc về tâm lý học. Sau đó, ông làm việc tại Đại học Iowa, nơi ông nhận bằng thạc sĩ tâm lý học năm 1951 và bằng tiến sĩ tâm lý học lâm sàng năm 1952.
Năm 1953, Bandura giảng dạy tại Đại học Stanford, nơi ông nhanh chóng đạt được học vị giáo sư. Năm 1974, ông được phong giáo sư khoa học xã hội và hai năm sau, ông trở thành trưởng khoa của Khoa tâm lý học. Ông ở lại làm việc tại Đại học Stanford. Đây là trường đại học mà ông đã làm việc suốt cuộc đời của mình. Ở đây ông gặp gỡ nhiều nhà Tâm lý học.
Năm 1961, Bandura đã thực hiện thí nghiệm búp bê Bobo nổi tiếng của mình - một nghiên cứu trong đó những người thực hiện nghiên cứu đã lạm dụng thể chất và lời nói với một món đồ chơi bơm hơi trước mặt trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, khiến trẻ em sau đó bắt chước hành vi của người lớn bằng cách tấn công búp bê cùng một phong cách. Các thí nghiệm sau đó đã cho kết quả tương tự về trẻ em đã tiếp xúc với bạo lực trên băng video.
Đóng góp
Lý thuyết học tập xã hội
Trong lý thuyết học tập xã hội, Albert Bandura (1977) đồng ý với các quan điểm cơ bản của lý thuyết học hành vi, nhưng ông bổ sung thêm hai ý tưởng quan trọng:
- Quá trình trung gian xảy ra giữa các kích thích và phản ứng,
- Hành vi được học từ môi trường thông qua quá trình học tập quan sát.
Quan điểm về học cách quan sát
Trẻ em quan sát những người xung quanh cư xử theo nhiều cách khác nhau. Điều này được minh họa trong thí nghiệm búp bê Bobo (Bandura, 1961). Các cá nhân được quan sát được gọi là mô hình. Trong xã hội, trẻ em được bao quanh bởi nhiều mô hình có ảnh hưởng. Chẳng hạn, như cha mẹ trong gia đình, nhân vật trên chương trình tivi trẻ em, bạn bè trong nhóm cùng lứa tuổi và giáo viên ở trường. Những mô hình này cung cấp các ví dụ về hành vi để trẻ em quan sát và bắt chước. Ví dụ, trẻ em có thể bắt chước nam tính và nữ tính, ủng hộ hay chống đối xã hội, v.v. Trẻ em chú ý đến một số trong những người này (người lý tưởng) và “mã hóa” hành vi của họ. Sau đó, trẻ em có thể bắt chước (tức là sao chép) hành vi mà chúng đã quan sát được. Trẻ em có thể làm điều này bất kể hành vi đó có phù hợp với giới tính, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi hay không. Nhưng có một số quy trình khiến trẻ có khả năng tái tạo hành vi mà xã hội cho là phù hợp với giới tính hay đặc điểm tâm lý của mình. Quá trình bắt chước của trẻ có thể diễn ra như sau: đầu tiên, đứa trẻ có nhiều khả năng tham dự và bắt chước những người mà nó cho là tương tự như chính nó. Do đó, nhiều khả năng bắt chước hành vi được mô hình hóa bởi những người cùng giới.
Thứ hai, những người xung quanh đứa trẻ sẽ phản ứng với hành vi mà nó bắt chước bằng sự củng cố hoặc trừng phạt. Nếu một đứa trẻ bắt chước hành vi của một mẫu người nào đó mà người lớn, nhất là bố mẹ cho là phù hợp thì đứa trẻ có khả năng tiếp tục thực hiện hành vi đó. Nếu một bố mẹ nhìn thấy một cô bé an ủi chú gấu bông của mình và nói rằng bạn là một cô gái tốt bụng, thì đây là hành vi được khuyến khích và đứa trẻ sẽ lặp lại hành vi đó. Hành vi của đứa trẻ đã được củng cố (tức là tăng cường). Củng cố có thể là từ bên ngoài hoặc bên trong và có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Nếu một đứa trẻ được sự chấp thuận từ cha mẹ hoặc bạn bè thì sự chấp thuận này là một sự củng cố bên ngoài. Nhưng khi đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc về việc được chấp thuận thì đây là một sự củng cố bên trong. Một số đứa trẻ sẽ cư xử theo cách mà nó tin rằng sẽ được chấp thuận, vì nó mong muốn được chấp thuận. Củng cố có thể là tích cực hoặc tiêu cực, nhưng yếu tố quan trọng là nó thường sẽ dẫn đến một sự thay đổi trong hành vi của một người.
Thứ ba, đứa trẻ cũng sẽ tính đến những gì xảy ra với người khác khi quyết định có bắt chước hành động của ai đó hay không. Một người học bằng cách quan sát kết quả của hành vi của người khác. Ví dụ, một em gái quan sát chị gái được khen thưởng cho một hành vi cụ thể thì có nhiều khả năng nó sẽ lặp lại hành vi đó của chị mình. Điều này được gọi là củng cố gián tiếp. Trẻ em sẽ có một số mô hình mà chúng xác định để bắt chước. Đây có thể là những người mà nó giáo tiếp trực tiếp. Chẳng hạn, như cha mẹ hoặc anh chị lớn tuổi, hoặc có thể là nhân vật tưởng tượng hoặc người trên phương tiện truyền thông. Động lực để đứa trẻ xác định với một mô hình cụ thể là những người này có một phẩm chất mà cá nhân đứa trẻ muốn sở hữu. Nhận dạng về mô hình mà đứa trẻ bắt chước (người mẫu lý tưởng) liên quan đến việc thực hiện (hoặc chấp nhận) các hành vi, giá trị, niềm tin và thái độ mà đứa trẻ quan sát được ở những người đó.
Quy trình trung gian
Lý thuyết học tập xã hội thường được mô tả là "cầu nối" giữa lý thuyết học tập truyền thống (nghĩa là chủ nghĩa hành vi) và phương pháp nhận thức. Điều này là do nó tập trung vào cách các yếu tố tinh thần (nhận thức) tham gia vào việc học. Không giống như Skinner, Bandura tin rằng con người là những người xử lý thông tin tích cực và suy nghĩ về mối quan hệ giữa hành vi của họ và hậu quả của nó. Học tập quan sát không thể xảy ra trừ khi các quá trình nhận thức đang hoạt động. Các yếu tố tinh thần này làm trung gian (tức là can thiệp) vào quá trình học tập để xác định xem có đáp ứng mới hay không. Do đó, các cá nhân không tự động quan sát hành vi của một mô hình và bắt chước nó. Cá nhân có một số suy nghĩ trước khi bắt chước, và sự xem xét này được gọi là các quá trình trung gian. Điều này xảy ra giữa việc quan sát hành vi (kích thích) và bắt chước hay không (phản hồi). Có bốn quy trình trung gian được Bandura đề xuất:
- Chú ý : mức độ tiếp xúc/chú ý hành vi. Để một hành vi được bắt chước, nó phải thu hút sự chú ý của chúng ta. Chúng ta quan sát nhiều hành vi hàng ngày và nhiều trong số đó chúng không đáng chú ý. Do đó, sự chú ý là vô cùng quan trọng đối với việc bắt chước hành vi của người khác.
- Ghi nhớ : làm thế nào để hành vi được ghi nhớ. Hành vi có thể được chú ý nhưng không phải lúc nào nó cũng được nhớ rõ ràng và dẫn tới việc không bắt chước. Do đó, điều quan trọng là bộ nhớ về hành vi được hình thành ở người quan sát. Phần lớn học tập xã hội không phải diễn ra ngay lập tức. Vì vậy, quá trình ghi nhớ đặc biệt quan trọng với việc bắt chước. Ngay cả khi hành vi được sao chép ngay sau khi cá nhân nhìn thấy nó, nhưng cần phải có một bộ nhớ để chủ thể tham khảo.
- Tái tạo: đây là khả năng thực hiện hành vi mà “người mẫu” vừa thể hiện. Chúng ta thấy nhiều hành vi hàng ngày mà chúng tôi muốn có thể bắt chước, nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể. Chúng ta bị giới hạn bởi khả năng thể chất của mình và vì lý do đó, ngay cả khi chúng tôi muốn tái tạo hành vi, chúng ta cũng không thể. Điều này ảnh hưởng đến quyết định của chúng ta có nên thử và bắt chước nó hay không. Hãy tưởng tượng kịch bản của một bà cụ 90 tuổi, cố gắng để đi bộ xem Dancing on Ice. Cụ bà có thể đánh giá cao kỹ năng của diễn viên và xem đây một điều mong muốn làm theo, nhưng cụ bà này sẽ không cố gắng bắt chước vì bà ta không thể làm được. Hay khi chúng ta đi xem xiếc, chúng ta thấy nhiều hành động nhào lộn đẹp, hấp dẫn, chúng ta muốn học, nhưng chúng ta không cố gắng để học, vì chúng vượt quá khả năng của chúng ta.
- Động lực: đây là ý chí thực hiện hành vi. Phần thưởng và hình phạt khi tuân theo một hành vi sẽ được người quan sát xem xét. Nếu phần thưởng nhận được lớn hơn chi phí cảm nhận (nếu có), thì hành vi sẽ có nhiều khả năng được người quan sát bắt chước. Nếu sự củng cố gián tiếp không được coi là đủ quan trọng đối với người quan sát, thì họ sẽ không bắt chước hành vi.
Đánh giá
Lý thuyết học tập xã hội không phải là một giải thích đầy đủ, hoàn chỉnh. Lý thuyết học tập cung cấp một lời giải thích toàn diện hơn về việc học của con người bằng cách nhận ra vai trò của các quá trình trung gian. Tuy nhiên, mặc dù nó có thể giải thích một số hành vi khá phức tạp, nhưng nó không thể giải thích thỏa đáng cho chúng ta về phát triển toàn bộ phạm vi của hành vi bao gồm cả suy nghĩ và cảm xúc. Chúng ta có nhiều cách kiểm soát nhận thức đối với hành vi của chúng ta và chỉ vì chúng ta đã có kinh nghiệm về hậu quả xấu của hành vi thì chúng ta không tái tạo hành vi ấy nữa. Chính vì lý do này mà Bandura đã sửa đổi lý thuyết của mình vào năm 1986 đổi tên thành Lý thuyết học tập xã hội . Lý thuyết nhận thức xã hội (Social Cognitive Theory- SCT), như một mô tả tốt hơn về cách chúng ta học hỏi từ kinh nghiệm xã hội. Lý thuyết học tập xã hội không phải là một lời giải thích đầy đủ cho tất cả các hành vi. Điều này đặc biệt xảy ra khi không có mô hình về vai trò một cách rõ ràng trong cuộc sống của ai đó để bắt chước một hành vi nhất định.
Bandura có quan điểm đối lập với những người theo thuyết hành vi cấp tiến. Bandura xem xét các yếu tố nhận thức như tác nhân gây bệnh trong hành vi của con người. Trong lý thuyết nhận thức xã hội của mình, ông quan tâm đến sự tương tác giữa nhận thức, hành vi và môi trường .
Trong phần lớn sự nghiệp khoa học của mình, Bandura tập trung vào việc xem xét các đặc điểm tính cách của trẻ em qua việc học theo mô hình. Trong khi đa số các quan điểm cho rằng trẻ em học bằng cách bắt chước người khác, ít nghiên cứu được thực hiện một cách chính thức về chủ đề này trước khi Neal Miller và John Dollard xuất bản cuốn sách Học xã hội và Bắt chước vào năm 1941. Bandura là người duy nhất có công lao trong việc xây dựng một nền tảng thực nghiệm vững chắc cho khái niệm học tập thông qua mô hình, hoặc bắt chước. Ông cho thấy rằng mô hình đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác định suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Bandura tuyên bố rằng thực tế bất cứ điều gì con người có thể học bằng kinh nghiệm trực tiếp, cũng có thể học bằng mô hình. Hơn nữa, học bằng mô hình sẽ xảy ra mặc dù cả người quan sát và người làm thực nghiệm đều không được khích lệ khi thực hiện một hành động cụ thể. Sự khích lệ sẽ tác động nhiều hơn hình phạt đối với người học. Việc đứa trẻ có thể học mà không thực sự được khen thưởng hay trừng phạt bản thân mình là một khái niệm được gọi là học tập gián tiếp.
Tâm lý học Việt Nam
Những nghiên cứu của Bandura có ảnh hưởng khá lớn đến các nhà tâm lý học và giáo dục học Việt Nam trong các nghiên cứu tâm lý học xã hội, trong hoạt động giáo dục. Các tư tưởng, quan điểm của ông được trích dẫn trong nhiều nghiên cứu, trong các luận án tiến sỹ tâm lý học ở Việt Nam trong những năm gần đây.
Tài liệu tham khảo
- Vũ Dũng (chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb Từ điển bách khoa , Hà Nội 2008.
- Raymond J. Corsini. The Dictionary of Psychology. Copyrigght 1999 Taylor & Francis.
The Gale Encyclopedia of Psychology, second edition, Bonnie R. Strickland, Executive editor. Copyright 2001 Gale Group 27500 Drake Rd.