Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Mất tính tự chủ
Phiên bản vào lúc 21:39, ngày 26 tháng 9 năm 2023 của Marrella (Thảo luận | đóng góp) (Marrella đã đổi Mất tính tự chủ (Tên cũ: Bi quan để tự vệ) thành Mất tính tự chủ)
(khác) ← Phiên bản cũ | xem phiên bản hiện hành (khác) | Phiên bản mới → (khác)

Mất tính tự chủ (còn gọi là bi quan để tự vệ) là một trạng thái tâm lý của cá nhân, biểu hiện ở sự giảm ý thức, dẫn đến có hành vi dễ chịu sự tác động bởi tình huống hiện tại hoặc các chuẩn mực nhóm hơn các chuẩn mực cá nhân hoặc chuẩn mực xã hội.

Mất tính tự chủ thường dễ xảy ra khi các cá nhân đắm chìm trong một nhóm hỗn tạp, nhưng cũng có thể xảy ra ngoài nhóm khi các dấu hiệu tình huống bên ngoài thu hút mạnh sự quan tâm của cá nhân, làm mất sự chú ý của họ vào bản thân.

Gustave Le Bon, năm 1895, đề xuất rằng một đám đông người có thể trở thành một thực thể thống nhất, vận hành như thể được hướng dẫn bởi một bộ óc tập thể, với những cảm xúc và hành vi dễ dàng lan truyền từ người này sang người khác. Festinger Pepitone và Newcomb là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ mất tính tự chủ và mô tả nó như một hiện tượng mà ở đó các cá nhân đắm chìm trong một nhóm, đến mức họ tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, những hành vi lệch lạc. Những ý tưởng này đã được mở rộng và hoàn thiện trong những năm sau đó bởi nhiều nhà tâm lý học xã hội Mỹ và châu Âu. Nhiều lý thuyết đã được phát triển và hàng chục thí nghiệm được thực hiện đã xác định được các yếu tố quan trọng có thể dẫn đến mất tính tự chủ.

Mất tính tự chủ có thể giúp giải thích nhiều dạng hành vi tập thể chống đối xã hội. Ví dụ, những kẻ bạo loạn có thể cảm thấy mất thể diện và không thể làm chủ giữa một đám đông vô thức; những người hâm mộ thể thao có thể hét lên những lời tục tĩu vào trọng tài khi chìm trong đám đông những cổ động viên.

Các nghiên cứu mất tính tự chủ đã xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện và mức độ mất tính tự chủ như sau:

  • Quy mô nhóm: khi quy mô của nhóm hoặc quy mô đám đông tăng lên, thì khả năng mất tính tự chủ cũng tăng theo.
  • Tính nặc danh: một số nghiên cứu cho rằng tính nặc danh đóng một vai trò quan trọng đối với mất tính tự chủ. Ví dụ, Zimbardo đã phát hiện ra rằng: những phụ nữ mặc áo khoác và mũ trùm đầu quá khổ trong phòng thí nghiệm sẵn sàng gây sốc điện cho người khác hơn những phụ nữ mặc quần áo bình thường và đeo bảng tên. Một nghiên cứu thông minh của Diener và các đồng nghiệp về lừa đảo hoặc người bị lừa trong lễ hội Halloween ở Seattle đã minh họa thêm tầm quan trọng của tính nặc danh (các nhà quan sát ngầm nhận ra rằng những đứa trẻ không cung cấp thông tin về bản thân có khả năng lấy thêm kẹo nhiều hơn gấp đôi so với những đứa trẻ cung cấp thông tin về bản thân).

Le Bon giải thích lý do của hành bất thường của cá nhân trong đám đông bởi tính chất vô danh của đám đông, Những cá nhân trong điều kiện bình thường, sợ mất danh dự hoặc sợ bị trừng phạt, luôn thận trọng khi hành động. Nhưng khi hòa mình vào đám đông, họ tìm thấy chỗ dựa tinh thần to lớn của đám đông, đặc biệt, khi đám đông mang tính vô danh, hợp rồi lại tan, tinh thần trách nhiệm ràng buộc các cá nhân không còn. Vì thế, họ không sợ những hậu quả có thể xảy ra do hành động của cá nhân họ gây ra, họ buông theo tiếng gọi của tình cảm, bản năng.

Những trải nghiệm làm giảm khả năng nhận thức về bản thân cũng có thể góp phần tạo ra mất tính tự chủ. Nhận dạng nhóm cũng là một nguyên nhân của mất tính tự chủ. Reicher, Spears và Postmes cho rằng mất tính tự chủ xảy ra khi các cá nhân chuyển sự chú ý từ bản sắc cá nhân họ sang một bản sắc xã hội hoặc tập thể nhiều hơn và do đó, chú ý đến các chuẩn mực nhóm và chuẩn mực xã hội trong bối cảnh xã hội tức thời hơn là các chuẩn mực cá nhân.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Hiệp (Chủ biên), Tâm lý học xã hội: Những vấn đề lý luận, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
  2. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
  3. Alan E. Kazdin (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology, American Psychological Association, Oxford University Press, Vol. 8, 2000.
  4. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.