Dengue hay sốt dengue là bệnh do virus dengue gây ra và lây truyền qua muỗi.[1] Triệu chứng ở đa số người mắc là nhẹ hoặc không có, dù vậy cũng có khi bệnh nặng và gây tử vong.[1][2] Sau thời gian ủ bệnh 3 đến 7 ngày, triệu chứng đột ngột xuất hiện theo sau là ba giai đoạn: sốt, cao trào, và hồi phục.[3][2] Giai đoạn đầu kéo dài 3–7 ngày và người bệnh thường sốt cao, ớn lạnh, nôn mửa, khó chịu, đau đầu, đau cơ xương khớp.[4] Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân bước sang giai đoạn hai với hội chứng rò mạch hệ thống xảy ra khoảng lúc hạ sốt mà có thể dẫn đến hội chứng sốc dengue đe dọa tính mạng.[3][4] Xuất huyết hay gặp ở giai đoạn này nhưng thường là nhẹ.[4] Nếu được chăm sóc hỗ trợ tốt, người bị biến chứng sẽ bình phục hoàn toàn sau 1–2 tuần.[4]
Virus dengue là virus RNA sợi đơn thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, bao gồm bốn loại DEN1 đến DEN4.[2] Muỗi Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh chính mang virus từ người sang người.[5] Virus tồn tại ở môi trường đô thị chỉ có vật chủ là muỗi và người, ở rừng thì chủ yếu lây giữa linh trưởng qua muỗi, ở vùng cô lập (như đảo hay làng nhỏ) thì sẽ biến mất khi có miễn dịch cộng đồng.[2][3] Con đường lây khác là truyền máu, ghép tạng, chấn thương vật nhọn, mẹ truyền sang con lúc sinh.[4] Khi muỗi đốt, virus được đưa vào trung bì hoặc biểu bì, một số vào thẳng máu.[5] Ở da, virus nhiễm vào đại thực bào, tế bào tua, và tế bào Langerhans.[5] Những tế bào này di chuyển đến hạch bạch huyết kích thích huy động bạch cầu đơn nhân và đại thực bào là những mục tiêu tiếp theo.[6] Kết quả ngày càng nhiều tế bào bị nhiễm và virus phân tán khắp hệ bạch huyết.[6]
Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban hành năm 1975 và cập nhật năm 1997, dengue lâm sàng được phân thành sốt dengue và sốt xuất huyết dengue.[7] Tuy nhiên cách phân loại này bị cho có những điểm không hợp lý, như là định nghĩa sốt xuất huyết dengue quá cứng nhắc và khó áp dụng trong bối cảnh hạn chế nguồn lực, hoặc nó bỏ qua một tỷ lệ đáng kể ca bệnh nặng.[7] Vào năm 2009 WHO ban hành hướng dẫn mới phân loại theo mức độ bệnh, bao gồm dengue (thể không nặng) và dengue thể nặng.[7] Kiểu phân loại này chủ yếu phục vụ quản trị bệnh nhân, ít chú trọng đến sinh lý bệnh ẩn sau.[7] Việc nới lỏng tiêu chí phân loại và gộp chung những biểu hiện và cơ chế khác biệt vào cùng một loại là điểm trừ khiến những khía cạnh không được hiểu sâu và gây trở ngại cho nghiên cứu.[7]
Dengue thịnh hành ở nơi khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, tập trung ở các khu đô thị và bán đô thị.[1] Toàn cầu hóa và đô thị hóa trong thế kỷ 20 và 21 đã giúp bệnh lây lan nhanh chóng và rộng khắp, dẫn đến gia tăng tần suất và cấp độ các đợt dịch.[5] Số ca bệnh được báo cáo tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây, từ hơn 500.000 năm 2000 lên 5,2 triệu năm 2019.[1] Ước tính mỗi năm có 390 triệu ca mắc và 3,9 tỷ người ở 128 quốc gia đối diện nguy cơ.
Tham khảo
- ↑ a b c d Dengue and severe dengue, World Health Organization, ngày 17 tháng 3 năm 2023, truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2023
- ↑ a b c d Kularatne, Senanayake Abeysinghe; Dalugama, Chamara (tháng 1 năm 2022), "Dengue infection: Global importance, immunopathology and management", Clinical Medicine, Royal College of Physicians, 22 (1): 9–13, doi:10.7861/clinmed.2021-0791, PMC 8813012, PMID 35078789, S2CID 246286932
- ↑ a b c Simmons, Cameron P.; Farrar, Jeremy J.; van Vinh Chau, Nguyen; Wills, Bridget (ngày 12 tháng 4 năm 2012), "Dengue", New England Journal of Medicine, Massachusetts Medical Society, 366 (15): 1423–1432, doi:10.1056/NEJMra1110265, PMC 9253990, PMID 22494122, S2CID 53143209
- ↑ a b c d e Wilder-Smith, Annelies; Ooi, Eng-Eong; Horstick, Olaf; Wills, Bridget (tháng 1 năm 2019), "Dengue", The Lancet, Elsevier BV, 393 (10169): 350–363, doi:10.1016/S0140-6736(18)32560-1, PMID 30696575, S2CID 208789595
- ↑ a b c d Guzman, Maria G.; Gubler, Duane J.; Izquierdo, Alienys; Martinez, Eric; Halstead, Scott B. (ngày 18 tháng 8 năm 2016), "Dengue infection", Nature Reviews Disease Primers, Springer Science and Business Media LLC, 2 (1), doi:10.1038/nrdp.2016.55, PMID 27534439, S2CID 248510
- ↑ a b Martina, Byron E. E.; Koraka, Penelope; Osterhaus, Albert D. M. E. (tháng 10 năm 2009), "Dengue Virus Pathogenesis: an Integrated View", Clinical Microbiology Reviews, American Society for Microbiology, 22 (4): 564–581, doi:10.1128/cmr.00035-09, PMC 2772360, PMID 19822889, S2CID 3256459
- ↑ a b c d e Srikiatkhachorn, A.; Rothman, A. L.; Gibbons, R. V.; Sittisombut, N.; Malasit, P.; Ennis, F. A.; Nimmannitya, S.; Kalayanarooj, S. (ngày 15 tháng 10 năm 2011), "Dengue—How Best to Classify It", Clinical Infectious Diseases, Oxford University Press (OUP), 53 (6): 563–567, doi:10.1093/cid/cir451, PMC 3202316, PMID 21832264, S2CID 39539803