Mục từ này cần được bình duyệt
Sao Mộc
Phiên bản vào lúc 16:07, ngày 24 tháng 3 năm 2023 của Marrella (Thảo luận | đóng góp)
Sao Mộc và vệ tinh Europa ở bên trái.

Sao Mộc là hành tinh thứ năm tính từ Mặt Trời[1] và hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó là một hành tinh khí khổng lồ có khối lượng gấp hơn 2,5 lần toàn bộ những hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời cộng lại và gần bằng 1/1000 khối lượng Mặt Trời. Sao Mộc là vật thể tự nhiên sáng thứ ba trên bầu trời đêm của Trái Đất và đã được con người trông thấy từ xa xưa.[2]

Sao Mộc có thành phần hóa học chủ yếu là hydroheli, tuy nhiên tỷ phần nguyên tố chính xác chưa được biết. Nhiệt sinh ra từ phần trong đang co lại nhiều hơn nhiệt nhận từ Mặt Trời. Vì tốc độ quay quanh trục nhanh khoảng 10 giờ Trái Đất một vòng,[3] Sao Mộc có hình dạng cầu dẹt, hơi phình ở xích đạo. Khí quyển ngoài được phân thành các dải theo vĩ độ và dọc ranh giới chúng tương tác là nhiễu loạn và bão tố. Ví dụ điển hình là Đốm Đỏ Lớn, một cơn bão khổng lồ đã được quan sát từ năm 1831 hoặc có thể sớm hơn.

Sao Mộc có vành đai mờ bao quanh và từ quyển mạnh với đuôi từ dài gần 800 triệu km. Số vệ tinh đã biết của Sao Mộc là 95 và khả năng còn nhiều, nổi bật là bốn vệ tinh lớn được Galileo Galilei phát hiện vào năm 1610 là Io, Europa, Ganymede, và Callisto. Ganymede lớn hơn cả hành tinh là Sao Thủy còn Io và Europa thì gần bằng Mặt Trăng của Trái Đất.

Pioneer 10 là tàu vũ trụ đầu tiên bay gần Sao Mộc, đạt khoảng cách gần nhất hơn 130.000 km vào tháng 12 năm 1973. Kể từ đó đã có nhiều tàu không gian tiếp cận hành tinh này, khởi đầu với các nhiệm vụ flyby của PioneerVoyager từ năm 1973 đến 1979.[4] Galileo là tàu không gian đầu tiên đi vào quỹ đạo Sao Mộc từ tháng 12 năm 1995.[4] Vào năm 2007 tàu New Horizons đến gần Sao Mộc để nhận hỗ trợ hấp dẫn giúp tăng tốc và bẻ hướng đến Sao Diêm Vương. Juno là tàu gần nhất ghé thăm Sao Mộc, nhập quỹ đạo hành tinh vào tháng 7 năm 2016.

Tham khảo

  1. McAnally 2008, tr. 7.
  2. McAnally 2008, tr. 5.
  3. Elkins-Tanton 2011, tr. 14.
  4. a b Missions to Jupiter, European Space Agency, ngày 1 tháng 9 năm 2019, truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2023

Sách