Tham khảo enwikipedia
Một bản dịch tạm từ wikipedia tiếng Anh, phần đầu bài Socialism:
Chủ nghĩa xã hội là một phong trào và hệ tư tưởng kinh tế tả khuynh bao hàm một phạm vi các hệ thống kinh tế mang đặc điểm sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất là hình thức chủ đạo, đối lập với sở hữu tư nhân. Thuật ngữ này diễn tả các phong trào và học thuyết chính trị, kinh tế, xã hội liên quan đến việc thực hành các hệ thống như vậy. Sở hữu xã hội có thể là nhà nước, cộng đồng, tập thể, hợp tác xã, người làm công. Chủ nghĩa xã hội gồm nhiều loại và không có một định nghĩa tóm lược nhưng chứa đựng yếu tố chung là sở hữu xã hội. Sự khác biệt giữa các loại đến từ vai trò của thị trường và việc lập kế hoạch trong phân bổ nguồn lực, cơ cấu quản lý trong tổ chức, cách thức chọn ra người đứng đầu. Những người xã hội chủ nghĩa bất đồng về việc liệu chính quyền, nhất là hiện thời, có là công cụ đúng đắn cho sự đổi thay.
Chủ nghĩa xã hội có thể được phân thành hai loại là thị trường và phi thị trường. Chủ nghĩa xã hội phi thị trường thay thế yếu tố thị trường và thường cả tiền tệ bằng việc lập kế hoạch kinh tế hay tiêu chí kỹ thuật dựa trên tính bằng hiện vật, do đó tạo ra một cơ chế kinh tế khác biệt vận hành theo những quy luật và động lực kinh tế khác với chủ nghĩa tư bản. Một hệ thống xã hội chủ nghĩa phi thị trường hướng đến loại bỏ những sự thiếu hiệu quả, bất hợp lý, không thể lường, và khủng hoảng mà những người xã hội chủ nghĩa vẫn luôn gán cho tích lũy tư bản và lợi nhuận trong chủ nghĩa tư bản. Trái lại, chủ nghĩa xã hội thị trường giữ lại yếu tố thị trường, giá trị tiền tệ và đôi khi cả động cơ lợi nhuận đối với hoạt động của những doanh nghiệp thuộc sở hữu xã hội và việc phân bổ hàng hóa vốn giữa chúng. Lợi nhuận sinh ra từ những doanh nghiệp này sẽ trực tiếp về tay lực lượng lao động của mỗi doanh nghiệp hoặc dồn hết cho xã hội dưới dạng cổ tức xã hội. Chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa xã hội tự do phản đối việc sử dụng nhà nước làm công cụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ủng hộ phi tập trung hóa trên hết cho dù là chủ nghĩa xã hội thị trường hay phi thị trường.
Dân chủ xã hội hình thành trong lòng phong trào xã hội chủ nghĩa, ủng hộ hành động can thiệp kinh tế và xã hội để xúc tiến công bằng xã hội.